Căn cứ vào Thông tư số 12/2017/TT-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2017 quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực.
Các lĩnh vực thuộc phạm vi giấy phép hoạt động điện lực bao gồm:
– Tư vấn chuyên ngành điện lực
(Tư vấn quy hoạch phát triển điện lực; Tư vấn đầu tư xây dựng công trình nhà máy điện, đường dây và trạm biến áp; Tư vấn giám sát thi công công trình nhà máy điện, đường dây và trạm biến áp)
– Phát điện.
– Truyền tải điện.
– Phân phối điện.
– Bán buôn điện.
– Bán lẻ điện.
– Xuất, nhập khẩu điện.
Thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực
Thời hạn tối đa trong giấy phép hoạt động điện lực cấp cho đơn vị hoạt động điện lực được quy định tại bảng sau:
TT | Lĩnh vực hoạt động điện lực | Thời hạn tối đa của giấy phép |
1 | Tư vấn chuyên ngành điện lực | 05 năm |
2 | Phát điện | |
a) | Nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt | 20 năm |
b) | Nhà máy điện không thuộc danh mục nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt | 10 năm |
3 | Truyền tải điện | 20 năm |
4 | Phân phối điện | 10 năm |
5 | Bán buôn điện, bán lẻ điện | 10 năm |
6 | Xuất, nhập khẩu điện | 10 năm |
Trường hợp tổ chức, cá nhân đề nghị thời hạn giấy phép hoạt động điện lực ngắn hơn thời hạn tối đa của giấy phép hoạt động điện lực thì cấp theo thời hạn đề nghị.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực
Hồ sơ Lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
– Danh sách trích ngang các cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chính theo Mẫu 3a quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao bằng tốt nghiệp, chứng chỉ hành nghề và hợp đồng lao động đã ký của chuyên gia tư vấn chính có tên trong danh sách với tổ chức tư vấn.
– Danh mục các dự án có quy mô tương tự mà tổ chức tư vấn hoặc các chuyên gia tư vấn chính đã thực hiện.
– Danh mục trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, phần mềm ứng dụng phục vụ công tác tư vấn và cam kết của tổ chức đảm bảo đáp ứng cho hoạt động tư vấn.
Hồ sơ Lĩnh vực phát điện
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
– Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca nhà máy điện theo Mẫu 3b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao bằng tốt nghiệp, thẻ an toàn điện và giấy chứng nhận vận hành được cấp điều độ có quyền điều khiển cấp cho đội ngũ trưởng ca theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành.
– Bản sao quyết định phê duyệt dự án đầu tư, chủ trương đầu tư nhà máy điện của cơ quan có thẩm quyền.
– Bản sao Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc văn bản xác nhận Kế hoạch bảo vệ môi trường dự án đầu tư nhà máy điện của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về môi trường.
– Bản sao Hợp đồng mua bán điện.
– Danh mục các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và cam kết của chủ đầu tư thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật trong việc sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
– Bản sao Biên bản nghiệm thu về hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.
– Bản sao quyết định phê duyệt Quy trình vận hành hồ chứa của cơ quan có thẩm quyền (đối với nhà máy thủy điện).
– Bản sao Quy trình phối hợp vận hành nhà máy điện với Đơn vị Điều độ hệ thống điện.
– Bản sao biên bản nghiệm thu hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông phục vụ vận hành thị trường điện theo quy định; bản sao biên bản nghiệm thu hệ thống SCADA phục vụ vận hành hệ thống điện và thị trường điện theo quy định.
– Bản sao biên bản nghiệm thu đập thủy điện; bản đăng ký an toàn đập gửi cơ quan có thẩm quyền; phương án bảo đảm an toàn đập và bảo đảm an toàn vùng hạ du đập theo quy định; báo cáo kết quả kiểm định đập (đối với đập thủy điện đã đến kỳ kiểm định).
Hồ sơ Lĩnh vực truyền tải điện, phân phối điện
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
– Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kỹ thuật, đội ngũ trưởng ca vận hành theo Mẫu 3b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao bằng tốt nghiệp, thẻ an toàn điện, giấy chứng nhận vận hành được cấp điều độ có quyền điều khiển cấp cho người có tên trong danh sách theo Quy trình điều độ hệ thống điện quốc gia do Bộ Công Thương ban hành.
– Danh mục các hạng mục công trình lưới điện chính do tổ chức đang quản lý. Trường hợp mua bán, sáp nhập, bàn giao không hoàn vốn tài sản lưới điện phải có Biên bản nghiệm thu theo quy định hoặc Biên bản bàn giao tài sản.
– Bản sao tài liệu về đảm bảo điều kiện phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
– Bản sao Thoả thuận đấu nối hoặc Hợp đồng đấu nối vào hệ thống điện quốc gia; Bản đồ ranh giới lưới điện và phạm vi hoạt động.
Hồ sơ Lĩnh vực bán buôn điện, bán lẻ điện
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép.
– Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kinh doanh, quản lý kỹ thuật theo Mẫu 3b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp, thẻ an toàn điện của người có tên trong danh sách.
Hồ sơ Lĩnh vực xuất, nhập khẩu điện
– Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo Mẫu 01 quy định tại Phụ lục kèm theo Thông tư này.
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận thành lập của tổ chức đề nghị cấp giấy phép.
– Danh sách trích ngang người trực tiếp quản lý kinh doanh điện và người trực tiếp quản lý kỹ thuật theo Mẫu 3b quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao bằng tốt nghiệp hoặc giấy chứng nhận tốt nghiệp của người có tên trong danh sách.
– Bản sao Quyết định phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài và phương án đấu nối lưới điện đã được phê duyệt để mua, bán điện với nước ngoài; bản sao hợp đồng xuất, nhập khẩu điện hoặc bản sao văn bản đề nghị mua điện hoặc chấp thuận bán điện của phía nước ngoài.
– Sơ đồ nguyên lý lưới điện liên quan đến điểm mua, bán điện và Quy trình phối hợp vận hành và xử lý sự cố lưới điện giữa bên mua điện và bên bán điện (nếu có).
– Bản sao tài liệu thực hiện các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại các trạm biến áp theo quy định.
Trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực
– Trước 30 ngày tính từ ngày dự kiến chính thức đưa vào vận hành, tổ chức tham gia hoạt động phát điện phải nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực.
– Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực gửi cho cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Chương II Thông tư này và chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
– Hình thức nộp hồ sơ được quy định như sau:
a) Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực: Thực hiện trên cổng Dịch vụ công trực tuyến.
Trong trường hợp hồ sơ điện tử có dung lượng lớn hoặc các tài liệu theo quy định của pháp luật không được gửi qua mạng thông tin điện tử thì có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
b) Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền cấp giấy phép của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thực hiện gửi trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực (nếu có).
– Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực trực tuyến được thực hiện như sau:
a) Hồ sơ trực tuyến thực hiện theo hướng dẫn trên cổng Dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương, cụ thể như sau:
– Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép thực hiện đăng ký tài khoản trên Dịch vụ công trực tuyến theo địa chỉ: http://online.moit.gov.vn; sử dụng tài khoản đã đăng ký để khai báo và gửi hồ sơ trực tuyến;
– Trong thời hạn 15 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ trên cổng Dịch vụ công trực tuyến, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại cơ sở (nếu cần thiết) và cấp giấy phép hoạt động điện lực.
b) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn việc cấp giấy phép thuộc thẩm quyền theo hình thức trực tuyến (nếu có) phù hợp với quy định tại Thông tư này.
– Trình tự, thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động điện lực không qua trực tuyến được thực hiện như sau:
a) Trong thời hạn 03 ngày làm việc tính từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nếu hồ sơ không đầy đủ, hợp lệ. Trong văn bản thông báo, phải nêu rõ lý do và yêu cầu bổ sung hoặc sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan để hoàn thiện hồ sơ;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu và các thông tin liên quan của cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực, tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép phải bổ sung, sửa đổi số liệu, tài liệu, các thông tin liên quan và trả lời bằng văn bản.
Trong thời hạn 60 ngày tính từ ngày cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có văn bản yêu cầu sửa đổi, bổ sung mà tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép không sửa đổi, bổ sung hồ sơ và trả lời bằng văn bản, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có quyền trả lại hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực;
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, kiểm tra tại cơ sở (nếu cần thiết) và cấp giấy phép hoạt động điện lực.
– Trong quá trình thẩm định hồ sơ, kiểm tra thực tế nếu thấy tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng đủ điều kiện theo quy định, cơ quan cấp giấy phép có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép bổ sung để đáp ứng điều kiện hoặc từ chối cấp giấy phép bằng văn bản (nêu rõ lý do).
– Giấy phép hoạt động điện lực được cấp gồm 03 bản chính: 01 bản giao cho đơn vị được cấp giấy phép, 02 bản lưu tại cơ quan cấp giấy phép hoạt động điện lực.
– Trước khi giấy phép hoạt động điện lực hết thời hạn sử dụng 60 ngày, đơn vị điện lực được cấp giấy phép có nhu cầu tiếp tục hoạt động phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại Khoản 1 Điều này và thực hiện trình tự, thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định.
Bài viết có thể bạn muốn xem thêm:
- Các bước cơ bản khi nộp hồ sơ kê khai thuế qua mạng
- Thủ tục hợp thức hóa hôn nhân nước ngoài
- Thủ tục cấp thẻ thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam
- Những điều nhà đầu tư nước ngoài cần biết khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế vào Việt Nam
- Phân biệt tạm giữ trong tố tụng hành chính với tạm giữ trong tố tụng hình sự
- Chế độ bảo hiểm khi nghỉ thai sản những điều cần biết
- Chế độ ốm đau cho lao động nữ chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm
- Quy trình bầu đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã, phường, thị trấn
- Bảo hiểm thất nghiệp những điều cần biết
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.