Phân tích khái niệm, ý nghĩa của biện pháp dân sự, đặc điểm của biện pháp dân sự (so sánh với biện pháp hành chính và biện pháp hình sự) trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Phân tích khái niệm, ý nghĩa của biện pháp dân sự, đặc điểm của biện pháp dân sự (so sánh với biện pháp hành chính và biện pháp hình sự) trong bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Vì sao ở Việt Nam biện pháp hành chính được áp dụng phổ biến hơn biện pháp dân sự? Lựa chọn một bản án dân sự hoặc bản án kinh doanh, thương mại giải quyết tranh chấp về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và phân tích để chứng minh cho ý nghĩa của biện pháp dân sự và những mặt tích cực, hạn chế của việc áp dụng biện pháp dân sự ở Việt Nam.

Khái niệm:

Biện pháp dân sự là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo thủ tục tố tụng dân sự trên cơ sở yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự. Biện pháp dân sự khác so với các biện pháp hành chính là do các cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ, tùy vào từng hành vi mà sẽ xử phạt tiền, xử phạt bổ sung, khắc phục. Biện pháp hình sự là biện pháp xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định là tội phạm theo thủ tục tố tụng hình sự.

Đặc điểm:

Các biện pháp dân sự: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại. So với biện pháp hành chính có các hình thức xử lý vi phạm: cảnh cáo và phạt tiền; các hình thức xử phạt bổ sung (Tịch thu hàng hóa giả mạo sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng để sản xuất kinh doanh hàng hóa giả mạo; đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh) và biện pháp hình sự các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được coi là tội phạm khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại các Điều 156, 157, 158,162, 170, 171, 271 Bộ Luật Hình sự.

Xác định được thiệt hại, đương sự là người chịu tổn hại do hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ chứng minh những thiệt hại (về vật chất; tinh thần; chi phí hợp lý thuê luật sư) thực tế xảy ra là kết quả trực tiếp do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra; được thi hành những biện pháp khẩn cấp tạm thời

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là Tòa án; phải xác định thẩm quyền Tòa án: Tranh chấp dân sự về quyền sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền Tòa án cấp huyện và tranh chấp kinh doanh, thương mại về quyền sở hữu trí tuệ do Tòa án cấp tỉnh giải quyết.

Xác định mức bồi thường thiệt hại: Tổng thiệt hại vật chất cộng với khoản lợi nhuận mà bị đơn đã thu được do thực hiện hành vi xâm phạm; thiệt hại vật chất theo các cách tính khác do chủ thể quyền sở hữu trí tuệ đưa ra phù hợp với quy định pháp luật; Giá lixăng với giả định bị đơn được nguyên đơn cấp lixăng trong phạm tương ứng với hành vi vi phạm; Không xác định được thì sẽ do Tòa ấn định không quá 500 triệu đồng.

Ý nghĩa:

Phân tích bản án số 774/2019/DSPT ngày 03/09/2019 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ.

Nội dung bản án: từ năm 2001, biết Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (viết tắt là Công ty PT) có đầu tư làm truyện tranh cho thiếu nhi, và thuê ông Lê Phong L về làm việc tại Công ty với vị trí họa sĩ vẽ minh họa. Khi đó, giám đốc Công ty PT là bà Phan Thị Mỹ H1 có đề nghị ông vẽ bộ truyện dân gian để chuyển thể các điển tích và nhân vật trạng ngày xưa. Ông có xây dựng khoảng 30 nhân vật và chọn ra 4 hình tượng nhân vật là O, P, Q, R để sáng tác bộ truyện tranh E. Ngày 29/3/2002, theo yêu cầu của bà H1, ông có ký đơn để Công ty PT đăng ký quyền sở hữu đối với 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R. Sau đó, Công ty PT được Cục bản quyền cấp Giấy chứng nhận ghi nhận là chủ sở hữu bản quyền của 4 hình tượng nhân vật trên. Ông tiếp tục sáng tác truyện E cho đến tập 78 thì dừng lại và nghỉ việc tại Công ty PT.Một thời gian sau, ông phát hiện Công ty PT đã tự tạo ra nhiều biến thể khác nhau của 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R trên các tập truyện E từ tập 79 cho đến nay và các ấn phẩm khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật mà không xin phép ông. Nên đã dẫn đến việc kiện ra Tòa, ông yêu cầu:

– Công nhận ông là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R trong bộ truyện tranh E từ tập 01 đến tập 78, không công nhận bà Phan Thị Mỹ H1 là đồng tác giả trong việc sáng tác 4 hình tượng nhân vật trên.

