Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại Tuyên Quang
Để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”. Nhiệm vụ đầu tiên là phải ban hành pháp luật, tiếp đến là tổ chức thực hiện pháp luật, trong đó, nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xem là cầu nối giữa đưa các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với các tầng lớp nhân dân. Mục đích của nhiệm vụ tuyên truyền, PBGDPL là nhằm xây dựng ý thức pháp luật, làm cho nhân dân, cán bộ, công chức có lòng tin vào pháp luật, có thói quen, động cơ tích cực trong thực hiện pháp luật. Sinh thời, V.I.Lênin từng chỉ rõ: “Tuyên truyền là cần thiết và chúng ta không nên sợ phải lặp đi lặp lại… Và nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã quá chú ý nhiều đến việc tuyên truyền, thì cần nói rằng chúng ta còn phải làm việc đó nhiều hơn gấp trăm lần nữa”[1]. Điều đó có nghĩa là, hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục, thực hiện càng nhiều nội dung, phong phú về hình thức, không chỉ bằng lời nói mà bằng hình ảnh minh họa, thực hiện càng nhiều càng tốt, khi nào hoạt động tuyên truyền đến với đối tượng được tuyên truyền biến thành hành động trong thực tế thì hoạt động tuyên truyền, PBGDPL mới thực sự có hiệu quả. Ở Việt Nam,Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã đặc biệt coi trọng công tác giáo dục pháp luật, ngay từ Đại hội VI Đảng ta đã nhấn mạnh: “phải coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giải thích pháp luật. Đưa việc giáo dục pháp luật vào hệ thống các trường của Đảng, của Nhà nước (kể cả các trường phổ thông, đại học), của các đoàn thể nhân dân. Cán bộ quản lý các cấp từ trung ương đến đơn vị cơ sở phải có kiến thức về quản lý hành chính và hiểu biết pháp luật”[2].
1. Những kết quả đạt được
Nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, trong những năm qua, Đảng bộ các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Các hoạt động này một mặt làm cho pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội, nâng cao nhận thức và hành động phù hợp với pháp luật của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, mặt khác làm cho xã hội của tỉnh Tuyên Quang đi vào ổn định và trật tự. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, trong đó, lực lượng chủ đạo, nòng cốt trong hoạt động này là Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh.
Trong năm 2015, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã bám sát kế hoạch hoạt động, quan tâm tư vấn, tham mưu hoàn thiện thể chế về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xác định những nội dung pháp luật trọng tâm cần phổ biến, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh; đã ký kết kế hoạch phối hợp với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh về thông tin, tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp, giai đoạn 2015 – 2020. Các hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL đã bám sát chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 27/2013/QĐ- TTg ngày 19/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; công tác phối hợp ngày càng chặt chẽ, bài bản hơn, trách nhiệm của thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL được nâng lên, đặc biệt đã phát huy được vai trò điều hành, tổ chức hoạt động của người có thẩm quyền trong Hội đồng phối hợp PBGDPL.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, kịp thời tham mưu giúp Hội đồng phối hợp PBGDPL, tư vấn cho Ủy ban nhân dân tỉnh các giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL. Một số nhiệm vụ đạt kết quả cao, như: Tổ chức thành công cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013”; ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai các luật được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 8, và kỳ họp thứ 9; tổ chức hưởng ứng “Ngày pháp luật Việt Nam” năm 2015; tuyên truyền về đại hội Đảng các cấp; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; tổ chức tuyên truyền pháp luật cho các đối tượng đặc thù… qua đó đã tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn tỉnh, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh.
Ngoài ra, công tác củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ thực hiện hoạt động tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh cũng đã được quan tâm; công tác tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL đã được thực hiện; chất lượng công tác tuyên truyền, PBGDPL từng bước được nâng lên. Công tác phối hợp tốt giữa các cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện các hình thức PBGDPL được nâng cao một cách rõ rệt. Vì vậy, trong năm 2015 các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công hàng ngàn buổi tuyên truyền pháp luật, treo hàng trăm băng rôn, khẩu hiệu, phát sóng nhiều tin, phóng sự, tổ chức nhiều đợt cao điểm tuyên truyền về các chính sách mới được ban hành, cung cấp hàng ngàn bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật… đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.
