Ông, bà nội tôi có 08 người con (4 trai, 4 gái). Bà nội tôi mất năm 2006. Năm 2011, ông nội tôi có làm văn bản(có địa phương đã xác nhận) cho anh trai tôi mảnh đất ruộng để canh tác, trong văn bản đó ghi rõ kể từ ngày ông viết văn bản này mọi quyền lợi, trách nhiệm đối với thửa ruộng ông cho anh đều do anh trai tôi chịu trách nhiệm. Vậy cho tôi hỏi, bản di chúc đó của ông tôi cho anh trai tôi như vậy có hợp pháp không. Hiện giờ ông nội tôi vẫn còn sống, trích lục khu đất canh tác đó vẫn đứng tên ông. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Ngô Thị Hoàn
Trả lời có tính chất tham khảo
Vì các thông tin chưa rõ ràng và đầy đủ nên rất khó để xác định chính xác câu trả lời cho bạn; chúng tôi sẽ nêu ra một số vấn đề liên quan để bạn nghiên cứu, tham khảo.
1. Xác định loại văn bản mà ông bạn đã lập
Năm 2011, ông nội bạn đã làm văn bản cho anh trai bạn mảnh đất ruộng để canh tác. Nội dung văn bản là cho mảnh đất; đồng thời bạn đưa ra thông tin rằng: “trong văn bản đó ghi rõ kể từ ngày ông viết văn bản này mọi quyền lợi, trách nhiệm đối với thửa ruộng ông cho anh đều do anh trai tôi chịu trách nhiệm”. Như vậy, có thể ông bạn đã lập hợp đồng tặng cho để tặng cho anh trai bạn mảnh đất ruộng đó.
Tuy nhiên, câu hỏi của bạn là “bản di chúc đó của ông tôi cho anh trai tôi như vậy có hợp pháp không?”. Vậy, bạn cần xác định lại loại văn bản mà ông bạn đã lập, đó là hợp đồng tặng cho hay di chúc. Điều này giúp cho việc xác định hiệu lực của văn bản này và xác định quyền lợi của anh trai bạn.
– Nếu ông bạn lập di chúc: Ðiều 667 Bộ luật Dân sự quy định về hiệu lực pháp luật của di chúc: Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế. Theo đó, chỉ sau khi ông bạn chết thì di chúc của ông mới có hiệu lực, và lúc đó anh trai bạn (và những người thừa kế khác nếu có) mới có quyền thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật để nhận di sản do ông bạn để lại. Sau khi đã hoàn thành các thủ tục nhận di sản, anh trai bạn mới có quyền quản lý, sử dụng thửa đất và thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai. Hiện nay, khi ông nội bạn còn sống thì ông vẫn là người thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
– Nếu ông bạn lập hợp đồng tặng cho: Tặng cho bất động sản được quy định tại Ðiều 467 Bộ luật Dân sự: Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản. Theo đó, ngay sau khi ông bạn lập hợp đồng tặng cho, nếu không có thỏa thuận nào khác thì anh trai bạn có quyền thực hiện thủ tục đăng ký sang tên chủ sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà không cần phải đợi đến khi ông nội bạn chết. Khi đó, anh trai bạn sẽ có các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.
2. Xác định quyền của ông bạn đối với thửa đất cho anh trai bạn
Bạn cần xác định xem thửa đất đó là tài sản riêng của ông hay là tài sản chung của ông bà.
Tài sản chung của vợ chồng được xác định theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản riêng của vợ, chồng được xác định theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình: Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Sau khi xác định được vấn đề nêu trên, sẽ có hai khả năng:
– Khả năng thứ nhất: Thửa đất là tài sản riêng của ông nội bạn. Như vậy thì ông nội bạn có toàn quyền tặng cho/ hoặc để di chúc cho anh trai bạn.
– Khả năng thứ hai: Thửa đất là tài sản chung vợ chồng của ông bà nội bạn. Trong trường hợp này, ông nội bạn không thể toàn quyền tặng cho/để lại di chúc cho anh trai bạn được vì ông bạn chỉ có quyền sử dụng đối với một phần thửa đất đó. Đối với phần thửa đất thuộc quyền sử dụng của bà nội bạn: Những người thừa kế theo pháp luật của bà nội bạn phải tiến hành các thủ tục để khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đối với di sản do bà nội để lại theo quy định của pháp luật về thừa kế.
3. Xác định những hạn chế trong việc chuyển nhượng/tặng cho đối với thửa đất của ông bạn
Vì thửa đất là đất ruộng nên bạn cần xác định xem thửa đất đó có chịu các quy định về việc hạn chế chuyển nhượng/tặng cho theo quy định của Luật Đất đai hay không:
– Quy định về các trường hợp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất tại Điều 191 Luật Đất đai:
+ Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
+ Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
– Quy định về trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện tại Điều 191 Luật Đất đai:
+ Hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống xen kẽ trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng nhưng chưa có điều kiện chuyển ra khỏi phân khu đó thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đó.
+ Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở, đất sản xuất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ thì chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ đó.
+ Hộ gia đình, cá nhân là dân tộc thiểu số sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước thì được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất theo quy định của Chính phủ.
Vậy, căn cứ vào các quy định nêu trên đây, bạn có thể đối chiếu với thực tế của gia đình để có thể giải quyết được các vấn đề đặt ra.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Luật 45/2013/QH13 Đất đai
Trả lời bởi: CTV3
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.