Người nước ngoài có được là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không?

Câu hỏi của khách hàng: Người nước ngoài có được là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không?

Công ty cổ phần Bình Minh thành lập 2010, ngành nghề kinh doanh: nuôi trồng nông lâm, thủy sản. Tháng 10/2015 một công ty nước ngoài là công ty Season Co, quốc tịch Canada muốn cùng công ty Bình minh thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu du lịch cao cấp. Dự án được thục hiện duới hình thức thành lập công ty cổ phần du lịch và dịch vụ giải trí Vĩnh phúc.

  • Vốn đầu tư nước ngoài chiếm 44%
  • Vốn nhà đầu tư trong nước chiếm 56 %

Để các nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia quản trị và xác lập đường lối chiến lược cho công ty, các nhà đầu tư dự định cơ cấu công ty như sau: Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông David, quốc tịch canada – đại diện pháp nhân; Tổng giám đốc là ông Nguyễn Tâm hiện là GĐ cty Bình Minh. Các quy định còn lại về cơ cấu quản trị công ty theo đúng quy định tại luật doanh nghiệp 2014.

Anh/chị có nhận xét gì về cơ cấu quản trị điều hành của công ty?

Sau một thời gian hoạt động, phía nhà đầu tư Việt Nam và nước ngoài có bất đồng. Mâu thuẫn căng thẳng khi Chủ tịch HĐQT đã ký quyết định miễn nhiệm Tổng giám đốc. Các cổ đông Việt Nam muốn bầu Chủ tịch HĐQT mới là người Việt Nam thay ông David. Đồng thời nhóm cổ đông này cũng muốn thay đổi nội dung điều lệ công ty, cụ thể là đại diện pháp nhân là Tổng giám đốc chứ không phải Chủ tịch HĐQT.

Anh chị hãy tư vấn cho nhóm cổ đông nói trên trình tự, thủ tục để họ thực hiện được nguyện vọng trên?

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, ban tổ chức cuộc họp đã triệu tập được số cổ đông đại diện cho 100% vốn điều lệ tham dự, cổ đông bỏ phiếu cho việc ban hành quyết định sửa đổi lại điều lệ công ty cũng đạt 100% cổ đông đại diện cho vốn điều lệ tham dự. Sau kết thúc 1 tuần, một số cổ đông gửi đơn yêu cầu hủy quyết định đã ban hành với lý do công ty đã không thực hiện đúng các quy định luật doanh nghiệp và điều lệ công ty về cuộc họp, (mời trước 10 ngày nhưng thư mời họp chỉ trước 7 ngày)? Không đủ thời gian theo luật định.

Anh chị tư vấn cho công ty như thế nào để xử lý tình huống trên, bảo vệ được quyền và lợi ích công ty? Có hủy quyết định được không? Căn cứ?


Luật sư Tư vấn Luật Doanh nghiệp – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 24/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Các trình tự, thủ tục ban hành một số quyết định trong công ty cổ phần

  • Luật Doanh nghiệp năm 2014

3./ Luật sư trả lời Người nước ngoài có được là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân không?

Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp năm 2014 có những quy định cụ thể về cơ cấu vốn, cơ cấu tổ chức – điều hành, thành viên,… của công ty cổ phần.

  1. Nhận xét về cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần trong trường hợp trên.

Cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần được quy định cụ thể tại Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:

1. Công ty cổ phần có quyền lựa chọn tổ chức quản lý và hoạt động theo một trong hai mô hình sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác:

a) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát;

b) Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp này ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập và có Ban kiểm toán nội bộ trực thuộc Hội đồng quản trị. Các thành viên độc lập thực hiện chức năng giám sát và tổ chức thực hiện kiểm soát đối với việc quản lý điều hành công ty.

2. Trường hợp chỉ có một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của công ty; trường hợp Điều lệ không có quy định khác thì Chủ tịch Hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp có hơn một người đại diện theo pháp luật, thì Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đương nhiên là người đại diện theo pháp luật của công ty.

Về chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc công ty cổ phần, Điều 152, Điều 157 Luật Doanh nghiệp có quy định: Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; Hội đồng quản trị bầu một người trong số họ hoặc thuê người khác làm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Có thể thấy, pháp luật không quy định bắt buộc phải chọn ai là Chủ tịch Hội đồng quản trị, ai là Tổng giám đốc. Việc lựa chọn này hoàn toàn do Hội đồng quản trị của công ty tự quyết định và ghi trong Điều lệ khi đăng ký kinh doanh. Pháp luật chỉ quy định về tiêu chuẩn của những chức danh này. Cụ thể:

Tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng quản trị được xác định theo tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành thành viên Hội đồng quản trị. Căn cứ khoản 1 Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này;

– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác.

– Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác.

– Đối với công ty con mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; không được là người có liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.

Tiêu chuẩn của Tổng giám đốc công ty được quy định tại Điều 65 Luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:

– Có đủ năng lực hành vi dân sự và không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này.

– Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản trị kinh doanh của công ty, nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.

– Đối với công ty con của công ty có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì ngoài các tiêu chuẩn và điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người quản lý công ty mẹ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty đó.

Theo đó, nếu như ông David (quốc tịch Canada) và ông Nguyễn Tâm đáp ứng đủ các điều iện nêu trên thì Hội đồng quản trị của công ty hoàn toàn có thể bầu những người này vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc công ty. Quốc tịch không phải là yếu tố hạn chế quyền được chọn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị của ông David.

Hơn nữa, căn cứ khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp năm 2014 nêu trên, thì việc chọn ông David – chủ tịch Hội đồng quả trị trở thành đại diện theo pháp luật của công ty là hoàn toàn có thể.

Có thể thấy, cơ cấu tổ chức quản lý của công ty cổ phần nói trên là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

  1. Thủ tục thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị và thay đổi Điều lệ của công ty

Căn cứ điểm i khoản 2 Điều 149 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thẩm quyền miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty thuộc về Hội đồng quản trị. Theo đó, muốn miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị thì cần phải tổ chức cuộc họp Hội đồng quản trị. Căn cứ khoản 4 Điều 153 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị khi có một trong các trường hợp sau:

  • Có đề nghị của Ban kiểm soát hoặc thành viên độc lập;
  • Có đề nghị của Giám đốc hoặc Tổng giám đốc hoặc ít nhất 05 người quản lý khác;
  • Có đề nghị của ít nhất 02 thành viên điều hành của Hội đồng quản trị;
  • Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.

Công ty có thể lựa chọn một trong các hình thức trên để yêu cầu Chủ tịch Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị. Đề nghị phải được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ mục đích, vấn đề cần thảo luận và quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Hội đồng quản trị trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị. Trường hợp Chủ tịch không triệu tập họp Hội đồng quản trị theo đề nghị thì Chủ tịch phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại xảy ra đối với công ty; người đề nghị có quyền thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Hội đồng quản trị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người triệu tập họp Hội đồng quản trị phải gửi thông báo mời họp chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày họp nếu Điều lệ công ty không có quy định khác. Thông báo mời họp phải xác định cụ thể thời gian và địa điểm họp, chương trình, các vấn đề thảo luận và quyết định. Kèm theo thông báo mời họp phải có tài liệu sử dụng tại cuộc họp và phiếu biểu quyết của thành viên.

Thông báo mời họp được gửi bằng bưu điện, fax, thư điện tử hoặc phương tiện khác, nhưng phải bảo đảm đến được địa chỉ liên lạc của từng thành viên Hội đồng quản trị được đăng ký tại công ty.

Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc người triệu tập gửi thông báo mời họp và các tài liệu kèm theo đến các Kiểm soát viên như đối với các thành viên Hội đồng quản trị. Kiểm soát viên có quyền dự các cuộc họp của Hội đồng quản trị; có quyền thảo luận nhưng không được biểu quyết.

Cuộc họp Hội đồng quản trị được tiến hành khi có từ ba phần tư tổng số thành viên trở lên dự họp. Trường hợp cuộc họp được triệu tập không đủ số thành viên dự họp theo quy định thì được triệu tập lần thứ hai trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, trừ trường hợp Điều lệ quy định thời hạn khác ngắn hơn. Trường hợp này, cuộc họp được tiến hành, nếu có hơn một nửa số thành viên Hội đồng quản trị dự họp.

Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định tỷ lệ khác cao hơn, nghị quyết của Hội đồng quản trị được thông qua nếu được đa số thành viên dự họp tán thành; trường hợp số phiếu ngang nhau thì quyết định cuối cùng thuộc về phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng quản trị. Cuộc họp của Hội đồng quản trị phải được ghi biên bản và có thể ghi âm, ghi và lưu giữ dưới hình thức điện tử khác.

Ngoài ra, công ty còn muốn thay đổi Điều lệ (chuyển người đại diện theo pháp luật từ Chủ tịch Hội đồng quản trị sang Tổng giám đốc). Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 135 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông. Do đó, muốn thay đổi Điều lệ công ty phải triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông. Khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp quy định Hội đồng quản trị được triệu tập họp bất thường Đại hội đồng cổ đông khi

  • Hội đồng quản trị xét thấy cần thiết vì lợi ích của công ty;
  • Số thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát còn lại ít hơn số thành viên theo quy định của pháp luật;
  • Theo yêu cầu của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 của Luật này;
  • Theo yêu cầu của Ban kiểm soát;
  • Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.