2. Những khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tế cho thấy công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế như: Tuyên Quang là một tỉnh miền núi phía Bắc, địa hình sông suối dày đặc, bị chia cắt bởi nhiều dãy núi cao, giao thông đi lại chưa thực sự thuận lợi; đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn; với 22 dân tộc, chủ yếu là dân tộc ít người, sinh sống ở vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa…; tình hình vi phạm pháp luật vẫn xảy ra, những vụ vi phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng có dấu hiệu gia tăng, đối tượng vi phạm là người dân tộc ít có điều kiện được tìm hiểu về pháp luật chiếm tỷ lệ lớn; việc xã hội hóa công tác truyên truyền, PBGDPL chưa thực hiện được nhiều; việc truyên truyền, PBGDPL bằng hình thức tuyên truyền miệng còn hạn chế, nhất là ở thôn, xóm, tổ dân phố; việc thực hiện kinh phí chi cho công tác hòa giải ở cơ sở còn chậm; việc chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung quy ước còn chậm; kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, PBGDPL ở nhiều cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chủ yếu sử dụng từ kinh phí chi thường xuyên
Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do: Nguồn lực cho công tác tuyên truyền, PBGDPL còn khó khăn, hạn hẹp; đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác tuyên truyền, PBGDPL từ tỉnh đến cơ sở còn ít; đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật hoạt động không đồng đều, một số cán bộ có trình độ và kỹ năng tuyên truyền còn hạn chế, chưa thu hút được người nghe; theo Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, xóm, bản, tổ dân phố được ban hành kèm theo Quyết định số 17/2013/QĐ-UBND, ngày 20/8/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang thì Hội nghị thôn, tổ dân phố được tổ chức mỗi năm 2 lần (khi cần thiết có thể họp bất thường), nên thời gian dành cho việc tuyên truyền, PBGDLP luật ít; việc tổ chức họp chuyên đề để tuyên truyền, PBGDPL khó khăn. Hệ thống truyền thanh cơ sở nhiều nơi đã hư hỏng, không đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền, PBGDPL; công chức được giao nhiệm vụ chưa chủ động tham mưu hướng dẫn tổ hòa giải lập hồ sơ đề nghị thanh toán kinh phí chi thù lao hòa giải; hơn nữa, trình độ dân trí chưa cao, người dân của địa phương chủ yếu là người dân tộc, sống xa trung tâm thành phố, hiểu biết về văn hóa còn hạn chế, trong khi hoạt động tuyên truyền thường ngắn gọn, khái quát, cô đọng. Người dân có đến nghe tuyên truyền thì việc lĩnh hội kiến thức pháp luật cũng không được bao nhiêu. Muốn khai thác thêm thông tin về pháp luật thì điều kiện khai thác qua các trang mạng xã hội, trình độ, khả năng khai thác của bản thân cũng còn nhiều hạn chế.
3. Một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới
Để nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ và nhân dân trong tỉnh, hạn chế vi phạm pháp luật, hình thành thói quen sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật trong thời gian tới hoạt động tuyên truyền, PBGDPL cần thực hiện tốt những giải pháp sau:
Thứ nhất, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật. Các cấp, các ngành có thẩm quyền cần quan tâm hơn nữa đến công tác kiện toàn đội ngũ báo cáo viên và tuyên truyên truyền viên pháp luật, đảm bảo về số lượng và chất lượng, nhất là đội ngũ tuyên truyền viên. Phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn bồi dưỡng và nâng cao kiến thức pháp luật cho chính đội ngũ này, trang bị thêm những kỹ năng cần thiết để khi tuyên truyền ở cơ sở họ có khả năng vận dụng kiến thức, phương pháp tuyên truyền vào nhóm đối tượng cụ thể cho phù hợp;
Thứ hai, tích cực, chủ động tuyên truyền đúng đối tượng theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Ở cơ sở cũng nên nhóm thành từng nhóm đối tượng để tuyên truyền cho phù hợp. Ví dụ, với nội dung của Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực trong gia đình, thì đối tượng được tuyên truyền ở đây phải gồm cả nam và nữ, nhất là những người thường xuyên có hành vi bạo lực. Không nên chỉ mời người đại diện hộ gia đình, mà nên khuyến khích tất cả các thành viên trong gia đình đến nghe (trừ những người già yếu, con trẻ đi học…). Thực tiễn tuyên truyền ở cơ sở gần như đối tượng đến nghe các luật này chỉ thấy toàn phụ nữ. Trong khi thiếu đi đàn ông và thanh niên – những đối tượng rất cần thiết để tiếp thu nội dung của hai văn bản luật trên;
