Những quy định về điều kiện kinh doanh logistics. Việt Nam được dự báo từ nay cho đến năm 2020 tốc độ tăng trưởng đạt 12%/năm và kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 623 tỷ USD/năm[1].
Với việc Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành logistics Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và tham gia sâu hơn vào những trung tâm giao dịch vận tải thế giới. Đây được coi là cơ hội lớn cho ngành logistics, xét về trung và dài hạn, logistics thuộc nhóm ngành chịu ảnh hưởng tích cực, có cơ hội phát triển trong những năm tới.
Các doanh nghiệp được tiếp cận được thị trường logistics rộng lớn hơn với những ưu đãi thương mại để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ; phát huy lợi thế địa – chính trị trong phát triển cơ sở hạ tầng logistics như phát triển cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên Á, các trung tâm logistics.
Những quy định về điều kiện kinh doanh logistics
Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hoá theo thoả thuận với khách hàng để hưởng thù lao[2].
Việc kinh doanh dịch vụ cần đáp ứng các điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:
1. Chủ thể của hoạt động logistics
Chủ thể hoạt động dịch vụ này là 2 bên: Người cung cấp dịch vụ và người nhận cung cấp dịch vụ.
Người cung cấp dịch vụ: Pháp luật quy định họ phải là thương nhân, có đăng ký kinh doanh về dịch vụ logistics. Để có được giấy phép kinh doanh ngành nghề này thì thương nhân phải đảm bảo các quy định chặt chẽ của pháp luật.
Người nhận cung cấp dịch vụ (khách hàng): Là người có hàng hóa cần trung chuyển từ nơi này đến nơi khác hoặc có nhu cầu sử dụng dịch vụ logictics khác. Khách hàng có thể là bất cứ cá nhân hoặc tổ chức, thương nhân nào đó mà có hàng hóa, hoặc cần sử dụng dịch vụ logistics phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
2. Điều kiện kinh doanh logistics
Điều 234 Luật Thương mại năm 2005 có quy định như sau: Thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics là doanh nghiệp có đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định số 140/2007/NĐ-CP ngày 05/9/2007 của Chính phủ, Điều 4 khoản 1, 2, 3: Dịch vụ logistics theo quy định tại Điều 233 Luật Thương mại được phân loại như sau:
– Các dịch vụ logistics chủ yếu, bao gồm: Dịch vụ bốc xếp hàng hoá, bao gồm cả hoạt động bốc xếp container; dịch vụ kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bao gồm cả hoạt động kinh doanh kho bãi container và kho xử lý nguyên liệu, thiết bị; dịch vụ đại lý vận tải, bao gồm cả hoạt động đại lý làm thủ tục hải quan và lập kế hoạch bốc dỡ hàng hóa; dịch vụ bổ trợ khác, bao gồm cả hoạt động tiếp nhận, lưu kho và quản lý thông tin liên quan đến vận chuyển và lưu kho hàng hóa trong suốt cả chuỗi logistics; hoạt động xử lý lại hàng hóa bị khách hàng trả lại, hàng hóa tồn kho, hàng hóa quá hạn, lỗi mốt và tái phân phối hàng hóa đó; hoạt động cho thuê và thuê mua container.
– Các dịch vụ logistics liên quan đến vận tải, bao gồm: Dịch vụ vận tải hàng hải; dịch vụ vận tải thủy nội địa; dịch vụ vận tải hàng không; dịch vụ vận tải đường sắt; dịch vụ vận tải đường bộ; dịch vụ vận tải đường ống.
– Các dịch vụ logistics liên quan khác, bao gồm: Dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật; dịch vụ bưu chính; dịch vụ thương mại bán buôn; dịch vụ thương mại bán lẻ, bao gồm cả hoạt động quản lý hàng lưu kho, thu gom, tập hợp, phân loại hàng hóa, phân phối lại và giao hàng; các địch vụ hỗ trợ vận tải khác.
Từ việc phân loại trên ta có thể phân chia thành các nhóm doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tương ứng như sau:
– Các doanh nghiệp khai thác cơ sở hạ tầng tại các điểm nút (cảng, sân bay, ga, ICD…), các doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, xếp dỡ, đại lý khai thuê hải quan…
– Các doanh nghiệp vận tải: Kinh doanh dịch vụ vận tải như vận tải đường bộ, đường biển, hàng không, đường sắt, đường sông… Ví dụ: Hãng tàu biển, hãng máy bay, tàu hỏa, xe khách, xe chở hàng….
– Các doanh nghiệp khác như doanh nghiệp cung cấp phần mềm logistics, tư vấn, giám định, kiểm tra…
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics chủ yếu phải đáp ứng các điều kiện sau đây (Điều 5 Nghị định số 140/2007/NĐ-CP):
– Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
– Có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu.
– Thương nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 140/2007/NĐ-CP chỉ được kinh doanh các dịch vụ logistics khi tuân theo những điều kiện cụ thể sau đây:
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ bốc dỡ hàng hoá thì chỉ được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 50%;
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ kho bãi thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%; hạn chế này chấm dứt vào năm 2014;
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ đại lý vận tải thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%, được thành lập công ty liên doanh không hạn chế tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài kể từ năm 2014;
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ bổ trợ khác thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%; hạn chế này là 51% kể từ năm 2010 và chấm dứt hạn chế vào năm 2014.
Như vậy, theo điều luật thì thương nhân Việt Nam cần làm gì để “có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam” và “có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu”.
Thứ nhất, về đăng ký kinh doanh hợp pháp
Thương nhân được đăng ký kinh doanh logistics theo 2 hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần theo ngành nghề kinh doanh:
– Ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi và mã hóa theo ngành cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ những ngành, nghề cấm kinh doanh.
Nội dung cụ thể của các phân ngành trong ngành kinh tế cấp bốn được thực hiện theo Quy định về nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Việc mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê.
Căn cứ vào Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, người thành lập doanh nghiệp tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và ghi ngành, nghề kinh doanh, mã số ngành, nghề kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.
– Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để xem xét bổ sung mã mới.
– Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. Nghiêm cấm việc ban hành và quy định không đúng thẩm quyền về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
– Ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề tương ứng và việc sử dụng chứng chỉ hành nghề trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Hiện tại, một số dịch vụ logistics thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện hoặc yêu cầu chứng chỉ hành nghề của các cá nhân tham gia thành lập hoặc góp vốn công ty.
Thứ hai, về phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật
Các công ty kinh doanh dịch vụ logistics liên quan đến kho bãi, cần phải đảm báo tuân thủ các quy định về kho bãi (phải có tường rào bao quanh, diện tích phải đảm bảo tối thiểu theo quy định, tuyến đường thuận tiện đi lại…), đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật như an toàn về phòng cháy chữa cháy theo quy định của Bộ Công an, thiết bị công nghệ thông tin kết nối với các cơ quan quản lý nhà nước (theo quy định của Tổng cục hải quan, Bộ Thông tin và truyền thông).
Thứ ba, về đội ngũ nhân viên
Nhân viên Logistics ở một số lĩnh vực chuyên biệt, pháp luật quy định cần phải có chứng chỉ như: Chứng chỉ khai báo hải quan, chứng chỉ khai báo hàng nguy hiểm của IATA…
Thực hiện Nghị định 87/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/4/2014 quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại, trong đó quy định: “Người khai hải quan điện tử phải là người đã được đào tạo qua các cơ sở đào tạo quy định tại Điều 6 Thông tư số 80/2011/TT-BTC ngày 09/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định 14/2011/NĐ-CP ngày 16/2/2011 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan và có khả năng sử dụng thành thạo Hệ thống khai hải quan điện tử, trường hợp không đáp ứng được điều kiện trên, người khai hải quan phải thực hiện thủ tục hải quan điện tử thông qua đại lý làm thủ tục hải quan”.
Căn cứ vào Khoản 1, Điều 6 Thông tư số 80/2011/TT-BTC ngày 09/6/2011 của Bộ Tài chính, Khoa Thuế và Hải quan – Học viện Tài chính là một trong ba cơ sở đào tạo được phép tổ chức đào tạo nghiệp vụ khai hải quan cho các tổ chức là đại lý hải quan và cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động xuất nhập khẩu trên phạm vi cả nước. Kết thúc khóa học, học viên sẽ sử dụng thành thạo Hệ thống khai hải quan điện tử và được Học viện Tài chính cấp chứng nhận đã hoàn thành các học phần khóa đào tạo nghiệp vụ khai hải quan. Chứng nhận do Học viện Tài chính cấp là điều kiện cần và đủ để các doanh nghiệp thực hiện khai hải quan điện tử, đồng thời là điều kiện bắt buộc để các học viên tham gia kỳ thi lấy Chứng chỉ nghiệp vụ khai hải quan do Tổng cục Hải quan hoặc các Cục Hải quan địa phương tổ chức theo Thông tư số 80/2011/TT-BTC ngày 09/6/2011 của Bộ Tài chính.
Hàng hóa nguy hiểm (DG) là vật phẩm hoặc các chất có khả năng gây tác hại đến sức khỏe, an toàn, tài sản, môi trường mà chúng nằm danh mục hàng hóa nguy hiểm của IATA quy định (ví dụ như keo dính, mực in, hóa chất..).
Trừ trường hợp được quy định bởi IATA, “Tờ khai hàng hóa nguy hiểm của người gửi hàng” được yều cầu và phải được hoàn thành cho mỗi lô hàng DG bởi một người đã được cấp chứng chỉ về quy định hàng hóa nguy hiểm do IATA cấp.
Thứ ba, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics liên quan đến vận tải theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 140/2007/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
– Tuân thủ các điều kiện về kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật Việt Nam.
