Một vài vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện đối với hướng dẫn trả hồ sơ điều tra bổ sung

Một vài vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện đối với hướng dẫn trả hồ sơ điều tra bổ sung

Để giúp các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất quy định về trả hồ sơ điều tra bổ sung[1] được quy định tại các Điều 168, Điều 179 và 199 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 (sau đây được viết tắt là BLTTHS), ngày 27/8/2010, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC hướng dẫn thi hành các quy định của BLTTHS về trả hồ sơ để điều tra bổ sung (sau đây được viết tắt là Thông tư liên tịch số 01/2010).

Nhìn chung, Thông tư liên tịch số 01/2010 đã hướng dẫn tương đối đầy đủ các quy định về trả hồ sơ điều tra bổ sung do BLTTHS quy định, giúp hoạt động yêu cầu điều tra bổ sung, thực hiện hoạt động điều tra bổ sung của các cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền phát huy hiệu quả trong thực tiễn, góp phần giải quyết vụ án được triệt để, nhanh chóng, đúng pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng.

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng, một số quy định của Thông tư liên tịch số 01/2010 đã phát sinh một số vướng mắc, gây cản trở đến quá trình giải quyết vụ án của các cơ quan tiến hành tố tụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Vì vậy, trong phạm vi bài viết này, tác giả xin nêu lên những vướng mắc đối với hướng dẫn trả hồ sơ điều tra bổ sung và đề xuất một vài kiến nghị hoàn thiện.

1. Đối với hướng dẫn về thiếu chứng cứ quan trọng đối với vụ án

Thiếu chứng cứ quan trọng là một trong các căn cứ trả hồ sơ điều tra bổ sung được quy định tại khoản 1 Điều 168 và điểm a khoản 1 Điều 179 BLTTHS.

Các khoản 1, 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 quy định khái niệm chứng cứ quan trọng và liệt kê các loại chứng cứ chứng minh những vấn đề trong vụ án được xem là chứng cứ quan trọng. Tuy nhiên, quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 chỉ mới giải thích chứng cứ chứng minh các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án hình sự được quy định tại Điều 63 BLTTHS.

Trong khi đó, trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự thì ngoài các nội dung quy định tại Điều 63 BLTTHS thì cơ quan, người tiến hành tố tụng còn phải thu thập tài liệu chứng cứ để giải quyết trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự.

Hiện nay, vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được áp dụng theo Công văn 121/2003/KHXX ngày 19/09/2003 về việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự (viết tắt là Công văn số 121/2003).

Theo đó, nếu thiếu chứng cứ chứng minh phần dân sự trong vụ án hình sự có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo mà không thể bổ sung tại phiên tòa thì Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) sẽ trả hồ sơ điều tra bổ sung; nếu thiếu chứng cứ chứng minh phần dân sự trong vụ án hình sự không có liên quan đến việc xác định cấu thành tội phạm, đến việc xem xét tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị can, bị cáo thì không trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Do BLTTHS và Thông tư liên tịch số 01/2010 chưa quy định vấn đề này. Trong khi đó, Công văn số 121/2003 lại hướng dẫn BLTTHS năm 1988 nên chưa có sự áp dụng thống nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung liên quan đến vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.

Vì vậy, kiến nghị bổ sung vào Điều 63 BLTTHS khoản 5 với nội dung “5. Vấn đề dân sự trong vụ án hình sự” và sửa đổi, bổ sung khái niệm “chứng cứ quan trọng đối với vụ án” tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 như sau: “Chứng cứ quan trọng đối với vụ án” quy định tại khoản 1 Điều 168 và điểm a khoản 1 Điều 179 BLTTHS là chứng cứ quy định tại Điều 64 của BLTTHS dùng để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 63 của BLTTHS, trách nhiệm dân sựvà nếu thiếu chứng cứ này thì không thể giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đúng pháp luật.” Đồng thời, bổ sung quy định thế nào là chứng cứ chứng minh vấn đề dân sự trong vụ án hình sự mà nếu thiếu chúng sẽ bị trả hồ sơ điều tra bổ sung như hướng dẫn tại Công văn số 121/2003.

2. Về các trường hợp được xem là chứng cứ quan trọng theo khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010

Khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 đã quy định liệt kê các trường hợp được xem là chứng cứ quan trọng. Tuy nhiên, một số quy định còn nhiều điểm chưa phù hợp gây khó khăn cho việc hiểu và áp dụng trong thực tiễn.

Thứ nhất, đối với chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không”

Điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 quy định: “Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi xảy ra đó có đủ yếu tố của cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính…).

Quy định này là chưa đảm bảo về mặt lý luận và thực tiễn áp dụng. Bởi vì, theo khoa học luật hình sự, cấu thành tội phạm bao gồm 04 yếu tố: khách thể của tội phạm, mặt khách quan của tội phạm, mặt chủ quan của tội phạm và chủ thể của tội phạm.

Trong đó, mặt khách quan là những yếu tố bên ngoài của tội phạm bao gồm: hành vi, hậu quả, mối quan hệ nhân quả, phương pháp, thủ đoạn, công cụ, phương tiện phạm tội, thời gian, địa điểm… Tuy nhiên, không phải tất cả các yếu tố thuộc mặt khách quan đều được thể hiện trong mọi cấu thành tội phạm. Tùy theo mỗi loại tội mà một số yếu tố thuộc mặt khách quan bắt buộc phải có nhưng hành vi phạm tội là yếu tố không thể thiếu trong cấu thành của mọi loại tội phạm.

Cho nên, việc điểm a khoản 2 Điều 1 của Thông tư liên tịch số 01/2010 quy định khi xác định chứng cứ chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi xảy ra đó có đủ yếu tố của cấu thành tội phạm cụ thể… là chưa phù hợp.

Do đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nội dung điểm a khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 như sau: “Chứng cứ để chứng minh “có hành vi phạm tội xảy ra hay không” là chứng cứ để xác định hành vi xảy ra đó có đáp ứng dấu hiệu hành vi thuộc mặt khách quancủa tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật Hình sự hay thuộc các trường hợp không phải là hành vi phạm tội (phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, sự kiện bất ngờ, quan hệ dân sự, kinh tế, vi phạm hành chính…).

Thứ hai, đối với hướng dẫn chứng cứ chứng minh “tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”

Điểm g khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 hướng dẫn về chứng cứ chứng minh tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Theo đó, chứng cứ để chứng minh tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo là chứng cứ xác định bị can, bị cáo có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 46 của Bộ luật hình sự; có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào quy định tại Điều 48 của Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, cuối điểm g khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 lại hướng dẫn thên “hoặc là chứng cứ xác định tình tiết định khung hình phạt”.

Chúng tôi cho rằng, chứng cứ xác định tình tiết định khung hình phạt thuộc yếu tố định tội danh, định khung hình phạt nên việc đưa nội dung này vào giải thích chứng cứ chứng minh “tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” là vượt quá nội dung cần được giải thích.

Vì vậy, cần tách chứng cứ “xác định tình tiết định khung hình phạt”thành một điểm độc lập, không thuộc các điểm đã được giải thích tại khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010.

Thứ ba, chứng cứ chứng minh 02 nội dung khác nhau nhưng lại được giải thích có vấn đề trùng nhau

Điểm đ khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 hướng dẫn chứng cứ để chứng minh “có năng lực trách nhiệm hình sự hay không”.  Trong đó, có nội dung “khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hay chưa…”.

Trong khi đó, điểm k khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 hướng dẫn về “Chứng cứ khác để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 63 của BLTTHS” lại có nội dung “Chứng cứ để xác định chính xác tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên”.

Thực chất nội dung 02 nội dung được liệt kê tại điểm đ và điểm k khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 bên trên là trùng với nhau. Để đảm bảo tính logic, chúng tôi kiến nghị cần bỏ nội dung “Chứng cứ để xác định chính xác tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên” tại điểm k khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010. Bởi vì, quy định tại điểm k khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 là quy định mở trong khi nội dung này đã được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010.

Thứ tư, mở rộng phạm vi hướng dẫn chứng cứ quan trọng trong vụ án chưa phù hợp

Khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 giải thích “chứng cứ quan trọng đối với vụ án” là chứng cứ quy định tại Điều 64 của BLTTHS dùng để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 63 của BLTTHS. Trong khi đó, quy định tại Điều 63 BLTTHS là quy định đóng. Đồng thời, các điểm từ a đến i khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 đã liệt kê hướng dẫn các vấn đề cần phải chứng minh tại Điều 63 BLTTHS.

Tuy nhiên, ngoài hướng dẫn tại các điểm từ a đến i,  khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 còn quy định điểm k với nội dung: “Chứng cứ khác để chứng minh một hoặc nhiều vấn đề quy định tại Điều 63 của BLTTHS mà thiếu chứng cứ đó thì không có đủ căn cứ để giải quyết vụ án, như: Chứng cứ để xác định chính xác tuổi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên hoặc xác định chính xác tuổi của người bị hại là trẻ em; chứng cứ để chứng minh vị trí, vai trò của từng bị can, bị cáo trong trường hợp đồng phạm hoặc phạm tội có tổ chức…”.

Chúng ta thấy rằng quy định tại điểm k khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 là chưa đảm bảo tính lôgic, vượt quá hướng dẫn tại Điều 63 BLTTHS. Để khắc phục bất cập này, kiến nghị bỏ điểm k khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 và cần nghiên cứu bổ sung các quy định tại điểm k khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 vào các điểm từ a đến i khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010.

3. Đối với quy định không trả hổ sơ điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ quan trọng

Để hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung do thiếu chứng cứ quan trọng trong giai đoạn xét xử, điểm b khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 quy định, Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử), Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung khi cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà xét thấy không thể bổ sung tại phiên tòa được.

Tuy nhiên, hướng dẫn như điểm b khoản 3 Điều 1 sẽ triệt tiêu quy định về quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung của Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa. Bởi vì, chỉ khi “xét thấy không thể bổ sung tại phiên tòa được” thì Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa mới trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong khi đó, phiên tòa chưa diễn ra thì làm sao Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa có dự trù sẽ khắc phục tai phiên tòa được hay không.

Từ đó, dẫn đến mọi trường hợp Tòa án sẽ không được trả hồ sơ điều tra bổ sung trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Nếu có căn cứ trả hồ sơ do thiếu chứng cứ quan trọng thì Thẩm phán được phân chủ tọa phiên tòa cũng phải mở phiên tòa và dựa vào diễn biến phiên tòa để quyết định có trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không. Quy định này sẽ dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ án, tốn chi phí, công sức của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng không cần thiết.

Bên cạnh đó, điểm c khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 còn quy định không trả hồ sơ nếu là chứng cứ quan trọng nhưng nếu thiếu cũng truy tố, xét xử được hoặc không thể thu thập được. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là “cũng xét xử được” và “không thể thu thập được” nên chưa có sự áp dụng thống nhất giữa Tòa án với Viện kiểm sát.

Có những trường hợp Tòa án cho rằng thiếu chứng cứ quan trọng, không thể xét xử được và tài liệu, chứng cứ có thể thu thập được nên trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng Viện kiểm sát lại cho rằng có thể xét xử được và không thể thu thập được. Từ đó, có nhiều vụ án phải trả hồ sơ nhiều lần; không ít trường hợp Viện kiểm sát cho rằng Tòa án cố tình làm khó do phải trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần.

Để khắc phục bất cập này, kiến nghị bổ sung vào điểm b khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 giải thích về “xét thấy không thể bổ sung tại phiên tòa được” với nội dung như sau:

“b) …

Xét thấy không thể bổ sung tại phiên tòa được là trường hợp tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn mà cần phải có chứng cứ khác để kiểm tra, đánh giá mới giải quyết được vụ án nhưng chưa được thu thập.

Bổ sung vào điểm c khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 giải thích về “cũng xét xử được” và “không thể thu thập được” với nội dung như sau:

“c) …

Cũng xét xử được là trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng trong vụ án nhưng những chứng cứ còn lại có trong hồ sơ vụ án đủ cơ sở để làm rõ các mâu thuẫn, giải quyết các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án. Trong trường hợp, các chứng cứ chứng minh một vấn đề có mâu thuẫn với nhau thì phải tồn tại sự chênh lệnh giữa các chứng cứ mâu thuẫn với nhau là 02 chứng cứ.

Ví dụ: A, B và C đánh D, có nhiều người chứng kiến và D có 01 vết thương do bị chém trên người. Nếu hồ sơ vụ án thể hiện có lời khai của 01 người thấy B dùng dao chém D gây thương tích và có 02 người thấy C dùng dao chém D hoặc ngược lại thì phải trả hồ sơ điều tra bổ sung. Nếu hồ sơ vụ án thể hiện có lời khai của 01 người thấy B dùng dao chém D gây thương tích và có ít nhất 03 người thấy C dùng dao chém D hoặc ngược lại thì không phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Không thể thu thập được là trường hợp thiếu chứng cứ quan trọng trong vụ án có ý nghĩa giải quyết vụ án có thể thu thập được nhưng đã không được thu thập dẫn đến không thể khắc phục được và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án có đủ cơ sở  chứng minh các vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án.

4. Đối với quy định không trả hồ sơ điều tra bổ sung khi có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác

Theo điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2010, một trong những căn cứ để Tòa án không trả hồ sơ điều tra bổ sung khi có căn cứ cho rằng bị cáo phạm một tội khác hoặc có đồng phạm khác là “Đã có quyết định tách vụ án hoặc chưa có quyết định tách vụ án của Cơ quan điều tra nhưng có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 117 của BLTTHS”. Quy định có một vài điểm chưa phù hợp ở chỗ:

Thứ nhất, khi đã có quyết định tách vụ án của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thì Tòa án không được trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 01/2010 đã không quy định rõ trong trường hợp quyết định tách vụ án của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không đúng quy định của pháp luật thì Tòa án có được trả hồ sơ hay không là chưa phù hợp. Quy định này dễ dẫn đến sự lạm dụng việc tách vụ án để hạn chế việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội khi thời hạn tiến hành tố tụng đã hết mặc dù thuộc trường hợp không được tách vụ án.

Thứ hai, theo điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2010, khi có căn cứ để tách vụ án theo quy định tại khoản 2 Điều 117 BLTTHS thì Tòa án không được trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tuy nhiên, do thẩm quyền tách vụ án không thuộc về Tòa án nên dẫn đến trường hợp Tòa án xét xử nhưng có sai sót chưa được khắc phục (đáng lẽ phải tách vụ án nhưng Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát không thực hiện) là chưa đúng quy định của BLTTHS.

Để khắc phục hạn chế này, kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2010 như sau: “Đã có quyết định tách vụ án đúng quy định tại khoản 2 Điều 117 và các quy định có liên quan khác của BLTTHS”.

5. Đối với những trường hợp không được trả hồ sơ điều tra bổ sung do có “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”

Thứ nhất, trường hợp khi điều tra bị can (bị cáo) là người chưa thành niên nhưng đến khi truy tố, xét xử bị can (bị cáo) đã đủ 18 tuổi

Theo điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010, Viện kiểm sát, Tòa án sẽ không trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong trường hợp “Bị can (bị cáo) là người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra nhưng đến khi truy tố, xét xử bị can (bị cáo) đã đủ 18 tuổi”.

Quy định này là chưa rõ ràng dễ gây oan sai, chưa có sự áp dụng thống nhất trong thực tiễn và chưa đảm bảo quyền lợi của bị can, bị cáo là người chưa thành niên. Bởi vì, nếu vi phạm này được chấp nhận thì lời khai của bị can, bị cáo ở các giai đoạn trước đó sẽ không được sử dụng là chứng cứ để giải quyết vụ án (do không đảm bảo tính hợp pháp của chứng cứ).

Trong trường hợp hồ sơ của vụ án có ít chứng từ từ nguồn khác mà vẫn tiếp tục giải quyết vụ án sẽ rất dễ dẫn đến sai sót. Bên cạnh đó, nếu không sử dụng lời khai của bị can, bị cáo là người chưa thành niên để giải quyết vụ án sẽ dẫn đến thiếu chứng cứ quan trọng được quy định tại Điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010 nên cũng sẽ dẫn đến việc Tòa án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Ngoài ra, trong vụ án hình sự, khi xét xử mà Hội đồng xét xử không sử dụng lời khai của bị can, bị cáo để giải quyết vụ án hoặc chỉ sử dụng lời khai của bị can, bị cáo tại phiên tòa trong khi lời khai này mâu thuẫn với lời khai đã được thu thập trong giai đoạn điều tra, truy tố (không đúng quy định pháp luật) sẽ cho ra bản án thiếu tính thuyết phục.

Để khắc phục bất cập này, chúng tôi kiến nghị điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Bị can (bị cáo) là người chưa thành niên trong giai đoạn điều tra nhưng đến khi truy tố, xét xử bị can (bị cáo) đã đủ 18 tuổi. Đồng thời, hồ sơ vụ án có lời khai của bị can, bị cáo khi họ chưa thành niên và khi họ đã thành niên. Các lời khai này không mâu thuẫn nhau.

