TỘI GIAO CẤU VỚI TRẺ EM ( ĐIỀU 115)
Giao cấu với trẻ em là hành vi của một người đã thành niên giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi không trái với ý muốn của nạn nhân.
CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM
- Về phía người phạm tội
Người phạm tội phải là người đã thành niên, tức là người đã đủ 18 tuổi trở lên. Chủ thể của tội phạm này có thể là nữ giới, nhưng đa số là nam giới.
Việc giao cấu với người dưới 16 là hoàn toàn có sự đồng tình của hai người không bên nào ép buộc bên nào. Sự thoả thuận này có trường hợp là mối tình yêu đương giữa hai người, nhất là ở một số vùng nông thôn, tệ tảo hôn còn phổ biến, cũng có trường hợp do cuộc sống, do hoàn cảnh éo le của một số em gái chưa đủ 16 tuổi đã bán dâm cho khách làng chơi để kiếm tiền.
Việc trừng trị hành vi giao cấu với người dưới 16 tuổi bằng luật hình sự của Nhà nước ta cũng chủ yếu nhằm bảo vệ sự phát triển bình thường về mặt tình dục đối với người chưa đủ 16 tuổi.
- Đối với người bị hại
Người bị hại trong vụ án giao cấu với người dưới 16 tuổi là người có độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, có thể là nam giới nhưng chủ yếu là nữ giới.
Việc để người phạm tội giao cấu là hoàn toàn có sự tự nguyên, không hề có sự cưỡng bức hay ép buộc nào. Mặc dù họ tự nguyện và có nhiều trường hợp họ yêu cầu không xử lý đối với người phạm tội, nhưng yêu cầu này của họ không được chấp nhận vì họ là đối tượng mà Nhà nước buộc phải bảo vệ.
Chỉ coi là tội giao cấu với trẻ em khi người phạm tội và người bị hại đã thực hiện việc giao cấu, nếu chỉ có những hành vi có tính chất dâm ô mà chưa thực hiện việc giao cấu thì không cấu thành tội giao cấu với trẻ em mà tuỳ trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô trẻ em quy định tại Điều 116 Bộ luật hình sự.
CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
- Giao cấu với một người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi ( khoản 1 Điều 115)
Trường hợp người phạm tội chỉ giao cấu với một người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ một năm đến năm năm tù. Khi quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm tội này, cần phải xem xét một cách toàn diện đầy đủ các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, đặc biệt là mối quan hệ giữa người bị hại với người phạm tội. Thông qua việc giải quyết vụ án các cơ quan tiến hành tố tụng cần giáo dục không chỉ người phạm tội mà cần giáo dục ngay cả đối với người bị hại để họ nhận thức được trách nhiệm của mình đối với bản thân và xã hội.
- Phạm tội nhiều lần ( điểm a khoản 2 Điều 115)
Phạm tội nhiều lần trong trường hợp này là giao cấu với một trẻ em từ hai lần trở lên. Khi xác định tình tiết phạm tội này cần chú ý: Tất cả các lần giao cấu, người phạm tội đã đủ 18 tuổi và người bị hại ở độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi, nếu có hai lần giao cấu nhưng trong đó coa một lần người phạm tội chưa đủ 18 tuổi hoặc người bị hại đã đủ 16 tuổi thì không coi là phạm tội nhiều lần và người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật hình sự. Nếu trong các lần giao cấu mà có một lần người bị hại dưới 13 tuổi thì người phạm tội phải bị truy cứu về hai tội: tội hiếp dâm trẻ em và tội giao cấu với trẻ em.
- Đối với nhiều người ( điểm b khoản 2 Điều 115)
Phạm tội đối với nhiều người trong trường hợp này là giao cấu với từ hai trẻ em trở lên và tất cả người bị hại đều ở độ tuổi từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có hai người bị hại, trong đó có một người đủ 16 tuổi thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật hình sự. Trường hợp nếu có một người dưới 13 tuổi khi bị giao cấu thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự hai tội: tội giao cấu với trẻ em và tội hiếp dâm trẻ em. Trường hợp có nhiều người bị giao cấu, trong dó có người bị giao cấu từ hai lần trở lên thì người phạm tội thuộc hai trường hợp: phạm tội nhiều lần và đối với nhiều người.
- Giao cấu với trẻ em có tính chất loạn luân ( điểm c khoản 2 Điều 115)
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp hiếp dâm có tính chất loạn luân, cưỡng dâm có tính chất loạn luân, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này giữa nạn nhân với người phạm tội có sự thoả thuận, đồng tình với nhau khi giao cấu. Việc xử lý nghiêm trường hợp giao cấu với trẻ em có tính chất loạn luân là nhằm bảo vệ giống nòi, bảo vệ sự phát triển bình thường của các em, bảo vệ thuần phong mỹ tục của gia đình và xã hội.
