BITCOIN: TIN TỐT VÀ XẤU VỀ TIỀN ẢO
NEAL KOBLITZ (Hảo Linh dịch)
Đầu tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định rằng: “việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam” do những rủi ro không thể lường trước.
Theo các chuyên gia, đúng là bitcoin có ẩn chứa nhiều rủi ro nhưng cũng đầy tiềm năng để thúc đẩy sự tự do, đổi mới sáng tạo của xã hội. Bài viết dưới đây của giáo sư Neal Koblitz, một trong hai tác giả độc lập sáng tạo ra Hệ mật đường cong Elliptic vào năm 1985, nền tảng cho công nghệ chữ kí số của Bitcoin nhằm phân tích về ảnh hưởng của đồng tiền này và cách tiếp cận nó
Bitcoin là gì và nó hoạt động như thế nào?
Tiền mặt là phương thức thanh toán chủ yếu cho đến gần đây. Ở nhiều nơi trên thế giới, giờ đây thanh toán bằng tiền mặt đã được thay thế bằng thanh toán điện tử, chủ yếu là thẻ tín dụng. Các hệ thống thanh toán này được kiểm soát bởi các ngân hàng lớn và sử dụng những đồng tiền chính phủ như USD, đồng Euro hay Yên Nhật.
Bitcoin là một loại tiền tệ mới, ra đời năm 2009, không cần một trung tâm kiểm soát như ngân hàng hay chính phủ, mà hoàn toàn do cộng đồng người dùng quản lý. Việc vận hành chính xác của nó được đảm bảo nhờ các tính chất toán học của một số công cụ mật mã.
Hai công cụ cơ bản trong hệ thống Bitcoin là chữ kí số, dựa trên Hệ mật đường cong Elliptic (Elliptic Curve Cryptography), và một hàm băm. Chữ kí số đảm bảo người trả tiền thừa nhận thanh toán của mình, và bất kỳ ai cũng có thể kiểm chứng. Hàm băm là một thuật toán công khai mà đầu vào là một chuỗi bit thể hiện dữ liệu giao dịch, các khóa công khai, cùng một số thông tin khác, và trả kết quả đầu ra là một chuỗi 256 bits có vẻ ngẫu nhiên, tương ứng với một số thập phân dài 78 chữ số.
Hàm băm được dùng để tạo ra một chuỗi khối (blockchain). Chuỗi khối, bằng cách xếp các giao dịch theo thời gian, cho phép người dùng xác thực rằng không có đồng bitcoin nào được sử dụng hai lần. (Ngăn chặn gian lận việc tiêu một đồng tiền hai lần là bài toán cốt lõi của mọi hệ thống tiền điện tử). Mỗi khối trong chuỗi – bao gồm danh sách của vài nghìn giao dịch xảy ra trong vòng khoảng mỗi 10 phút – phải được xác thực trước khi nối vào chuỗi.
Những nhóm người đào (một từ vốn được dùng cho thợ mỏ đào quặng vàng, bạc hay đồng) cạnh tranh để giành quyền xác thực một khối. Người thắng cuộc là người đầu tiên tìm được đầu ra của hàm băm nhỏ hơn một ngưỡng nhất định (hiện tại, ngưỡng này là khoảng 1055, nghĩa là 23 chữ số thập phân đầu tiên phải bằng 0). Tìm được đầu ra thỏa mãn điều kiện này gọi là “bằng chứng công việc” (proof of work). Tiền thưởng cho người đào mỗi lần bao gồm hai phần: một phần là một lượng nhất định bitcoin mới sinh ra (khởi đầu là 50 bitcoin, hiện nay là 12,5, cứ bốn năm nó giảm một nửa và sẽ hoàn toàn biến mất vào năm 2140) và phần còn lại là tổng phí của tất cả các giao dịch trong khối. Các giao dịch nói chung đều có phí (để khuyến khích người đào chọn đưa giao dịch vào trong khối của họ), nhưng nó rất nhỏ so với phí giao dịch bằng thẻ tín dụng.
Mặt sáng của đồng Bitcoin
Khẩu hiệu trên đồng tiền của Mỹ là “Ở Chúa, chúng ta đặt niềm tin”. Tuy nhiên, một hệ thống tài chính toàn cầu phụ thuộc mạnh vào đồng USD đòi hỏi không mấy niềm tin vào Chúa mà vào sự ổn định của nền kinh tế và hệ thống tiền tệ của nước Mỹ. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nhiều người tin rằng các chính trị gia và các nhà băng Mỹ hầu như lúc nào cũng hành xử vô trách nhiệm. Gần đây hơn, các chuyển biến chính trị ở Châu Âu cũng khiến nhiều người nghi ngờ về tương lai của đồng euro. Với công nghệ giao thức “ngang hàng” (peer to peer), bitcoin hoàn toàn độc lập với hệ thống tiền tệ của các chính phủ. Khẩu hiệu của bitcoin – cố tình châm biếm khẩu hiệu trên đồng tiền của Mỹ – là “Ở Mật mã học, chúng ta đặt niềm tin”.
Nhiều nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền có các lý do khác để không tin tưởng vào các hệ thống tiền tệ được kiểm soát bởi chính quyền trung ương. Điều gì sẽ xảy ra nếu một chính phủ gây áp lực lên các ngân hàng, ngăn chặn các giao dịch điện tử với một tổ chức xã hội đang đấu tranh phơi bày những hành động sai trái của chính phủ đó?.
Một nguy cơ khác từ hệ thống thanh toán hiện nay là các ngân hàng và tập đoàn lớn thu thập được lượng thông tin khổng lồ về thói quen tiêu dùng của người dùng mà có thể được dùng nhằm gây hại cho chúng ta. Khi những thông tin này được cung cấp cho một bên thứ ba, chúng ta không chỉ bị săn đuổi bởi những công ty quảng cáo mà còn bị xâm phạm cuộc sống riêng tư và sự nghiệp. Chẳng hạn, bạn bị nhà tuyển dụng từ chối chỉ vì họ cho rằng bạn là “nhà hoạt động chống đối các tập đoàn” do họ biết bạn đã ủng hộ tiền cho chiến dịch phản đối các dự án phá hoại môi trường, đối xử bất công với người lao động của các công ty lớn.
Với bitcoin, bạn có thể tránh được những sự xâm phạm đó vì bạn có thể dùng nhiều “ví” khác nhau cho các mục đích tiêu dùng khác nhau. Một ví bitcoin chỉ là một tập hợp các giao dịch được ký bằng cùng một mã khóa. Một người có thể có nhiều chữ ký số với nhiều mã khóa khác nhau. Điều này khiến cho việc lần ra chủ nhân của giao dịch khó hơn.
Bitcoin còn giải thoát người nghèo khỏi chi phí thẻ tín dụng cao ngất ngưởng, cho họ các tiện ích như người giàu với giá rẻ. Chẳng hạn, những lao động di cư người Mexico làm việc ở Mỹ hay người Philipines ở các tiểu vương quốc Ả Rập có thể chuyển tiền về cho gia đình bằng bitcoin, gần như không mất phí giao dịch.
Có hai điểm của bitcoin hấp dẫn những người bán hàng. Đầu tiên là phí giao dịch thấp và người mua phải trả, chứ không phải người bán. Với thẻ tín dụng, việc phải chịu phí là một khó khăn với người bán hàng, khiến họ phải tăng giá. Thứ hai, giao dịch không thể đảo ngược. Giống như tiền mặt, không có cách nào để hủy sau khi đã thanh toán. Trong khi đó, một trong những điều đau đầu của người bán là khi khách hàng trả bằng thẻ tín dụng, họ có thể dễ dàng phản đối giao dịch và rút lại tiền (“bồi hoàn”).
Mặt tối của Bitcoin
Một thực tế khiến nhiều người nghi ngờ về độ tin cậy của bitcoin là tỉ giá bitcoin biến động khủng khiếp. Hiện tại, giá trị của bitcoin đang cao kỷ lục nhưng cũng đã từng có những lúc con số này tụt xuống thảm hại. Lí do cho sự trồi sụt này bao gồm số người dùng và lượng giao dịch nhỏ (so với đồng USD), sự chi phối của những kẻ đầu cơ, tác động của các tin đồn và tin tức chính thống. Nếu một chính quyền tuyên bố kế hoạch siết chặt hoặc kiểm soát các giao dịch bitcoin, niềm tin vào tiền điện tử có thể sụt giảm. Nhưng nếu một hệ thống bán lẻ lớn đưa ra dự định chấp nhận thanh toán bằng bitcoin, giá trị của nó có thể tăng đột ngột.
Hầu hết những người bán hàng chấp nhận thanh toán bằng bitcoin đều không thực sự sở hữu ví bitcoin. Thay vào đó, họ trả cho một công ty trung gian, chẳng hạn như BitPay, để đổi ngay số bitcoin thanh toán từ người mua sang USD hoặc một đồng tiền hiến định nào khác. Hầu hết lượng bitcoin được tích trữ mà không tiêu ngay là để cho mục đích đầu cơ.
Mặc dù bản thân mạng lưới bitcoin có vẻ như được thiết kế tốt, trong mối liên hệ với thế giới tài chính, nó phải phụ thuộc vào các công ty và tổ chức ngoài mạng lưới và có thể trở nên không đáng tin cậy. Chẳng hạn, năm 2013, sàn giao dịch bitcoin lớn nhất là Mt. Gox. Đứng đầu bởi Mark Karpelès, tay này điều hành rất kém, công ty làm mất 744.408 bitcoin của khách hàng (trị giá tới 400 triệu USD vào thời điểm đó) một thời gian ngắn trước khi tuyên bố phá sản tháng 2 năm 2014.
Những người đề cao sự ẩn danh và ẩn dấu vết của bitcoin nên hiểu rằng các đặc tính này không được đảm bảo. Mặc dù dữ liệu của chuỗi khối không trực tiếp ám chỉ danh tính người dùng trong thế giới thực, chuỗi khối là một cuốn sổ cái công cộng phơi bày lịch sử của tất cả mọi giao dịch và từ đó có thể lần ra danh tính thật sự của người dùng. Bất kỳ ai muốn ẩn danh hoàn toàn phải hi vọng rằng tất cả những người giao dịch với cô ta cũng mong muốn giữ danh tính đời thực của họ bí mật như thế. Nếu không, một thanh tra có thể kiểm tra các giao dịch của cô ta để xác minh ai là người làm việc với cô ta. Biết được bạn bè hoặc đối tác của một ai đó nhiều khi là đủ để đoán đúng danh tính của họ. Như đã đề cập, có thể đảm bảo một mức độ ẩn danh đáng kể bằng cách dùng nhiều ví cho các loại giao dịch khác nhau.
Người ta cũng chỉ trích phương thức “bằng chứng công việc” của bitcoin – quá trình thử tính hàng tỉ tỉ đầu ra của hàm băm – phung phí một lượng lớn điện năng và tài nguyên tính toán mà đáng ra có thể dành cho các dự án có ý nghĩa xã hội hoặc khoa học.
Có lẽ sự phản đối bitcoin dữ dội nhất đến từ phía cảnh sát và các cơ quan an ninh, những người chỉ ra rằng một tỉ trọng lớn người dùng bitcoin là tội phạm liên quan đến buôn bán vũ khí, văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em, khủng bố, dòng tiền phi pháp và tống tiền. Ví dụ, một loại tội phạm công nghệ cao phổ biến gần đây là ransomware (virus tống tiền). Hacker đột nhập vào dữ liệu của một bệnh viện chẳng hạn, mã hóa toàn bộ dữ liệu và yêu cầu rằng bệnh viện chỉ nhận được khóa giải mã để khôi phục lại dữ liệu sau khi họ chuyển một khoản bitcoin lớn cho hắn.
Đã có lúc, một trong những đối tượng dùng bitcoin nhiều nhất là website Silk Road (Con đường tơ lụa), chuyên mua bán các loại thuốc cấm. Tháng 10 năm 2013, chính quyền Mỹ đóng cửa trang web này. Bộ não đằng sau nó, Ross Ulbricht, bị bắt và buộc tội buôn lậu ma túy, hack máy tính, lừa đảo, rửa tiền và nhiều tội danh khác. Tháng 5 năm 2015, Ulbrich bị kết án tù chung thân.
Một trong những chiến thuật hữu hiệu của giới tư pháp là “lần theo dấu vết của đồng tiền”. Một lượng tiền lớn không thể dễ dàng di chuyển khắp thế giới, vì vậy những tổ chức tội phạm ở quy mô lớn thường ưu tiên phương thức khác, chẳng hạn như sử dụng hệ thống phức tạp các tài khoản ngân hàng. Nhưng những hệ thống như vậy thực ra khá dễ phân tích và các ngân hàng luôn bị yêu cầu phải hợp tác với nhân viên điều tra. Tuy nhiên, lần theo dấu vết của đồng bitcoin thì khó hơn rất nhiều – nhưng không phải là bất khả thi nếu cơ quan tư pháp và an ninh thu thập được đủ thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Điều gì nên làm?
Chúng ta nên làm gì khi đứng trước một loạt những điểm tích cực và tiêu cực gây hoang mang như vậy? Bitcoin và các đồng tiền điện tử khác, ví dụ như Ethereum, là một dạng công nghệ mới. Người ta có thể nắm rõ các đặc tính kỹ thuật của nó nhưng không thể biết được những loại hình tác động của nó lên xã hội. Thế giới vẫn chưa dành ra đủ nhiều nỗ lực để tìm cách tối đa hóa lợi ích của nó và hạn chế những nguy cơ. Quan điểm cá nhân của tôi là chính phủ không nên phản ứng bằng sự sợ hãi và cấm đoán tuyệt đối. Thay vào đó, họ nên khuyến khích việc nghiên cứu rộng hơn, bao gồm nghiên cứu về các vấn đề giám định tư pháp liên quan đến bitcoin (để truy vết các hoạt động tội phạm) và dần dần cân nhắc việc ban hành luật vừa có tính khả thi, vừa khuyến khích dùng bitcoin cho các mục đích hợp pháp.
SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: http://tiasang.com.vn/-dien-dan/Bitcoin-Tin-tot-va-xau-ve-tien-ao-11041
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.