Câu hỏi của khách hàng: Bị giả mạo chữ ký đáo hạn khoản vay đứng tên hộ người khác thì có phải trả nợ không
Nhờ anh chị tư vấn giúp. Tôi là công chức nhà nước bên ngành giáo dục. Năm 2012 chú của tôi có mượn tên của tôi để vay ngân hàng chính sách với số tiền là 30 triệu đồng tôi vì tình cảm chú cháu nên đã chấp nhận cho chú tôi mượn tên để vay vốn, tôi có làm thủ tục vay vốn và nhận tiền với ngân hàng trong năm 2012. Từ năm 2012 đến nay thì việc đóng lãi là chú tôi đóng cho tổ trưởng tổ vay vốn của ấp, đến năm 2017 thì ngân hàng chính sách có điện thoại cho tôi và kêu tôi phải đóng lãi cho ngân hàng vì chú của tôi không còn khả năng đóng lãi nữa, tiếp đó ngân hàng chính sách, ủy ban xã, tổ trưởng tổ vay vốn có làm việc với tôi và ép tôi phải trả số tiền là 34 triệu đồng họ nói là tôi đứng tên thì tôi phải trả, họ còn báo qua nơi tôi làm việc. Nhưng từ năm 2012 đến nay thì ngân hàng, chú tôi, tổ trưởng tổ vay vốn và ủy ban xã đã làm hồ sơ đáo hạn 3 lần mà không thông báo với tôi họ tự làm hồ sơ đáo hạn và mạo chữ ký của tôi vậy thì tôi có phải trả số tiền này không và có ảnh hưởng gì đến công việc cũng như bên đảng của tôi không? Rất mong anh chị tư vấn giúp tôi giải quyết vấn đề khó khăn này. Xin chân thành cảm ơn.
Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 13/12/2018
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ của bên vay trong hợp đồng vay
Bộ luật dân sự 2005
3./ Luật sư trả lời Bị giả mạo chữ ký đáo hạn khoản vay đứng tên hộ người khác thì có phải trả nợ không
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn có đứng tên mượn vay vốn ngân hàng cho chú của bạn. Đến năm 2012, do chú của bạn không còn khả năng đóng lãi nữa nên đã yêu cầu bạn trả số tiền vay và lãi. Từ năm 2012, ngân hàng, chú của bạn, và tổ trưởng tổ vay vốn, ủy ban xã giả mạo chữ ký làm hồ sơ đáo hạn, bạn muốn biết thêm về việc bạn có phải trả tiền trong trường hợp này không.
Trong trường hợp trên, việc đáo hạn vay ngân hàng có thể được hiểu là hình thức gia hạn thêm thời gian vay của khách hàng đối với ngân hàng; hoặc là hình thức tái vốn vay khi đã hết hạn vay cũ nhưng chưa thể trả hết nợ. Bằng hình thức này người đi vay có thể gia hạn thêm được thời gian vay vốn của mình đối với ngân hàng để tránh bị lún sâu vào trong nợ nần, thuận tiện hơn trong việc làm ăn, kinh doanh. Tại một số ngân hàng, đáo hạn vay ngân hàng còn được gọi bằng cụm từ khác đó là đáo nợ ngân hàng. Việc ngân hàng, chú của bạn, và tổ trưởng tổ vay vốn, ủy ban xã giả mạo chữ ký của bạn để làm hồ sơ đáo hạn là yếu tố để giao dịch đáo hạn trên vô hiệu. Nhưng:
-Để giao dịch vô hiệu, bạn phải thực hiện việc yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch đó là vô hiệu.
-Nếu việc đáo hạn này bị tuyên vô hiệu, bạn sẽ phải chịu lãi với số tiền vay chưa trả (bao gồm nợ gốc và nợ lãi). Như vậy, sẽ không có lợi cho bạn. Bởi, việc đáp hạn thông thường giúp khoản vay được kéo dài thêm, tránh tình trạng phát sinh thêm khoản nợ lãi không đáng có.
Về nghĩa vụ trả nợ. Bạn là bên vay trong hợp đồng vay với Ngân hàng, nên, về mặt pháp lý, bạn là bên có nghĩa vụ trả nợ vay cho Ngân hàng.
Căn cứ vào Điều 471 Bộ luật Dân sự 2005 thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, trong hợp đồng giữa bạn và Ngân hàng, bạn là bên vay tiền còn Ngân hàng là bên cho vay. Bởi chính bạn mới là bên vay, người ký trong hợp đồng.
Theo Khoản 1 Điều 474 Bộ luật dân sự 2005 thì “bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo đó, bạn được xác định là người có nghĩa vụ trả tiền đã vay (nợ gốc và lãi) trên cơ sở hợp đồng vay giữa bạn và ngân hàng.
Bởi, mặc dù bạn đứng ra vay tiền giúp chú của bạn, nhưng trong tất cả các giấy tờ, căn cứ xác định nghĩa vụ bạn đều là người đứng tên, ký tên để vay nợ. Dựa trên cơ sở đó, ngân hàng sẽ xác định bạn là bên vay và bạn chính là người có nghĩa vụ trả khoản vay đó khi đến hạn. Nếu bạn không trả số tiền đó theo thỏa thuận thì phía Ngân hàng có quyền yêu cầu bạn thực hiện nghĩa vụ, khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết.
Tuy nhiên, bên cạnh nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng, bạn có quyền yêu cầu người chú kia trả lại số tiền kia cho bạn trên cơ sở người chú đã nhận tiền của bạn (vay tài sản không có lãi). Bạn có thể cung cấp chứng cứ chứng minh chú của bạn đã nhận số tiền bạn vay Ngân hàng cho Tòa án để yêu cầu chú của bạn trả lại khoản tiền trên.
Về việc chú của bạn là người trả lãi. Đây không phải là yếu tố để loại trừ trách nhiệm của bạn trong hợp đồng vay với Ngân hàng. Ngoài ra, việc vay của bạn là dựa trên chế độ ưu đãi của Nhà nước dành cho những đối tượng nhất định, nên việc bạn đứng ra vay hộ chú của bạn đã là một hành vi không hợp pháp, nên, bạn rất có thể sẽ phải chịu những trách nhiệm bất lợi vì đã thực hiện hành vi trên.
Như vậy, do bạn là bên đứng tên vay tiền, cũng đã ký tên vào hợp đồng vay với Ngân hàng nên bạn là bên có nghĩa vụ trả nợ ngân hàng. Bạn phải thực hiện đúng nghĩa vụ theo thỏa thuận. Tuy nhiên, do bạn cho người chú vay số tiền trên, nên bạn có thể yêu cầu chú của bạn trả lại tiền cho bạn trên việc bạn giao tiền cho người chú. Nếu bạn không hoàn trả số tiền, Ngân hàng có thể khởi kiện ra Tòa án yêu cầu bạn trả nợ, việc này sẽ gây những ảnh hưởng nhất định tới công việc của bạn.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.
Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN