Cấp dưỡng nuôi con

Cấp dưỡng nuôi con

Tôi đã ly hôn với chồng cũ của tôi từ năm 2008, vì lý do chồng cũ của tôi đi tù từ năm 2006. Khi viết đơn ly hôn tôi không yêu cầu chồng cũ tôi cấp dưỡng nuôi con hàng tháng vì tôi nghĩ anh ấy thụ án 11 năm. Nhưng được 5 năm thì anh ấy ra trại (ngày 31/8/2011 anh ấy ra trại). Từ khi ra trại anh ấy cũng chưa có trách nhiệm chu cấp hỗ trợ nuôi con hàng tháng. Hiện nay tôi đã đi bước nữa và chuẩn bị sinh con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Hiện tại con của tôi và chồng cũ cũ đang học lớp 3 và đang ở với vợ chồng tôi. nay tôi muốn làm đơn yêu cầu Tòa án giải quyết cho chồng cũ của tôi cấp dưỡng nuôi con hàng tháng có được không? Cần những thủ tục gì? Tôi xin chân thành cám ơn!

Gửi bởi: Hoàng Thị Hương

Trả lời có tính chất tham khảo

Chào bạn!

Tại khoản 1, Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 có quy định

“Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, là người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, là người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này”

Bên cạnh đó, tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 cũng có quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con khi ly hôn như sau:

“Khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”

Thêm vào đó tại mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của luật hôn nhân và gia đình năm 2000 có quy định cụ thể về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn (Điều 92 Luật Hôn nhân và gia đình) như sau:

“Khi áp dụng quy định tại Điều 92 cần chú ý một số điểm sau đây:

a. Theo quy định tại khoản 1 Điều 92 thì người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.”

Như vậy, trong trường hợp của bạn, tính từ thời điểm bạn và chồng cũ của bạn ly hôn thìnghĩa vụ cấp dưỡng của chồng bạn với con của bạn đã tự động phát sinh bất kể chồng bạn ở đâu, làm gì và điều kiện kinh tế của bạn ra sao. Đến thời điểm hiện tại (con của bạn và chồng cũ mới được 3 tuổi –chưa thành niên) thì chồng cũ của bạn vẫn phải có nghĩa vụ và trách nhiệm cấp dưỡng cho con của bạn. Theo đó, cũng tại điều này có quy định: “Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.”

và Điều 17 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình: “Người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thoả thuận với nhau về việc cấp dưỡng. Thỏa thuận về việc cấp dưỡng có thể bằng miệng hoặc lập thành văn bản, nêu rõ ngày người có nghĩa vụ cấp dưỡng bắt đầu thực hiện nghĩa vụ, mức cấp dưỡng và phương thức thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, các thỏa thuận khác về việc thay đổi mức hoặc phương thức cấp dưỡng”

Vì thế, đến thời điểm hiện tại, bạn hoàn toàn có thể thỏa thuận với chồng về việc cấp dưỡng cho con, và theo quy định pháp luật ở trên thì hình thức, thỏa thuận khác có liên quan đến việc cấp dưỡng hàng tháng cho con là do bố mẹ tự thỏa thuận. Trong trường hợp bạn và chồng cũ không thể thỏa thuận được về việc cấp dưỡng hoặc chồng cũ của bạn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chung của 2 người thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa theo quy định pháp luật Hôn nhân và gia đình 2000 nói trên và điều 20 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ ngày 03/10/2001 quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình:

“1. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình mà không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, thì theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 55 của Luật Hôn nhân và gia đình, Toà án ra quyết định buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì thời điểm đó được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Toà án.

2. Trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quyết định của Toà án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ của mình, thì người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó. Thời điểm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng được tính từ ngày ghi trong bản án, quyết định của Toà án.

3. Theo quyết định của Toà án, cơ quan, tổ chức trả tiền lương, tiền công lao động, các thu nhập thường xuyên khác cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng có trách nhiệm thực hiện việc khấu trừ khoản cấp dưỡng để chuyển trả cho người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó theo đúng mức và phương thức cấp dưỡng do người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó và người có nghĩa vụ cấp dưỡng thoả thuận hoặc theo mức và phương thức cấp dưỡng do Toà án quyết định.”

Hơn nữa, mặc dù Tòa án đã giải quyết vụ án ly hôn của bạn bằng một bản án có hiệu lực pháp luật và bạn không yêu cầu chồng cũ phải cấp dưỡng tại thời điểm ly hôn (năm 2008), tuy nhiên, bạn vẫn có thể nộp đơn khởi kiện đề nghị cấp dưỡng cho con theo quy định tại khoản 1 Điều 168 Văn bản hợp nhất số 02/VBHN-VPQH ngày 20/3/2023 hợp nhất Bộ luật Tố tụng dân sự do văn phòng Quốc Hội ban hành. Cụ thể một trong những trường hợp mà Tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện là: “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn Xin ly hôn, Xin thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, Xin thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu do chưa đủ điều kiện khởi kiện”.

Thủ tục khởi kiện như sau:

– Đơn khởi kiện (theo mẫu);

– Các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp, trong trường hợp của bạn là để chứng minh con của bạn ở độ tuổi chưa thành niên và có quan hệ huyết thống với chồng cũ của bạn, mối quan hệ vợ chồng trước đây của hai bạn (ví dụ: Giấy khai sinh của con; chứng nhận ly hôn…)

– Chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu gia đình (có chứng thực)

– Các giấy tờ liên quan khác (bản sao có chứng thực) (nếu có)

– Bản kê các tài liệu nộp kèm theo đơn khởi kiện (ghi rõ số lượng bản chính, bản sao).

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

Nghị định 70/2001/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình

Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP Của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao số 02/2000/NĐ-HĐTP ngày 23 tháng 12 năm 2000 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000

Luật 22/2000/QH10 Hôn nhân và gia đình

Trả lời bởi: CTV7


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191