Gia đình bị nhục mạ nhiều năm bởi chủ nợ của bố đã chết thì có kiện được không?

Câu hỏi của khách hàng: Gia đình bị nhục mạ nhiều năm bởi chủ nợ của bố đã chết thì có kiện được không?

Mong anh chị tư vấn giúp e với ạ!!

Năm 2013, tức khi ba em còn sống, ông có mượn của bạn ông (là ông H) khoản nợ là 25 triệu. Số nợ này là ông lén vợ con đi vay chứ nhà không ai hay biết gì. Trong giấy nợ ông ký chỉ ghi phải trả trong vòng 6 tháng chứ không đề cập gì đến lãi.

Đến năm 2016 ba em đổ bệnh, ông H đến nhà đòi thì mới vỡ lẽ ra, gia đình em đưa cho ba 25 triệu trả nợ, nhưng do tin tưởng bạn ông trả rồi mà không xé giấy nợ đi.

Cuối 2016 ba em mất, ông cầm giấy nợ đến nhà e đòi bảo “25 triệu đó ba mày trả lãi chứ vốn còn nguyên” ( trong khi giấy nợ đâu có tính lãi)

Ông thường xuyên đến nhà em đòi, và gần đây ông lấy giấy nợ ghi phía sau những lời lẽ nhục mạ gia đình em rồi photo rãi khắp xóm.

Mọi người cho em hỏi nếu em đi kiện lại thì có được không ạ, chứ năm mấy rồi gia đình em mệt mỏi quá.

Mong mọi người giúp em!!!

Em cảm ơn ạ!


Luật sư Tư vấn Bộ luật dân sự – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 18/12/2018

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Nghĩa vụ trả nợ

  • Hiến pháp Việt Nam 2013
  • Bộ luật dân sự 2015
  • Bộ luật hình sự năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017)
  • Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015
  • Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

3./ Luật sư trả lời Gia đình bị nhục mạ nhiều năm bởi chủ nợ của bố đã chết thì có kiện được không?

Theo thông tin bạn cung cấp, bố của bạn có vay một người bạn 25 triệu đồng, trong hợp đồng vay không ghi lãi, và gia đình bạn đã trả số tiền 25 triệu cho bên cho vay. Tuy nhiên, gia đình bạn bị nhục mạ nhiều năm bởi chủ nợ nói gia đình bạn chưa trả nợ gốc, mới chỉ trả lãi, hiện tại bạn muốn biết có thể khởi kiện được không.

Thứ nhất, về việc trả nợ của gia đình bạn. Căn cứ Điều 463 Bộ luật dân sự thì hợp đồng vay tài sản (trong trường hợp của bạn là tiền) được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Theo đó, nghĩa vụ trả lãi của bên vay chỉ phát sinh khi hai bên có thỏa thuận về việc trả lãi.

Mà theo thông tin bạn cung cấp thì hợp đồng vay mà bố của bạn đã ký với chủ nợ không đề cập gì đến lãi của khoản vay. Nên, nếu việc trả nợ không quá hạn vay như đã thỏa thuận, gia đình của bạn (bên vay) không phải chịu trách nhiệm trả lãi. Tức là việc trả 25 triệu trước đó của gia đình bạn được xác định là trả nợ gốc, không phải trả lãi (do không có lãi phát sinh trong hợp đồng vay này).

Tuy nhiên, do gia đình bạn chưa hủy giấy vay nợ nên gia đình bạn sẽ có nghĩa vụ chứng minh việc đã trả số tiền 25 triệu trên nếu việc giải quyết được thực hiện trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Gia đình bạn nên tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu chứng minh chủ nợ đã nhận số tiền 25 triệu của gia đình bạn, tức là gia đình của bạn đã thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng (như file ghi âm, ghi hình cuộc trò chuyện của gia đình với chủ nợ trong đó chủ nợ thừa nhận việc đã nhận của gia đình bạn 25 triệu trả nợ trước đó,…).

Ngoài ra, trong trường hợp bố của bạn vay tiền trong thời kỳ hôn nhân nhưng không cho mẹ của bạn biết, số tiền vay cũng không được sử dụng vào mục đích chung của gia đình thì mẹ của bạn không có nghĩa vụ trả số nợ trên. Mà bên có nghĩa vụ trả nợ là những người đã nhận di sản thừa kế của bố của bạn và phạm vi thực hiện nghĩa vụ trả nợ cũng chỉ nằm trong phạm vi số di sản đã nhận thừa kế.

Bạn có thể tổ chức một cuộc trò chuyện với bên chủ nợ để trình bày phạm vi nghĩa vụ của gia đình, trình bày cho chủ nợ biết, gia đình bạn không có nghĩa vụ trả lãi với khoản vay trên và việc người này không có quyền yêu cầu gia đình bạn trả thêm tiền.

Về việc chủ nợ có những hành vi yêu cầu gia đình bạn trả thêm 25 triệu, có hành vi phát tán giấy nợ phô-tô kèm những lời lẽ nhục mạ gia đình, bạn có thể:

-Căn cứ Điều 20 Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” để yêu cầu các chủ thể có thẩm quyền bảo hộ về danh dự, nhân phẩm của những người trong gia đình.

-Căn cứ Khoản 5 Điều 34 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định:

Điều 34. Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

5.Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.”

Theo đó, gia đình của bạn có quyền yêu cầu chủ nợ đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại (nếu có) vì hành vi lan truyền thông tin sai sự thật (người này đã nhận 25 triệu của gia đình bạn trả trước đó).

Ngoài ra, việc chủ nợ nhục mạ gia đình bạn nhiều lần, lan truyền thông tin sai sự thật còn có thể cấu thành Tội làm nhục người khác quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự hoặc Tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự:

Điều 155. Tội làm nhục người khác

1.Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a)Phạm tội 02 lần trở lên;…

Điều 156. Tội vu khống

1.Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a)Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; …”

Trong trường hợp hành vi chưa đủ cấu thành hình sự thì người có hành vi sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, theo đó, người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

Bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi của chủ nợ tới công an để được giải quyết theo quy định.

Như vậy, danh dự, nhân phẩm người khác là bất khả xâm phạm, việc nhục mạ gia đình bạn nhiều năm của chủ nợ là hành vi xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm người khác. Gia đình bạn có thể tố cáo hành vi của chủ nợ tới công an hoặc khởi kiện ra Tòa yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191