Trường hợp Điều lệ công ty không quy định khác, thì Hội đồng quản trị phải triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày số thành viên Hội đồng quản trị còn lại theo quy định tại điểm b hoặc nhận được yêu cầu.

Trường hợp Hội đồng quản trị không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thì trong thời hạn 30 ngày tiếp theo, Ban kiểm soát thay thế Hội đồng quản trị triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông.

Trường hợp Ban kiểm soát không triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền đại diện công ty triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông.

Người triệu tập phải thực hiện các công việc sau đây để tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông:

  • Lập danh sách cổ đông có quyền dự họp;
  • Cung cấp thông tin và giải quyết khiếu nại liên quan đến danh sách cổ đông;
  • Lập chương trình và nội dung cuộc họp;
  • Chuẩn bị tài liệu cho cuộc họp;
  • Dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo nội dung dự kiến của cuộc họp; danh sách và thông tin chi tiết của các ứng cử viên trong trường hợp bầu thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;
  • Xác định thời gian và địa điểm họp;
  • Gửi thông báo mời họp đến từng cổ đông có quyền dự họp theo quy định của Luật này;
  • Các công việc khác phục vụ cuộc họp.

Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành thì được triệu tập họp lần thứ hai trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông triệu tập lần thứ hai được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 33% tổng số phiếu biểu quyết; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Trường hợp cuộc họp triệu tập lần thứ hai không đủ điều kiện tiến thì được triệu tập họp lần thứ ba trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày dự định họp lần thứ hai, nếu Điều lệ công ty không quy định khác. Trường hợp này, cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.

Căn cứ khoản 2 Điều 143, Điều 144 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, phải được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành; tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Do hiện Chủ tịch Hội đồng quản trị đang là đại diện nên công ty sẽ phải tiến hành thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật được quy định tại Điều 43 Nghị định 78/2015/NĐ-CP. Cụ thể:

Hồ sơ đăng ký thay đổi người đại diện theo pháp luật bao gồm các giấy tờ sau:

a) Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật;

b) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người bổ sung, thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty;

c) Quyết định và bản sao hợp lệ biên bản họp của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật trong trường hợp việc thay đổi người đại diện theo pháp luật làm thay đổi nội dung Điều lệ công ty. Quyết định, biên bản họp phải ghi rõ những nội dung được sửa đổi trong Điều lệ công ty.

Nội dung Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật gồm:

a) Tên, mã số doanh nghiệp, mã số thuế hoặc số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế);

b) Họ, tên, số Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, chức danh, địa chỉ thường trú của người đang là đại diện theo pháp luật của công ty và của người bổ sung, thay thế làm đại diện theo pháp luật của công ty;

c) Họ, tên và chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị mới được Hội đồng quản trị bầu.

Hồ sơ được gửi đến Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi công ty đặt trụ sở và được giải quyết trong thời hạn 03 làm việc ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Khi nhận Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh trao Giấy biên nhận, kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp.

  1. Về vấn đề hủy quyết định của Đại hội đồng cổ đông

Căn cứ Điều 147 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông như sau:

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp sau đây:

1. Trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quyđịnh tại khoản 2 Điều 148 của Luật này;

2. Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.

Thứ nhất, người yêu cầu tuyên bố quyết định của Đại hội đồng cổ đông vô hiệu phải là chủ thể có quyền yêu cầu. Đó phải là cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty.

Tiếp theo đó, nếu như trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông không đúng theo quy định của pháp luật thì có thể bị các chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố hủy bỏ. Tuy nhiên, quy định này loại trừ trường hợp tại khoản 2 ĐIều 148 Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể: “Các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết đó không được thực hiện đúng như quy định”.

Như vậy, trường hợp trên đã triệu tập được số cổ đông đại diện cho 100% vốn điều lệ tham dự, cổ đông bỏ phiếu cho việc ban hành quyết định sửa đổi lại điều lệ công ty cũng đạt 100% cổ đông đại diện cho vốn điều lệ tham dự. Do đó, quyết định này của Đại hội đồng cổ đông dù không thực hiện đúng trình tự, thủ tục luật định nhưng vẫn sẽ có hiệu lực pháp luật. Các cổ đông có quyền không thể yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191