Câu hỏi của khách hàng: Đã bán đất có xã ký chứng vẫn yêu cầu thêm tiền có được không
Luật sư ơi cho em hỏi về luật đất đai và trong trường này em nên làm như thế nào. Mong nhận được trả lời giải đáp của luật sư . Em có mua một mảnh đất diện tích dài 40m và ngang 4m đất chỉ để làm nhà. Lúc mua bán thì thì hai bên có làm giấy tay và ra xã kí chứng. Mua từ năm 1998. Vì là nông dân nên không biết gì về giấy tờ sổ đỏ đất đai. Bây giờ nhà em mới biết và muốn làm sổ chủ quyền. Cùng với mảnh đất nhà em mua là 2 mảnh đất khác nữa nhưng người ta đã bán hết đất và còn lại phần đất nhà em. Bây giờ người đó đã làm giấy đứng tên chủ quyền đất nhà em. Người đó kêu là từ năm 1998 đến nay người đó đứng tên chủ quyền đóng tiền thuế đất nhà ở rất nhiều tiền bây giờ nhà em muốn làm sổ chủ quyền thì phải đưa người ta 40 triệu thì người ta mới đưa sổ chủ quyền đất cho nhà em. Bây giờ trong trường hợp này nhà em nên làm thế nào. Mong nhận được hồi đáp từ luật sư.
Luật sư Tư vấn Luật Đất đai – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 11/10/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Xử lý khi có tranh chấp đất đai
Luật đất đai năm 2013
3./ Luật sư trả lời Đã bán đất có xã ký chứng vẫn yêu cầu thêm tiền có được không
Bạn có mua 1 mảnh đất ở có chiều dài 40m, ngang 4m, từ năm 1998, chưa làm sổ đỏ. Nhưng có người khác đã được cấp sổ đỏ phần đất của nhà bạn mua trước đó, yêu cầu đưa người ta 40 triệu thì người ta mới đưa sổ chủ quyền đất cho nhà bạn. Trong trường hợp này, việc giải quyết có thể bằng phương thức sau:
-Thỏa thuận giữa hai bên. Theo đó, bạn và bên kia có thể tự thỏa thuận về mức tiền trên theo khả năng thực tế. Do, các nghĩa vụ tài chính của mảnh đất từ năm 1998 (từ năm bạn nhận chuyển nhượng) đến nay là do người hiện đang là người đứng tên giấy chứng nhận thực hiện thay bạn. Do đó, bạn nên chi trả một số tiền bạn cho là hợp lý để tránh gây tranh chấp. Bởi khi đưa ra Tòa án hoặc các cơ quan chức năng, việc giải quyết tranh chấp sẽ mất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc.
-Yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền giải quyết. Khi thực sự không thể thỏa thuận được với bên đứng tên trên giấy chứng nhận mảnh đất hiện bạn đang sử dụng, bạn cần gửi đơn đến Ủy ban nhân dân xã để hòa giải (đây là thủ tục bắt buộc). Căn cứ Điều 202 Luật đất đai:
“Điều 202.Hòa giải tranh chấp đất đai
1.Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.
2.Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.
3.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. …”
Trong trường hợp hòa giải không thành, chủ thể có thẩm quyền phải lập biên bản hòa giải không thành, căn cứ vào Điều 203 Luật đất đai:
“Điều 203.Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:
1.Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;
2.Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:
a)Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;
b)Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;
3.Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:
a)Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;
b)Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính; …”
Bạn có quyền yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc khởi kiện tới tòa án nơi có đất tranh chấp để yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Trong trường hợp này, bạn cần nộp biên bản hòa giải không thành đã được lập ở Ủy ban nhân dân xã. Do biên bản này là một trong những giấy tờ bắt buộc để các chủ thể trên xem xét việc giải quyết yêu cầu của bạn.
Như vậy, trong trường hợp bạn đưa ra, bạn nên thỏa thuận lại với người hiện đang đứng tên mảnh đất của bạn, nếu không thỏa thuận được, bạn cần yêu cầu Ủy ban nhân dân xã hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành, bạn có quyền khởi kiện lên Tòa án hoặc yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp giữa bạn và người kia.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.