TRANH CHẤP VỀ VI PHẠM QUYỀN NHÂN THÂN: KIỆN CHỒNG CŨ ĐỂ ĐÒI LẠI DANH DỰ
HOÀNG YẾN
Theo hai cấp tòa, từ năm 2012 đến cuối năm 2016, người chồng cũ đã đưa thông tin vợ cũ bạo hành các con chung nhiều lần và ở nhiều nơi nhưng không đưa ra bất cứ chứng cứ nào chứng minh.
TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ bà L. khởi kiện yêu cầu tòa bác bỏ thông tin bà có hành vi bạo hành các con, buộc ông Y. (chồng cũ) phải xin lỗi công khai, đồng thời bồi thường thiệt hại cho bà.
Ly hôn, tố vợ cũ bạo hành con
Theo đơn khởi kiện của bà L. tại TAND quận 2, trước đây bà và ông Y. là vợ chồng và có ba con chung. Do có mâu thuẫn, ông bà đã ly hôn từ năm 2016.
Theo bà L., trước và sau khi ly hôn, ông Y. đã có những hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà trong một thời gian dài. Cụ thể, ông nộp đơn ly hôn với lý do bà bạo hành các con; đến trường học các con tố cáo bà bạo hành con mà không có căn cứ. Ông còn gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban, ngành vu khống bà có hành vi bạo hành, ngược đãi con…
Theo bà L., những tố cáo này là vu khống. Bà đã được các cơ quan chức năng xác định là không có hành vi bạo hành con. Hành vi của ông Y. đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà. Vì vậy bà khởi kiện yêu cầu TAND quận 2 bác bỏ thông tin bà bạo hành các con và buộc ông Y. phải xin lỗi công khai bà tại UBND phường, đồng thời bồi thường thiệt hại.
Bị kiện, ông Y. cho rằng việc ông đề nghị các cơ quan chức năng xác minh, xử lý hành vi bạo hành con của bà L. là dựa trên yêu cầu của các con. Ông làm điều này do lo lắng cho sự an toàn của các con chứ không bịa đặt hay vu khống…
Buộc xin lỗi tại phường
Tại phiên xử sơ thẩm, đại diện theo ủy quyền của hai bên nguyên, bị đều giữ nguyên ý kiến. Phía bà L. nói việc làm của ông Y. đã gây ảnh hưởng sức khỏe của bà khiến bà phải đi khám, điều trị. Chi phí điều trị tính tạm thời đến nay là 20 triệu đồng (có biên lai viện phí và hóa đơn thuốc) nhưng bà L. chỉ yêu cầu bồi thường tượng trưng 10 triệu đồng. Đây là số tiền gồm chi phí tổ chức buổi xin lỗi tại UBND phường và bù đắp tổn thất về tinh thần.
Trong khi đó, phía ông Y. xuất trình thêm tài liệu phôtô (không có bản chính), nội dung là trong thời gian chung sống, bà L. có đánh ông Y. và đuổi ra khỏi nhà. Từ trước khi ly hôn, các con đã không muốn sống với mẹ. Từ khi ông dọn ra khỏi nhà, các con ban ngày sống với ông, tối mới về nhà ngủ với mẹ. Đến khi có phán quyết ly hôn của tòa, các con ở hẳn với ông và chỉ về nhà thăm mẹ khi chúng muốn. Vì vậy, phía ông Y. đề nghị tòa bác yêu cầu của bà L.
Theo TAND quận 2, từ năm 2012 đến cuối năm 2016, ông Y. đã đưa thông tin bà L. bạo hành các con nhiều lần và ở nhiều nơi nhưng không đưa ra bất cứ chứng cứ nào chứng minh. Dù các cơ quan chức năng (UBND phường, Sở LĐ-TB&XH, CQĐT) đã kết luận không có sự việc bạo hành xảy ra nhưng đến tháng 12-2016 và trong suốt quá trình kiện tụng yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con, ông Y. vẫn luôn đưa ra lý do bà L. bạo hành con mà không cung cấp được bất kỳ chứng cứ gì.
Tại phiên xử, đại diện của ông Y. xác nhận từ tháng 4-2015 đến tháng 4-2016, các con chung ở hẳn với ông, thỉnh thoảng mới về với mẹ. Phần lớn thời gian các con ở với cha nhưng ông vẫn đưa ra thông tin bà L. bạo hành các con là không phù hợp. Mặt khác, tòa lấy ý kiến các con chung của ông bà thì các cháu nói “Ba mẹ không ai xấu nhưng thích sống với ba vì ba tôn trọng và lắng nghe nhiều hơn mẹ”. Các cháu còn khai vẫn yêu thương mẹ và mẹ vẫn yêu thương các cháu, không có hành vi ngược đãi, bạo hành.
Như vậy, việc ông Y. thông tin bà L. bạo hành các con là sai sự thật, liên tục và kéo dài. Không chỉ gói gọn trong mâu thuẫn nội bộ gia đình, ông còn đưa thông tin sai sự thật có chủ đích đến nhiều nơi như nhà trường nơi con ông theo học và các cơ quan chức năng, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của bà L.
Từ đó, TAND quận 2 đã chấp nhận yêu cầu của bà L., bác bỏ thông tin bà L. có hành vi bạo hành các con chung, buộc ông Y. công khai xin lỗi bà L. tại UBND phường trước sự chứng kiến của đại diện UBND phường và các con chung. Đồng thời yêu cầu bồi thường thiệt hại của bà L. là phù hợp và có cơ sở nên tòa buộc ông Y. phải thực hiện.
Ông Y. kháng cáo. Xử phúc thẩm, TAND TP.HCM vẫn buộc ông Y. phải công khai xin lỗi vợ cũ tại UBND phường nhưng sửa phần xin lỗi công khai có sự chứng kiến của các con chung vì không hợp lý. Bởi lẽ việc xin lỗi đã có sự giám sát của địa phương, yêu cầu buộc phải có sự chứng kiến của các con không nằm trong phạm vi điều chỉnh của vụ án.
Quyền yêu cầu tòa bác bỏ thông tin xấu
Theo Điều 34 BLDS 2015, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ (khoản 1). Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình (khoản 2). Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (khoản 5).
Theo khoản 1 Điều 584 BLDS 2015, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác. Theo khoản 2 Điều 592 BLDS 2015, người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TP. HCM ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/?s=%22HO%C3%80NG+Y%E1%BA%BEN%22
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.