Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Đăng ký người giám hộ cho người không còn nhận thức được thì cần những thủ tục gì?
Hiện tôi có thắc mắc kính mong được giải đáp như sau kính mong được giúp đỡ:
Đăng ký người giám hộ cho người: Già yếu, bệnh nặng rất nặng (trên 18 tuổi)… không còn nhận thức được gì nữa thì cần những thủ tục gì để Hộ tịch xã, phường đăng ký. Giấy chứng nhận khuyết tật của Uỷ ban các cấp có thể làm căn cứ để đăng ký không hay phải là phán quyết của tòa ?
Luật sư Tư vấn Luật Hộ tịch– Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 16 tháng 06 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề đăng ký giám hộ cho người đã thành niên mất khả năng nhận thức
- Bộ luật Dân sự 2015;
- Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;
- Luật hộ tịch năm 2014;
3./ Luật sư tư vấn
Với trường hợp nêu trên, thủ tục đăng ký giám hộ cho người đó trên cơ sở pháp luật như sau:
Trước hết, với người đã thành niên trên 18 tuổi, pháp luật quy định người đã thành niên có người giám hộ khi người đó là người mất năng lực hành vi dân sự hoặc là người có khó khăn trong nhân thức, làm chủ hành vi.
Căn cứ Điều 22, 23, 47, 53 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp người đã thành niên, bị bệnh nặng không còn khả năng nhận thức, để đăng ký giám hộ cho người này, anh/chị cần thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố người đó bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Việc xác định người đó mất năng lực hành vi hay là người có khăn trong nhận thức phụ thuộc vào kết quả giám định pháp y tâm thần.
Sau khi có quyết định tuyên bố người đó là người mất năng lực hành vi, anh/chị thực hiện thủ tục đăng ký giám hộ đương nhiên hoặc đăng ký giám hộ cho người đó trong trường hợp không phải là người giám hộ đương nhiên.
Căn cứ Điều 53 Bộ luật Dân sự 2015, người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi được xác định như sau:
– Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ.
– Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
– Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Trường hợp người mất năng lực hành vi không có người giám hộ đương nhiên nêu trên, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người đó cử người giám hộ cho người đó. Việc cử giám hộ phải thông qua bằng văn bản cử giám hộ do Ủy ban nhân dân xã quyết định.
Với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi Tòa án bên cạnh ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, Tòa án chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Thủ tục đăng ký giám hộ như sau:
- Thủ tục đăng ký giám hộ cử:
Căn cứ Điều 19, 20 Luật Hộ tịch 2014, thủ tục đăng ký giám hộ như sau:
Bước 1: Người yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và văn bản cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch là Ủy ban nhân dân cấp xã của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ.
Với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì nộp kèm quyết định chỉ định người giám hộ của Tòa án.
Bước 2: Cán bộ tư pháp – hộ tịch tiếp nhận hồ sơ, yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Bước 3: Đăng ký giám hộ:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.
- Thủ tục đăng ký giám hộ đương nhiên:
Căn cứ Điều 21 Luật Hộ tịch 2014, trình tự thủ tục đăng ký giám hộ đương nhiên giống với trình tự, thủ tục đăng ký giám hộ cử nêu trên. Tuy nhiên, thành phần hồ sơ của đăng ký giám hộ đương nhiên bao gồm như sau:
– Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định
– Giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên: quyết định có hiệu lực của Toàn án về tuyên bố người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, giấy tờ chứng minh quan hệ của người giam hộ và người được giám hộ.Trường hợp có nhiều người cùng đủ điều kiện làm giám hộ đương nhiên thì nộp thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.
Như vậy, trường hợp nêu trên, trước hết anh chị cần thực hiện thủ tục yêu cầu Tòa án tuyên bố người cần được giám hộ nêu trên mất năng lực hành vi hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trên cơ sở giám định tâm thần của cơ sở giám định pháp y. Sau đó, dựa trên quyết định của Tòa án, anh/chị thực hiện thủ tục đăng ký giám hộ theo quy định nêu trên. Với giấy chứng nhận khuyết tật, giấy chứng nhận này không phải căn cứ để xác định việc phải có người giám hộ của người đã thành niên, nó có thể là một căn cứ thêm để Tòa án xem xét ra quyết định tuyên bố tình trạng của người đó có cần phải có người giám hộ hay không. Do đó, Giấy chứng nhận khuyết tật không phải căn cứ để đăng ký giám hộ.
Với những tư vấn về câu hỏi Đăng ký người giám hộ cho người không còn nhận thức được thì cần những thủ tục gì?, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Tham khảo thêm bài viết:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.