Tại quyết định bản án Hình sự phúc thẩm và Hình sự sơ thẩm của Tòa án tỉnh QN và huyện ĐH tuyên: Ông Đinh Văn H phải nộp tiền án phí dân sự 4.500.000 đồng và bồi thường cho bị hại trên 70 triệu đồng, tạm giữ xe ô tô biển kiểm soát abc và toàn bộ giấy tờ mang tên Đinh văn H – trú tại thành phố UB-QN để đảm bảo thi hành án. Cơ quan thi hành án đã ra quyết định phần chủ động. Phần bồi thường chưa có đơn yêu cầu. Quá trình tổ chức thi hành án, ông H nộp được 3 triệu đồng, số tiền còn lại ông H không nộp mặc dù đã thông báo và triệu nhiều lần nhưng ông H không thực hiện.
Tôi có một số vấn đề cần hỏi:
1. Chấp hành viên có ra quyết định cưỡng chế xử lý tài sản không.
2. Số tiền còn phải thi hành án theo quyết định chủ động rất nhỏ so với tài sản tạm giữ, phần phần bồi thường chưa có đơn yêu cầu. Vậy, xử lý tài sản tạm giữ như thế nào?
Gửi bởi: Nguyễn Quang Trường
Trả lời có tính chất tham khảo
1. Vấn đề Chấp hành viên có ra quyết định cưỡng chế xử lý tài sản không?
Hiện nay, Điều 127 Luật Thi hành án dân sự chỉ quy định Chấp hành viên xử lý theo quy định tại các điều 98, 99, 100 và 101 của Luật này đối với tài sản mà bản án, quyết định tuyên kê biên để bảo đảm thi hành án trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án. Vì thế, theo nội dung bản án thì Tòa án chỉ tuyên “tạm giữ xe ô tô”, do đó Chấp hành viên cơ quan thi hành án muốn xử lý chiếc xe ô tô này để lấy tiền thi hành án thì phải áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, tức là Chấp hành viên phải ra quyết định cưỡng chế ti hành án.
2. Về nguyên tắc, Chấp hành viên căn cứ vào nội dung bản án, quyết định; tính chất, mức độ, nghĩa vụ thi hành án; điều kiện của người phải thi hành án; đề nghị của đương sự và tình hình thực tế của địa phương để lựa chọn việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết.
Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự thì trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều lần so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế để thi hành án. Vì vậy, nếu ông H không còn tài sản khác thì Chấp hành viên có quyền cưỡng chế chiếc xe để thi hành khoản tiền án phí còn lại.
Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, bản án đã tuyên tạm giữ chiếc xe ô tô để đảm bảo thi hành án cho cả khoản thi hành án chủ động và thi hành án theo đơn nhưng những người được thi hành án theo đơn chưa có đơn yêu cầu thi hành án. Vì vậy, cơ quan thi hành án dân sự cần thông báo cho những người được thi hành án biết về việc bản án đã tuyên tạm giữ chiếc xe ô tô của ông H và quyền yêu cầu thi hành án của họ để họ làm đơn yêu cầu thi hành án bảo đảm quyền lợi của họ và cũng là thuận lợi cho việc cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản Tòa án đã tuyên tạm giữ đảm bảo thi hành án.
Các văn bản liên quan:
Nghị định 58/2009/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự
Luật 26/2008/QH12 Thi hành án dân sự
Trả lời bởi: Lê Anh Tuấn – Tổng cục Thi hành án dân sự
Tham khảo thêm:
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.