Thỏa thuận phân chia tài sản không có sự tự nguyện của người tham gia

Thỏa thuận phân chia tài sản không có sự tự nguyện của người tham gia

 

 

Sau khi các thành viên trong gia đình tôi không thoả thuận được về việc phân chia di sản, chú tôi đã tự viết giấy phân chia tài sản và ép buộc bà nội tôi lăn tay để lấy dấu vào giấy phân chia tài sản (bà nội tôi hỏng mắt không viết được). Như vậy có đúng quy định pháp luật không? Nếu không thỏa thuận để phân chia tài sản được tôi sẽ phải nhờ cơ quan nào giải quyết tranh chấp này.

 

Gửi bởi: Bùi Đình Phương

Trả lời có tính chất tham khảo

 

 

 

Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản cũng là một trong các giao dịch dân sự và phải tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự quy định tại Khoản 1 Điều 122 Bộ luật dân sự là:

– Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

– Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

– Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

Theo thông tin bạn cung cấp, bà nội bạn bị hỏng mắt không viết được nhưng chú bạn đã ép buộc bà lăn tay vào giấy phân chia tài sản do chú lập. Điều này cho thấy, bà bạn đã không tự nguyện khi tham gia phân chia tài sản mà hoàn toàn bị ép buộc. Điều 127 Bộ luật dân sự quy định: “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 122 của Bộ luật này thì vô hiệu”. Do vậy, thỏa thuận phân chia tài sản do chú bạn tự lập là vi phạm quy định của pháp luật và là giao dịch dân sự vô hiệu.

Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà nội và của những người có liên quan, gia đình bạn có thể khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để được giải quyết. Khi khởi kiện, bạn phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự:

– Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;

– Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người khởi kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;

– Tên, địa chỉ của người bị kiện;

– Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;

– Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

– Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.

Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.

Bạn có thể gửi đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Toà án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:

– Nộp trực tiếp tại Toà án;

– Gửi đến Toà án qua bưu điện.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 24/2004/QH11 Tố tụng dân sự

 

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191