Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Giữ bằng gốc và đòi nộp tiền mới trả đúng hay sai
Tư vấn cho em với ạ
Trong hợp đồng em ký là 2 năm, nhưng do lí do riêng nên em phải xin nghỉ trước hợp đồng. Và bị giữ bằng gốc , họ yêu cầu nộp 20 triệu mới được lấy bằng. Vậy có cách nào khác không ạ, em nghe nói theo luật là không được giữ bằng gốc
Luật sư Tư vấn Bộ luật Lao động – Gọi 1900.0191
Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:
1./ Thời điểm pháp lý
Ngày 08 tháng 09 năm 2018
2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Hành vi giữ bằng gốc của người lao động
- Bộ luật Lao động năm 2012.
- Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đã được sửa đổi bởi Nghị định 88/2015/NĐ-CP).
3./ Luật sư tư vấn
Hợp đồng lao động được coi là một hợp đồng dân sự, trong đó, hai bên tham gia giao kết là người sử dụng lao động và người lao động. Hợp đồng lao động phải được ký kết dựa trên sự thỏa thuận của hai bên, hai bên hoàn toàn tự nguyện trong việc giao kết và thực hiện hợp đồng. Do đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động khi chưa hết thời hạn theo thỏa thuận cũng là quyền của người lao động cũng như người sử dụng lao động. Tuy nhiên, để tránh thiệt hại cho bên còn lại khi một bên chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn phải thực hiện việc thông báo và bồi thường (nếu có) cho bên còn lại. Nhưng việc người sử dụng lao động giữ bằng gốc của người lao động và yêu cầu phải nộp tiền thì mới được lấy bằng là hành vi vi phạm pháp luật.
Căn cứ Điều 183 Bộ luật Lao động quy định về “Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động”:
“1.Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.
2.Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.
3.Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.”
Theo đó, việc người lao động giữ giấy tờ tùy thân nói chung, hay bằng (tốt nghiệp trung học, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học,…) đều là hành vi vi phạm pháp luật. Mà theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:
“2.Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a)Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; …
3.Biện pháp khắc phục hậu quả:
a)Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này; …”
Do đó, người sử dụng lao động khi giữ bản chính văn bằng, chứng chỉ của người lao động thì sẽ bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng và bị buộc trả lại bản chính văn bằng, chứng chỉ đó cho người lao động.
Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, hành vi giữ bản chính bằng của bạn của người sử dụng lao động là hành vi vi phạm pháp luật, do đó, bạn có thể yêu cầu người sử dụng lao động trả lại bằng gốc theo quy định của pháp luật hoặc tố cáo hành vi này tới các cơ quan có thẩm quyền theo quy định để yêu cầu giải quyết. Khi đó bạn sẽ được nhận lại bằng do người sử dụng lao động giữ bản chính bằng của bạn sẽ phải “buộc trả lại” theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP.
Với những tư vấn về câu hỏi Giữ bằng gốc và đòi nộp tiền mới trả đúng hay sai, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN