Án lệ và một số kiến nghị về quy định vấn đề án lệ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Án lệ và một số kiến nghị về quy định vấn đề án lệ trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

1. Một số vấn đề về án lệ

Nguyên tắc “Stare decisis”, nghĩa là phải tuân theo các phán quyết đã có (án lệ bắt buộc) đã được hình thành từ lâu đời trên thế giới. Theo nguyên tắc này, một phán quyết của Tòa án ngoài ý nghĩa là cách giải quyết một vụ án cụ thể, còn có ý nghĩa thiết lập ra một “tiền lệ” để áp dụng cho những vụ án tương tự sau này, tạo ra sự bình đẳng trong việc xét xử giúp tiên lượng được trước kết quả của các vụ tranh chấp; điều này giúp các bên lưu ý khi đàm phán, soạn thảo hợp đồng, tiết kiệm công sức của các Thẩm phán và các doanh nhân tham gia tranh tụng vì sử dụng những tình huống tương tự đã được giải quyết làm căn cứ giải quyết vụ việc,…

Hiện nay, trên thế giới hình thành hai trường phái án lệ, đó là: “án lệ ràng buộc” và “án lệ thuyết phục”. Hai trường phái này được phân biệt dựa trên tiêu chí giá trị hiệu lực của án lệ. Hiểu một cách khái quát nhất, “án lệ ràng buộc” là luật, được lập ra và phải được tuân thủ nghiêm. “Án lệ thuyết phục” là án lệ có tính phù hợp và có sức ảnh hưởng nhưng không nhất thiết phải được áp dụng. Án lệ ràng buộc được sử dụng phổ biến đối với các nước thuộc Hệ thống Common Law (Anh, Mỹ, Úc, Canada, Niu-di-lân…), còn án lệ thuyết phục được sử dụng phổ biến đối với các nước thuộc hệ thống Civil Law (Pháp, Ý, Đức, Nhật Bản, Nga…).

Với xu hướng hiện nay, án lệ đang được coi là một trong các nguồn luật quan trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Có thể dễ dàng nhận thấy những ưu điểm sau đây của án lệ:

Thứ nhất, án lệ mang tính thực tiễn cao. Theo đó, nội dung được rút ra từ án lệ là kết quả của việc nghiên cứu, giải quyết những vấn đề cụ thể phát sinh trong đời sống thực tế nên sẽ mang tính thực tiễn cao hơn luật thành văn.

Thứ hai, án lệ là nguồn bổ trợ quan trọng nhằm kịp thời điều chỉnh những quan hệ xã hội mới phát sinh hoặc thay đổi. Thực tế cho thấy, các quy phạm trong các văn bản pháp luật thường mang tính ổn định, trong khi đó đời sống xã hội liên tục vận động, phát triển, cho nên văn bản quy phạm pháp luật có thể trở nên lạc hậu, không theo kịp với sự phát triển của đời sống xã hội.

Thứ ba, án lệ thể hiện tính khách quan và công bằng bởi lẽ quy trình để hình thành một quy tắc án lệ hết sức chặt chẽ. Một quy tắc án lệ không phải hình thành từ một bản án cụ thể, mà nó phải được hình thành qua hàng loạt các vụ việc tương tự về sau; đồng thời nó là kết quả của quá trình đưa ra những lý lẽ và tranh luận lâu dài.

2. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về án lệ

Ngày 24/5/2005, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số48-NQ/TW về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, trong đó xác định chủ trương về phát triển án lệ như sau: Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp  hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật…”. Bên cạnh Nghị quyết số 48, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 cũng xác định rõ: “Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”.

Trên cơ sở những định hướng được nêu tại Nghị quyết số 48 và Nghị quyết số 49, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp năm 1992, vấn đề án lệ cũng đã được thảo luận, cân nhắc kỹ. Điều 104 của Hiến pháp năm 2013 (khoản 3) quy định: “Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Đây là quy định mới của Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1992. Mặc dù Hiến pháp mới không trực tiếp quy định thẩm quyền ban hành án lệ của Tòa án nhân dân tối cao, tuy nhiên nếu nghiên cứu thấy phù hợp thì có thể kiến nghị để quy định trong luật.

3. Một số kiến nghị về quy định vấn đề án lệ trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

 Nếu thừa nhận vấn đề án lệ ở Việt Nam thì có hai trường hợp đặt ra:

Thứ nhất, nếu coi án lệ là án lệ thuyết phục, nghĩa là chỉ có giá trị tham khảo đối với Thẩm phán khi giải quyết vụ việc thì việc quy định án lệ có nên quy định trong luật không và quy định ở luật nào thì hợp lý? Thiết nghĩ, nếu coi án lệ là án lệ thuyết phục thì việc quy định về án lệ vẫn cần phải quy định trong luật và chỉ cần quy định trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân.

Thứ hai, nếu coi án lệ là án lệ ràng buộc thì việc quy định vấn đề án lệ trong Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết vì án lệ trong trường hợp này được coi như là một dạng quy phạm pháp luật, bắt buộc mọi người phải tuân thủ; việc ban hành án lệ cần phải theo trình tự, thủ tục chặt chẽ.

Vậy trong trường hợp này, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ quy định những vấn đề gì về án lệ? Thiết nghĩ, Luật mới cần phải dành một phần riêng để quy định về án lệ, trong đó quy định về những vấn đề sau đây:

– Thẩm quyền ban hành án lệ: Có thể nghiên cứu để quy định cụ thể trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), tương tự như các luật khác về thẩm quyền và có thể đồng thời quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay, cách quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật là vừa quy định về thẩm quyền, vừa quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

– Điều kiện để quyết định trở thành án lệ

– Trình tự, thủ tục ban hành án lệ

– Hiệu lực pháp lý của án lệ

– Nguyên tắc áp dụng án lệ

– Sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ án lệ

Sưu tầm

Tham khảo thêm các bài viết:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191