Câu hỏi của khách hàng: Ràng buộc của người góp vốn với doanh nghiệp mới để tránh tổn thất khi có mâu thuẫn
Hi mọi người, Em và 2 người nữa đang trong quá trình thành lập doanh nghiệp thì trước khi thành lập có 1 số điều lệ cơ bản thống nhất trước khi làm. Có 2 vấn đề chính em muốn hỏi:
– Có thể chia tỉ lệ góp vốn còn lại khi 1 người rút hoặc xử lý khi không chịu làm theo ý của nhóm không ? hay phải theo luật và cơ sở là bao nhiêu ?
– Để tránh trường hợp có người không chịu làm và phản bội thì có thể bắt người đó khi rút ra không được làm trong ngành 1 năm tiếp theo không ? Nếu không được thì có ràng buộc nào cho doanh nghiệp mới thành lập tránh tổn thất khi mâu thuẫn lợi ích không ?
Luật sư Tư vấn Luật doanh nghiệp – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 09/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Luật doanh nghiệp
Luật doanh nghiệp 2014
3./ Luật sư trả lời Ràng buộc của người góp vốn với doanh nghiệp mới để tránh tổn thất khi có mâu thuẫn
Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
Tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp bạn lựa chọn là công ty TNHH hay công ty Hợp danh mà quy định về rút vốn góp cũng khác nhau.
Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên:
Căn cứ Khoản 2 Điều 51 Luật doanh nghiệp 2014 về nghĩa vụ của thành viê quy định như sau:
“2. Không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các Điều 52, 53, 54 và 68 của Luật này.”
Và Điều 52 Luật doanh nghiệp 2014 về Mua lại phần vốn góp:
“1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết quy định tại khoản này.
…”
Theo đó, trong quá trình hoạt động, người đó không đồng với cách thức hoạt động hay hướng kinh doanh hay các vấn đề khác liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của các thành viên thì có thể yêu cầu công ty mua lại phần vốn đã góp. Khi có yêu cầu của thành viên, nếu không thỏa thuận được về giá thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp theo quy định thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người khác không phải là thành viên.
Về tỉ lệ vốn góp của các thành viên còn lại sau khi một thành viên rút vốn góp: Đối với trường hợp công ty mua lại vốn góp của thành viên đó thì công ty phải tiến hành thông báo thay đổi vốn điều lệ (giảm vốn điều lệ). Trường hợp một trong hai thành viên mua lại phần vốn góp thì người mua lại sẽ có thêm số phần trăm vốn góp của người đó.
Theo quy định của pháp luật, người rút vốn góp không bị hạn chế quyền đối với trường hợp trên. Do đó, người đó có quyền thành lập doanh nghiệp mới hoặc giữ một số chức vụ cao trong công ty mới. Để trách lộ bí mật công ty hoặc trách việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp bạn có thể quy định trong Điều lệ công ty về điều khoản: một số hạn chế sau khi rút vốn, điều kiện rút vốn,… hoặc yêu cầu các thành viên góp vốn ký cam kết về việc sau khi rút vốn không được làm cho công ty đối tác trong vòng 01 năm,…
Đối với công ty Hợp danh:
Căn cứ Khoản 2 Điều 180 Luật doanh nghiệp 2014 về Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh:
“2. Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận. Trường hợp này, thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất 06 tháng trước ngày rút vốn; chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.”
Theo đó, trong quá trình hoạt động, do không tán thành ý kiến với các thành viên khác thì người đó có quyền rút vốn khỏi công ty nhưng phải được sự chấp thuận của hội đồng thành viên. Phải tiến hành thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất 06 tháng kể từ ngày rút vốn và chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính, báo cáo tài chính của năm tài chính đó được thông qua. Ngoài ra, trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày chấm dứt tư cách thành viên hợp danh đối với trường hợp tự nguyện rút vốn khỏi công ty thì người đó vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ của công ty đã phát sinh trước ngày chấm dứt tư cách thành viên.
Người mua lại phần vốn góp của người đó phải được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại và tỉ lệ vốn góp của người mua lại là tổng phần trăm vốn góp của mình và của người chuyển nhượng vốn góp. Được chia lợi nhuận theo theo phần trăm vốn góp.
Như vậy, tùy vào loại hình doanh nghiệp bạn lựa chọn, mức độ ràng buộc đối với các thành viên góp vốn cũng khác nhau. Tuy nhiên, để tăng tính ràng buộc của các thành viên thì bạn có thể quy định trong Điều lệ công ty.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.