Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Điều kiện hoạt động kinh doanh lĩnh vực tài chính
Tôi và một số anh em có dư một ít tiền muốn cho đầu tư quay vòng để kiếm lời, việc cho vay hoàn toàn tuân thủ pháp luật, vậy xin hỏi điều kiện để hoạt động kinh doanh này là gì và cần gì để công nhận là mình đã đạt.
Luật sư Tư vấn Luật các tổ chức tín dụng – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 30 tháng 07 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Điều kiện hoạt động kinh doanh lĩnh vực tài chính
- Bộ luật dân sự 2015
- Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017
3./ Luật sư tư vấn
Hoạt động cho vay tiền được pháp luật hiện hành công nhận dưới 02 hình thức: cho vay dưới hình thức cá nhân và cho vay dưới hình thức tổ chức tín dụng. Cụ thể:
- Trường hợp cho vay dưới hình thức cá nhân:
Cá nhân có thể cho người khác vay tiền với lãi suất theo thỏa thuận dưới hình thức một giao dịch dân sự hay một hợp đồng vay tài sản mà không cần thành lập doanh nghiệp.
Căn cứ Điều 463, 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định về hợp đồng vay tài sản như sau:
“Điều 463. Hợp đồng vay tài sản
Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
“Điều 468. Lãi suất
1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Như vậy, anh/chị có thể cho người khác vay tiền dưới hình thức một hợp đồng vay tài sản với mức lãi suất thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
- Trường hợp cho vay dưới hình thức tổ chức tín dụng:
Căn cứ Khoản 16 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi năm 2017, cho vay là hình thức cấp tín dụng, theo đó bên cho vay giao hoặc cam kết giao cho khách hàng một khoản tiền để sử dụng vào mục đích xác định trong một thời gian nhất định theo thỏa thuận với nguyên tắc có hoàn trả cả gốc và lãi.
Đồng thời, theo Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi năm 2017 quy định:
“Điều 8. Quyền hoạt động ngân hàng
1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.
2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán.”
Như vậy, cho vay là một hình thức cung cấp tín dụng thuộc hoạt động của Ngân hàng. Chỉ có các tổ chức tín dụng thì mới có thể kinh doanh các hoạt động của Ngân hàng. Các tổ chức tín dụng phải đăng kí kinh doanh theo từng hình thức tương ứng, quy định tại Điều 6 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi năm 2017, theo đó: Ngân hàng thì phải được thành lập công ty dưới dạng công ty cổ phần; Tổ chức tín dụng phi ngân hàng trong nước được thành lập, tổ chức dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn; Tổ chức tài chính vi mô được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn;…
Vì vậy, trong trường hợp này, để thực hiện kinh doanh cho vay tín dụng, anh/chị phải đăng ký thành lập doanh nghiệp với một trong các hình thức tổ chức tín dụng nêu trên. Đồng thời phải được cấp phép hoạt động bởi Ngân hàng nhà nước. Các điều kiện để được cấp phép, quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi năm 2017, bao gồm:
– Có vốn điều lệ, vốn được cấp tối thiểu bằng mức vốn pháp định;
– Chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập là pháp nhân đang hoạt động hợp pháp và có đủ năng lực tài chính để tham gia góp vốn; cổ đông sáng lập hoặc thành viên sáng lập là cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ và có đủ khả năng tài chính để góp vốn.
Điều kiện đối với chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, cổ đông sáng lập, thành viên sáng lập do Ngân hàng Nhà nước quy định;
– Người quản lý, người điều hành, thành viên Ban kiểm soát có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật các tổ chức tín dụng 2010 sửa đổi năm 2017.
– Có Điều lệ phù hợp với quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
– Có Đề án thành lập, phương án kinh doanh khả thi, không gây ảnh hưởng đến sự an toàn, ổn định của hệ thống tổ chức tín dụng; không tạo ra sự độc quyền hoặc hạn chế cạnh tranh hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong hệ thống tổ chức tín dụng
Như vậy, trường hợp không muốn thành lập doanh nghiệp, anh/chị có thể cho vay tiền qua hình thức hợp đồng cho vay tài sản. Trường hợp muốn thành lập tổ chức tín dụng thì phải đảm bảo các điều kiện nêu trên.
Với những tư vấn về câu hỏi Điều kiện hoạt động kinh doanh lĩnh vực tài chính, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.