Bình luận những quy định của pháp luật Việt Nam (Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật dân sự 2015) trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài

Bình luận những quy định của pháp luật Việt Nam (Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật dân sự 2015) trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài.

Với xu hướng toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ như hiện nay thì các vấn đề về dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung hay quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài nói riêng ngày càng đa dạng và phức tạp hơn. Cùng với sự ra đời của Bộ luật Dân sự 2015 thì việc giải quyết các xung đột phát sinh trong quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài nói chung hay trong thừa kế theo di chúc nói riêng cũng có những thay đổi khác so với Bộ luật dân sự 2005. Vậy, để tìm hiểu những thay đổi trong giải quyết xung đột về thừa kế theo di chúc trong Bộ luật dân sự 2015 khác gì so với Bộ luật dân sự 2005,việc thay đổi đó là hợp lý hay không, em đã chọn đề bài : “Bình luận những quy định của pháp luật Việt Nam (Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật dân sự 2015) trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài” cho phần trình bày nội dung bài tập học kỳ của mình.

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT VỀ QUAN HỆ THỪA KẾ THEO DI CHÚC CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

1. Một số khái niệm

a)Thừa kế theo di chúc

      Thừa kế là một chế định dân sự, là tổng hợp các quy định pháp luật để điều chỉnh việc chuyển dịch tài sản của người chết cho người khác theo di chúc hoặc theo pháp luật theo một trình tự thủ tục nhất định. Kèm theo đó là những quyền và nghĩa vụ và những cách thức để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của người được hưởng thừa kế.

Di chúc là sự thể hiện ý chí cá nhân, nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản của mình cho người khác sau khi đã chết.

Từ hai định nghĩa trên, ta có thể hiểu thừa kế theo di chúc như sau: Thừa kế theo di chúc là sự chuyển dịch tài sản (chuyển dịch tài sản thừa kế) của người chế cho những người khác theo sự tự định đoạt một cách tự nguyện (bằng di chúc) của người đó khi còn sống.

b)Thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài

Thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài là quan hệ thừa kế được nghiên cứu trọng phạm vi TPQT. Thừa kế có yếu tố nước ngoài cùng là một quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, như vậy:

Thừa kế có yếu tố nước ngoài là một quan hệ dân sự ( theo nghĩa rộng) có ít nhất một trong các bên tham gia là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc là các quan hệ dân sự giữa các bên tham gia là công dân, tổ chức Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.

2. Xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc trong tư pháp quốc tế

Quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài đã vượt ra khỏi sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật của một quốc gia. Dựa trên các chế độ sở hữu không giống nhau và ảnh hưởng của sự phát triển kinh thế, văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán, tôn giáo,.. của mỗi nước, cho nên việc thừa kế có yếu tố nước ngoài có cách giải quyết khác nhau thể hiện ngay trong việc xác định nguyên tắc hưởng thửa kế và cơ chế hưởng. Về thừa kế theo di chúc, các nước có những quy định về định danh tài sản, tính hợp pháp của di chúc,.. là khác nhau. Chẳng hạn như hình thức di chúc, pháp luật của đa số các nước quy định phải được thể hiện bằng hình thức viết và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận mới hợp lệ, nhưng pháp luật của một số nước quy định di chúc phải do chính người để lại di sản trực tiếp viết mà không cần phải có sự xác nhận của cơ quan nào,..

Như vậy, do có sự khác nhau giữa pháp luật giữa các quốc gia, cho nên đã dẫn đên xung đột pháp luật trong việc giải quyết quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài.

3. Phương pháp giải quyết xung đột về quan hệ thừa kế có yếu tố nuớc ngoài

Phương pháp giải quyết là các biện pháp, cách thức mà Nhà nươc sử dụng để tác động lên các quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài được biểu hiện ở hai phương pháp cụ thể sau:

* Phương pháp xung đột

Là sử dụng các quy phạm xung đột nhằm xác định hệ thống pháp luật nước nào sẽ được áp dụng trong việc điều chỉnh quan hệ TPQT cụ thể. QPXĐ không quy định rõ các quyền, nghĩa vụ và các biện pháp chế tài đối với các chủ thể tham gia TPQT mà nó chỉ có vai trò xác định hệ thống PL nước nào sẽ được áp dụng để điều chỉnh quan hệ TPQT.

