Phân tích các khía cạnh pháp lí của quản lí nhà nước về giao thông đường bộ

Vào các đợt nghỉ lễ dài ngày tại Việt Nam, tình hình tai nạn giao thông, đặc biệt là giao thông đường bộ, thường xuyên gia tăng. Dưới góc độ luật hành chính, hãy phân tích các khía cạnh pháp lí của quản lí nhà nước về giao thông đường bộ, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông gia tăng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông đường bộ.

Giao thông vận tải là nhu cầu không thể thiếu của con người, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phương tiện giao thông ngày càng đa dạng và phát triển mạnh và có những bước tiến bộ đáng kể. Trật tự, an toàn giao thông là trạng thái xã hội có trật tự được hình thành và điều chỉnh bởi các quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải công cộng, nhằm đảm bảo cho hoạt động giao thông thông suốt, trật tự, an toàn, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông. Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông là một yêu cầu và nhiệm vụ cơ bản của mọi quốc gia và xem đó là điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng và ổn định trật tự xã hội. Tai nạn giao thông luôn là vấn đề nóng được Nhà nước quan tâm đặc biệt.

CHƯƠNG 1: Cơ sở lí luận và pháp lý của quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

1. Một số khái niệm liên quan

    Giao thông là hình thức di chuyển, đi lại công khai bao gồm các đối tượng như người đi bộ, xe, tàu điện, các phương tiện giao thông công cộng, thậm chí cả xe dùng sức kéo động vật hay động vật tham gia đơn lẻ hoặc cùng nhau. Luật giao thông là luật dùng để quản lý và điều khiển các phương tiện giao thông.

    Giao thông đường bộ được hiểu là việc đi lại từ chỗ này qua chỗ kia của người và phương tiện chuyên chở trên đường, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà qua sông, suối nối đường bộ.

    Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trạng thái xã hội được điều chỉnh bằng hệ thống quy phạm pháp luật bắt buộc mọi chủ thể tham gia giao thông phải tuyệt đối tuân theo và xử sự có văn hóa nhằm bảo đảm an toàn cho người và tài sản khi tham gia giao thông; hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, giao thông được tiện lợi, thông suốt, an toàn, có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu mỹ quan giao thông, chống ô nhiễm môi trường.

    Quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là toàn bộ hoạt động có tổ chức, có định hướng, mang tính quyền lực của nhà nước trong quá trình quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện các quy định về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, thiết lập, duy trì trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xây dựng văn hóa giao thông, bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt, an toàn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.

2. Đặc điểm quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

    Thứ nhất, quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hành vi quản lý của các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức được pháp luật quy định.

    Thứ hai, việc thực thi quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ chủ yếu do các cơ quan hành chính nhà nước và do cán bộ, công chức tiến hành các hoạt động áp dụng pháp luật.

    Thứ ba, quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ mang tính quyền lực nhà nước với mục đích đảm bảo phục vụ hoạt động xã hội và kinh tế, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.

    Thứ tư, quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ thể hiện những quy định rất khắt khe đó là hàng loạt các điều kiện đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ.

    Thứ năm, quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ đều dựa trên cơ sở pháp luật, theo pháp luật.

    Thứ sáu, quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ có liên quan đến nhiều mặt hoạt động của đời sống xã hội, đến tâm tư, tình cảm và các quyền lợi cơ bản của công dân.

3. Nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ

    Theo Điều 84 về nội dung quản lý nhà nước về giao thông đường bộ Luật Giao thông đường bộ 2008:

1. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển giao thông đường bộ; xây dựng và chỉ đạo thực hiện chương trình quốc gia về an toàn giao thông đường bộ.

2. Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về giao thông đường bộ; quy chuẩn, tiêu chuẩn về giao thông đường bộ.

3. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ.

4. Tổ chức quản lý, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

5. Đăng ký, cấp, thu hồi biển số phương tiện giao thông đường bộ; cấp, thu hồi giấy chứng nhận chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ.

6. Quản lý đào tạo, sát hạch lái xe; cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe, chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ

7. Quản lý hoạt động vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải; tổ chức cứu nạn giao thông đường bộ.

8. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về giao thông đường bộ; đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật giao thông đường bộ.

9. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ.

10. Hợp tác quốc tế về giao thông đường bộ.

4. Đối tượng áp dụng

Theo Điều 2 Nghị định 46/2016/NĐ- CP trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính đường bộ và đường sắt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Người có thẩm quyền xử phạt.

3. Cá nhân, tổ chức khác có liên quan.”

CHƯƠNG 2: Cơ sở thực tiễn của quản lí Nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở Việt Nam hiện nay.

1. Thực trạng, nguyên nhân tai nạn giao thông diễn ra hiện nay

    Theo tổ chức Y tế Thế giới, tai nạn giao thông đã và đang cướp đi sinh mạng của khoảng 1,3 triệu người trện toàn thế giới mỗi năm và đang là một trong những nguyên nhân hàng đâu gây tử vong. Tính riêng tại Việt Nam, theo số liệu công bố bởi Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, sau 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 8.999 vụ tai nạn giao thông, khiến 7.027 người bị thương và 4.023 người vĩnh viễn không trở về nhà. Đây hẳn là những con số đau lòng và là một thực trạng đáng báo động về tình trạng giao thông ở nước ta hiện nay.

    Tiếp đó, trong tháng 3-2019, toàn quốc xảy ra 1.208 vụ tai nạn giao thông, làm chết 549 người và bị thương 972 người. So với tháng 3-2018 giảm 121 vụ (giảm 9,10%), giảm 94 người chết (giảm 14,62%), giảm 138 người bị thương (giảm 12,43%). 
    Như vậy, trong quý I-2019, toàn quốc xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ tai nạn giao thông giảm 644 vụ (giảm 13,78%), giảm 244 người chết (giảm 11,35%), giảm 486 người bị thương (giảm 13,4%).

    Nguyên nhân dẫn đến tai nạn và các vấn đề về giao thông, theo phân tích của các chuyên gia chủ yếu liên quan đến ba yếu tố cơ bản, gồm cơ sở hạ tầng, phương tiện vận tải và yếu tố con người. Mất tập trung, nghe gọi hay nhắn tin điện thoại di động, uống rượu bia… là những yếu tố hàng đầu và cốt lõi do con người gây ra đã và đang dẫn tới những vụ tai nạn giao thông không chỉ trên thế giới mà còn ở Việt Nam.

+ Mất tập trung khi lái xe

Nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn khi lái xe không phải là say rượu khi cầm lái mà là phân tâm khi lái xe. Người lái xe bị phân tâm khi không tập trung sự chú ý vào con đường trước mặt và công việc lái xe, thay vào đó là nói điện thoại, gởi tin nhắn, ăn vặt, trang điểm v.v.

Lái xe mất tập trung đặc biệt nguy hiểm vì nó có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày trong khi lái xe trong cơn say thường xảy ra vào ban đêm.

Theo NHTSA, 65% tai nạn giao thông do lái xe mất tập trung 3 giây trước khi xảy ra tai nạn.

+ Nói chuyện điện thoại

Các nhà nghiên cứu cho biết vừa lái xe vừa bấm số điện thoại tăng nguy cơ xảy ra tai nạn 2,8 lần. Nói chuyện điện thoại tăng nguy cơ xảy ra tai nạn 1,3 lần.

Các nhà nghiên cứu cảnh báo sử dụng tai nghe hay Bluetooth để nói chuyện qua điện thoại di động an toàn hơn khi cầm tay. Hệ thống kích hoạt bằng giọng nói ít rủi ro hơn nếu người lái xe không rời mắt khỏi con đường đường hay rời tay khỏi vô lăng thường xuyên trong thời gian dài. Tuyệt đối không sử dụng diện thoại di động trong khi lái xe là an toàn hơn và có ý nghĩa thực tế đối với mọi người tham gia giao thông.

2. Pháp luật về xử lý giao thông đường bộ và áp dụng pháp luật về xử lý giao thông đường bộ.

2.1. Pháp luật về xử lý giao thông đường bộ

    Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đảng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, đặc biệt là Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông với mục tiêu phấn đấu hàng năm kiềm chế, làm giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và giảm ùn tắc giao thông đường bộ; Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật; xây dựng và áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của đất nước về giao thông nói chung và giao thông đường bộ nói riêng.

    Để tăng cường quản lý về giao thông đường bộ mạnh hơn, ngày 13/11/2008, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Giao thông đường bộ 2008, có hiệu lực thi hành từ 01/7/2009.

    Triển khai thi hành Luật giao thông đường bộ năm 2008, tìm hiểu và ghi nhận được các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành 52 văn bản, trong đó có 14 nghị định của Chính phủ, 32 thông tư của các bộ (Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế). UBND cấp tỉnh, thành phố cũng ban hành nhiều văn bản để thi hành luật tại địa phương. Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, các quy định về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông đường bộ còn được chứa đựng trong các văn bản quy phạm pháp luật sau: Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Hệ thống 52 văn bản hướng dẫn thi hành Luật giao thông đường bộ năm 2008, trong đó có các văn bản của Chính phủ đáng chú ý như: Nghị  định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; Nghị định số  71/2012/NĐ-CP  ngày 19/9/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP; Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB và đường sắt thay thế Nghị định số 34/2010/NĐ-CP; Nghị định 107/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP. Gần đây nhất là Nghị định số 46/2016/ NĐ- CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Luật giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cụ thể nhiệm vụ của cơ quan Thanh tra giao thông trong bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Cảnh sát giao thông tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, việc huy động các lực lượng cảnh sát khác, Công an xã tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ… do đó, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực này đã được tăng cường. Tuy nhiên, so với một số quốc gia trong khu vực thì quy định quản lý nhà nước về giao thông đường bộ của pháp luật Việt Nam vẫn còn nhẹ mức xử lý nên hạn chế tác dụng răn đe và giáo dục chung. Bởi vậy ta cần phải sửa đổi, bổ sung thêm tăng nặng hình thức xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ để phát huy tác dụng răn đe và giáo dục chung được tốt hơn, có hiệu quả hơn.

