Chế định tài sản phá sản trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam

Chế định tài sản phá sản trong pháp luật một số quốc gia trên thế giới và những gợi mở cho Việt Nam

29/10/2014

Luật Phá sản ở hầu hết các nước có nền kinh tế phát triển đều đưa ra khái niệm tài sản phá sản nhằm xác định khối tài sản của con nợ đang bị giải quyết phá sản, song cách thức xác định lại có nhiều điểm khác biệt.

Theo Luật Phá sản của Hoa Kỳ năm 1978, tài sản phá sản bao gồm:

– Tất cả số tài sản của con nợ (bao gồm quyền và nghĩa vụ tài sản) mà không được miễn trừ tại thời điểm bắt đầu vụ phá sản đó;

– Tài sản phá sản cũng bao gồm những tài sản mà con nợ có được trong vòng 180 ngày sau khi vụ án bắt đầu bằng việc thừa kế hoặc những lợi ích từ chính sách bảo hiểm và bất kỳ một lợi ích nào đối với tài sản có được sau khi vụ án bắt đầu;

Tài sản phá sản cũng bao gồm những tài sản mà Tín thác viên thu hồi được theo thẩm quyền do luật định trong các trường hợp:

– Quyền xiết nợ (đại diện cho chủ nợ): Tín thác viên có quyền xiết nợ đối với các con nợ của doanh nghiệp mà không cần sự đồng ý của con nợ (khoản 544 a).

– Các tài sản có được từ những giao dịch ưu tiên trả nợ bị vô hiệu: Tín thác viên có quyền thu hồi bất kỳ một sự chuyển nhượng, thanh toán bằng bất kỳ tài sản nào của con nợ trước ngày phá sản nhằm để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp và đảm bảo sự phân chia công bằng khối tài sản này, (trừ những giao dịch mà pháp luật thừa nhận theo khoản 574).

– Các tài sản có được do Tín thác viên đã thực hiện việc xiết nợ người khác đối với tài sản của doanh nghiệp mà người tín thác này đang quản lý[1].

Trong Luật Phá sản của Nhật Bản[2], phạm vi của khối tài sản phá sản bao gồm tất cả tài sản còn lại của con nợ. Khối tài sản này gồm tài sản của con nợ và quyền phủ nhận về tài sản. “Bất kỳ tài sản nào và tất cả những tài sản do bên bị phá sản giữ tại thời điểm tuyên bố phá sản” thuộc khối tài sản phá sản (Điều 6 Luật Phá sản Nhật Bản). Song có điểm khác với Luật Phá sản của Hoa Kỳ, trong Luật Phá sản của Nhật Bản những tài sản có được sau khi tuyên bố phá sản thì không được tính vào khối tài sản của doanh nghiệp mà được xếp vào loại tài sản mở rộng với lý do là: nếu đưa vào loại tài sản phát sinh này sẽ tạo ra sự phức tạp cũng như khó khăn trong tính toán và đồng thời cũng tạo ra tính không công bằng trong việc xác định quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan đến khối tài sản đó. Luật Phá sản của Nhật Bản còn quy định: tài sản nào ở ngoài phạm vi lãnh thổ của Nhật Bản không được coi là một bộ phận của khối tài sản phá sản do khả năng giám sát, đánh giá, thu hồi là khó có thể tiến hành được[3].

Luật Phá sản của Liên bang Nga ban hành ngày 26/10/2002 đã đưa ra cách xác định tài sản phá sản như sau:

– Tất cả tài sản (phần có) của người mắc nợ thể hiện trong bảng cân đối kế toán hoặc các tài liệu kế toán thay thế là cơ sở để xác định tài sản phá sản;

– Trong tài sản phá sản còn bao gồm các đối tượng thuộc lĩnh vực công cộng nằm trong bảng cân đối của người mắc nợ, trừ quỹ nhà ở, các trường mẫu giáo và các công trình sản xuất hạ tầng quan trọng đối với đời sống khu vực, cần được đưa vào bảng cân đối của các cơ quan tự quản địa phương hoặc cơ quan quyền lực nhà nước hữu quan, nếu pháp luật của Liên bang quy định khác…

– Tài sản phá sản không bao gồm tài sản (phần có) là vật bảo đảm. Tài sản phá sản không bao gồm tài sản không thuộc quyền sở hữu của người mắc nợ, trong đó, có tài sản do mắc nợ thuê; tài sản mà người mắc nợ có trách nhiệm bảo quản; tài sản riêng của công nhân viên doanh nghiệp mắc nợ, trừ tài sản mà theo quy định của pháp luật hoặc điều lệ của doanh nghiệp có thể được thu hồi để thực hiện các nghĩa vụ của người mắc nợ” (Điều 26).

