Mở phòng khám răng hàm mặt cần những điều kiện gì? Thủ tục thế nào?
Tôi là bác sĩ thuộc Bệnh viên Bạch Mai – Hà Nội, tôi đã có kinh nghiệm hơn 12 năm trong nghề, hiện này tôi có nhiều thời gian rảnh trong khung thời gian của mình nên muốn mở một phòng khám tư bên ngoài chuyên về răng hàm mặt, vậy tôi sẽ cần những điều kiện gì và liệu tôi có thể mở không, các luật sư tư vấn giúp tôi là đến cơ quan nào để xin giấy phép và hồ sơ cần những gì, tôi xin cảm ơn.
Luật sư Tư vấn Luật doanh nghiệp – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 18 tháng 07 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Điều kiện mở phòng khám răng hàm mặt
- Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009
- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp
- Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp Giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
3./ Luật sư tư vấn
Để mở phòng khám chuyên khoa, cá nhân, tổ chức cần phải thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp và xin cấp phép hoạt động. Điều kiện và thủ tục mở phòng khám chuyên về răng, hàm, mặt được pháp luật Việt Nam quy định như sau:
- Thủ tục đăng ký kinh doanh:
Căn cứ Khoản 2 Điều 18 Luật doanh nghiệp 2014 quy định về các đối tượng không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó bao gồm cán bộ, công chức, viên chức. Vì thế, bác sĩ bệnh viện công không được phép đứng ra thành lập, quản lý các bệnh viện tư nhân hoạt động theo hình thức doanh nghiệp. Tuy nhiên, bác sĩ bệnh viện công vẫn được phép mở các phòng khám tư nhân như phòng khám răng hàm mặt, khám nhi, khám đa khoa, sản phụ khoa…
Như vậy, bác sĩ bệnh viện công có thể thành lập phòng khám tư nhân với hình thức hộ kinh doanh, theo Điều 71 Nghị định 78/2015/NĐ-CP, anh/chị thực hiện đăng ký kinh doanh theo thủ tục sau:
– Anh/chị nộp hồ sơ thành lập hộ kinh doanh tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi đăng ký thường trú.
Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:
+ Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
+ Ngành, nghề kinh doanh;
+ Số vốn kinh doanh;
+ Số lao động;
+ Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.
Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.
– Thời gian giải quyết: 3 ngày làm việc kể từ ngày hồ sơ được nộp hợp lệ.
- Thủ tục xin cấp phép kinh doanh:
Căn cứ Điều 43 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cấp giấy phép hoạt động phải có đủ các điều kiện sau đây:
– Đáp ứng các quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành.
– Có đủ người hành nghề phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn;
– Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng.
– Trường hợp đăng ký thành lập phóng khám chuyên khoa hoặc bác sỹ gia đình thì ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người đứng đầu cơ sở phải là người hành nghề có bằng cấp chuyên môn phù hợp với loại hình hành nghề.
Đồng thời, theo Điều 26 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với phòng khám chuyên khoa, theo đó, điều kiện này gồm:
(1) Cơ sở vật chất:
– Địa điểm cố định, tách biệt với nơi sinh hoạt gia đình, bảo đảm đủ ánh sáng, có trần chống bụi, tường và nền nhà phải sử dụng các chất liệu dễ tẩy rửa, làm vệ sinh.
– Phòng khám chuyên khoa phải có phòng khám bệnh, chữa bệnh có diện tích ít nhất là 10 m2 và nơi đón tiếp người bệnh (trừ Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông). Riêng đối với phòng khám chuyên khoa ngoại, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải có thêm buồng lưu người bệnh có diện tích ít nhất là 12 m2; phòng khám phục hồi chức năng phải có thêm buồng phục hồi chức năng có diện tích ít nhất là 10 m2; Phòng khám, điều trị HIV/AIDS phải có diện tích ít nhất là 18 m2 (không bao gồm khu vực chờ khám), được chia thành hai buồng thực hiện chức năng khám bệnh và tư vấn cho người bệnh.
– Trường hợp thực hiện thủ thuật, bao gồm cả kỹ thuật cấy ghép răng (implant) thì phòng thủ thuật phải có diện tích ít nhất là 10 m2;
– Trường hợp phòng khám chuyên khoa răng – hàm – mặt có hơn 01 ghế răng thì phải bảo đảm diện tích cho mỗi ghế răng ít nhất là 5 m2;
– Trường hợp phòng khám chuyên khoa sử dụng thiết bị bức xạ (bao gồm cả thiết bị X-Quang chụp răng gắn liền với ghế răng) phải đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn bức xạ;
– Phải bố trí khu vực tiệt trùng riêng biệt để xử lý dụng cụ y tế sử dụng lại.
– Bảo đảm các điều kiện về an toàn bức xạ, xử lý chất thải y tế, phòng cháy chữa cháy theo quy định của pháp luật; bảo đảm vô trùng đối với các phòng thực hiện thủ thuật.
– Có đủ điện, nước và các điều kiện khác để phục vụ, chăm sóc người bệnh.
(2) Thiết bị y tế:
– Có đủ thiết bị, dụng cụ y tế phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn mà cơ sở đăng ký;
– Có hộp thuốc chống sốc và đủ thuốc cấp cứu chuyên khoa;
– Phòng khám tư vấn sức khỏe hoặc phòng tư vấn sức khỏe qua các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông không phải có thiết bị, dụng cụ y tế quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng phải có đủ các phương tiện công nghệ thông tin, viễn thông, thiết bị phù hợp với phạm vi hoạt động đăng ký.
(3) Nhân sự:
– Người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
+ Là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề phù hợp với chuyên khoa mà phòng khám đăng ký.
+ Có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng về chuyên khoa đó.
+ Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ: Là bác sỹ chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ;
– Ngoài người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa, các đối tượng khác làm việc trong phòng khám chuyên khoa nếu có thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được phân công công việc phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề của người đó.
Về thủ tục xin cấp phép hoạt động, căn cứ Điều 43, 44 Nghị định 109/2016/NĐ-CP anh/chị thực hiện theo thủ tục sau đây:
– Nộp hồ sơ tại Sở y tế địa phương nơi đăng ký kinh doanh. Hồ sơ bao gồm:
+ Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động theo Mẫu 01 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản sao hợp lệ quyết định thành lập hoặc văn bản có tên của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước
+ Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề) theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu 02 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này;
+ Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định này;
+ Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
– Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động; nếu không cấp hoặc điều chỉnh giấy phép hoạt động thì phải trả lời bằng văn bản và nêu lý do.
– Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp lại giấy phép hoạt động; nếu không cấp lại giấy phép hoạt động thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Như vậy, để mở phòng khám răng hàm mặt, cơ sở cần đảm bảo các điều kiện, trình tự, thủ tục theo quy định nêu trên.
Với những tư vấn về câu hỏi Mở phòng khám răng hàm mặt cần những điều kiện gì, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.