* Phương pháp thực chất

Đây là phương pháp  áp dụng các quy phạm pháp luật thực chất. Khác với quy phạm pháp luật xung đột, quy phạm pháp luật thực chất điều chỉnh va quy định quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể tham gia quan hệ pháp luật cụ thể. Quy phạm pháp luật thực chất bao gồm: Quy phạm pháp luật thực chất thống nhất (đuợc ghi nhận trong điều uớc quốc tế) và quy phạm pháp luật thông thuờng (đựơc ghi nhận trong điều uớc quốc gia)

4. Các nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài

a) Nguyên tắc luật quốc tịch

Nguyên tắc luật quốc tịch là luật của nước mà đương sự là công dân. Nguyên tắc này được áp dụng dựa vào dấu hiệu quốc tịch, tức là cá nhân mang quốc tích của quốc gia nào thì sẽ chịu sự điều chỉnh của hệ thống pháp luật của quốc gia đó. Nguyên tắc luật quốc tịch là nguyên tắc được áp dụng phổ biến trong việc giải quyết xung đột pháp luật về năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài.

b) Nguyên tắc luật nơi cư trú

Bên cạnh nguyên tắc luật quốc tịch thì nguyên tắc luật nơi cư trú cũng được áp dụng để giải quyết các vấn đề về năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài. Theo nguyên tắc luật nơi cư trú thì sẽ áp dụng pháp luật của nhà nước mà đương sự cư trú. Cụ thể, nguyên tắc này sẽ được áp dụng trong trường hợp đương sự không có quốc tịch hoặc có hai hay nhiều quốc tịch.

c) Nguyên tắc luật nơi lập di chúc

Theo nguyên tắc này có nghĩa là di chúc được lập ở đâu thì luật của nước đó sẽ được áp dụng để điều chỉnh. Đồng thời cho thấy, nguyên tắc nơi lập di chúc này được áp dụng dựa vào dấu hiệu nơi lập di chúc. Như vậy, nguyên tắc pháp luật luật nơi lập di chúc chỉ được áp dụng trong trường hợp xác định được nơi lập di chúc của người để lại di sản thừa kế.

d) Nguyên tắc luật tòa án

Theo nguyên tắc này để được áp dụng phải dựa vào nơi có Tòa án và cơ aun có thẩm quyền giải quyết vụ việc. Đồng thời, theo nguyên tắc cơ bản của tố tụng, thì Tòa án quốc gia nào xét xử sẽ áo dụng pháp luật tố tụng của quốc gia đó để giải quyết. Nguyên tắc luật Tòa án được áp dụng rất phổ biến trong quan hệ thừa kế thep di chúc có yếu tố nước ngoài như là nguyên tắc phụ, thay thế. Khi các nguyên tắc khác để xác định hệ thống pháp luật cho quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài không được áp dụng thì nguyên tắc luật Tòa án sẽ được áp dụng.

II. BÌNH LUẬN QUY ĐỊNH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ THEO DI CHÚC CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ 2005

Nguyên tắc giải quyết XĐPL trong thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài theo pháp luật Việt Nam áp dụng hai nguyên tắc cơ bản và chủ yếu nhất để giải quyết là nguyên tắc luật quốc tịch và nguyên tắc luật nơi lập di chúc.

Giải quyết xung đột pháp luật trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài, ta đi giải quyết hai vấn đề chính đó là: Năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc và hình thức của di chúc.

1. Năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc

Để giải quyết XĐPL trong thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài về xác định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc, pháp luật nước ta tuận theo nguyên tắc luật quốc tịch khi lập di chúc. Cụ thể, tại Khoản 1 Điều 768 BLDS 2005 quy định:

Năng lực lập di chúc, thay đổi và huỷ bỏ di chúc phải tuân theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân”.

Pháp luật Việt Nam giải quyết XĐPL xảy ra trong vấn đề xác định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc được áp dụng theo pháp luật mà người lập di chúc là công dân.

Pháp luật của Việt Nam sẽ được áp dụng để xác định năng lực chủ thể khi công dân Việt Nam lập, định đoạt tài sản thừa kế, bất kể di sản thừa kế là động sản hay bất động sản.

Trường hợp một cá nhân không mang quốc tịch hoặc người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tích nước ngoài thì việc xác định pháp luật áp dụng về thừa kế theo di chúc sẽ phải tuân theo Điều 760 BLDS 2005 như sau:

1. Trong trường hợp Bộ luật này hoặc các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân thì pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch là pháp luật của nước nơi người đó cư trú; nếu người đó không có nơi cư trú thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2.Trong trường hợp Bộ luật này hoặc các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân thì pháp luật áp dụng đối với người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự; nếu người đó không cư trú tại một trong các nước mà người đó có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân”.

Theo đó, trong trường hợp pháp luật Việt Nam dẫn chiếu đến áp dụng pháp luật của nước mà người nước ngoài là công dân thì pháp luật áp dụng đối với người không quốc tịch là pháp luật của nước nơi người đó cư trú, còn nếu người này không có nơi cư trú thì áp dụng pháp luật là pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các nước mà người nước ngoài có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người này có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ của công dân.

