Cơ quan giải quyết tranh chấp của ASEAN và WTO giống và khác

Cơ quan giải quyết tranh chấp của ASEAN và WTO giống và khác nhau như thế nào?


Cơ quan giải quyết tranh chấp của ASEAN và WTO giống và khác
Cơ quan giải quyết tranh chấp của ASEAN và WTO giống và khác

Một vấn đề đáng quan tâm là ngay từ khi mới thành lập, các nước ASEAN chưa chú trọng đúng mức vào hợp tác kinh tế. Trong khoảng hơn hai thập kỷ đầu tiên, hợp tác kinh tế trong nội bộ ASEAN tiến triển chậm và thực chất quá trình liên kết kinh tế ASEAN chỉ bắt đầu diễn ra từ đầu những năm 90. Điều này được lý giải bởi những điều kiện khác như trình độ phát triển kinh tế, tác động của các hệ thống chính trị – tư tưởng thế giới và bản sắc hoá dân tộc và điều quan trọng là ý tưởng hình thành ASEAN vì mục tiêu hợp tác chính trị hơn là hợp tác kinh tế.

Tuy nhiên, với việc ký kết Hiệp định khung về tăng cường hợp tác kinh tế được thông qua năm 1992, quan hệ kinh tế giữa các nước ASEAN đã trở thành một trong những nội dung quan trọng trong thực tiễn hoạt động của tổ chức khu vực này và bước tiến quan trọng đó là thành lập khu vực tự do mậu dịch ASEAN (AFTA). Điều này dẫn đến vấn đề đặt ra là cần phải có một cơ chế hữu hiệu để giải quyết những tranh chấp, bất đồng phát sinh trong quan hệ kinh tế giữa các nước trong khu vực. Xuất phát từ nhu cầu đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 5 tổ chức tại Bangkok ngày 14-15/12/1995 ý tưởng này đã được các nước thành viên ASEAN bàn bạc và cuối cùng Nghị định thư Manila 1996 được thông qua tại Manila ngày 20/11/1996 là nền tảng pháp lý cho cơ chế giải quyết tranh chấp trong quan hệ kinh tế quốc tế của ASEAN.

Xét về cơ quan giải quyết tranh chấp của ASEAN thì theo Nghị định thư Manila, sau khi thủ tục tham vấn đã được các bên áp dụng mà tranh chấp vẫn không được giải quyết, hoặc theo quy định tại Điều 4 thì các biện pháp hoà giải, dàn xếp hoặc trung gian hoà giải này là không bắt buộc phải áp dụng trong tiến trình giải quyết tranh chấp, tuy nhiên nếu như những biện pháp này đã được áp dụng để giải quyểt trước đó thì các biện pháp trên phải đã kết thúc mà không đem lại kết quả, thì tranh chấp sẽ được đệ trình hoặc tiếp tục được đưa ra giải quyết tại Hội nghị các quan chức cấp cao ASEAN về kinh tế – SEOM.

Nếu tranh chấp không cần thiết phải giải quyết một cách trực tiếp thì SEOM sẽ thành lập ban Hội thẩm trong vòng 30 ngày kể từ ngày tranh chấp được đệ trinhg hoặc chuyển vấn đề cho Ban chuyên trách phụ trách các quy tắc và thủ tục đặc biệt hoặc bổ sung để xem xét, nếu có thể. Ban Hội thẩm có chức năng đánh giá khách quan vụ việc tranh chấp được đệ trình, bao gồm nhiệm vụ xác minh các sự kiện của vụ việc; xem xét khả năng áp dụng cũng như tính phù hợp với các quy định của các Hiệp định liên quan và thu thập các chứng cứ khác hỗ trợ cho SEOM trong việc ra quyết định giải quyết tranh chấp. Sau đó , Ban Hội thẩm sẽ tiến hành thẩm định và trình báo cáo lên SEOM. SEOM sẽ là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết tranh chấp.

Một điểm đáng chú ý là cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN hiện nay có khác biệt so với cơ chế giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cụ thể là theo thoả thuận DSU, các bên các bên tranh chấp sẽ đề nghị thành lập ban Hội thẩm theo một cơ chế gần như tự động và nếu như DSB không đồng thuận phủ quyết đề nghị trên. Trong cơ chế này, các bên tranh chấp có vai trò tích cực trong việc thành lập một ban Hội thẩm và họ cũng có quyền yêu cầu tạm ngừng công việc của Ban Hội thẩm trong vòng 12 tháng hoặc nếu như quá thời hạn trên mà các bên hoặc có biểu hiện tiếp tục duy trì sự tồn tại của Ban Hội thẩm. Trong khi đó, Ban Hội thẩm trong cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN phần nhiều mang tính chất “trợ giúp” cho SEOM và cũng không có cơ chế tạm ngừng hoạt động của Ban Hội thẩm của các bên tranh chấp.

Nếu sau khi quyết định giải quyết tranh chấp của SEOM được đưa ra mà các bên tranh chấp không chấp nhận, các bên có quyền kháng nghị lên Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN – AEM. Trong thủ tục này, Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN – AEM sẽ đóng vai trò là cơ quan giải quyết kháng nghị.

Như vậy, cơ chế giải quyết tranh chấp của ASEAN không thành lập một cơ quan giải quyết tranh chấp độc lập thường trực như Cơ quan giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới WTO (Dispute Settlement Body – DSB) mà chức năng giải quyết tranh chấp được giao cho hai thiết chế của ASEAN là Hôi nghị các quan chức cao cấp kinh tế (SEOM) và Hội nghị các Bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM). Một điểm khác biệt đó là theo quy định của thoả thuận DSU thì các bên tranh chấp sẽ phải đưa ra kháng nghị trong trường hợp họ không đồng ý với báo cáo và khuyến nghị của Ban Hội thẩm và phải đưa ra trước khi DSB thông qua kết luận đó. Trong khi đó, theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Nghị định thư Manila 1996, nhiệm vụ của Ban Hội thẩm là tiến hành các hoạt động thẩm tra vụ việc để báo cáo lên SEOM mà bản thân Ban Hội thẩm không có quyền đưa ra các khuyến nghị hay giải pháp giải quyết vụ việc tranh chấp.

Thêm vào đó, các quyết định (phán quyết) giải quyết tranh chấp của SEOM và AEM trong thủ tục kháng nghị lại được thông qua trên cơ sở nguyên tắc đa số. Việc áp dụng nguyên tắc này là một điểm rất đáng lưu ý bởi lẽ nguyên tắc đồng thuận là một nguyên tắc cơ bản của ASEAN trong tổ chức và hoạt động của mình cũng như khi thông qua các quyết định của mình. Trong khi đó mọi quyết định của DSB (WTO) lại được thông qua trên cơ sở nguyên tắc đồng thuận phủ quyết, theo đó một quyết định của DSB chỉ được bãi bỏ khi tất cả các thành viên của DSB nhất trí như vậy.

 

Tham khảo tài liệu:

Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 12/2006


 


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191