ĐỊNH GIÁ CÔNG NGHỆ VÀ VAI TRÒ CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN THỊ TRƯỜNG CÔNG NGHỆ
TS. VŨ TRƯỜNG SƠN & THS. LÊ VŨ TOÀN – Trường Quản lý KH&CN – Bộ KH&CN
Phát triển thị trường công nghệ (TTCN) là một trong những định hướng chính của hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện nay. Trong đó, việc định giá công nghệ được xem là yếu tố quan trọng để khai thác, thương mại hóa và chuyển giao công nghệ (CGCN).
Việc xác định và định giá được công nghệ là căn cứ quan trọng cho cả bên giao công nghệ[1] lẫn bên nhận công nghệ[2] thực hiện thành công giao dịch công nghệ. Mặc dù vậy, cho đến nay việc vận dụng các văn bản/quy định hiện hành để định giá công nghệ còn nhiều khó khăn và vướng mắc trong thực tế. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích hiện trạng, chỉ ra một số bất cập trong áp dụng các quy định pháp luật để định giá công nghệ, qua đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm giải quyết vấn đề.
Hiện trạng khung pháp lý cho định giá công nghệ hiện nay
Luật KH&CN[3] (Điều 3.2) cũng như Luật CGCN[4] (Điều 3.2) đều định nghĩa: công nghệ là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo hoặc không kèm theo công cụ, phương tiện dùng để biến đổi nguồn lực thành sản phẩm. Công nghệ theo định nghĩa này bao gồm: hoặc là giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật có kèm theo công cụ, phương tiện; hoặc giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật không kèm theo công cụ, phương tiện. Do đó công nghệ có thể là tài sản vô hình (giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật) hoặc là cả tài sản vô hình và tài sản hữu hình (công cụ, phương tiện)[5].
Đối với hoạt động định giá nói chung, trong đó có định giá công nghệ thì phải tuân thủ các quy định của Luật Giá[6] và các nghị định, thông tư hướng dẫn, trong đó có hệ thống 13 tiêu chuẩn định giá Việt Nam. Tại Điều 21, Khoản 2 của Luật Giá quy định về phương pháp định giá, cụ thể: a) Bộ Tài chính quy định phương pháp định giá chung đối với hàng hóa, dịch vụ; b) Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp định giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền định giá của mình.
Như vậy, Bộ Tài chính đưa ra phương pháp định giá chung, đối với hàng hóa là công nghệ, thuộc thẩm quyền của Bộ KH&CN thì Bộ KH&CN có trách nhiệm hướng dẫn, quy định. Với cách hiểu như vậy thì pháp luật về định giá công nghệ là pháp luật chuyên ngành, chứa đầy đủ các yếu tố dân sự, hành chính và hình sự. Pháp luật về định giá công nghệ ở Việt Nam chủ yếu thuộc hệ thống luật tư[7]; một số khía cạnh hình sự và khía cạnh hành chính của pháp luật về định giá công nghệ được điều chỉnh bởi luật hình sự và luật hành chính và thuộc hệ thống luật công. Các đạo luật liên quan như Luật Dân sự và tố tụng dân sự, Luật Doanh nghiệp, Luật Hình sự và tố tụng hình sự cùng với Luật Giá, Luật KH&CN, Luật CGCN và nghị định hướng dẫn Luật, Thông tư 31/2011/TT-BKHCN (Thông tư 31), Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC[8] ngày 17/12/2014 (Thông tư 39) đã tạo thành pháp luật về đánh giá, định giá công nghệ và môi giới CGCN. Trong hệ thống này, các hoạt động đánh giá, định giá công nghệ và môi giới CGCN được ưu tiên đầu tư, phát triển.
Một trong những tiêu chuẩn thẩm định giá được ban hành gần đây đã tiệm cận nhiều hơn với thực tế định giá công nghệ là Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13[9] thẩm định giá tài sản vô hình. Tiêu chuẩn thẩm định giá số 13 đã nêu rõ các cách tiếp cận trong thẩm định giá tài sản vô hình bao gồm: cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập. Mỗi cách tiếp cận bao gồm nhiều phương pháp thẩm định giá khác nhau. Trên cơ sở đó, khi định giá công nghệ thì căn cứ vào mục đích định giá, thời điểm định giá, các thông tin và số liệu về tài sản cần định giá có thể thu thập được để lựa chọn cách tiếp cận định giá phù hợp.
Bên cạnh đó, chủ sở hữu của các công nghệ được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp còn có quyền ngăn cấm người khác sử dụng công nghệ[10] đó. Trong trường hợp này, người khác chỉ có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng công nghệ nếu được chủ sở hữu công nghệ chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng. Như vậy, quyền bảo hộ công nghiệp và thời gian bảo hộ còn lại cũng là một trong những yếu tố dùng để định giá công nghệ.