2. Hình thức lập di chúc

Để giải quyết XĐPL về hình thức lập di chúc trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam áp dụng theo nguyên tắc pháp luật nơi lập di chúc. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 2 Điều 768 BLDS 2005 quy định như sau:

“ Hình thức của di chúc phải tuân theo pháp luật của nước nơi lập di chúc”.

Như vậy, nếu công dân Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài thì phải tuân theo pháp luật của nước ngoài vế hình thức di chúc và nếu công dân nước ngoài lập di chúc ở Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Việt Nam về hình thức di chúc và dĩ nhiên, không có trường hợp ngoại lệ.

Đối với trường hợp công dân Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài thì căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 759 BLDS 2005 như sau:

“ Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trường hợp pháp luật nước đó dẫn chiếu trở lại pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì áp dụng pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Pháp luật nước ngoài cũng được áp dụng trong trường hợp các bên có thoả thuận trong hợp đồng, nếu sự thoả thuận đó không trái với quy định của Bộ luật này và các văn bản pháp luật khác của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Như vậy, di chúc được coi là hợp pháp khi công dân Việt Nam lập di chúc ở nước ngoài nếu pháp luật nước ngoài được áp dụng để lập di chúc không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Đánh giá quy định giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài trong Bộ luật dân sự 2005

*Ưu điểm:

Bộ luật dân sự 2005 đã quy định về quy tắc chọn luật trong giải quyết tranh chấp về thừa kế theo di chúc tương đối rõ ràng. Hệ thuộc luật được chọn để giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước trong Bộ luật Dân sự 2005 là hai hệ thuộc luật chủ yếu, tương đồng với các quốc gia trên thế giới trong việc giải quyết xung đột pháp luật về thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài là hệ thuộc luật quốc tịch đối với XĐPL về xác định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc và hệ thuộc luật nơi lập di chúc đối với XĐPL về hình thức di chúc.

*Hạn chế:

Thứ nhất, BLDS 2005 quy định về việc xác định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc có yếu tố nước ngoài theo nguyên tắc luật quốc tịch khi lập di chúc. Quy định này chưa hoàn toàn phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 762 BLDS 2005 bởi vì, việc lập di chúc chính là thể hiện năng lực chủ thể của người lập di chúc, mà theo quy định của Điều 762 về năng lực hành vi của cá nhân nước ngoài, những di chúc lập tại Việt Nam thì năng lực pháp luật của họ sẽ phải tuân theo pháp luật Việt Nam chứ không phải theo nước mà họ mang quốc tịch.

Thứ hai, cũng ở việc chọn luật khi xác định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc. BLDS 2005 quy định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ theo pháp luật mà người lập di chúc là công dân, có thể hiểu là khi lập di chúc họ tuân theo pháp luật nước nào thì khi thay đổi, hủy bỏ cũng phải tuân theo pháp luật nước đó. Nguyên tắc này không hoàn toàn áp dụng nguyên tắc luật quốc tịch bởi vì đối với một cá nhân họ có quyền được thay đổi quốc tịch, trong trường hợp khi lập di chúc họ là công dân của một nước, thay đổi di chúc khi họ đã từ bỏ quốc tịch nước này và nhận quốc tịch của nước khác. Khi họ về nước mà họ mang quốc tịch khác và có nhu cầu thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc mà quy định với mỗi nước lại khác nhau, họ có thể không thực hiện được việc thay đổi hay hủy bỏ, điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền của họ. Có lẽ sẽ hợp lý hơn khi quy định đúng theo nguyên tắc luật quốc tịch đối với việc lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc tại thời điểm lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc thì ở đâu với quốc tịch nào, họ cũng có thể thực hiện quyền của mình.

Thứ ba, về hình thức lập di chúc, pháp luật quy định hình thức củ di chúc phải tuân theo quy định của pháp luật của nước nơi lập di chúc. Tức là một người lập di chúc phân chia di sản ở bất cứ đâu thì hình thức của di chúc cũng phải tuân theo pháp luật nơi họ lập di chúc, bất kể họ mang quốc tịch của quốc gia nào. Quy định này mang tính cứng nhắc bởi đôi khi người lập di chúc không hiểu biết gì về pháp luật của nước nơi họ lập di chúc nhưng vì lý do đó họ chưa thể về nước mình mang quốc tịch để lập di chúc. Lúc này, có thể di chúc của họ bị vô hiệu do vi phạm về hình thức, điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền để lại di sản của họ. Sẽ hợp lý hơn khi quy định cho phép người lập di chúc được lựa chọn hình thức lập di chúc theo pháp luật của nước nơi lập di chúc hoặc nước nơi mà người đó là công dân.

