Mức độ xác định, tình trạng năng lực hành vi dân sự của cá nhân

Mức độ xác định, tình trạng năng lực hành vi dân sự của cá nhân

  1. Năng lực hành vi dân sự đầy đủ

Điều 18 BLDS 2005 quy định: “ Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Điều 19 quy định : “ Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này”. Theo như phân tích ở mục 3 phần I cũng như quy định tại Điều 18 BLDS, người thành niên là người có độ tuổi từ đủ 18 tuổi. Từ đủ 18 tuổi tâm sinh lí cũng như thể chất của con người đã phát triển và hoàn thiện về mọi mặt, có thể tự mình tham gia vào các giao dịch và tự mình chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Đây là trường hợp duy nhất có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, theo quy định tại Điều 19 BLDS là người đã thành niên nhưng không thuộc vào các trường hợp mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 22 BLDS hoặc trường hợp hạn chế năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 23 BLDS. Như vậy, người thành niên không mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có đủ năng lực tham gia và tự chịu trách nhiệm về hành vi cũng như tự mình xác lập, thực hiện tất cả các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình một cách độc lập.

Ví dụ như: A mười tám tuổi, không thuộc vào trường hợp bị mất năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 22 BLDS, cũng như hạn chế năng lực hành vi dân sự quy định tại Điều 23 BLDS. A được nhận một chiếc xe máy do B tặng cho trị giá 30 triệu đồng. A có thể bán, cho thuê hoặc thực hiện các giao dịch khác theo ý chí của mình không trái với các quy định của pháp luật đối với chiếc xe máy mà không cần phải có sự tham gia của bố mẹ mình.

  1. Năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ

Như phân tích ở trên, thì người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ phải từ đủ 18 tuổi trở lên, thế nhưng, trong một số giao dịch cũng như để đảm bảo cho mỗi cá nhân thực hiện những quyền cơ bản của mình, Bộ luật Dân sự đã ghi nhận năng lực hành vi dân sự của người chưa thành niên từ đủ 6 đến dưới 18 tuổi. Năng lực hành vi dân sự của cá nhân từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi là năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ. Ở lứa tuổi này, con người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lí, chưa có khả năng nhận thức đầy đủ tính nguy hiểm, tính cần thiết cho xã hội của hành vi do mình thực hiện. Vì vậy họ chỉ có thể bằng hành vi của mình tham gia vào các giao dịch để đáp ứng nhu cầu hằng ngày của mình và phù hợp với lứa tuổi. Điều 20 BLDS quy định như sau:

1. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện thoe pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác.

2.Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Từ quy định tại Điều 20 BLDS thì NLHVDS của người chưa thành niên được phân chia ở các mức độ:

+ NLHVDS của người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.

+ NLHVDS của người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi.

+ NLHVDS của người chưa thành niên dưới 6 tuổi.

Từ quy định trên, nhận thấy những cá nhân từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi có sự phát triển bình thường của tâm sinh lí là cá nhân có NLHVDS chưa đầy đủ. Cá nhân ở độ tuổi này là đã bắt đầu có sự nhận thức về hành vi của mình nhưng chưa đủ làm chủ và kiểm soát mọi hành vi của mình. Họ chỉ có thể nhận thức và điều khiển những hành vi trong quan hệ xã hội thông thường, nhưng lại không nhận thức và hiểu được hậu quả pháp lí do hành vi đó tạo ra. Vì vậy, trong quan hệ pháp luật dân sự, chỉ thừa nhận họ có tư cách chủ thể khi xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự phù hợp với nhận thức và lứa tuổi hoặc những trường hợp khác do pháp luật quy định người này có thể tự mình xác lập thực hiện bằng hành vi của mình. Ví dụ như các giao dịch liên quan đến sách vở, mua quà tặng sinh nhật… mà giá trị của những thứ đó không lớn.

Đối với người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mà có tài sản riêng đủ để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thì họ có thể tự mình xác lập, thực hiện các giao dịch không cần sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật. Ở độ tuổi từ đủ 15 đến dưới 18 là độ tuổi mà cá nhân đã hoàn thành chương trình trung học cơ sở, đã tích lũy được những kiến thức nhất định về kĩ năng sống, về mặt thể chất thì những người này đã có đủ sức khỏe để có thể tham gia vào những công việc phù hợp và trở thành chủ thể của một số quan hệ pháp luật. Vì thế, pháp luật quy định cho những người này có quyền tham gia vào các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của mình. Ví dụ như: H mười sáu tuổi được thừa kế 100 triệu đồng từ ông nội mình. H sử dụng một phần tiền đó để mua điện thoại di động trị giá 15 triệu đồng mà không cần sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật là bố mẹ H nhưng giao dịch này vẫn có hiệu lực.

  1. Không có năng lực hành vi dân sự

BLDS năm 2005 quy định về người không có NLHVDS tại Điều 21 như sau: “Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.

Quy định trên xác định mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân chưa đủ 6 tuổi. Theo đó, với người chưa đủ 6 tuổi thì không có năng lực hành vi dân sự của cá nhân. Tức là, cá nhân có độ tuổi chưa đủ 6 tuổi thì không thể tự mình xác lập, thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự bằng hành vi của chính mình. Tuy nhiên, cần hiểu rằng họ không có năng lực hành vi dân sự, còn họ vẫn hoàn toàn có năng lực pháp luật dân sự. Nghĩa là họ vẫn hoàn toàn có các quyền và nghĩa vụ dân sự được quy định trong nội dung năng lực cá nhân. Do đó, đối với các giao dịch dân sự của người dưới 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự thì cần phải được xác lập thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của cá nhân đó. Ví dụ như: A năm tuổi, dùng tiền lì xì của mình đi mua sách. Nhưng khi mua sách, thì bố mẹ của A là người thay A xác lập thực hiện giao dịch này, tức là thay A trả tiền cho cửa hàng bán cuốn sách đó, vì A không có năng lực hành vi dân sự để tham gia vào các quan hệ pháp luật theo quy định tại Điều 21 BLDS.

