Cá nhân, doanh nghiệp kinh doanh online, qua mạng điện tử và các nền tảng số khác sẽ không thể trốn thuế từ ngày 05 tháng 12 năm 2020 khi Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực.
Mới đây, chính phủ vừa thông qua Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật quản lý thuế. Tại nghị định này đã có những quy định vô cùng chặt chẽ về trách nhiệm của các Ngân hàng trung gian thanh toán. Thực hiện nguyên tắc quản lý doanh thu và xác định được số tiền thuế dựa trên giải pháp quản lý về dòng tiền, nguồn tiền, thông tin thanh toán và thông tin tài khoản. Từ đó siết chặt tất cả các hoạt động giữa những cá nhân kinh doanh trên nền tảng số với những tổ chức nước ngoài (ở đây điển hình là Google và Facebook).
Cụ thể, Nghị định này có những bước tiến như sau:
Bắt buộc Ngân hàng công khai và cung cấp thông tin về các tài khoản thanh toán của người nộp thuế
Tại Khoản 2 Điều 30 của Nghị định 126/2020/NĐ-CP, Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế.
Ngân hàng thương mại phải cung cấp các thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo Mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế.
Việc cá nhân, doanh nghiệp có nhiều tài khoản tại nhiều ngân hàng cũng không còn có thể gây khó dễ cho cơ quan quản lý thuế như trước đây. Dựa trên các số liệu được cung cấp, nghĩa vụ thuế sẽ được tổng hợp và tính toán theo quy định.
Đáng chú ý hơn nữa, việc cung cấp thông tin còn phải được Ngân hàng tiến hành định kỳ, thường xuyên.
“Việc cung cấp thông tin về tài khoản theo điểm a khoản này được thực hiện lần đầu trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Việc cập nhật các thông tin về tài khoản được thực hiện hàng tháng trong 10 ngày của tháng kế tiếp.”
Mục b, khoản 2, Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP
Như vậy, tất cả các thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch đều sẽ được công khai để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Cơ quan quản lý thuế sẽ có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của thông tin này theo quy định của Luật Quản lý thuế và quy định của pháp luật có liên quan.
Quy định này đã hoàn toàn loại bỏ và chấm dứt việc ngành thuế nhiều năm gặp phải khó khăn khi phải đi xác nhận thông tin những người nộp thuế từ hệ thống các ngân hàng thương mại.
Các Ngân hàng có trách nhiệm Khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế phải nộp của nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam
Đây là quy định được nêu ra tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trên cơ sở các nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế thì ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán bắt buộc phải thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số, online.
Như vậy, việc thanh toán, nhận thanh toán online hiện nay, sẽ ngay lập tức bị áp thuế dựa trên giá trị của hàng hóa, dịch vụ mà không cần phải thông qua các báo cáo theo tháng hay theo quý như thông thường.
Đơn cử, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế thông báo tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài cho ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để các đơn vị này xác định tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài và thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế đối với các giao dịch của người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho tài khoản giao dịch của nhà cung cấp ở nước ngoài.
Đối với các trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ bằng thẻ hoặc các hình thức ngân hàng, trung gian thanh toán không thể khấu trừ, nộp thay, các ngân hàng có trách nhiệm theo dõi số tiền chuyển cho các nhà cung cấp ở nước ngoài và định kỳ hàng tháng gửi về Tổng cục Thuế theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Dựa trên những số liệu này, Tổng cục thuế sẽ tiến hành tính toán truy thu thuế theo Luật Quản lý thuế khi có đủ điều kiện.
Trực tiếp trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế
Để đảm bảo trách nhiệm nộp thuế và hạn chế việc trốn tránh, quy định về việc cho phép Ngân hàng trực tiếp trích tiền từ các tài khoản của người nộp thuế để thực hiện nghĩa vụ là cần thiết.
“4. Trích tiền để nộp thuế từ tài khoản của người nộp thuế, phong tỏa tài khoản của người nộp thuế bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định này.”
Khoản 4, Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP
Nghị định này được coi là bước tiến quan trọng trong việc giúp ngành thuế rà soát và thu thuế đúng các đối tượng. Đảm bảo sự công bằng trong hoạt động kinh doanh cũng như loại bỏ những ưu điểm của những cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng môi trường online, điện tử để tạo ra sự cạnh tranh không công bằng về giá cả khi không phải chịu tác động từ quy định thuế.
Điển hình là các hoạt động dựa trên nền tảng Google, Facebook, Youtube, có rất nhiều cá nhân kinh doanh online, viết phần mềm game online có doanh thu cao phải chịu thuế song ngành thuế rất khó tiếp cận thông tin, xử lý.
Các tổ chức như Facebook, Google… hiện chưa có văn phòng đại diện ở VN, tuy nhiên vẫn thông qua các tổ chức, doanh nghiệp ở VN để có hoạt động.
Theo số liệu, doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2018, 2019 của Facebook và Google tại Việt Nam lên tới 550-600 triệu USD, ngân sách nhà nước sẽ thu được khoản thuế rất lớn nếu kiểm soát chặt chẽ được nguồn doanh thu này
Vấn đề: Kinh doanh online không thể trốn thuế từ ngày 05 tháng 12 năm 2020
Tham khảo thêm:
- Đơn xin gia hạn kiểm tra thuế
- Đơn xin hủy mã số thuế
- Đơn xin cấp lại mã số thuế doanh nghiệp
- Đơn xin đóng mã số thuế doanh nghiệp
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.