2.2. Áp dụng pháp luật về xử lý giao thông đường bộ

    Tổng cục đường bộ Việt Nam đã ghi nhận những ý kiến, góp ý về những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 46 từ 45 các cơ quan, đơn vị liên quan từ 45 tỉnh thành trên cả nước, đồng thời ghi nhận những ý kiến đóng góp qua trang thông tin điện tử để tổng hợp, lựa chọn và đề xuất các cơ quan chức năng có những điều chỉnh cho phù hợp.

    Kết quả này có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều công điện chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông và kiểm soát tải trọng phương tiện.

    Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 46, lực lượng Thanh tra giao thông đã phát hiện 246.144 vụ vi phạm, xử lý 278.702 vụ với 513 tỷ 615 triệu đồng, tạm giữ 1.420 ô tô; Công an các đơn vị, đia phương triển khai quyết liệt công tác thanh tra kiểm soát và xử lý vi phạm, tổ chức nhiều đợt cao điểm Thanh tra kiểm soát. Trong lĩnh vực đường bộ đã kiểm tra, lập biên bản 7.876.015 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 4.618 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe trên 589.738 trường hợp; tạm giữ 939.116 trường hợp. 

    Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn những tồn tại bất cập là do công tác quản lý Nhà nước trong chỉ đạo và điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ. Cụ thể là: năng lực, chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải, quản lý kỹ thuật phương tiện, bảo vệ kết cấu hạ tầng cũng như công tác thanh tra, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm còn nhiều hạn chế, mới chỉ tập trung tại một số địa bàn, một số nhóm đối tượng, trên các tuyến trọng điểm, trong thời gian cao điểm, chưa bảo đảm thường xuyên, liên tục trên địa bàn; công tác quản lý về hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện vẫn còn một số hạn chế; tình trạng phương tiện chở quá tải trọng vẫn xảy ra, hiện tượng tiêu cực trong thực thi công vụ vẫn còn, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ thanh tra, tuần tra, kiểm soát còn có biểu hiện né tránh, thiếu trách nhiệm, tiêu cực, làm trái quy định. Nguyên nhân chính không thể không kể đến đó là ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn nhiều hạn chế. Các hành vi vi phạm: đi không đúng phần đường, làn đường; điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ quá tốc độ cho phép; lái xe ôtô sử dụng rượu, bia; người điều khiển xe môtô, xe gắn máy có nồng độ cồn vượt quá quy định; người tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm; học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe vẫn điều khiển xe môtô, xe gắn máy; lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, mở đường ngang trái phép… còn xảy ra thường xuyên, phổ biến. Những vi phạm này là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và là nguy cơ làm gia tăng tai nạn giao thông ở nước ta hiện nay.

CHƯƠNG 3: Phương hướng hoàn thiện pháp luật về bảo đảm trật tự, giảm thiểu tai nạn giao thông.

    Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến địa phương đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là các biện pháp phòng tránh, hạn chế tai nạn xe môtô, xe gắn máy. Tiếp tục thực hiện chủ đề “Siết chặt hoạt động quản lý vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” và “Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thực thi công vụ”.

    Hai là, trung nâng cao chất lượng xây dựng và kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng khôngĐồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trong đó tập trung vào quản lý kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông; bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông; tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm soát tải trọng phương tiện.

    Ba là, đẩy mạnh hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, nhất là các hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của xe chở khách, xe chở quá tải trọng, của người điều khiển xe môtô, xe gắn máy. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm của người thực thi công vụ trong khi làm nhiệm vụ.

    Bốn là, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng, đặc biệt là nhóm những người tham gia giao thông bằng môtô, xe gắn máy, xe đạp điện. Mạnh tay xử phạt các trung tâm đào tạo và sát hạnh lái xe môtô, xe ô tô các hạng khi phát hiện đào tạo cẩu thả, thiếu trách nhiệm, có sự gian lận trong quá trình thi thực hành lấy bằng lái xe hoặc cung cấp giấy phép lái xe giả.

    Năm là, tiếp tục nhân rộng các giải pháp đột phá về khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông được thực hiện thành công tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cho những tỉnh, thành phố lớn gặp phải tình trạng giao thông khó khăn và nâng cao hiệu quả quản lý trật tự đô thị. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh phát triển vận tải hành khách công cộng, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, đặc biệt là giảm dần việc người dân phải sử dụng xe máy có các chuyến đi có cự ly dài trên các tuyến quốc lộ và các tuyến đường có lưu lượng giao thông lớn.

    Đứng trước những yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi các cấp, ngành, các lĩnh vực phải từng bước đổi mới để phát triển toàn diện và đồng bộ, nhất là công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, từ đó từng bước giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông, xây dựng xã hội giao thông văn minh, an toàn và phát triển bền vững.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật hành chính Việt Nam, Nxb. CAND, Hà Nội, 2018.

2. Luật xử lý vi phạm hành chính 2012

3. Luật giao thông đường bộ 2008

3. Nguyễn Cảnh Hợp, Bình luận khoa học Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, Tập I, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2015.

4. Nghị định 46/2016/NĐ – CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Một số bài luận liên quan:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191