Tổ chức định giá công nghệ
Hiện tại, các tổ chức/cá nhân cung ứng dịch vụ định giá theo Luật Giá đều đăng ký định giá công nghệ, tuy nhiên trong thực tế, hầu hết các tổ chức này đều chưa thực hiện các dịch vụ định giá công nghệ. Điều 2 Luật Giá có quy định đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng; cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân khác liên quan đến hoạt động trong lĩnh vực giá trên lãnh thổ Việt Nam. Điều 4 cũng quy định việc định giá là việc cơ quan nhà nước có thầm quyền hoặc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quy định giá cho hàng hóa, dịch vụ. Do đó, việc định giá không những là công việc của cơ quan quản lý mà còn có thể do cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc mọi thành phần kinh tế có hoạt động trong lĩnh vực giá. Tuy nhiên, hoạt động chủ yếu quy định trong Luật này là điều tiết giá đối với hàng hóa, dịch vụ quan trọng cần sự quản lý của Nhà nước; quy định quyền và nghĩa vụ các bên liên quan.
Về phía Bộ KH&CN, ngoài Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ làm công tác quản lý nhà nước về đánh giá, định giá công nghệ thì một số đơn vị như Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã đưa định giá công nghệ vào điều lệ hoạt động, tuy nhiên dịch vụ về định giá công nghệ chưa được triển khai mà chủ yếu mới dừng lại ở nghiên cứu và định giá thí điểm.
Các quy định về nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức đánh giá, định giá công nghệ được quy định tại Điều 7, Khoản 1 Thông tư 31[11]. Đối với các tổ chức đánh giá, định giá công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài tuân thủ theo quy định tại thông tư này và quy định tại Điều 13, Nghị định số 80/2010/NĐ-CP ngày 14.7.2010 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực KH&CN (Điều 7, Khoản 2).
Đối với các tổ chức trung gian của TTCN thực hiện chức năng hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ được thành lập theo quy định về thành lập, đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN tại Nghị định 08/2014/NĐ-CP[12] và Thông tư 03/2014/TT-BKHCN[13]thì tuân thủ điều kiện thành lập và hoạt động theo điều 8 của Thông tư số 16/2014/TT-BKHCN ngày 13.6.2014 của Bộ KH&CN như: 1. Điều kiện về nhân lực: a) Có ít nhất 05 người có trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 40% làm việc chính thức, 30% có chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành khóa học về định giá tài sản trí tuệ; b) Người đứng đầu tổ chức phải có trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ, chứng nhận hoàn thành khóa học về định giá tài sản trí tuệ và có ít nhất 1 năm kinh nghiệm công tác liên quan đến định giá tài sản trí tuệ. 2. Điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật: a) Có hệ thống tư liệu, tài liệu chuyên môn, phương tiện kỹ thuật cần thiết để thực hiện dịch vụ hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ; b) Có quy trình kỹ thuật định giá tài sản trí tuệ.
Như vậy, mặc dù hoạt động định giá công nghệ đã được quan tâm, đã có hành lang pháp lý và quản lý, nhưng rõ ràng là, tổ chức đánh giá, định giá công nghệ vẫn còn nhiều việc phải làm.
Vai trò của Nhà nước trên TTCN
Trên thị trường, giá cả hàng hóa được xác định bởi cung và cầu, theo sự thỏa thuận giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, do thiếu thông tin, hoặc thông tin không trung thực (thông tin bị bóp méo) mà người mua hoặc người bán có thể bị thiệt hại. Thông tin bất cân xứng (thông tin không hoàn hảo) là một thất bại của thị trường, để khắc phục, hạn chế tác hại của sự bất cân xứng về thông tin cần phải có sự can thiệp của Nhà nước vào thị trường. Đối với TTCN, người mua công nghệ (người nhận chuyển giao) có rất ít thông tin về công nghệ định mua, còn người bán (người chuyển giao) thì lại cố tình bưng bít thông tin về công nghệ, hoặc thông tin không đầy đủ về công nghệ của mình – trong nhiều trường hợp, người bán còn bí mật thông tin về công nghệ. Vì vậy, việc định giá công nghệ gặp nhiều khó khăn, không dễ để thực hiện, gây thiệt hại lớn cho người mua công nghệ. Trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế, khi các doanh nghiệp nhận chuyển giao các công nghệ không phù hợp (công nghệ cũ, lạc hậu), giá chuyển giao cao thì không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp, mà hậu quả đối với nền kinh tế là rất nghiêm trọng.