Luật Phá sản doanh nghiệp của Trung Quốc năm 1986 (chỉ áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước) đã quy định: Tài sản phá sản là những tài sản sau đây:

– Tài sản mà doanh nghiệp phá sản điều hành quản lý tại thời điểm tuyên bố phá sản;

– Tài sản mà doanh nghiệp phá sản có được trong thời gian kể từ khi tuyên bố phá sản cho đến khi hoàn tất phá sản;

– Các quyền tài sản khác mà doanh nghiệp phá sản phải thực hiện;

Tài sản thuộc vật bảo đảm thì không phải là tài sản phá sản; phần giá trị của vật bảo đảm vượt quá giá ngạnh của khoản nợ mà nó đảm bảo thì thuộc tài sản phá sản (Điều 28).

Như vậy, cách quy định đối với trường hợp này trong pháp luật Trung Quốc cho thấy có sự tương đồng với pháp luật của Nga, một quốc gia ít nhiều cũng hoàn cảnh chuyển đổi tương tự (cho dù trên thực tế cải cách pháp luật, người Nga đã đoạn tuyệt một cách cơ bản với mô hình kinh tế theo kiểu Xô viết).

Trong Luật Phá sản của Cộng hòa Liên bang Đức[4], theo Điều 35, khối tài sản phá sản (Insolvenzmasse) là toàn bộ tài sản mà con nợ có được vào thời điểm Toà án ra quyết định thụ lý và những tài sản mà con nợ có thêm được từthời điểm thụ lý. InsO đồng thời cũng quy định:

– Những tài sản không thuộc phạm vi tài sản bị cưỡng bức tịch thu (Zwangsngvollstreckung), ví dụ: các quyền liên quan đến cá nhân (như sức lao động), các tài sản nhất định theo quy định của Luật Tố tụng dân sự và Luật Gia đình thì không thuộc khối tài sản phá sản;

– Các tài sản của con nợ nằm ở nước ngoài là thuộc về phạm vi khối tài sản phá sản;

– “Tài sản loại trừ” (Aussonderung): là tài sản của chủ nợ đang do con nợ sử dụng mà không thuộc về khối tài sản phá sản và phải hoàn trả lại cho chủ nợ; “Tài sản tách ra” (Absondernung): là các khoản nợ có đảm bảo;

– Trong InsO không có sự phân biệt các khái niệm “tài sản của doanh nghiệp mắc nợ” và “tài sản còn lại của doanh nghiệp mắc nợ”.

Với cách xác định khối tài sản phá sản trong Luật Phá sản của một số nước được đề cập trên cho thấy có một số khía cạnh đáng quan tâm là:

Thứ nhất, việc xác định khối tài sản căn cứ vào thời điểm trong thủ tục giải quyết phá sản. Ở đây có hai khuynh hướng là:

– Khối tài sản phá sản chỉ được thừa nhận đến thời điểm mở thủ tục giải quyết việc phá sản doanh nghiệp (như trong Luật Phá sản của Nhật Bản);

– Khối tài sản phá sản không chỉ tính đến thời điểm mở thủ tục mà còn bao gồm cả những tài sản phát sinh trong quá trình giải quyết phá sản (như trong Luật Phá sản của Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Cộng hòa Liên bang Đức).

Thứ hai, việc xác định khối tài sản phá sản có tính đến phạm vi không gian mà những tài sản của doanh nghiệp đang hiện hữu. Trong Luật Phá sản của một số quốc gia chỉ coi là thuộc khối tài sản phá sản những tài sản nào hiện đang nằm trong phạm vi lãnh thổ của nước đó (như trong Luật Phá sản của Nhật Bản). Còn đa số quốc gia thì hoặc là không giới hạn hoặc không có quy định rõ về nguyên tắc đối với trường hợp này.

Thứ ba, việc xác định khối tài sản phá sản căn cứ vào loại hình tài sản hay nguồn tài sản. Trong Luật Phá sản của một số nước thực hiện phân loại dựa trên sự quan tâm đến đặc điểm của nguồn hình thành của tài sản. Ví dụ như tài sản hiện có của bản thân doanh nghiệp phản ánh trong sổ sách kế toán tại thời điểm mở thủ tục, những tài sản thu hồi từ việc xiết nợ…(ví dụ Luật Phá sản Hoa Kỳ,…). Đồng thời, bên cạnh các quy định nguồn hình thành hoặc việc thu hồi tài sản của doanh nghiệp, còn bao gồm cả những quy định về đặc điểm loại hình tài sản (tài sản là bất động sản hay động sản; tài sản hữu hình hay tài sản vô hình,…), hay thuộc tính sở hữu của tài sản trong cấu trúc tài sản của doanh nghiệp (như trong Luật Phá sản của Liên bang Nga)

Thứ tư, việc xác định khối tài sản phá sản trong Luật Phá sản của các nước phần lớn đều có sự xác định rõ về nhóm các loại tài sản loại trừ (không thuộc khối tài sản phá sản). Cơ sở của sự loại trừ cũng có sự khác nhau. Có các dạng loại trừ chính trong Luật Phá sản của các nước là:

– Thời điểm phát sinh tài sản: Nhật Bản

– Phạm vi không gian tài sản tồn tại: Nhật Bản.