  1. Mất năng lực hành vi dân sự

Mất NLHVDS là một người nào đó đã có NLHVDS nhưng vì một lí do nào đó mà NLHVDS của người đó không còn nữa. Người bị mất NLHVDS là người không thể bằng nhận thức của mình làm chủ, kiểm soát hành vi của mình. Rơi vào tình trạng này bao gồm những người không có khả năng nhận thức khi chưa thành niên và những người thành niên đã có NLHVDS nhưng bị Tòa án tuyên bố là mất NLHVDS được quy định tại Điều 22 BLDS như sau :

1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.

2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”

Cũng như người không có NLHVDS, người bị mất NLHVDS cũng không có khả năng nhận thức và làm chủ hành vi của mình. Theo quy định trên, cá nhân được xác định là mất NLHVDS khi có các yếu tố : người đó mắc bệnh liên quan đến tâm thần (bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình); có yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan; có kết luận của của tổ chức giám định về tình trạng bệnh của cá nhân; và có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (Tòa án ra quyết định tuyên bố cá nhân mất NLHVDS trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định về tình trạng bệnh của cá nhân đó). Khi cá nhân bị tuyên bố mất NLHVDS thì hậu quả pháp lí cũng giống như người không có NLHVDS, họ không thể tự mình xác lập và thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân sự trong các quan hệ pháp luật dân sự. Mất NLHVDS không phải là một mức độ NLHVDS mà là một tình trạng của NLHVDS của cá nhân trong một khoảng thờ gian nhất định, khi cá nhân bị mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và làm chủ hành vi. Do đó, những người rơi vào tình trạng này không thể tự mình xác lập, thực hiện bất kỳ GDDS nào. Mọi GDDS liên quan đến nhu cầu của họ đều phải do người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện. Ví dụ như: A năm nay 19 tuổi bị mắc bệnh tâm thần. Bệnh tâm thần khiến A mất đi khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, bố mẹ A yêu cầu Tòa án tuyên bố A mất NLHVDS, sau khi có giám định của tổ chức giám định, Tòa án tuyên bố A mất NLHVDS. Mọi giao dịch liên quan đến nhu cầu của A như ăn uống, chữa bệnh,.. đều do bố mẹ A thực hiện.

  1. Hạn chế năng lực hành vi dân sự

Trước hết, cần phân định sự khác biệt giữa hai cụm từ “NLHVDS hạn chế” và “ NLHVDS bị hạn chế”. Cụm từ “NLHVDS hạn chế” dùng để chỉ những người đã có NLHVDS nhưng chưa đầy đủ đối với trường hợp người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi có sự phát triển bình thường về nhận thức. Còn “NLHVDS bị hạn chế” dùng để chỉ những người đã thành niên đã có NLHVDS đầy đủ nhưng vì một lí do nào đó bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là người có NLHVDS bị hạn chế. Các trường hợp NLHVDS bị hạn chế và các quy định khác về người có NLHVDS bị hạn chế được quy định tại Điều 23 của BLDS như sau:

1. Người nghiện ma tuý, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2. Người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện do Toà án quyết định. Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

3. Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án ra quyết định huỷ bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự”.

Theo quy định trên, thì người có NLHVDS bị hạn chế phải là người nghiện ma túy, hoặc nghiện các chất kích thích khác ảnh hưởng tới khả năng nhận thức và khả năng làm chủ hành vi của mình. Nhưng việc nghiện ma túy hay các chất kích thích đó phải dẫn tới hậu quả về tài sản là phá tán tài sản gia đình. Do đó, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những người có liên quan, thì Tòa án ra quyết định có hiệu lực tuyên bố người đó bị hạn chế NLHVDS theo yêu cầu của những người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan.

Kể từ thời điểm Tòa án ra quyết định tuyên bố cá nhân bị hạn chế NLHVDS có hiệu lực cho đến có quyết định hủy bỏ tuyên bố đó theo quy định tại khoản 3 Điều 23 BLDS thì cá nhân được xác định là hạn chế NLHVDS sẽ có người đại diện theo pháp luật, và cá nhân đó không thể tự mình xác lập, thực hiện các GDDS, ngoại trừ các giao dịch nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bản thân. Khi muốn tham gia vào các giao dịch khác, thì người bị hạn chế NLHVDS phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của mình. Quy định này có ý nghĩa quan trọng về mặt xã hội, đảm bảo trật tự xã hội được duy trì, giúp những người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 23 BLDS có trách nhiệm với gia đình, xã hội hơn.

Ví dụ như: K hai mươi tuổi, do bạn bè rủ rê, K đã nghiện ma túy. Để có tiền mua thuốc, K đã bán đồ đạc trong nhà trong đó có chiếc xe máy của mình do bố mẹ mua cho để thỏa mãn cơn nghiện. Theo yêu cầu của bố mẹ K, Tòa án ra quyết định tuyên bố K bị hạn chế NLHVDS. Do đó, theo quy định tại Điều 23 BLDS thì K không thể tự mình xác lập, thực hiện các GDDS, mà phải thông qua sự đồng ý của bố mẹ, trừ những giao dịch phục vụ nhu cầu của bạn thân như ăn uống, học tập….

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191