- Giao cấu với trẻ em làm nạn nhân có thai ( điểm d khoản 2 Điều 115)
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp làm nạn nhân có thai trong các trường hợp đối với tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm, chỉ khác ở chỗ trong trường hợp phạm tội này nạn nhân đã đồng tình để người phạm tội giao cấu.
Khi xác định ttình tiết phạm tội này cần chú ý: Chỉ khi nào xác định người bị hại có thai do chính hành vi giao cấu của người phạm tội làm cho nạn nhân có thai và khi có thai, người bị hại ở độ tuổi từ đủ 13 đến dưới 16. Nếu người bị hại có thai do kết quả của một lần giao cấu với người khác hoặc tuy có thai với người phạm tội nhưng do giao cấu nhièu lần trong đó có lần người bị hại đã đủ 16 tuổi và cái thai đó là kết quả của lần giao cấu khi người bị hại đã tròn 16 tuổi, thì không thuộc trường hợp phạm tội này.
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ( điểm đ khoản 2 Điều 115)
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ lệ thương tật từ 31% đến 60% đối với hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm và việc xác định tình trạng sức khoẻ của nạn nhân trên cơ sở giám định thương tật của Hội đồng giám định pháp y, chỉ khác các trường hợp trên là người bị hại trong trường hợp này đồng tình cho người phạm tội giao cấu. Đây không phải là tình tiết định khung mới vì khoản 2 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1985 đã quy định tình tiết “gây tổn hại nặng cho sức khoe của nạn nhân” và theo các thông tư, nghị quyết hướng dẫn thì tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% là thương tích nặng hặc tổn hại nặng đến sức khoẻ.
Người phạm tội giao cấu với trẻ em thuộc một trong các trường hợp: Phạm tội nhiều lần; đối với nhiều người; có tính chất loạn luân; làm nạn nhân có thai; gây tổn hại đến sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 115 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù. So với khoản 2 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 2 Điều 115 là tội nhẹ hơn, nên được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý (trừ trường hợp đối với nhiều người, vì đây là tình tiết định khung mới quy định)
- Gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên ( điểm a khoản 3 Điều 115)
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ lệ thương tật từ 61% trở lên đối với hành vi hiếp dâm, cưỡng dâm và việc xác định tình trạng sức khoẻ của nạn nhân trên cơ sở giám định thương tật của Hội đồng giám định pháp y, chỉ khác các trường hợp trên là người bị hại trong trường hợp này đồng tình cho người phạm tội giao cấu. Vì khoản 3 Điều 115 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định gây tổn hại rất nặng cho sức khoẻ của nạn nhân, nên phải coi trường hợp phạm tội này là tình tiết định khung mới. Do đó chỉ áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi, nếu hành vi phạm tội thực trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện thì áp dụng điểm d khoản 2 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội với tình tiết “gây tổn hại nặng cho sức khoe của nạn nhân”.
- Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội ( điểm b khoản 3 Điều 115)
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn hiếp dâm, vẫn cưỡng dâm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 111; điểm c khoản 3 Điều 112; điểm b khoản 3 Điều 113; điểm đ khoản 3 Điều 114, chỉ khác các trường hợp trên ở chõ người bị hại trong trường hợp này là trẻ em và đồng tình để người phạm tội giao cấu.
Đây là tình tiết định khung hình phạt mới được quy định đối với tội giao cấu với trẻ em, nên chỉ áp dụng đối với hành vi phạm tội được thực hiện từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 115 có khung hình phạt từ bảy năm đến mười lăm năm tù. So với khoản 3 Điều 114 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 115 Bộ luật hình sự năm 1999 là tội phạm nhẹ hơn, nhưng lại không được áp dụng đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý, vì cả hai tình tiết định khung hình phạt này đều là tình tiết mới. Còn khoản 3 Điều 114 chỉ quy định trường hợp có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 điều này nhưng tình tiết này Bộ luật hình sự năm 1999 đã không quy định ở tội phạm này cũng như tất cả các tội khác trong Bộ luật hình sự.
Tham khảo thêm:
- Phân tích Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em
- Phân tích Tội làm nhục người khác
- Phân tích Tội vu khống
- Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người
- Hành vi nguy hiểm cho xã hội là gì
- Đặc điểm chủ thể của các tội xâm phạm sở hữu
- Phân tích yếu tố lỗi trong hành vi nguy hiểm cho xã hội
- Phân tích Khách thể của tội phạm
- Những đặc điểm cơ bản của các tội xâm phạm sở hữu
- Phân tích Tội cướp tài sản
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.