– Tính chất sở hữu của tài sản: Trung Quốc, Nga, Đức.

– Giá trị tài sản và mục đích, công dụng của tài sản: Hoa Kỳ, Đức.

Khi so sánh với các quy định của Luật Phá sản năm 2004 của Việt Nam, có thể dễ dàng nhận thấy, Luật Phá sản năm 2004 không có điều luật quy định riêng về khái niệm tài sản phá sản mà chỉ quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản được quy định tại Điều 49 Luật Phá sản năm 2004.

“1. Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản bao gồm:

a. Tài sản và quyền về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã đó tại thời điểm tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

b. Các khoản lợi nhuận, các tài sản và các quyền về tài sản mà doanh

nghiệp, hợp tác xã sẽ có do việc thực hiện các giao dịch được xác lập trước khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

c. Tài sản là vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã.nợ có bảo đảm phải thanh toán thì phần vượt quá đó là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

d. Giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp, hợp tác xã được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai.

2. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh lâm vào tình trạng phá sản bao gồm tài sản quy định tại khoản 1 điều này và tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không trực tiếp dùng và hoạt động kinh doanh. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đó được chia theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của luật pháp có liên quan”.

Ngoài tài sản quy định tại Điều 49 Luật Phá sản, tài sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản còn bao gồm cả những tài sản được thu hồi từ các giao dịch của doanh nghiệp bị coi là vô hiệu được quy định tại Điều 43 Luật Phá sản.

Như vậy, ngoài các giới hạn về thời gian theo Điều 43 của Luật Phá sản, tài sản phá sản theo pháp luật phá sản Việt Nam không bị giới hạn bởi không gian, loại, nguồn tài sản và các danh mục loại trừ. Đây là nguyên nhân cơ bản giải thích tính thiếu chính xác, thiếu chuẩn mực của nhiệm vụ quản lý, phân chia tài sản phá sản của doanh nghiệp phá sản ở Việt Nam trong thời gian qua.

Điều 64 Luật Phá sản năm 2014 (có hiệu lực chính thức từ ngày 01/01/2015) đã quy định về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mất khả năng thanh toán như sau:

1. Tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán gồm:

a) Tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã có tại thời điểm Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản;

b) Tài sản và quyền tài sản có được sau ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản;

c) Giá trị của tài sản bảo đảm vượt quá khoản nợ có bảo đảm mà doanh nghiệp, hợp tác xã phải thanh toán cho chủ nợ có bảo đảm;

d) Giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp, hợp tác xã được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai;

đ) Tài sản thu hồi từ hành vi cất giấu, tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;

e) Tài sản và quyền tài sản có được do thu hồi từ giao dịch vô hiệu;

g) Các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

2. Tài sản của doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh mất khả năng thanh toán gồm:

a) Tài sản quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh; trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đó được chia theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật có liên quan.

3. Trường hợp hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thì việc xử lý tài sản không chia được thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp tác xã”.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, tư duy pháp lý về tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toánmất khả năng thanh toán của Luật Phá sản năm 2014 chưa có điểm gì mới so với Luật Phá sản năm 2004 ngoài việc hợp nhất giữa tài sản được kiểm kê tại thời điểm Tòa án nhân dân mở thủ tục và tài sản được thu hồi thông qua các biện pháp bảo toàn tài sản theo luật định. Từ thực tiễn thi hành pháp luật về thanh lý tài sản ở nước ta trong thời gian qua đã cho thấy, nhu cầu cần thiết phải bổ sung quy định về các loại tài sản được miễn trừ khỏi tài sản phá sản. Điều đáng lưu ý là, Điều 43 khoản 1 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là đạo luật chuyên ngành đầu tiên quy định về tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu (của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân).

ThS. Trần Duy Tuấn

Sở Công thương tỉnh Ninh Bình



[1]Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn quốc gia – Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật (2002), Bước đầu tìm hiểu pháp luật thương mại Mỹ, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.

[2] Luật Phá sản hiện nay của Nhật Bản có nguồn gốc từ một số luật như Luật Thương mại số 48 năm 1899, Luật Phá sản số 48 năm 1900, Luật Tái tổ chức doanh nghiệp số 172 năm 1952, và gần đây nhất là Luật về thỏa hiệp và Bộ Luật Phục hồi dân sự năm 2000. Sau nhiều lần sửa đổi, năm hệ thống pháp luật này được pháp luật Nhật Bản quy định chung thành 2 thủ tục là thủ tục thanh lý tài sản và thủ tục phục hồi.

[3] Xem thêm: Tatssuo Tezuka, Masanori Hayshi, Akihico hara, osamu Nomoto (2001), Tổng thuật chung về Luật phá sản Nhật Bản, Hội thảo quốc tế về Luật phá sản doanh nghiệp, Hà Nội.

[4]InsO – ban hành ngày 05/10/1994, sửa đổi gần nhất ngày 31/08/2013. Nguồn: Công báo liên bang, tr. 2866

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191