– Buộc công ty PT chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng O, P, Q, R trên các tập E tiếp theo tập 78 và trên các ấn bản khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật.

– Buộc Công ty PT xin lỗi công khai trên báo Pháp luật, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Cười, Sài Gòn Giải Phóng, Thể thao và Văn hóa trong 3 kỳ liên tiếp với nội dung xin lỗi như sau: “Tôi là Phan Thị Mỹ H1, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT, xin lỗi ông Lê Phong L (bút danh Lê L) cùng toàn thể độc giả E vì đã có hành xâm phạm hình tượng các nhân vật Trạng Trí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo do ông Lê Phong L (bút danh Lê L) sáng tác trong bộ truyện tranh E.

– Buộc Công ty PT thanh toán chi phí thuê luật sư là 20.000.000 đồng. Ông cho rằng lý do ông ký tên vào Đơn đăng ký bản quyền ngày 29/3/2002 gửi Cục bản quyền tác giả là làm theo yêu cầu bà Phan Thị Mỹ H1, mục đích của việc đăng ký này là ghi nhận quyền sở hữu của Công ty PT đối với hình thức thể hiện các nhân vật O, P, Q, R, chứ không phải ghi nhận quyền tác giả cho bà Phan Thị Mỹ H1 hay ghi nhận ông chuyển quyền tác giả đối với 4 hình tượng nhân vật trên cho Công ty PT hay bất kỳ ai khác.

Theo ông, Công ty PT sử dụng 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R để thực hiện truyện E từ tập 79 trở đi và các tập truyện E Khoa Học, E Mỹ Thuật là làm tác phẩm phái sinh. Tuy nhiên, việc Công ty PT tự tạo ra các biến thể của 4 hình tượng nhân vật này trong các tập truyện trên với những hình ảnh, dáng vẻ, tư thế khác so với hình tượng gốc do ông sáng tác mà không được sự đồng ý của ông là xâm phạm đến sự toàn vẹn của tác phẩm và quyền nhân thân của ông, Bị đơn là bà Phan Thị Mỹ H1 và Công ty PT cùng có người đại diện hợp pháp là ông Nguyễn Vân N trình bày:

Bị đơn xác nhận nội dung trình bày của nguyên đơn về quan hệ lao động giữa ông Lê Phong L và Công ty PT là đúng. Tuy nhiên, Bị đơn không đồng ý với toàn bộ lời trình bày của Nguyên đơn về quá trình sáng tác 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R trong các tập truyện E.

Bà Phan Thị Mỹ H1 không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn về công nhận ông Lê Phong L là tác giả duy nhất của hình tượng các nhân vật O, P, Q, R trong các tập truyện E từ tập 1 đến tập 78, bởi lẽ:

– Tại văn bản ngày 29/3/2002, ông L đã ký cam kết, thỏa thuận với bà Phan Thị Mỹ H1 công nhận bà Phan Thị Mỹ H1 là đồng tác giả của 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R và chuyển toàn bộ quyền sở hữu 4 hình tượng trên cho Công ty PT. Văn bản này về bản chất là một giao dịch dân sự được ông L tự nguyện xác lập, phù hợp quy định tại Điều 130, 131, 132, 133 Bộ luật dân sự 1995 và có giá trị ràng buộc thực hiện theo quy định tại Điều 7 Bộ luật dân sự 1995. Việc ông L khởi kiện ra tòa yêu cầu công nhận mình là tác giả duy nhất là vi phạm cam kết trên.

– Trong quá trình giải quyết vụ án, Nguyên đơn không chứng minh được mình là người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm theo quy định tại khoản 7 Điều 4, khoản 3 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ, Điều 8 Nghị định 100/2006/NĐ-CP, cụ thể là không chứng minh được về thời gian, địa điểm sáng tạo, hình thức, cách thức sáng tác, dấu ấn sáng tạo cá nhân của mình, căn cứ duy nhất được ông L đưa ra là trên bìa ấn phẩm E có ghi tên “Lê L”. Tuy nhiên, căn cứ này không được quy định tại Nghị định 100/2006/NĐ-CP. Đồng thời, do Việt N chưa phải là thành viên của Công ước Berne nên không thể áp dụng quy định suy đoán tác giả của Công ước Berne để xác định Nguyên đơn là tác giả duy nhất các tác phẩm.