Thứ ba, Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh nên tập trung vào những nội dung cụ thể: Tư vấn tổ chức các hoạt động hường ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” năm 2016; triển khai các luật mới được Quốc hội khóa XIV thông qua tại các kỳ họp; tuyên truyền kết quả Đại hội Đảng các cấp, nhất là kết quả Đại hội, Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tuyên truyền pháp luật về bầu cử, các luật có liên quan thiết thực đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân, như: Bộ luật Dân sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Bộ luật Hình sự năm 2015; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Phí, lệ phí;
Thứ tư, đổi mới, kết hợp sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền phù hợp. Điều quan trọng nhất là hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phải phù hợp với đối tượng thì mới mang lại hiệu quả của hoạt động tuyên truyền. Ví dụ, ở vùng xa xôi, hẻo lánh thì khó có thể tổ chức thành hội thi, mà chủ yếu tuyên truyền thông qua họp thôn, tư vấn trực tiếp tại gia đình. Chú trọng những đối tượng hoặc gia đình có thành viên hay vi phạm pháp luật;
Thứ năm, tăng cường kiểm tra về hoạt động tuyên truyền, PBGDPL. Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên kiểm tra hoạt động tuyên truyền, PBGDPL tại các đơn vị trực thuộc mình quản lý, đảm bảo các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thường xuyên được cập nhật đến cán bộ, công chức ở đơn vị mình. Hội đồng phối hợp, PBGDPL tỉnh cần tích cực kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị cấp dưới thực hiện tốt chức năng của mình. Yêu cầu bổ sung hoặc thay đổi hình thức tuyên truyền không phù hợp;
Thứ sáu, tăng thêm kinh phí cho hoạt động truyên truyền, PBGDPL. Các cấp, các ngành nghiên cứu bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động tuyên truyền pháp luật, nhất là ở cơ sở. Vì để tuyên truyền pháp luật đến người dân hiệu quả thì ngoài việc giành thời gian nghiên cứu về các văn bản pháp luật, tuyên truyền viên còn phải nghiên cứu vận dụng hình thức tuyên truyền cho phù hợp với đối tượng, chưa kể địa hình phức tạp, chia cắt, giao thông đi lại chưa thuận tiện… việc thông báo để người dân đến nghe tuyên truyền cũng là một việc hết sức khó khăn. Việc bổ sung thêm kinh phí cho hoạt động này nói chung và tuyên truyền viên ở cơ sở nói riêng là một việc làm hết sức cần thiết;
Thứ bảy, các cấp Ủy đảng, chính quyền, mặt trận, các ngành chức năng ở địa phương tăng cường chỉ đạo, quan tâm, phối hợp với nhau thực hiện tốt hơn nữa việc tuyên truyền pháp luật cho cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị mình, đồng thời tư vấn, chia sẻ những hình thức tuyên truyền thiết thực, hiệu quả cho các đơn vị khác. Vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên của tổ chức mình thực hiện tốt nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Phối hợp các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết, xây dụng đời sống văn hóa”, thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở” và “xây dựng xã hội học tập”. Tổ chức sơ kết, tổng kết và kiểm tra tổ chức thực hiện tất cả các hoạt động nói trên.
ThS. Nguyễn Thị Mai
Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang
[1]V.I.Lênin (1977), Về pháp chế xã hội chủ nghĩa,Nxb. Sự thật, Hà Nội.
[2]Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.121,.
Tham khảo thêm:
- Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Lý luận và thực trạng quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh
- Vướng mắc khi áp dụng quy định về tập sự hành nghề công chứng
- Giải pháp để tránh rủi ro khi việc kết hôn với người nước ngoài gia tăng
- Đôi điều về năng lực và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên
- Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tư pháp
- Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý xã Thạch Bình – Cầu nối giữa pháp luật với nhân dân
- Thừa phát lại Bình Định – Kết quả và những khó khăn cần tháo gỡ
- Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Một số vướng mắt về áp dụng biện pháp cưỡng chế Thi hành án dân sự
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.