Tất cả những khiếm khuyết của cơ chế thị trường đòi hỏi có sự can thiệp của Nhà nước là một nhu cầu khách quan, tất yếu, nhằm khôi phục lại sự cân đối và mở đường cho sức sản xuất phát triển. Trong cơ chế điều chỉnh của Nhà nước, bên trong kết cấu của nó, ngoài việc tổ chức một cách khoa học, thì những công cụ tài chính, tiền tệ, kế hoạch, luật pháp được coi là những công cụ điều chỉnh cơ bản và quan trọng.
Với vai trò là người quản lý, điều hành nền kinh tế, nhằm đạt mục tiêu hiệu quả và phát triển bền vững nền kinh tế, Nhà nước cần thiết phải có các giải pháp quản lý hữu hiệu, đảm bảo cân đối vĩ mô nền kinh tế. Trong việc điều tiết thị trường, Nhà nước có thể tác động tới cung và cầu hàng hóa, qua đó tác động tới giá cả của hàng hóa. Trên TTCN, việc tác động vào cung và cầu công nghệ thực hiện thông qua các quy định về CGCN và định giá công nghệ.
Một trong những nội dung quan trọng của quản lý nhà nước trong TTCN là xây dựng hệ thống thông tin về TTCN, qua đó từng bước nâng cao khả năng dự báo, cập nhật thông tin và có những phản ứng kịp thời để xử lý những vấn đề phát sinh và những vấn đề về định giá các công nghệ được doanh nghiệp quan tâm. Vai trò quản lý của Nhà nước còn được thể hiện qua công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện đổi mới công nghệ thông qua hoạt động CGCN của doanh nghiệp. Qua đó, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong việc thực thi hợp đồng mua bán công nghệ nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Một số khuyến nghị giải pháp
Hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động định giá công nghệ: để phát triển TTCN, Nhà nước đã có nhiều văn bản quy phạm cho nội dung này. Mới đây nhất là ngày 17.12.2014, liên Bộ KH&CN, Tài chính đã ban hành Thông tư 39 quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước. Song những quy định tại thông tư này chỉ áp dụng trong phạm vi quản lý trực tiếp của Bộ KH&CN[14]. Ngoài các thuộc tính chung như các hàng hóa thông thường khác (giá trị, giá trị sử dụng), hàng hóa công nghệ còn có các thuộc tính riêng (tính khác biệt, tính khan hiếm)[15] mà tiêu chuẩn Thẩm định giá số 13 chưa quy định hết.
Để hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động định giá công nghệ, cần có thêm các quy định cụ thể dành cho đối tượng công nghệ.
Xây dựng các tổ chức và đào tạo chuyên gia độc lập cho hoạt động định giá công nghệ:hoạt động CGCN hiện nay hầu như chưa có tổ chức và chuyên gia chuyên biệt cho công tác định giá công nghệ. Việc định giá thường do các cán bộ quản lý công nghệ hay cán bộ có kinh nghiệm lâu năm được mời làm tư vấn khi thương thảo hợp đồng mua bán công nghệ. Trong thực tế, nhiều công nghệ chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các dự án sử dụng nguồn vốn ODA đối với kết cấu hạ tầng và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam (FDI) đối với sản xuất và dịch vụ, trong khi ta không có chuyên gia sâu về lĩnh vực định giá công nghệ sẽ dẫn đến những thua thiệt không đáng có hoặc nhận vào những công nghệ lạc hậu, thải loại của đối tác. Với làn sóng đầu tư khi hình thành khối ASEAN thống nhất vào cuối năm 2015, nhiều công nghệ đa dạng và hiện đại sẽ được du nhập vào nước ta, thậm chí có cả một số công nghệ cao hàng đầu thế giới. Lúc đó, vai trò của định giá công nghệ càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Để thúc đẩy hoạt động định giá công nghệ, Việt Nam cần sớm hình thành các tổ chức sự nghiệp chuyên sâu về định giá công nghệ. Những đơn vị này cần có sự quản lý nhà nước thống nhất về hoạt động định giá công nghệ. Điều này có lợi cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và sâu xa hơn là cả nền KH&CN nước nhà.
Trường Quản lý KH&CN của Bộ KH&CN cần xây dựng chuyên đề về định giá tài sản trí tuệ nói chung và định giá công nghệ nói riêng, đưa nội dung này vào chương trình tập huấn thường xuyên hàng năm, đồng thời mời các giảng viên am hiểu cả về lý thuyết và thực tiễn, đặc biệt có kinh nghiệm về việc xử lý tình huống định giá công nghệ để tham gia tập huấn cho các cán bộ KH&CN. Về lâu dài, cần phối hợp với các đơn vị quản lý của Bộ KH&CN xây dựng khóa đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề định giá công nghệ.
