Ghi âm cuộc nói chuyện có phải trái pháp luật

Ghi âm cuộc nói chuyện có phải trái pháp luật. Tự ý ghi âm các cuộc đối thoại, trao đổi không thông báo rồi sử dụng thì có vi phạm pháp luật?

Tôi muốn hỏi một việc như này. Trường hợp người cấp trên mời người cấp dưới vào phòng nói chuyện, hỏi hạn về công việc và ghi âm lại cuộc nói chuyện này. Như thế có bị coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không. nếu vi phạm thì vi phạm vào điều khoản nào của pháp luật hiện nay. Xin được tư vấn bao quát các trường hợp.


Luật sư Tư vấn Luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 28 tháng 08 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Ghi âm trái pháp luật

  • Bộ luật dân sự 2015
  • Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017

3./ Luật sư tư vấn

Ghi âm là việc dùng các thiết bị điện tử có khả năng thu và phát lại cuộc nói chuyện. Trường hợp ghi âm cuộc nói chuyện riêng tư của người khác với mục đích nhằm làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì người bị xâm hại có các quyền như sau:

Căn cứ Điều 34, Điều 38 Bộ luật dân sự 2015, công dân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, đồng thời được bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, cụ thể như sau:

 “Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

“Điều 38. Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.

3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

4. Các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, khi một người thực hiện hành vi ghi âm trái phép cuộc đàm thoại riêng tư của người khác để đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người đó thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng. Người bị đưa tin ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Trường hợp người đưa tin không xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại thì người bị đưa tin có quyền tố cáo hành vi vi phạm đến thủ trưởng cơ quan người đưa tin công tác hoặc cơ quan cấp trên của cơ quan người đưa tin công tác để yêu cầu xử lý kỷ luật người đưa tin. Hoặc người bị đưa tin có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi người đưa tin cư trú xử phạt vi phạm hành chính hành vi đưa tin trái phép.

Nếu người đưa tin đã bị xử lý kỷ luật hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn không thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả thì người bị đưa tin có quyền tố giác tội phạm Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác quy định tại Điều 159 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cụ thể:

“Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, tùy vào mức độ vi phạm, việc ghi âm trái phép cuộc đàm thoại riêng tư để đưa tin nhằm mục đích làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác thì người đưa tin có thể bị buộc xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại cho người bị đưa tin; xử lý kỷ luật; xử phạt vi phạm hành chính; khởi tố hình sự. Tuy nhiên, nếu việc ghi âm cuộc đàm thoại riêng tư không phải nhằm mục đích đưa tin sai sự thật, làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác thì hành vi này không bị xử lý bằng các hình thức nêu trên.

Với những tư vấn về câu hỏi Ghi âm cuộc nói chuyện có phải trái pháp luật, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191