Bình luận và thực tiễn giám định tư pháp hình sự

Bình luận và thực tiễn giám định tư pháp hình sự


MỤC LỤC

MỞ ĐẦU

NỘI DUNG

I.Một số vấn đề lý luận chung về giám định tư pháp hình sự

II.Những thành tựu đạt được và vướng mắc trong thực tiễn giám định tư pháp hình sự

1) Thành tựu

2) Vướng mắc

III. Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao công tác giám định tư pháp hình sự 

KẾT LUẬN


Bình luận và thực tiễn giám định tư pháp hình sự
Bình luận và thực tiễn giám định tư pháp hình sự

MỞ ĐẦU

Giám định tư pháp hình sự là một loại hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng phục vụ đắc lực cho hoạt động điều tra, truy tố và xét xử, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án được chính xác, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật. Vì thế, việc nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn của hoạt động giám định tư pháp hình sự là điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa lớn. Xuất phát từ ý nghĩa quan trọng này, trong phạm vi bài viết của mình, em xin đi vào nghiên cứu về những vướng mắc trong thực tiễn giám định tư pháp hình sự và các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao công tác giám định tư pháp hình sự.

NỘI DUNG

I.Một số vấn đề lý luận chung về giám định tư pháp hình sự.

Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.

Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

Người giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc.

Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật này, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp.

Người giám định tư pháp theo vụ việc là người đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 18 và Điều 20 của Luật này, được trưng cầu, yêu cầu giám định.

Người trưng cầu giám định bao gồm cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng.

Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp là: Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn; trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời; chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.

Dựa theo Điều 6 Luật Giám định tư pháp năm 2012, các hành vi bị nghiêm cấm là: Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng; cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật; cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp; lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi; tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp; xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật; can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.

II.Những thành tựu đạt được và vướng mắc trong thực tiễn giám định tư pháp hình sự.

1) Thành tựu:

Kết luận giám định trong vụ án hình sự có tính chất quyết định để cơ quan tố tụng xác định có hay không hành vi phạm tội, nặng hay nhẹ. Tính đến nay, tổng số giám định viên (GĐV) được bổ nhiệm và cấp thẻ là hơn 3.600 người trên nhiều lĩnh vực khác nhau (pháp y; kỹ thuật hình sự; pháp y tâm thần; tài chính- kế toán; văn hóa, xây dựng; tài nguyên môi trường; khoa học kỹ thuật…). Ngoài 3 tổ chức Giám định tư pháp (GĐTP) ở trung ương (Viện Pháp y Quốc gia, Viện giám định pháp y tâm thần trung ương, Viện Khoa học hình sự), cả nước có 44 trung tâm pháp y cấp tỉnh, 28 trung tâm giám định pháp y tâm thần trực thuộc sở y tế các tỉnh và 63 phòng kỹ thuật hình sự thuộc công an các tỉnh, thành, cơ sở vật chất, phương tiện công tác và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cho hoạt động giám định cũng từng bước được chú trọng, do đó mà hoạt động giám định tư pháp đã đóng góp rất lớn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nghiêm minh, đúng pháp luật. Trên cơ sở đó, đã huy động, thu hút được các cơ quan, tổ chức chuyên môn có năng lực, điều kiện ở các lĩnh vực văn hóa, tài chính kế toán, xây dựng môi trường, khoa học và công nghệ, thông tin truyền thông và các lĩnh vực khác tham gia hoạt động GĐTP, bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án, hoạt động GĐTP trong kỹ thuật hình sự, pháp y và pháp y tâm thần đã đáp ứng được yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần tích cực trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Các tổ chức giám định đã nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật, quy trình giám định, chất lượng hồ sơ giám định được nâng cao cả về nội dung và hình thức. Các kết luận giám định bảo đảm chính xác và khách quan, rất ít trường hợp nào phải giám định lại.

Thông qua hoạt động GĐTP đã phát hiện nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm lợi dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, từ đó chủ động kiến nghị các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn tình hình tội phạm góp phần giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn cả nước.

2) Vướng mắc:

Tuy đạt được những thành tựu như trên nhưng hoạt động giám định tư pháp hình sự vẫn còn vấp phải rất nhiều khó khăn, hạn chế ví dụ như nguồn nhân lực có trình độ  thiếu và yếu, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị phương tiện lạc hậu, phương pháp giám định khác nhau, quy định pháp luật chưa rõ ràng, sự phối hợp quản lý giữa các cấp, các ngành trong việc triển khai hoạt động giám định tư pháp hình sự còn chưa chặt chẽ…Vì thế trong thực tế còn xảy ra những tình trạng như điều tra kéo dài do chậm giám định, một vụ án có 2 kết luận ngược nhau gây rối loạn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, không đảm bảo được sự thật, sự công bằng trong các kết luận giám định, tình trạng thiếu giám định viên tư pháp xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, khiến các giám định viên phải làm việc với cường độ rất cao…

Cụ thể như thứ nhất là nguồn nhân lực có trình độ  thiếu và yếu, điển hình ở thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi giám định viên của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an TP.HCM) phải thực hiện hơn 800 vụ giám định/năm, mỗi giám định viên của Trung tâm Pháp y TP.HCM phải giải quyết hơn 250 vụ giám định/năm. Trong đó, 85% giám định viên tư pháp là kiêm nhiệm.

Người ít, lại thiếu người giỏi bởi thực tế rất ít giám định viên được đào tạo bài bản. Người có kinh nghiệm thì lại sắp nghỉ hưu nên không tận dụng được nguồn chất xám. Tuyển người mới vào lại không dễ bởi chế độ thấp, thu nhập của nghề không cao. Đặc biệt, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giám định đều thiếu thốn. Các tổ chức giám định và giám định viên tư pháp độc lập đều chưa có trụ sở, hầu hết hoạt động trong trụ sở của các cơ quan chủ quản, phòng ốc chật hẹp, không có nơi để bảo quản, lưu trữ hồ sơ, tư liệu. Một bất cập khác cũng từng được Bộ Tư pháp chỉ ra là việc giám định viên phân bổ chưa đều, phần lớn chỉ tập trung ở đô thị, ở các tỉnh hiếm thấy giám định viên giỏi.

Thứ hai là quá nhiều đầu mối quản lý. Hiện nay, tổ chức giám định tư pháp công lập gồm Viện Pháp y Quốc gia, Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực (Bộ Y tế), Viện Pháp y quân đội, Phòng Giám định kỹ thuật hình sự (Bộ Quốc phòng), Trung tâm Giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), Trung tâm Pháp y cấp tỉnh, Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh…

Các tổ chức này song song tồn tại nhưng không phân biệt rõ về thẩm quyền, loại việc, địa giới hành chính… Trên thực tế, vai trò của Bộ Tư pháp trong giám định tư pháp mờ nhạt do có ít quyền hạn, trong khi các bộ, ngành liên quan lại chưa mặn mà phối hợp. Nhiều ngành quản lý, mỗi ngành lại có các phương pháp giám định khác nhau. Hoạt động giám định tư pháp theo kiểu mạnh ai nấy làm, không ai bảo được ai đã dẫn đến tình trạng các kết luận giám định xung đột nhau, cơ quan tố tụng không biết phải dựa vào đâu làm căn cứ xử lý.

Lý giải về việc “loạn” kết quả giám định tư pháp, trong quá trình góp ý cho dự án Luật Giám định tư pháp trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng giám định pháp y là ngành khoa học đặc thù nên kết luận khác nhau là dễ chấp nhận bởi còn tùy thuộc vào phương pháp giám định, vào nhiều yếu tố khách quan (thời gian, mẫu vật…). Giám định viên tự chịu trách nhiệm về kết luận của mình, còn việc xem xét tính đúng đắn của kết luận giám định là quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan tố tụng. Tuy nhiên, các lý giải này đã gặp nhiều phản đối bởi cái mà các cơ quan tố tụng cần và phải nhờ đến nhà khoa học vẫn là một kết quả giám định chuẩn xác, kịp thời chứ không phải mang tính “đánh đố”!

Thứ ba là quy định của pháp luật chưa rõ ràng. Luật Giám định tư pháp đã được Quốc hội ban hành ngày 20-6-2012 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013). Tuy nhiên, vẫn có nhiều vấn đề mà luật đang còn bỏ ngỏ, tạo ra những băn khoăn cho người làm công tác tư pháp. Chẳng hạn có được sử dụng kết quả giám định tiền tố tụng hay không? Thời hạn giám định ra sao, được giám định tối đa mấy lần trong một vụ án, có điểm dừng hay không? Trách nhiệm của tổ chức giám định, giám định viên như thế nào? Cơ chế bồi hoàn ra sao nếu giám định viên đưa kết quả sai lệch?

