Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Vợ vay nợ rồi ký giả chữ chồng thì chồng có phải chịu trách nhiệm
Vợ tôi và tôi kết hôn tới nay đã được 12 năm, cô ấy là người ham cờ bạc và thường xuyên có những hành vi vay nợ giấu diếm gia đình, cách đây 1 năm cô ấy đã vay 1 khoản nợ 300 triệu để họ đến nhà đòi và bố mẹ tôi phải đứng ra giả hộ để các cháu được yên tâm đi học, nay tôi được thông tin là cô ấy lại vay một khoản hơn 100 triệu và cũng không trả được, hôm trước người ta đến mang theo giấy ký vay, nhưng trong đó lại còn có cả chữ của tôi, mà tôi hoàn toàn chưa bao giờ nhìn thấy văn bản này, tôi nghi ngờ đó là do họ giả tạo hoặc vợ tôi ký giả, như vậy tôi có phải chịu trách nhiệm với khoản nợ này và phải làm sao chứng minh tôi không liên quan, chữ ký rất giống chữ tôi, nếu không phải tôi thì cũng khó ai có thể nhận ra.
Luật sư Tư vấn Bộ luật Dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 21 tháng 08 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Nghĩa vụ tài sản riêng của vợ
- Bộ luật Dân sự năm 2015.
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
3./ Luật sư tư vấn
Về cơ bản, khoản nợ trong thời kỳ hôn nhân được xác định là nợ chung của vợ chồng, tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định khoản nợ này được xác định là khoản nợ riêng và nghĩa vụ trả nợ được xác định cho chính bên vay. Như khi vợ vay nợ mà không cho chồng biết, khoản tiền vay không vì nhu cầu của gia đình thì nghĩa vụ trả nợ được xác định là nghĩa vụ riêng về tài sản của người vợ, cụ thể:
Khoản 3 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
“3.Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;”
Theo đó, nghĩa vụ trả nợ phát sinh từ giao dịch một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình được xác định là nghĩa vụ riêng về tài sản của một bên. Trong trường hợp người vợ vay nợ trong thời kỳ hôn nhân không vì nhu cầu của gia đình hơn nữa người chồng cũng không biết về khoản nợ này thì việc trả nợ là nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, người chồng không có nghĩa vụ trả khoản nợ đó.
Nhưng vì trong giấy vay nợ có chữ ký của cả hai vợ chồng nên nghĩa vụ trả nợ trên được xác định là nghĩa vụ chung của cả hai người, cả hai vợ chồng đều phải thực hiện việc trả nợ.
Tuy nhiên, trong trường hợp chữ ký của người chồng là giả mạo thì hợp đồng vay trên được xác định là hợp đồng vay của người vợ, nghĩa vụ trả nợ cũng được sẽ được xác định là của người vợ, người chồng không phải thực hiện.
Vấn đề được đặt ra ở đây là chứng minh chữ ký của người chồng là chữ ký giả. Xét về mặt khoa học thì hai chữ ký có giống nhau đến đâu mà do hai người ký đều có thể xác định sự khác nhau thông qua số nét, độ đậm nhạt, thậm chí là kiểu chữ khác nhau. Trong trường hợp hai chữ ký rất khó để chứng minh không phải do cùng một người ký do sự giống nhau của hai mẫu chữ ký thì có thể thông qua kết luận giám định chữ ký của các tổ chức giám định để chứng minh hai chữ ký không phải do một người ký. Tuy nhiên, để đảm bảo Tòa án chấp nhận kết luận giám định trên thì có thể yêu cầu Tòa trưng cầu giám định trong quá trình xử lý vụ án hoặc thực hiện giám định tại tổ chức giám định được Tòa án chấp nhận.
Như vậy, trong trường hợp trên, bạn sẽ không phải chịu nghĩa vụ trả khoản nợ 100.000.000 đồng mà vợ bạn đã vay, việc chứng minh chữ ký của bạn trên giấy vay nợ là giả có thể thông qua kết luận giám định chữ ký của tổ chức giám định.
Với những tư vấn về câu hỏi Vợ vay nợ rồi ký giả chữ chồng thì chồng có phải chịu trách nhiệm, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.