Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Nhà chồng rêu rao về việc mình ngoại tình thì xử lý thế nào
Việc nhà chồng liên tiếp tung ra những tin đồn ác ý, và cố tình bôi nhọ danh dự nhân phẩm của con dâu thì pháp luật có xử lý không ạ, họ nói khắp nơi là tôi lăng nhăng, cặp kè với người đàn ông khác, về nhà vô trách nhiệm với con cái, tất cả đều là giả dối, những thông tin này làm tôi cảm thấy rất khó chịu và căng thẳng, cơ quan tôi mọi người xì xào, tôi phải làm gì?
Luật sư Tư vấn Luật Phòng, chống bạo lực gia đình – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 04 tháng 09 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Xử phạt khi có hành vi bạo lực gia đình
- Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
3./ Luật sư tư vấn
Theo quy định của pháp luật về phòng và chống bạo lực gia đình thì “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Ngay cả hành vi lăng mạ hoặc các hành vi cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình cũng bị coi là một trong các dạng của bạo lực gia đình, nên, khi có thành viên thực hiện các hành vi này thì thành viên đó sẽ phải chịu trách nhiệm sau:
Căn cứ Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình:
“1.Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm: …
b)Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm; …
2.Hành vi bạo lực quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng”
Theo đó thì việc nhà chồng liên tiếp tung những tin đồn ác ý, cố tình bôi nhọ danh dự nhân phẩm của con dâu cũng bị coi là hành vi bạo lực gia đình được quy tại điểm b Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Điều 8 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định những hành hành vi bạo lực gia đình ở Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là những hành vi bị nghiêm cấm. Mà khi một chủ thể thực hiện điều bị pháp luật cấm thì chắc chắn chủ thể này sẽ phải chịu những hậu quả pháp lý bất lợi theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, trừng trị người có hành vi.
Căn cứ Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình về “quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình”:
“1.Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a)Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b)Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c)Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d)Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ)Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2.Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.”
Theo đó, đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm con dâu của những người trong gia đình chồng thì những người này sẽ bị xử phạt vi phạm hành theo quy định tại Điều 51 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về “Hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của thành viên gia đình”:
“1.Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình.
2.Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a)Tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
b)Sử dụng các phương tiện thông tin nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình;
c)Phổ biến, phát tán tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nạn nhân.
3.Biện pháp khắc phục hậu quả:
a)Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;
b)Buộc thu hồi tư liệu, tài liệu, tờ rơi, bài viết, hình ảnh, âm thanh đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.”
Ngoài ra, trong trường hợp, hành vi của người nhà chồng trên đủ nghiêm trọng để cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý theo Điều 155 Bộ luật Hình sự về tội làm nhục người khác, theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Như vậy, với những chi tiết bạn đưa ra thì để đảm bảo quyền lợi cho chính bạn, bạn có thể làm đơn gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu giải quyết, theo quy định của pháp luật, hành vi trên của những người nhà chồng bạn có thể bị phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng và buộc xin lỗi công khai. Trong trường hợp nghiêm trọng, người thực hiện hành vi có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác.
Với những tư vấn về câu hỏi Nhà chồng rêu rao về việc mình ngoại tình thì xử lý thế nào, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.