III. BÌNH LUẬN QUY ĐỊNH GIẢI QUYẾT XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT VỀ THỪA KẾ THEO DI CHÚC CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI THEO BỘ LUẬT DÂN SỰ 2015

1. Năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc

BLDS 2015 cũng thừa nhận việc giải quyết XĐPL về xác định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc theo nguyên tắc luật quốc tịch. Tuy nhiên, BLDS 2015 quy định về năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc tại Khoản 1 Điều 681 thì Năng lực lập di chúc, thay đổi hoặc huỷ bỏ di chúc được xác định theo pháp luật của nước mà người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập, thay đổi hoặc hủy bỏ di chúc. (thay vì theo pháp luật của nước mà người lập di chúc là công dân như BLDS 2005).

Như vậy, với quy định này, BLDS 2015 đã áp dụng hoàn thiện hơn nguyên tắc luật quốc tịch trong việc giải quyết xung đột pháp luật về xã định năng lực lập, thay đổi, hủy bỏ di chúc trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài. Theo đó, thì với mỗi thời điểm lập di chúc, thay đổi di chúc, hủy bỏ di chúc sẽ áp dụng theo luật quốc tịch của người đó vào thời điểm đó đang mang quốc tịch của quốc gia nào. Quy định này đã khắc phục được hạn chế của BLDS 2005 đã được trình bày ở trên. Đây là điểm tiến bộ trong tư duy xây dựng của nhà làm luật, đảm bảo quyền để lại di sản thừa kế cho mội cá nhân.

Tuy nhiên, quy định này vẫn chưa hoàn toàn phù hợp với quy định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân trong quan hệ dân sự có yếu tố nước người tại Khoản 2 Điều 674 BLDS 2015. Hạn chế này tồn tại từ BLDS 2005 nhưng vẫn chưa được nhà làm luật nhìn nhận lại và sửa đổi cho phù hợp. Để phù hợp hơn, theo em nhà làm luật cần bổ sung thêm trường hợp ở Khoản 2 Điều 674 vào Điều 681 BLDS 2015 để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

2. Hình thức di chúc

BLDS 2015 bên cạnh kế thừa theo nguyên tắc luật nơi lập di chúc trong việc xác định hình thức của di chúc ở BLDS 2005 thì đã quy định mở rộng thêm về hình thức di chúc trong quan hệ thừa kế có yếu tố nước ngoài cũng được công nhận tại Việt Nam. Cụ thể, quy định về hình thức di chúc trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài được quy định tại Khoản 2 Điều 681 BLDS 2015 như sau:

“ Hình thức của di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi di chúc được lập. Hình thức của di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau đây:

a) Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

b) Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết;

c) Nước nơi có bất động sản nếu di sản thừa kế là bất động sản.

Như vậy, bên cạnh hình thức di chúc được xác định theo pháp luật của nước nơi lập di chúc, thì hình thức di chúc cũng được công nhận tại Việt Nam nếu phù hợp với pháp luật của một trong các nước sau:

+ Nước nơi người lập di chúc cư trú tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết.

+ Nước nơi người lập di chúc có quốc tịch tại thời điểm lập di chúc hoặc tại thời điểm người lập di chúc chết.

+ Nước nơi có BĐS nếu di sản thừa kế là BĐS.

BLDS 2015  đã quy định cụ thể hơn trong việc giải quyết XĐPL về xác định hình thức di chúc trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài. Đây là một điểm tiến bộ của BLDS 2015, nó đã khắc phục được hạn chế đã được nêu ở trên của BLDS 2005, việc quy định này góp phần vào việc giải quyết XĐPL được hiệu quả hơn và bảo đảm quyền được để lại di sản cho cá nhân người nước ngoài khi ở Việt Nam.

Với những phân tích, bình luận đã trình bày ở trên, có thể thấy các quy định giải quyết XĐPL trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài đã ngày càng hoàn thiện hơn, đáp ứng việc giải quyết XĐPL trong lĩnh vực này một cách hiệu quả hơn và đảm bảo quyền để lại di sản tốt hơn cho các cá nhân trong quan hệ này. Qua đây cũng thấy rằng, kĩ thuật lập pháp của nước ta đã có những tiến bộ, nhìn nhận tốt hơn và đáp ứng thực tiễn ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng của nước ta. Trên đây là phần trình bày, bình luận của em về việc giải quyết XĐPL trong quan hệ thừa kế theo di chúc có yếu tố nước ngoài. Mặc dù đã có sự tìm hiệu những cũng không tránh khỏi những sai sót, mong quý thầy cô xem xét, đóng góp để bài viết hoàn thiện hơn.

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191