Các bước xin phép để được làm tái chế nhựa

Câu hỏi được gửi từ khách hàng: Các bước xin phép để được làm tái chế nhựa

Cho tôi hỏi, tôi muốn mở hộ kinh doanh về tái chế nhựa và các sản phẩm về nhựa, hiện nay có rất nhiều văn bản cấm về hoạt động này nên tôi mông lung lắm, vậy tôi phải xin phép hoạt động thế nào, thời hạn bao lâu và cần những giấy phép gì, xin cảm ơn.


Luật sư Tư vấn Luật Doanh nghiệp – Gọi 1900.0191

Dựa trên những thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đưa ra trả lời như sau:

1./ Thời điểm pháp lý

Ngày 15 tháng 09 năm 2018

2./ Cơ sở Pháp Luật liên quan tới vấn đề Thành lập hộ kinh doanh

  • Luật doanh nghiệp năm 2014
  • Nghị định số 78/2015 NĐ-CP hướng dẫn về đăng kí doanh nghiệp
  • Nghị định số 38/2015 NĐ-CP hướng dẫn về quản lý chất thải và phế liệu
  • Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT ngày 1/12/2015 của Bộ Kế hoạch Đầu tư hướng dẫn một số nội dung   về trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
  • Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại

3./ Luật sư tư vấn

Bảo vệ môi trường ngày nay là vấn đề được rất nhiều quốc gia chú trọng, trong đó vấn đề ô nhiễm môi trường được đặt ra bức thiết nhất, cần một giải pháp hiệu quả, cụ thể càng sớm càng tốt. Là một trong những lĩnh vực ảnh hưởng nhiều tới môi trường xung quanh, để có thể tái chế nhựa và các sản phẩm về nhựa dưới hình thức hộ kinh doanh thì chủ thể cần:

Thứ nhất, căn cứ Khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP có quy định về hộ kinh doanh như sau :

“1.Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”

Ở đây, có một vài điểm cần lưu ý khi một chủ thể mở hộ kinh doanh, đó là :

-Hộ kinh doanh chỉ được đăng kí kinh doanh tại một địa điểm duy nhất

-Chỉ sử dụng dưới 10 lao động. Nếu trường hợp sử dụng từ 10 lao động trở lên sẽ phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp

-Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh: Khi mở hộ kinh doanh, nếu trường hợp phát sinh các trách nhiệm về tài sản thì chủ hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ đó.

Thứ hai, các bước để đăng kí mở hộ kinh doanh theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP là:

-Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi 01 bộ hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh tới cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh và nhận giấy biên nhận. Hồ sơ này gồm:

+Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh cá thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm: Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; Ngành, nghề kinh doanh; Số vốn đăng ký kinh doanh; Họ, tên, số và ngày cấp giấy chứng minh nhân dân, địa chỉ nơi cư trú và chữ ký của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

+Bản sao giấy chứng minh nhân dân của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình.

+Biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

-Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, nếu đáp ứng điều kiện như tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định và nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh và chủ thể thực hiện đăng ký mới theo quy định.

Ngoài ra, do mục 232 phụ lục 4 Luật đầu tư quy định kinh doanh dịch vụ vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, mà theo quy định tại Khoản 13 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường quy định thì chất thải nguy hại là chất thải chứa yếu tố độc hại, phóng xạ, lây nhiễm, dễ cháy, dễ nổ, gây ăn mòn, gây ngộ độc hoặc có đặc tính nguy hại khác được ban hành kèm Thông tư 36/2015/TT-BTNMT. Nên, việc đăng ký hộ kinh doanh kinh doanh tái chế nhựa và các sản phẩm về nhựa có thể cần thêm Giấy phép xử lý chất thải nguy hại khi nhựa và các sản phẩm về nhựa được tái chế thuộc loại chất thải nguy hại. Việc xin cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được thực hiện theo thủ tục sau:

-Chủ thể lập 02 bộ hồ sơ đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại trình cơ quan có thẩm quyền. Hồ sơ gồm:

+Đơn đăng ký theo mẫu.

+01 (một) bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau đây viết tắt là báo cáo ĐTM) được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đối với dự án đầu tư cơ sở xử lý chất thải hoặc các hồ sơ, giấy tờ thay thế theo quy định.

+01 (một) bản sao văn bản về quy hoạch có nội dung quản lý, xử lý chất thải do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên phê duyệt.

+Các giấy tờ pháp lý đối với trạm trung chuyển chất thải nguy hại (CTNH- nếu có).

+Các mô tả, hồ sơ theo mẫu.

+Kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý CTNH theo mẫu. Kế hoạch vận hành thử nghiệm được đóng quyển riêng với bộ hồ sơ đăng ký.

Bên cạnh việc nộp hồ sơ trên, chủ thể cần nộp 2 bản kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại đồng thời hoặc sau khi nộp hồ sơ đăng ký cấp phép.

-Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ thì trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc, cơ quan cấp phép thông báo bằng văn bản để tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ. Sau khi chủ thể hoàn thiện hồ sơ thì cơ quan cấp phép xem xét và có văn bản chấp thuận kế hoạch vận hành thử nghiệm xử lý CTNH theo trình tự. Và trong thời hạn 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại và có văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan cấp phép tổ chức kiểm tra thực tế tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại, trạm trung chuyển chất thải nguy hại (nếu có) đồng thời lựa chọn tiến hành một trong hai hoạt động sau để đánh giá điều kiện và cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại:

-Thời hạn của Giấy phép này là 03 năm kể từ ngày cấp.

Bên cạnh đó, ngoài việc thực hiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh, hoạt động kinh doanh tái chế nhựa là hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng tới môi trường cho nên địa điểm kinh doanh và hoạt động kinh doanh cần đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường. Cụ thể, dựa trên quy mô, diện tích, trang thiết bị bạn cần đánh giá trước về công suất, khối lượng xả thải ra môi trường để thực hiện nghĩa vụ đánh giá môi trường theo quy định về bảo vệ môi trường.

Vậy, để có thể mở hộ kinh doanh tái chế nhựa và các sản phẩm từ nhựa bạn cần thực hiện đầy đủ trình tự và đáp ứng đủ những điều kiện nêu trên. Sau đó 03 ngày, cơ quan đăng kí kinh doanh cấp huyện sẽ có câu trả lời về việc điều chỉnh nội dung hồ sơ cho anh. Nếu không có sửa đổi, bổ sung về hồ sơ thì sau 03 ngày anh sẽ được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.

Với những tư vấn về câu hỏi Các bước xin phép để được làm tái chế nhựa, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp trên, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191