Phân tích Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

TỘI VÔ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC ( ĐIỀU 108 )  

Vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác là hành vi của một người do cẩu thả mà không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây ra thương tích hoặc tổn hại cho sức khoẻ của người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước, hoặc tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả đó, nhưng cho rằng hậu quả không xảy ra hoặc có thể ngăn chặn được.

Tội phạm này trước đây được quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1985 với tội danh là “vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người khác” và được hướng dẫn thương tích nặng và tổn hại nặng cho sức khoẻ của người khác là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật của nạn nhân từ 31% trở lên. Nay Bộ luật hình sự năm 1999 quy định cụ thể mức tỷ lệ thương tật là từ 31% trở lên thay cho thuật ngữ “thương tích nặng hoặc tổn hại nặng cho sức khoẻ”.

Điều 108 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định một trường hợp phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác và quy định thêm hình phạt bổ sung đối với tội này, còn trường hợp phạm tội do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được quy định thành một tội danh riêng.

Trừ hậu quả, còn tất cả các dấu hiệu khác của tội phạm đều tương tự như đối với tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự.

Hậu quả do hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác phải có tỷ lệ từ 31% trở lên thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, thương tích có thể gây ra cho một người hoặc có thể gây ra cho nhiều người, nhưng không có trường hợp dẫn đến chết người, nếu người bị hại bị thương đẫn đến chết người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự.

Tuy nhiên thực tiễn xét xử cho thấy có trường hợp do vô ý là chết một người và bị thương tích một người có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên, thì việc truy cứu người phạm tội như thế nào, một tội hay hai tội ? Nếu chỉ truy cứu về tội vô ý làm chết người, còn việc gây thương tích cho người khác với tỷ lệ thương tật là 31% trở lên chỉ là tình tiết khi quyết định hình phạt thì bỏ lọt một hành vi phạm tội, còn nếu truy cứu người phạm tội về tội vô ý làm chết người và tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì nguyên tắc một hành vi phạm tội lại bị xử lý hai lần. Mặc dù chưa có hướng dẫn cụ thể, nhưng thực tiẽn xét xử và qua nghiên cứu hai tội phạm này, chúng tôi thấy trong trường hợp trên cần truy cứu người phạm tội về hai tội: tội vô ý làm chết người và tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà không bị coi là vị phạm nguyên tắc một hành vi phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự hai lần, vì trong trường hợp này người phạm tội có hai hành vi phạm tội chứ không phải chỉ có một hành vi phạm tội mặc dù cả hai hành vi này đều được thực hiện cùng một lúc, cũng giống như trường hợp một người dùng súng bắn chết một người khác nhưng đạn xuyên qua người  mà người phạm tội định giết trúng vào người đứng gần đó mà người phạm tội không nhìn thấy và cũng không có ý định bắn gây thương tích cho người này với tỷ lệ thương tật 45%. Hành vi trong trường hợp này tuy cùng được thực hiện một lúc nhưng lại bao gồm hai hành vi phạm tội khác nhau nên bị truy cứu về hai tội khác nhau.

Phạm tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm. Đây là quy định hoàn toàn mới so với Điều 110 Bộ luật hình sự năm 1985 và cũng là quy định nghiêm khắc hơn cả trường hợp phạm tội vô ý làm chết người quy định tại Điều 98 Bộ luật hình sự năm 1999. Qua thực tiễn xét xử, cũng như nghiên cứu quy định này, chúng toi thấy quy định hình phạt bổ sung đối với trường hợp phạm tội này là không hợp lý, hình phạt bổ sung này chỉ phù hợp với trường hợp vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính. Mặt khác, tội vô ý làm chết người quy định tại Đièu 98 Bộ luật hình sự cũng không quy định các loại hình phạt bổ sung này và căn cứ để quy định các loại hình phạt bổ sung đối với tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác cũng không có. Vì vậy, chúng tôi đề nghị bỏ hình phạt bổ sung đối với tội này khi có chủ trương sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999. Trong thời gian chưa sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự năm 1999, các cơ quan có thẩm quyền nên hướng dẫn các Toà án không áp dụng hình phạt bổ sung đối với tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, vì khoản 2 Điều 108 Bộ luật hình sự cũng chỉ quy định người phạm tội còn “có thể” bị… chứ không quy định “thì” bị…


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191