Câu hỏi của khách hàng: Bị đặt điều gây thương tích cho người khác thì phải làm thế nào?
Mọi người cho e hỏi.
Chuyện là em là nhân viên bán sữa cho khách thì khách đã mua của em rồi và tiếp tục mua nữa, thì có 1 bạn bán hãng sữa khác đến có ý phá dựt khách của em không cho em bán, bạn đó còn chửi em. Sau đó xảy ra xô xát nhẹ và em có lấy ghế đánh bạn đó (không gây chảy máu gì hết). Và chị em có vô can thì bạn đó đánh luôn chị em. Sau đó được mọi người can ra bạn đó còn đứng lên chửi em tiếp. Rồi bạn đó lên bệnh viện nhập viện nói là đi hút dịch mắt ….( vì bạn có quen người trong bệnh viện nên vào lấy thương tích để thưa em, em không làm gì con mắt bạn hết và bây giờ bạn vẫn nằm viện từ 23/10 đến 31/10 vẫn chưa ra viện, trên điện thoại thì bạn online zalo facebook thường xuyên, nếu có việc gì em đưa bằng chứng gì để chứng tỏ là bạn lên viện lấy thương tích vì có người quen). Bạn cũng đã làm giấy báo lên công ty là em hành hung bạn và nói em lấy 1 chồng ghế đánh bạn nhưng đó không phải là sự thật. Mọi người giúp em với em còn là sinh viên mới ra trường và sang năm chuẩn bị thi đại học em sợ phải vướng đến hình sự quá lên khai thì phải khai sao cho công an biết là em là người bị hại mọi người
Luật sư Tư vấn Bộ luật hình sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 15/11/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý khi bị người khác vu khống
- Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017
- Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình
3./ Luật sư trả lời Bị đặt điều gây thương tích cho người khác thì phải làm thế nào?
Trước hết, việc bạn lấy ghế đánh bạn nhân viên của hãng sữa kia đã là hành vi vi phạm pháp luật. Nên, bạn sẽ vẫn bị xử lý do thực hiện hành vi trên. Tuy nhiên, việc bạn có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, mà quan trọng nhất là tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ này trong kết quả của bệnh viện sẽ không được Viện kiểm sát, Tòa án chấp nhận, nhất là khi bạn chứng minh được có sự không khách quan trong kết quả đó.
Căn cứ vào Điều 134 Bộ luật hình sự quy định về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, cụ thể như sau:
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1.Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a)Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b)Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c)Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
d)Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình;
đ)Có tổ chức;
e)Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
g)Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h)Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê;
i)Có tính chất côn đồ;
k)Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. …”
Theo đó, thông thường, bạn sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về việc gây thương tích cho bên kia khi tỷ lệ tổn thương cơ thể của người kia từ 11% trở lên.
Ngoài ra, kết quả của bệnh viện sẽ khó có khả năng được cơ quan điều tra chấp nhận. Nếu bạn có chứng cứ chứng minh sự không khách quan của phía bệnh viện (người kiểm tra và cho kết quả thương tích là người quen của bên bị hại chẳng hạn) thì chắc chắn kết quả khám tại bệnh viện đó sẽ không được chấp nhận.
Hơn nữa, mặc dù bên kia có tố cáo bạn thì cơ quan công an, cơ quan điều tra sẽ không chỉ tin một phía mà chính những chủ thể đó sẽ có những cuộc điều tra riêng để nhận định sự thật khách quan.
Xét thấy trường hợp của bạn không thương tích là không đáng kể, nên thường thì bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác. Bạn nên hợp tác với các chủ thể có thẩm quyền để tìm ra sự thật khách quan một cách nhanh nhất. Nhưng, bạn cũng phải cẩn thận trong tất cả những tài liệu, văn bản có thể làm chứng cứ chống lại bạn như bản trình bày của bạn khi làm việc với công an. Bạn tuyệt đối phải có nhận định riêng của mình, trình bày rõ sự thật mà bạn biết, không được quá phụ thuộc vào phía cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, mặc dù hành vi trên của bạn không đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng bạn vẫn sẽ bị xử lý vi phạm hành chính. Theo quy định tại điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP về vi phạm quy định về trật tự công cộng thì:
“Điều 5. Vi phạm quy định về trật tự công cộng
3.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: …
e)Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác. …”
Vì vậy, trong trường hợp không phải chịu trách nhiệm hình sự bạn sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với hành vi xâm hại đến sức khỏe của người khác. Mức tiền xử phạt được quy định là từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.
Trong trường hợp bạn nhân viên kia gửi đơn lên công ty của bạn với những tình tiết đưa ra không đúng sự thật (người này hoàn toàn biết tình tiết mà họ đưa ra là sai sự thật). Bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi trên nơi bạn nhân viên kia cư trú về việc bạn đó đã bịa đặt thông tin nhằm vu khống bạn.
Căn cứ Điều 156 Bộ luật hình sự quy định về Tội vu khống như sau:
“Điều 156.Tội vu khống
1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a)Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b)Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cớ quan có thẩm quyền; …”
Chính vì thế, bạn cần thu thập lại những thông tin trong bệnh án của bạn đó kể từ ngày đầu tiên nhập viện và làm đơn gửi tới cơ quan điều tra để yêu cầu được giám định lại tỷ lệ thương tật. Sau khi có kết quả giám định lại, bạn có thể gửi kèm theo đơn giấy giám định lại tỷ lệ thương tật của bạn nhân viên kia chứng minh việc bạn đó đã bịa đặt nhằm vu khống cho bạn.
Sau khi chủ thể có thẩm quyền xem xét các giấy tờ và chứng cứ kèm theo, đối chiếu với những hành vi bạn nhân viên của công ty sữa kia đã thực hiện việc vu khống cho bạn thì bạn nhân viên đó có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, nếu đúng như những gì bạn trình bày thì bạn sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, bạn vẫn sẽ bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài ra, khi có chứng cứ chứng minh những thông tin mà bên kia cung cấp (như tỷ lệ tổn thương cơ thể) là không đúng sự thật, bạn có thể tố cáo người đó về hành vi vu khống theo quy định của pháp luật.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN