Một số vấn đề về trích xuất bị can trong giai đoạn chuẩn bị xét xử
Nghị định số 98/2002 ngày 27/11/2002 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Quy chế về tạm giữ, tạm giam (Nghị định 98) đã quy định về các trường hợp, thủ tục để đưa người bị tạm giữ, tạm giam khỏi nơi giam, giữ. Theo đó tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 98 quy định:
“Việc đưa người bị tạm giam, tạm giữ ra khỏi nơi giam giữ chỉ được thực hiện khi có lệnh trích xuất của cơ quan có thẩm quyền được quy định trong pháp luật tố tụng hình sự hoặc có văn bản của cơ quan hoặc người có thẩm quyền thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 21 Quy chế này…”
Điều 4 Nghị định 98 đã sửa đổi, bổ sung Điều 21 Quy chế như sau:
“1. Việc trích xuất người bị tạm giam, tạm giữ để tiến hành các hoạt động ở bên ngoài khu vực trại tạm giam, nhà tạm giữ trong các trường hợp sau:
a) Đưa đi khám, chữa bệnh, giám định pháp y; giám định pháp y tâm thần;
b) Để thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử;
c) …
d)…
2. Ngoài những trường hợp trích xuất quy định tại khoản 1 Điều này, Trưởng Nhà tạm giữ, giám thị trại tạm giam có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giữ, tạm giam trong các trường hợp dưới đây:
a) Khi có quyết định của cơ quan quản lý trại giam đưa người bị kết án phạt tù đến trại giam;
b) Khi có quyết định của Hội đồng thi hành án tử hình đưa người bị kết án tử hình đi thi hành án tử hình;
c) Khi có quyết định của cơ quan thụ lý vụ án chuyển người bị tạm giữ, tạm giam đến nơi giam, giữ khác;
d) ….”
Quy định như trên là tương đối đầy đủ các trường hợp trích xuất người bị tạm giam, tạm giữ để phục vụ quá trình điều tra, truy tố xét xử. Tuy nhiên, trong trường hợp việc trích xuất bị can đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an ngoài quân đội sang Trại tạm giam do quân đội quản lý để phục vụ cho quá trình xét xử cũng như thi hành án sau này lại chưa có sự hướng dẫn cụ thể nào, do đó trong việc thực hiện còn gặp phải những khó khăn vướng mắc, bất cập.
Ví dụ: Bị can Nguyễn Văn Đ là đồng phạm giúp sức trong một vụ trôm cắp tài sản bị bắt tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh NA để điều tra trong khi đối tượng phạm tội chính đã trốn và có lệnh truy nã, vụ việc được chuyển đến Viện kiểm sát nhân dân Tp X, sau khi phát hiện vụ việc không thuộc thẩm quyền Viện kiểm sát nhân dân Tp X chuyển vụa án sang Viện kiểm sát quân sự khu vực X QKY, Viện kiểm sát quân sự Khu vực X QKY ra quyết định khởi tố vụ án đồng thời khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Đ và chuyển hồ sơ sang Cơ quan Tòa án quân sự Khu vực 1 QKY trong khi bị can lúc này vẫn đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh NA.
Theo quy định về việc trích xuất và dẫn giải bị can trong quân đội được thực hiện bằng việc Tòa án ra lệnh trích xuất gửi cho Trại tạm giam, trại tạm giam thực hiện việc trích xuất và dẫn giải quản lý bị can trong giai đoạn xét xử. Tuy nhiên, đối với trường hợp bị can đang bị tạm giam tại Trại tạm giam ngoài quân đội (do Công an cấp tỉnh quản lý) thì lại chưa có hướng dẫn cụ thể nào gây khó khăn trong việc trích xuất cũng như dẫn giải và quản lý bị can.
Bởi vì, thứ nhất nếu trích xuất chuyển trại thì Cơ quan nào ra lệnh trích xuất? việc trích xuất bên ngoài dân sự được thực hiện theo lệnh trích xuất của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh (vì bị can đang bị quản lý tại Trại tạm giam Công an tỉnh) còn trong quân đội thì lại do Tòa án ra lệnh trích xuất như vậy là chưa thống nhất.
Thứ hai, việc dẫn giải được thực hiện theo thông tư số 15/2003/TT-BCA(V19) theo đó thì việc dẫn giải phải do lực lượng Cảnh sát tư pháp thực hiện, vậy trường hợp trích xuất bàn giao, chuyển trại, bị can từ Trại tạm giam Công an tỉnh NA sang Trại tạm giam quân đội được thực hiện như thế nào? Vì trên thực tế thì Tòa án quân sự không có chức năng dẫn giải cũng như quản lý bị can bị cáo.
Vấn đề này hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể nào cho nên trên thực tế việc trích xuất bị can trong giai đoạn xét xử từ Trại tạm giam Công an ngoài quân đội để phục vụ cho việc xét xử được thực hiện theo tinh thần của Quy chế tạm giữ tạm giam và Nghị định số 98/2002 ngày 27/11/2002 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Quy chế về tạm giữ, tạm giam (Nghị định 98).
Theo đó, Tòa án quân sự sẽ làm công văn gửi Cơ quan Thi hành án và Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an cấp tỉnh nơi bị can đang bị tạm giam để đề nghị ra lệnh trích xuất (nếu chuyển trại thì đồng thời bàn giao bị can sang trại tạm giam do quân đội quản lý). Sau khi có lệnh trích xuất của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh thì Tòa án lại phải cử người và phương tiện đi dẫn giải và nhận hồ sơ bàn giao bị can (nếu trích xuất đồng thời bàn giao chuyển trại bị can), điều này là trái với hướng dẫn tại thông tư số 15 việc dẫn giải phải do lực lượng Cảnh sát tư pháp thực hiện trong khi chính Cơ quan Tòa án quân sự cũng không có người cũng như phương tiện dẫn giải nào, đây là một bất cập.
Theo chúng tôi để tạo điều kiện cho việc trích xuất bị can để đảm bảo cho việc xét xử và thi hành án sau này thì cần có hướng dẫn theo hướng Viện kiểm sát khi ra quyết định truy tố phải đồng thời phải ra lệnh trích xuất, bàn giao, chuyển trại bị can sang Trại tạm giam do quân đội quản lý. Trên đây là một số ý kiến trao đổi của chúng tôi đối với trường hợp trích xuất bị can từ Trại tạm giam ngoài quân đội để phục vụ cho công tác xét xử và thi hành án, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Hồ Nguyễn Quân
Tham khảo thêm các bài viết:
- Đơn xin vào thăm người bị tạm giam/tạm giữ
- Đơn xin thăm gặp người bị tạm giữ/tạm giam
- Bất kỳ người nào phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều bị tạm giam
- Thông báo việc gia hạn tạm giam đối với người chưa thành niêm phạm tội
- Thời hạn xét xử và việc thăm người đang bị tạm giam như thế nào?
- Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi được Viện kiểm sát ra quyết định huỷ bỏ lệnh tạm giam
- Tạm giam bao lâu thì bị chuyển qua Hỏa lò
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.