– Thương nhân nước ngoài ngoài kinh doanh dịch vụ logistics ngoài việc đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 1, 2 Điều 4 chỉ được kinh doanh các dịch vụ logistics khi tuân theo những điều kiện cụ thể sau đây:
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hải thì chỉ được thành lập công ty liên doanh vận hành đội tàu từ năm 2009, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%; được thành lập liên doanh cung cấp dịch vụ vận tải biển quốc tế trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%, hạn chế này chấm dứt vào năm 2012.
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải thủy nội địa thì chỉ được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không thì thực hiện theo quy định của Luật hàng không dân dụng Việt Nam.
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt thì chỉ được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%.
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ vận tải đường bộ thì được thành lập công ty liên doanh, trong đó tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49%; hạn chế này là 51% kể từ năm 2010.
+ Không được thực hiện dịch vụ vận tải đường ống, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Ngoài quy định khung này, Chính phủ và các cơ quan chuyên ngành sẽ ban hành thêm văn bản quản lý chuyên biệt như Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh vận tải bẳng xe ô tô, Nghị định số 76/2007/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung…
Thứ tư, thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics liên quan khác theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Nghị định số 140/2007/NĐ-CP phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
– Là doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam.
– Thương nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics chỉ được kinh doanh các dịch vụ logistics khi tuân theo những điều kiện cụ thể sau đây:
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật:
Đối với những dịch vụ được cung cấp để thực hiện thẩm quyền của Chính phủ thì chỉ được thực hiện dưới hình thức liên doanh sau ba năm hoặc dưới các hình thức khác sau năm năm, kể từ khi doanh nghiệp tư nhân được phép kinh doanh các dịch vụ đó.
Không được kinh doanh dịch vụ kiểm định và cấp giấy chứng nhận cho các phương tiện vận tải.
Việc thực hiện dịch vụ kiểm tra và phân tích kỹ thuật bị hạn chế hoạt động tại các khu vực địa lý được cơ quan có thẩm quyền xác định vì lý do an ninh quốc phòng.
+ Trường hợp kinh doanh dịch vụ bưu chính, dịch vụ thương mại bán buôn, dịch vụ thương mại bán lẻ thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.
+ Không được thực hiện các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Như vậy, Nghị định số 140/2007/NĐ-CP đã quy định rõ về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistic đối với cả thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài.
Hiện tại, Nhà nước đang tập trung nâng cấp và cải tạo cơ sở hạ tầng quan trọng để phát triển ngành logistics, ban hành nhiều văn bản nhằm minh bạch hóa các hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn giản thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ điện tử… Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải đã đưa ra nhiều chính sách nhằm định hướng, hỗ trợ và kích thích sự phát triển bền vững của ngành logistics nội địa như: Chính sách kiểm soát tải trọng đường bộ, chính sách ưu tiên tàu Việt Nam trên tuyến nội địa, dự thảo thành lập chính quyền cảng nhằm phát triển cảng và dịch vụ hậu cảng, Quyết định số 1037/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020…, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm đã và sẽ được khởi công và hoàn thành như cao tốc Long Thành – Dầu Giây, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Bến Lức – Long Thành và Quốc lộ 51 kết nối Khu công nghiệp với các cảng và công trình nạo vét Luồng Soài Rạp (vào cảng Hiệp Phước) và luồng Thị Vải – Cái Mép, sân bay Long Thành… Hy vọng trong thời gian ngắn và cùng với việc gia nhập thành công TTP, ngành logistics của chúng ta sẽ phát triển vững mạnh, trở thành trung tâm trung chuyển hàng lớn của Đông Nam Á và châu Á.
Luật sư, ThS. Đào Thị Cấm
Trưởng Văn phòng Luật sư PRIME VN
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Thương mại số 36/2005/QH11 ngày 14 tháng 06 năm 2005
2. Nghị định 140/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về điều kiện kinh doanh dịch vụ lô-gi-stíc và giới hạn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistic.
3. Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp
4. Nghị định số 14/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan
5. Thông tư số 80/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 14/2011/NĐ-CP ngày 16/02/2011 của Chính phủ quy định về điều kiện đăng ký và hoạt động của đại lý làm thủ tục hải quan
6. Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/04/2014 quy định thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thương mại.
[1] Nguồn: World Bank.
[2] Luật Thương mại năm 2005.
Bài liên quan:
- Tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) – Cơ hội và thách thức đối với ViệtNam
- NHỮNG THUẬN LỢI VÀ KHÓ KHĂN KHI VIỆT NAM THAM GIA HỘI NHẬP VÀ LIÊN KẾT QUỐC TẾ
- Vai trò của Việt nam khi tham gia điều ước quốc tế trong lĩnh vực hợp tác thương mại
- Vấn đề sáp nhập doanh nghiệp – trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm, cần được hướng dẫn áp dụng
- Dịch vụ pháp lý của luật sư trước nhu cầu của hội nhập: Nhiều lỗ hổng lớn cần khỏa lấp
- Các trường hợp được miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong thương mại
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.