Thứ hai, đối với trường hợp có vi phạm thủ tục tố tụng, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng

Điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 quy định, khi “Có vi phạm thủ tục tố tụng, nhưng không xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng” thì Viện kiểm sát, Tòa án không được trả hồ sơ điều tra bổ sung do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Điều này có thể hiểu, không phải cứ có vi phạm thủ tục tố tụng là Viện kiểm sát, Tòa án được trả hồ sơ điều tra bổ sung mà vi phạm thủ tục đó phải “xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng”. Từ quy định này, có một số vấn đề cần phải có hướng dẫn thêm để áp dụng thống nhất.

Một là, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 quy định những trường hợp được coi là “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự”. Khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 quy định Viện kiểm sát, Tòa án không trả hồ sơ để điều tra bổ sung mặc dù “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” rồi liệt kê 02 trường hợp tại điểm a và điểm b.

Trong khi đó, điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 lại quy định “Có vi phạm thủ tục tố tụng…” mà không phải là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Với quy định này đã tồn tại nhiều quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi có những trường hợp được liệt kê tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 thì đương nhiên vụ án sẽ bị trả hồ sơ điều tra bổ sung mà không cần xem xét đến những yếu tố khác.

Quan điểm thứ hai lại cho rằng, trong số các trường hợp vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng được liệt kê tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010, có một số trường hợp đã quy định phải xâm phạm đến quyền lợi của người tham gia tố tụng như: xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng khi xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của người tham gia tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử (điểm c); “xâm phạm đến quyền bào chữa của bị can, bị cáo” khi không giao các lệnh, quyết định tố tụng cho bị can, bị cáo theo đúng quy định của pháp luật (điểm e); xâm phạm nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của người tham gia tố tụng khi khiếu nại, tố cáo của họ không được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật (điểm o).

Khi rơi vào các trường hợp này, Viện kiểm sát, Tòa án phải trả hồ sơ điều tra bổ sung mà không cần phải xem thêm điều kiện tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010. Đối với các trường hợp khác thì chỉ khi xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng thì Viện kiểm sát, Tòa án mới được trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Về quy định này, chúng tôi cho rằng, khoản 1 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 đã quy định rõ khái niệm chung về “Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” quy định tại khoản 3 Điều 168 và điểm c khoản 1 Điều 179 của BLTTHS để Viện kiểm sát, Tòa án trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Đồng thời, để tiện việc xem xét, áp dụng trong thực tiễn, khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 đã liệt kê một số trường hợp được xem là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, ngoài các hoạt động tố tụng được liệt kê tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010, BLTTHS còn quy định nhiều hoạt động tố tụng khác. Trong quá trình điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thể vi phạm một số quy định về các hoạt động tố tụng này.

Trong khi đó, điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 lại quy định, “Có vi phạm thủ tục tố tụng…” mà không phải là “có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng”. Cho nên, khi thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 thì Viện kiểm sát, Tòa án sẽ trả hồ sơ, điều tra bổ sung (chỉ trừ trường hợp thuộc điểm b khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010).

Viện kiểm sát, Tòa án chỉ xem xét điều kiện tại điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 để quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung hay không đối với các vi phạm tố tụng khác do BLTTHS quy định không thuộc các trường hợp tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010.

Hai là, hiểu thế nào là “xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng” để xem xét trả hồ sơ điều tra bổ sung khi có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Như phân tích bên trên, khi có vi phạm tố tụng không thuộc khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 thì Viện kiểm sát, Tòa án chỉ trả hồ sơ điều tra bổ sung khi vi phạm đó “xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng”.

Tuy nhiên, do Thông tư liên tịch số 01/2010 không giải thích thêm xâm hại nghiêm trọng là như thế nào nên chưa có sự hiểu, áp dụng thống nhất giữa Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Chẳng hạn, khi Cơ quan điều tra ban hành lệnh tạm giam nhưng không có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát hoặc người ký lệnh không đúng thẩm quyền là vi phạm điểm a khoản 2 Điều 4 nhưng phù hợp với các căn cứ phải tạm giam thì có được trả hồ sơ điều tra bổ sung?

Hay vụ án thuộc trường hợp phải khởi tố theo yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại nhưng Cơ quan điều tra lại tự khởi tố và sau đó bổ sung đơn yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại thì có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hay không trong khi việc khởi tố đó là đúng với hành vi bị can, bị cáo thực hiện.

Hoặc trong trường hợp, bị can, bị cáo đúng là người đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng họ chối tội. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã mớm cung, bức cung, nhục hình nhưng lời khai nhận là đúng sự thật thì có trả hồ sơ điều tra bổ sung?

Cho nên, cần có quy định thế nào là “xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng” để có sự áp dụng thống nhất.

Theo Từ điển tiếng Việt, xâm phạm là “động chạm đến quyền lợi của người khác”; nghiêm trọng là “ở trong tình trạng xấu, gay go đến mức trầm trọng, có nguy cơ dẫn đến những hậu quả hết sức tai hại”[2]. Từ đó, xâm hại nghiêm trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng được hiểu là hành vi vi phạm làm mất hoặc hạn chế quyền và lợi ích hợp của người tham gia tố tụng mà đáng ra họ phải được hưởng trọn vẹn; đồng thời, trong một số trường hợp còn gây thiệt hại cho họ. 

Để có sự áp dụng thống nhất trong thực tiễn, chúng tôi kiến nghị bổ sung vào điểm a khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch số 01/2010 nội dung sau:

“a) …

Vi phạm tố tụng xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng được hiểu là vi phạm tố tụng làm mất hoặc hạn chế quyền và lợi ích hợp của người tham gia tố tụng mà đáng ra họ phải được hưởng trọn vẹn; đồng thời, trong một số trường hợp còn gây thiệt hại cho họ.”

6. Về công tác phối hợp giữa Tòa án với Viện kiểm sát trong giai đoạn xét xử

Khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2010 quy định: “Trong thời hạn chuẩn bị xét xử, sau khi nghiên cứu hồ sơ thấy còn thiếu những chứng cứ quan trọng, có vi phạm thủ tục tố tụng, bị can phạm vào tội khác hoặc có đồng phạm khác, thì Thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa trao đổi với Kiểm sát viên để có biện pháp khắc phục kịp thời hoặc có thể bổ sung được tại phiên tòa mà không phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Nếu Kiểm sát viên và Thẩm phán chưa thống nhất ý kiến, thì báo cáo lãnh đạo liên ngành xem xét cho ý kiến về việc giải quyết vụ án.” Tuy nhiên, sau khi Tòa án, Viện kiểm sát thống nhất được sai sót cần khắc phục thì Viện kiểm sát được thực hiện những hoạt động tố tụng nào để khắc phục? Do quy định chưa đầy đủ nên chưa có cách hiểu, áp dụng thống nhất.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, Viện kiểm sát có quyền áp dụng các hoạt động tố tụng mà BLTTHS quy định để khắc phục thiếu sót bao gồm các hoạt động mà Viện kiểm sát được tiến hành trong hoạt động điều tra, truy tố.

Quan điểm thứ hai cho rằng, Viện kiểm sát chỉ được khắc phục sai sót bằng việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, tiến hành các hoạt động không trái quy định pháp luật như: mời thêm người biết sự việc đến Tòa án… chứ không được tiến hành các hoạt động tố tụng do BLTTHS quy định trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Chúng tôi thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi vì, khi hồ sơ đang ở trong giai đoạn xét xử thì Viện kiểm sát không được tiến hành các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố để khắc phục thiếu sót mà chỉ có thể tiến hành các hoạt động ngoài hoạt động tố tụng như: kết luận giám định còn có điểm chưa rõ ràng cần có giải thích của cơ quan giám định, kết luận định giá chưa rõ cần có giải thích của Hội đồng định giá thì Viện kiểm sát có thể gửi văn bản yêu cầu cơ quan giám định, Hội đồng định giá giải thích rồi cung cấp cho Tòa án; trong trường hợp Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chưa ghi lời khai của người tham gia tố tụng thì có thể mời họ đến phiên tòa chứ không được tự ghi lời khai của họ rồi giao nộp cho Tòa án; chưa có đủ tài liệu, chứng cứ xác định tư cách chủ thể của người tham gia tố tụng thì Viện kiểm sát có thể yêu cầu họ cung cấp rồi bổ sung cho Tòa án…

Để khắc phục bất cập này, kiến nghị bổ sung vào khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 01/2010 nội dung:

“1. …

Biện pháp khắc phục do Viện kiểm sát tiến hành không phải là các hoạt động tố tụng do BLTTHS quy định trong giai đoạn điều tra, truy tố thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát. Trong trường hợp phải tiến hành các hoạt động điều tra, truy tố do BLTTHS mới khắc phục được thì Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử) hoặc Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) trả hồ sơ cho Viện kiểm sát điều tra bổ sung.

7. Đối với việc xác định trách nhiệm của Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử trong việc trả hồ sơ điều tra bổ sung

Khoản 3 Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2010 quy định “Trách nhiệm thuộc Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử trong trường hợp quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ pháp luật và Viện kiểm sát có văn bản giữ nguyên quyết định truy tố, sau đó Tòa án xét xử vụ án như đề nghị của Viện kiểm sát.”

Quy định này có thể hiểu, Thẩm phán được phân công Chủ tọa phiên tòa (trong giai đoạn chuẩn bị xét xử) hoặc Hội đồng xét xử (tại phiên tòa) chỉ chịu trách nhiệm khi có đủ 02 điều kiện: Một là, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung không có căn cứ pháp luật; Hai là, Viện kiểm sát có văn bản giữ nguyên quyết định truy tố, sau đó Tòa án xét xử vụ án như đề nghị của Viện kiểm sát.

Cho nên, trong trường hợp, Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung có căn cứ pháp luật nhưng Viện kiểm sát giữ nguyên quyết định truy tố (trường hợp có tiến hành điều tra bổ sung hoặc không tiến hành điều tra bổ sung theo yêu cầu) và Tòa án xét xử vụ án như đề nghị của Viện kiểm sát thì Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử cũng không phải chịu trách nhiệm về việc trả hồ sơ điều tra bổ sung của mình. Vướng mắc đặt ra là trong trường hợp này trách nhiệm sẽ thuộc về Kiểm sát viên hay Thẩm phán, Hội đồng xét xử chưa được quy định rõ. Chúng tôi xin nêu vụ án cụ thể như sau:

Theo Cáo trạng số 40/VKS.HS ngày 19/5/2014, L.V.A, L.V.H (sinh đôi vào ngày 22/9/1997) bị Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Đ truy tố về phạm tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết “Dùng hung khí nguy hiểm” và “Có tính chất côn đồ” theo các điểm a, i khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự như sau: Khoảng 17 giờ ngày 05/10/2013, A đi tập thể hình tại câu lạc bộ N.H tại huyện T, có hành vi trêu ghẹo anh L.M.Đ, nhưng được mọi người can ngăn. Đ đi ăn cơm tại quán của chị N.T.X.M thì A chạy xe mô tô 67FH – 8563 theo đến quán cơm và rủ đánh nhau nhưng Đ không đồng ý. A chạy xe đến tiệm sửa xe gần nhà mua 02 cây ty phuộc trước xe mô tô, rồi đến tiệm game gần nhà rủ H đi đánh dằn mặt Đ, thì H đồng ý. H điều khiển xe mô tô 67FH – 8563 chở A đến quán cơm, thấy Đ đang đứng trả tiền trước quán, A cầm cây ty phuộc xe chạy lại đánh 01 cái từ trên xuống trúng vào phía sau đầu của Đ gây thương tích. Sau khi gây án, A đi lại chỗ H nổ máy xe chờ sẵn và lên xe cho H chở về nhà. Đến ngày 18/11/2013, Đ làm đơn yêu cầu xử lý hình sự đối với A và H. Theo kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, Đ bị thương tích ở đầu với tỷ lệ thương tật 10%.

Vào ngày 19/5/2014, Tòa án nhân dân huyện T đã thụ lý vụ án để giải quyết theo trình tự sơ thẩm. Đến ngày 13/6/2014, Hội đồng xét xử đã ban hành Quyết định số 01/2014/HSST-QĐ yêu cầu điều tra bổ sung với lý do, theo các lời khai cung cấp trong giai đoạn điều tra và tại phiên tòa, người bị hại xác định người trêu chọc anh Đ và rủ anh Đ đánh nhau là H chứ không phải là A như nội dung Cáo trạng truy tố và lời khai của A, H. Trong khi đó, lời khai của các người làm chứng trong hồ sơ vụ án có nhiều mâu thuẫn. Ngoài các người làm chứng đã cung cấp lời khai còn có một số người khác biết sự việc nhưng chưa được ghi lời khai.

