Câu hỏi: Thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo chí
Xin được luật sư tư vấn về các thủ tục cấp giấy phép của hoạt động báo chí, xin cảm ơn.
Luật sư Tư vấn Thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo chí – Gọi 1900.0191
Xin cảm ơn quý khách đã tin tưởng và gửi thắc mắc đề nghị được tư vấn luật đến Công ty Luật LVN. Để thuận tiện cho việc quý khách có thể theo dõi cũng như xem lại nội dung tư vấn của chúng tôi, bộ phận Tư vấn pháp luật đã biên tập lại nội dung thành các Ấn bản thông tin pháp luật miễn phí và đăng tải trên website: wikiluat.com và luatlvn.com.
Đối với câu hỏi này, dựa trên những thông tin mà khách hàng cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ghi nhận tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản thỏa thuận được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1. Thời điểm sự kiện pháp lý
Ngày 19 tháng 09 năm 2017
2. Cơ sở pháp lý
Luật báo chí 2016
Thông tư 48/2016/TT-BTTTT
Thông tư 36/2016/TT-BTTTT
3. Luật sư trả lời
Hoạt động báo chí là hoạt động sáng tạp tác phẩm báo chí, sản phẩm báo chí, sản phẩm thông tin có tính chất báo chí; cung cấp thông tin và phản hồi thông tin cho báo chí; cái chính thông tin trên báo chí; xuất bản, in, phát hành báo in; truyền dẫn báo điện từ và truyền dẫn, phát sóng báo nói, báo hình.
Báo chí là một trong nhưng kênh truyền tải thông tin đến người dân quan trọng nhất do vậy, quản lý hoạt động báo chí là vô cùng quan trọng do hoạt động này có tác động rất lớn đến đời sống xã hội. Để được hoạt động báo chí, tổ chức phải được cấp giấy phép hoạt động báo chí.
1. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí. (Điều 17 Luật báo chí 2016)
Điều 17. Điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí
1. Xác định loại hình báo chí; tôn chỉ, Mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ; chương trình, thời gian, thời lượng, phương thức truyền dẫn, phát sóng (đối với báo nói, báo hình); tên miền, nơi đặt máy chủ và đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối (đối với báo điện tử).
2. Có phương án về tổ chức và nhân sự bảo đảm hoạt động của cơ quan báo chí; có người đủ tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 2 Điều 23 của Luật này để đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan báo chí.
3. Có tên và hình thức trình bày tên cơ quan báo chí; tên và hình thức trình bày tên ấn phẩm báo chí; tên và biểu tượng kênh phát thanh, kênh truyền hình; tên và hình thức trình bày tên chuyên trangcủa báo điện tử.
4. Có trụ sở và các Điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; phương án tài chính; có các giải pháp kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; đối với báo điện tử phải có ít nhất một tên miền “.vn” đã đăng ký phù hợp với tên báo chí và sử dụng hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam; đối với báo nói, báo hình phải có phương án, kế hoạch thuê hoặc sử dụng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng.
5. Phù hợp với quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, tổ chức phải đáp ứng phù hợp các điều kiện cơ bản để đi vào hoạt động báo chí: loại hình báo chí; tôn chỉ, Mục đích phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản; đối tượng phục vụ; chương trình, thời gian, thời lượng, phương thức truyền dẫn, phát sóng; tên miền, nơi đặt máy chủ và đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối.; đảm bảo về các điều kiện nhân sự, tên và biểu tượng của cơ quan, ấn phẩm,… đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, an toàn thông tin và đặc biệt là phải phù hợp với quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. (xem chi tiết tại đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025)
2. Thủ tục cấp giấy phép hoạt động báo chí
Đối với các tổ chức đủ điều kiện cấp giấy phép hoạt động báo chí có thể xin cấp giấy phép hoạt động theo quy trình sau:
- Đối với hoạt động báo in (gồm báo in, tạp chí in)
Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính một bộ hồ sơ về bộ Thông tin và Truyền thông.
Hồ sơ gồm có:
– Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in (Mẫu số 01 kèm theo thông tư 48/2016/TT-BTTTT)
– Đề án hoạt động báo in có xác nhận của cơ quan, tổ chức gồm các nội dung sau:
Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;
Trình bày việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 17 Luật báo chí và các tài liệu kèm theo;
Kết cấu và các nội dung của ấn phẩm.