– Bà H1 là người đầu tiên có ý tưởng về các nhân vật trong E. Bà H1 đã lấy hình mẫu, cơ sở cấu trúc nhân vật truyện tranh Nhật Bản và đường nét mang tính dân gian Việt N để tạo nên 4 hình tượng nhân vật O, P, Q, R. Hình tượng 04 nhân vật trên đã định hình rõ ràng trong trí óc của bà H1, nhưng do không phải là họa sĩ nên bà H1 đã thuê các họa sĩ, trong đó có ông L, giúp bà thể hiện các hình tượng này ra thế giới vật chất; quá trình này vẫn được bà H1 đích thân chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể, kiểm soát chặt chẽ, cầm tay chỉ vẽ để đảm bảo bản vật thể hóa các hình tượng nhân vật trên phải hoàn toàn trùng khớp với tác phẩm trong thế giới tinh thần của bà H1.

– Các thông tin về quy trình sáng tác truyện được ghi nhận tại tập 24 và 37 của bộ truyện E được Công ty PT đưa ra chỉ để phục vụ cho câu lạc bộ giao lưu với bạn đọc, nhằm mục đích kinh doanh, không hoàn toàn đúng nhưng cũng không hoàn toàn sai, tránh đối thủ cạnh tranh bắt chước, giúp nâng vị thế của Lê L chứ không phải thừa nhận ông Lê Phong L là tác giả của truyện.

Công ty PT không đồng ý với yêu cầu của Nguyên đơn về buộc Công ty PT chấm dứt việc tạo ra các biến thể của hình tượng 04 nhân vật O, P, Q, R trên các tập E tiếp theo tập 78 và trên các ấn bản khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật, bởi lẽ:

– Qua văn bản đề ngày 29/3/2002, ông L đã thừa nhận bà H1 là đồng tác giả và chuyển quyền sở hữu hình tượng 4 nhân vật O, P, Q, R cho Công ty PT. Công ty cũng đã được cấp Giấy chứng nhận bản quyền. Đến nay, chưa có quyết định nào tuyên bố văn bản ngày 29/3/2002 và Giấy chứng nhận bản quyền vô hiệu. Do đó, Công ty PT có quyền sử dụng hình tượng 4 nhân vật O, P, Q, R để làm tác phẩm phái sinh.

– Do không có hành vi xâm phạm quyền tác giả nên Công ty PT không đồng ý với yêu cầu của Nguyên đơn về Công ty phải xin lỗi công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và thanh toán chi phí luật sư 20.000.000 đồng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 35/2019/DSST ngày 18/02/2019 của Tòa án nhân dân Quận 1 quyết định:

1. Chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn đối với Bị đơn PT Mỹ H1:

Công nhận ông Lê Phong L là tác giả duy nhất của hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R trong bộ truyện tranh E từ tập 01 đến tập 78 theo các Giấy chứng nhận bản quyền tác giả số 246/2002/QTG, 247/2002/QTG, 248/2002/QTG, 249/2002/QTG đã được Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ) cấp ngày 07 tháng 5 năm 2002 cho Chủ sở hữu tác phẩm là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (tên hiện nay là Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí PT).

Ông Lê Phong L được quyền liên hệ Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để được ghi nhận là tác giả duy nhất đối với các tác phẩm nêu trên theo quy định của pháp luật.

2. Chấp nhận 01 phần các yêu cầu của Nguyên đơn đối với Bị đơn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học PT (tên hiện nay là Công ty TNHH Truyền thông giáo dục và giải trí PT):

Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng các biến thể của hình thức thể hiện của các nhân vật O, Q, P, R trên các tập tiếp theo từ tập 79 của truyện tranh E cũng như trên các ấn bản khác như E Khoa Học, E Mỹ Thuật.

Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT phải xin lỗi ông Lê Phong L trên Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ trong 03 số liên tiếp với nội dung như sau:

Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT xin lỗi ông Lê Phong L (bút danh Lê L) do đã có hành vi xâm phạm quyền tác giả của ông L đối với hình thức thể hiện của các nhân vật O, P, Q, R.