Đến ngày 01/7/2014, Viện kiểm sát nhân dân huyện T ban hành văn bản số 138/VKS-HS ngày 01/7/2014 và chuyển trả lại hồ sơ cho Tòa án xét xử mà không thực hiện bất cứ hoạt động điều tra bổ sung nào theo yêu cầu của Tòa án. Vào ngày 14/8/2014, Hội đồng xét xử đã ban hành Quyết định yêu cầu điều tra bổ sung (lần thứ hai) số 03/2014/HSST-QĐ trả hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân huyện T để điều tra bổ sung một số vấn đề cần phải chứng minh trong vụ án đã được nêu trong Quyết định yêu cầu điều tra bổ sung số 01/2014/HSST-QĐ ngày 13/6/2014.

Sau đó, Viện kiểm sát nhân dân huyện T tiến hành ghi lời khai của một số người chứng kiến mà trước đây chưa được ghi ý kiến. Do kết quả điều tra lại không có hiệu quả nên ngày 12/9/2014, Viện kiểm sát nhân dân huyện T ban hành văn bản số 236/VKS-HS ngày 12/9/2014 nêu kết quả điều tra bổ sung theo yêu cầu của Tòa án, giữ nguyên quan điểm truy tố theo Cáo trạng cũ. Tòa án đã tiến hành xét xử theo Cáo trang mà Viện kiểm sát truy tố.

Tuy nhiên, khi xem xét trách nhiệm trong trường hợp này, đã có 02 quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, trách nhiệm thuộc về Hội đồng xét xử do kết quả điều tra bổ sung của Viện kiểm sát không có gì mới so với Cáo trạng đã truy tố. Quan điểm thứ hai lại cho rằng, trách nhiệm thuộc về Kiểm sát viên do đã điều tra chưa đầy đủ. Mặc dù, sau khi điều tra bổ sung không có gì mời và Hội đồng xét xử xét xử theo Cáo trạng Viện kiểm sát đã truy tố nhưng việc Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra bổ sung là có căn cứ.

Với quy định hiện hành sẽ không thể xác định chính xác trách nhiệm trong việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đối với trường hợp này. Để áp dụng thống nhất, kiến nghị Liên ngành tư pháp trung ương bổ sung vào khoản 3 Điều 12 Thông tư liên tịch số 01/2010 nội dung như sau:

“3. …

Trong trường hợp Thẩm phán, Hội đồng xét xử trả hồ sơ điều tra bổ sung có căn cứ nhưng kết quả điều tra bổ sung của Viện kiểm sát không có gì khác và Tòa án xét xử theo Cáo trạng đã truy tố thì trách nhiệm thuộc về Kiểm sát viên nếu các hoạt động tố tụng mà Thẩm phán, Hội đồng xét xử yêu cầu điều tra bổ sung vẫn tiến hành được và yêu cầu này có ý nghĩa để chứng minh các mâu thuẫn của các chứng cứ khác trong vụ án; trách nhiệm thuộc về Thẩm phán, Hội đồng xét xử nếu các hoạt động tố tụng yêu cầu điều tra bổ sung không thể thực hiện được và yêu cầu điều tra bổ sung không có ý nghĩa để chứng minh các mâu thuẫn của các chứng cứ khác trong vụ án.”

Hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2010 về chế định yêu cầu điều tra bổ sung được quy định trong BLTTHS đã góp phần vào việc hiểu, áp dụng thống nhất, khắc phục việc trả hồ sơ điều tra bổ sung không đúng, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, góp phần hạn chế việc xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền con người mà trực tiếp là quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, qua thời gian áp dụng, một số quy định của Thông tư liên tịch số 01/2010 đã phát sinh một số bất cập, đòi hỏi phải được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử trong tình hình mới. Vì vậy, với những vướng mắc, bất cập và đề xuất hoàn thiện được trình bày trong bài viết, tác giả hy vọng sẽ góp phần vào việc hoàn thiện quy định hướng dẫn chế định trả hồ sơ điều tra bổ sung trong BLTTHS.

ThS. Thái Chí Bình


[1] Trả hồ sơ điều tra bổ sung trong bài viết này được hiểu bao gồm trường hợp trả hồ sơ điều tra bổ sung và trường hợp yêu cầu điều tra bổ sung

[2] Viện Ngôn ngữ học, (2005), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẳng – Trung tâm Từ điển học, tr.680, tr.1144.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191