Trách nhiệm của bên bảo lãnh (trường hợp hợp đồng bảo lãnh chưa công chứng) khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ

Trách nhiệm của bên bảo lãnh (trường hợp hợp đồng bảo lãnh chưa công chứng) khi bên vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ

Tôi có ký Hợp đồng bảo lãnh vay vốn ngân hàng cho một người bạn. Tôi đã đưa giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho ngân hàng nhưng chưa ra công chứng và chưa tiến hành đăng ký bảo đảm. Sau đó tôi suy nghĩ lại và không chịu ra công chứng mà muốn đòi lại Giấy chứng nhận nhà. Nhưng ngân hàng đã giải ngân cho bạn tôi vay rồi. Sau đó người này không có khả năng trả nợ nên ngân hàng đã kiện ra tòa. Cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm đều tuyên Hợp đồng vô hiệu vì không đủ thủ tục pháp lý. Nhưng tòa lại tuyên Hợp đồng không ra công chứng là do lỗi của tôi. Vì vậy ngân hàng lại khời kiện tôi để đòi bồi thường. Tôi nhận thấy đây là hành động vô lý và không hợp pháp vì nếu Hợp đồng không được công chứng thì ngân hàng không được cho vay mà nếu cho vay thì là lỗi của ngân hàng chứ không phải là của tôi. Kính mong được Ban Biên tập giải thích giúp.

Gửi bởi: Nguyễn Thị Lan

Trả lời có tính chất tham khảo

Câu hỏi của bạn nêu ra rất chung chung, thiếu nhiều thông tin nên chúng tôi không thể tư vấn cụ thể cho bạn được. Hơn nữa, nếu có thắc mắc gì thì bạn nên làm đơn kháng cáo để được Tòa án cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Dưới đây chúng tôi chỉ đưa ra một số vấn đề để bạn lưu ý.

Theo thông tin bạn cung cấp thì bạn đã đưa giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho ngân hàng. Vậy: Có giấy tờ giao nhận không? Việc giao nhận có nêu rõ lý do, mục đích không? Bạn và người vay đã ký một giấy tờ, văn bản nào tại Ngân hàng với nội dung bảo lãnh như bạn nêu chưa? … Như vậy là còn nhiều vấn đề chưa rõ.

Bạn cũng nên lưu ý hai vấn đề dưới đây:

Thứ nhất, việc ngân hàng đã giải ngân trước khi công chứng hợp đồng bảo lãnh không thể đổ lỗi cho ai cả vì bảo lãnh là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Dân sự và có thể thực hiện sau khi nghĩa vụ được bảo lãnh (nghĩa vụ trả nợ của bên vay đối với ngân hàng) phát sinh. Như vậy, tuy chưa công chứng Hợp đồng bảo lãnh nhưng ngân hàng vẫn có thể giải ngân cho bên vay.

Thứ hai, việc bạn bảo lãnh cho bên vay vay vốn tại Ngân hàng cần phải hiểu đầy đủ như sau: Bảo lãnh là việc người thứ ba (là bạn) cam kết với bên có quyền (ngân hàng) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (người vay), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ (Điều 361 BLDS). Về hình thức Hợp đồng bảo lãnh: Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính (Hợp đồng tín dụng). Như vậy, nếu bạn đã ký bất kỳ văn bản nào thể hiện nội dung bạn sẽ bảo lãnh cho bên vay thì có thể nghĩa vụ bảo lãnh của bạn đã phát sinh. Việc công chứng hợp đồng bảo lãnh liên quan đến quyền sở hữu nhà của bạn chỉ là vấn đề hoàn thiện về mặt hình thức của hợp đồng, đây là trách nhiệm của các bên trong giao dịch này.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191