Buộc Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT thanh toán cho ông Lê Phong L chi phí thuê luật sư là 15.000.000 đồng.

Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Không chấp nhận phần yêu cầu của Nguyên đơn về việc yêu cầu Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT thanh toán cho ông Lê Phong L chi phí thuê luật sư là 5.000.000 đồng.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, quyền kháng cáo của các đương sự.

Ngày 26/02/2019, bị đơn – bà Phan Thị Mỹ H1 và Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT kháng cáo toàn bộ nội dung án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn không rút yêu cầu khởi kiện, bị đơn không rút yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Người đại diện theo ủy quyền của đồng bị đơn trình bày và bà H1 bổ sung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn, sửa án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận Công ty TNHH Truyền thông Giáo dục và Giải trí PT có quyền tự do sử dụng các quyền tài sản trong đó có quyền làm tác phẩm phái sinh đối với các hình tượng nhân vật O, P, Q, R; Giữ nguyên hiệu lực của các Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả do Cục bản quyền tác giả cấp cho nguyên đơn và bà Phan Thị Mỹ H1; công nhận ông Lê Phong L là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ H1 đối với hình tượng các nhân vật O, P, Q, R. Lý do: Tòa án nhân dân Quận D không có thẩm quyền giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng khi không triệu tập Cục bản quyền tác giả tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án; Hình vẽ 4 nhân vật không phải là sản phẩm tinh thần sáng tạo mang đặc trưng cá nhân của nguyên đơn. Nguyên đơn không chứng minh được dấu ấn cá nhân trong cách thể hiện hình tượng các nhân vật trên. Công ty PT là chủ sở hữu tác phẩm nên có quyền làm tác phẩm phái sinh, nguyên đơn không chứng minh được Công ty PT đã tạo ra biến thể khác là như thế nào.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày: Bản án sơ thẩm đã xem xét, đánh giá chứng cứ một cách toàn diện, khách quan và đúng pháp luật nên kính đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu kháng cáo của Bị đơn.

Nguyên đơn trình bày: Ông vào Công ty PT đã soạn thảo thử vài bộ truyện tranh và được bà H1 đồng ý, bà H1 có ý tưởng soạn bộ truyện E. Các công đoạn viết kịch bản, phát thảo bản gốc, đặt tên cho nhân vật đều do ông làm. Tên nhân vật đều do ông nghĩ ra. Từ tập 1 khi chưa đăng ký đều ghi nhận ông là tác giả. Giai đoạn lọc nét chỉ là chỉnh lại nét, sau này do sản xuất nhiều nên mới có dây chuyền sản xuất, đều vẽ trên bản thảo của ông. Bị đơn cho rằng việc tạo ra các hình tượng nhân vật là lấy hình ảnh từ những bộ truyện tranh nước ngoài là hoàn toàn không đúng, ông không bị ảnh hưởng bởi phong cách nào, ông muốn sáng tạo ra hình tượng nhân vật thuần Việt. Đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến:

Về hình thức: Đơn kháng cáo của đương sự làm trong hạn luật định nên hợp lệ, đề nghị Tòa án chấp nhận. Hội đồng xét xử và những người tham gia phiên tòa chấp hành đúng quy định của pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm.

Về nội dung: Với các chứng cứ có trong hồ sơ cũng như qua tranh luận tại phiên Toà phúc thẩm đã có cơ sở để xác định bản án sơ thẩm đã tuân thủ đúng quy định về tố tụng dân sự không có vi phạm về hình thức. Về nội dung Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về quyền tác giả và chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn buộc bị đơn phải chấm dứt việc tự tạo ra và sử dụng các biến thể của hình thức thể hiện các nhân vật tranh chấp cũng như việc buộc Công ty PT phải xin lỗi và bồi thường chi phí thuê Luật sư là có căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của các bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Ưu điểm của biện pháp này đó là đây là biện pháp thể hiện bản chất dân sự của quan hệ liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, là biện pháp xử lý triệt để hành vi xâm phạm, có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ và ngăn ngừa thiệt hại một cách kịp thời đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Với biện pháp này, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể đòi được tiền bồi thường đối với chủ thể có hành vi xâm phạm thông qua cơ quan thi hành án dân sự. Hạn chế của biện pháp này đó là tốn kém thời gian, chi phí vì thủ tục phức tạp và chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc chứng minh.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191