Xây dựng mạng lưới thông tin quốc gia về định giá công nghệ:để hoạt động CGCN nói chung và định giá công nghệ nói riêng có hiệu quả, cần thiết phải có mạng lưới thông tin quốc gia về hoạt động định gía công nghệ. Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, đây là biện pháp hữu hiệu nhất cho việc đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp thông qua hoạt động định giá công nghệ. Đồng thời, giúp cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động của TTCN tích cực hơn.
Kết luận
Thực tế, định giá công nghệ là một việc khá phức tạp và tốn kém. Do đó, định giá công nghệ không thể tiến hành tràn lan mà phải có mục đích cụ thể và địa chỉ áp dụng rõ ràng.
Định giá công nghệ cũng tuân theo quy luật của nền kinh tế hàng hóa như: quy luật giá trị, quy luật cung – cầu, quy luật cạnh tranh, quy luật lưu thông tiền tệ và lợi nhuận là động lực cơ bản của sự vận động đó. Các quy luật biểu hiện sự tác động của chúng thông qua thị trường. Nhờ sự vận động của hệ thống giá cả thị trường mà diễn ra sự thích ứng tự phát giữa khối lượng và cơ cấu của sản xuất với khối lượng và cơ cấu nhu cầu của xã hội. Trên thực tế không tồn tại cơ chế thị trường thuần tuý, mà thường có sự can thiệp của Nhà nước trong vai trò điều tiết bằng các công cụ chính sách, nhằm đảm bào phát triển kinh tế – xã hội đi đúng theo định hướng chủ nghĩa xã hội của nước ta.
CHÚ THÍCH
[1] Bên giao: có thể là cơ quan quản lý nhà nước sở hữu công nghệ; các viện, trường; doanh nghiệp hay cá nhân.
[2] Bên nhận: đơn vị tiếp nhận hay nhà đầu tư.
[3] Luật KH&CN số 29/2013/QH13.
[4] Luật CGCN số 80/2006/QH11.
[5] Theo tác giả Trần Văn Hải, “công cụ, phương tiện chỉ được hiểu là bộ phận của công nghệ trong lần chuyển giao đầu tiên quyền sử dụng cho một chủ thể, còn các lần chuyển giao tiếp theo (cho chính chủ thể đó) thì công cụ, phương tiện chỉ là hàng hóa bình thường mà không được coi là một bộ phận của công nghệ” trong bài viết “Thuật ngữ “Thị trường KH&CN”, “Thị trường công nghệ” tiếp cận từ pháp luật về sở hữu trí tuệ”, Tạp chí Hoạt động khoa học, số tháng 7.2012 (638).
[6] Luật Giá số 11/2012/QH13.
[7] Hệ thống Luật hiện hành là Hệ thống Luật thành văn, đây là cấu trúc phổ biến của hệ thống pháp luật các nước trên thế giới (ngoài ra còn có hệ thống Luật án lệ). Hệ thống này gồm Hệ thống luật tư nhằm điều chỉnh các nguyên tắc ứng xử giữa công dân với nhau (Luật dân sự, Luật chuyên ngành…) và Hệ thống luật công nhằm điều chỉnh quan hệ của công dân với Nhà nước (Luật hành chính, Luật hình sự) trong đó nguồn đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp.
[8] Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BKHCN-BTC ngày 17.12.2014 quy định việc định giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.
[9] Ban hành kèm theo Thông tư số 06/2014/TT-BTC ngày 7.1.2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
[10] Đối với bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm khoa học (không bao gồm phát minh, phát hiện), chủ sở hữu tác phẩm không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng nội dung của tác phẩm.
[11] Tổ chức đánh giá, định giá công nghệ có thể là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức KH&CN thành lập và hoạt động theo quy định của Luật KH&CN.
[12] Nghị định 08/2014/NĐ-CP ngày 27.1.2014 của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật KH&CN 2013.
[13] Thông tư 03/2014/TT-BKHCN ngày 31.3.2014 của Bộ KH&CN hướng dẫn điều kiện thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức KH&CN, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức KH&CN.
[14] Áp dụng đối với các giá kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tài sản trí tuệ sử dụng ngân sách nhà nước.
[15] Tham khảo thêm trong bài viết của các tác giả Nguyễn Vân Anh, Lê Vũ Toàn, Đàm Quang: “Bàn về thuật ngữ Thị trường khoa học, Thị trường công nghệ và Thị trường khoa học và công nghệ” đăng trên Tạp chí Hoạt động khoa học, số tháng 10.2012 (641).
SOURCE: TẠP CHÍ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VIỆT NAM. ISSN 1859-4794, số 5 năm 2015 (675)
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.