Đặc biệt, luật chưa quy định cơ quan, tổ chức nào chịu trách nhiệm giám định sau cùng, mang tính “chung thẩm” trong trường hợp có nhiều kết quả giám định mâu thuẫn. Tức là một vụ việc vẫn có thể bị giám định đi, giám định lại không có điểm dừng và cho ra các kết quả xung đột, làm rối các cơ quan tố tụng.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do các cấp, các ngành, các cá nhân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của công tác GĐTP, các cơ quan chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong quản lý hoạt động GĐTP.

III. Một số giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao công tác giám định tư pháp hình sự

Để góp phần tháo gỡ những vướng mắc trên trong công tác GĐTP hình sự em xin đề ra một số giải pháp sau:

– Phân cấp giám định viên:

Nên có sự phân cấp giám định viên, cụ thể là sơ cấp, trung cấp… Những sự việc đơn giản sẽ do các giám định viên sơ cấp phụ trách, còn những vụ việc phức tạp sẽ giao cho những giám định viên trung cấp làm. Việc phân định như trên sẽ rõ về trình độ chuyên môn, quyền lợi, trách nhiệm của những người làm công tác giám định tư pháp.

– Thống nhất về phương pháp giám định:

Để hạn chế việc kết quả giám định mâu thuẫn ta cần thống nhất phương pháp giám định của các giám định viên. Vì nói về phương pháp thì vô cùng: Một đối tượng giám định nhưng nếu ba giám định viên dùng ba phương pháp khác nhau thì dù máy móc có tối tân đến đâu cũng sẽ cho ra ba kết quả khác nhau.

– Quy định về Cơ quan có kết luận giám định cuối cùng cao nhất

Việc quy định về cơ quan có thẩm quyển ra kết luận giám định cuối cùng cao nhất  sẽ góp phần tạo căn cứ để cơ quan tố tụng dựa vào đó xử lý vụ việc, vụ án một cách nhanh chóng tránh tình trạng các đương sự trong vụ án lợi dụng nhằm kéo dài vụ án. Hiện chúng ta đã có Viện Pháp y Quốc gia, có thể coi đây là cơ quan giám định cao nhất.

– Có cơ chế kiểm soát:

Lâu nay các cơ quan tố tụng căn cứ vào kết luận giám định để xét xử nhưng các tổ chức giám định, giám định viên làm gì, hoạt động ra sao thì ít ai biết, vấn đề kiểm soát trong lĩnh vực giám định tư pháp hiện còn bỏ ngỏ. Chúng ta buộc lòng phải tin tưởng vào kết luận của đơn vị giám định bằng niềm tin nội tâm. Do vậy rất cần có cơ chế kiểm soát chất lượng giám định.

– Tăng cường trách nhiệm:

Từ trước đến nay chưa xảy ra trường hợp nào giám định viên tư pháp bị truy cứu trách nhiệm vì đưa ra kết luận sai. Mỗi lần thấy kết quả chưa được khách quan thì các cơ quan tố tụng tiến hành trưng cầu lại mà thôi. Do đó, việc đặt nặng vấn đề trách nhiệm với giám định viên là cần thiết. Ngoài ra, cần phải có trường chuyên đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho giám định viên vì hiện nay chủ yếu là trưng dụng người của những ngành nghề chuyên ngành.

– Quan tâm đào tạo nguồn giám định viên

Tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho giám định viên thường xuyên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động giám định tư pháp nói chung.

– Cấp kinh phí đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác giám định

Để nâng cao hiệu quả của hoạt động giám định, chúng ta cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cũng như các trang thiết bị phục vụ. Cụ thể như mua sắm một số phương tiện phục vụ công tác giám định như: cân điện tử, máy tính xách tay và trang bị máy phát hiện ma túy, các máy móc hỗ trợ giám định gen, ADN…

KẾT LUẬN

Như vậy, từ những vấn đề đã trình bày trên, một yêu cầu đặt ra hiện nay là cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với tổ chức và hoạt động giám định tư pháp hình sự. Để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, giải quyết những vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp hình sự thì trước hết là phải hoàn thiện các quy định của pháp luật sao cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn đặt ra nhằm tạo ra sự biến chuyển, sự đột phá trong hoạt động giám định tư pháp, chú trọng hơn nữa việc đầu tư đào tạo cả nhân lực và phương tiện, kỹ thuật đáp ứng được yêu cầu ngày càng tăng của xã hội.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  • Luật Giám định tư pháp năm 2012
  • Quyết định 1549/QĐ-TTg năm 2012 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật Giám định tư pháp do Thủ tướng Chính phủ ban hành


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191