– Danh sách sự kiến nhân sự của báo in (Mẫu số 02 kèm theo thông tư 48/2016/BTTTT)
– Sơ yếu lý lịch người sự kiến là tổng biên tập (Mẫu số 03 kèm theo thông tư 48/2016/BTTTT)
– Mẫu trình bày tên gọi của ấn phẩm báo chí có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo in.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo in; trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trong trường hợp cơ quan báo chí muốn sản xuất thêm ấn phẩm báo chí, muốn xuất bản phụ trương thì xem thêm Điều 7, 8 Thông tư 48/2016/TT-BTTTT
- Đối với hoạt động báo điện tử (gồm báo điện tử, tạp chí điện tử)
Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính một bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Hồ sơ gồm có:
– Tờ khai đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo điện tử (Mẫu số 05 kèm theo thông tư 48/2016/TT-BTTTT);
– Đề án hoạt động báo điện tử có xác nhận của cơ quan, tổ chức, gồm các nội dung sau:
Sự cần thiết và cơ sở pháp lý;
Trình bày việc đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 17 Luật báo chívà các tài liệu kèm theo;
Kết cấu và nội dung chính các chuyên trang, chuyên mục của báo điện tử; các chuyên mục của chuyên trang của báo điện tử;
Tổ chức thực hiện, quy trình xuất bản và quản lý nội dung.
– Danh sách dự kiến nhân sự của báo điện tử (Mẫu số 02 kèm theo thông tư 48/2016/TT-BTTTT).
– Sơ yếu lý lịch người dự kiến là tổng biên tập (Mẫu số 03 kèm theo thông tư 48/2016/TT-BTTTT);
– Bản in màu giao diện trang chủ báo điện tử có xác nhận của cơ quan, tổ chức đề nghị cấp phép. Trang chủ của báo điện tử phải hiển thị các thông tin: Tên báo điện tử; tên cơ quan chủ quản báo chí; tên miền; số giấy phép, ngày cấp, cơ quan cấp giấy phép; địa chỉ trụ sở chính; số điện thoại, fax, thư điện tử; họ và tên tổng biên tập;
– Văn bản chứng minh sở hữu tên miền còn thời gian sử dụng tối thiểu 06 tháng tính từ thời điểm đề nghị cấp phép.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép hoạt động báo điện tử ; trường hợp từ chối cấp phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
- Đối với hoạt động báo hình, báo nói
Cơ quan, tổ chức đề nghị cấp giấy phép hoạt động phát thanh, giấy phép hoạt động truyền hình nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính một bộ hồ sơ về Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).
Hồ sơ gồm có:
– Văn bản đề nghị của cơ quan chủ quản;
– Tờ khai của cơ quan chủ quản đề nghị cấp giấy phép hoạt động phát thanh, giấy phép hoạt động truyền hình (Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này);
– Đề án thành lập tổ chức hoạt động phát thanh, truyền hình được cơ quan chủ quản phê duyệt (Mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư 36/2016/TT-BTTTT);
– Danh sách nhân sự dự kiến (Mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư 36/2016/TT-BTTTT);
– Các giấy tờ hợp pháp của người dự kiến là người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoạt động phát thanh, truyền hình, gồm có: Sơ yếu lý lịch (Mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư 36/2016/TT-BTTTT); Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học trở lên; Bản sao Thẻ Nhà báo còn hiệu lực.
Trong thời hạn tối đa 90 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét cấp phép cho cơ quan, tổ chức. Trường hợp từ chối, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời, trong đó nêu rõ lý do từ chối.
Trường hợp đề nghị cấp phép hoạt động cả hai loại hình báo nói, báo hình, cơ quan chủ quản phải làm hồ sơ riêng đối với từng loại hình báo chí cụ thể. Cơ quan báo in, báo điện tử khi có nhu cầu thực hiện loại hình báo nói, báo hình, căn cứ quy định của Luật Báo chí, cơ quan chủ quản gửi hồ sơ đề nghị cấp phép theo quy định của Thông tư 36/2016/TT-BTTTT.
Trên đây là tư vấn của Công ty Luật LVN đối với trường hợp của quý khách. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật qua điện thoại miễn phí số: 1900.0191 để có thể được giải đáp nhanh nhất.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.