Câu hỏi của khách hàng: Bố mẹ đã ly hôn và có em phụ thuộc kinh tế thì có được hoãn nghĩa vụ không?
xin chào anh chị ạ
em năm nay 20 tuổi em bị mời khám sức khoẻ nghĩa vụ quân sự
nhà cha em năm nay 58 tuổi. cha em bị gãy xương đòn. không làm được việc gì cả
mẹ 56 tuổi không có nghề nghiệp
em có 1 em trai đang học cao đẳng
em làm lương 1 tháng 8 triệu nuôi cả gia đình
cha mẹ em đã ly hôn
vậy em có thuộc diện lao động duy nhất không ạ
em bị đi không biết mọi người sống sao nữa
em em còn học hành gian dở nữa
mong anh chị tư vấn hộ em
Luật sư Tư vấn Luật nghĩa vụ quân sự – Gọi 1900.0191
Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.
1./ Thời điểm tư vấn: 11/01/2019
2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Tạm hoãn nghĩa vụ quân sự
Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015
3./ Luật sư trả lời Bố mẹ đã ly hôn và có em phụ thuộc kinh tế thì có được hoãn nghĩa vụ không?
Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Mọi công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú đều có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt, công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được tạm hoãn hoặc miễn gọi nhập ngũ.
Theo thông tin bạn cung cấp thì chỉ có một mình bạn là lao động trong gia đình, do vậy, bạn có thể xin tạm hoãn nghĩa vụ theo quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 41 Luật nghĩa vụ quân sự:
“Điều 41.Tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ
1.Tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với những công dân sau đây:
… b)Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; …”
Theo đó, bạn sẽ được coi là thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu bạn:
-Là lao động duy nhất của gia đình;
-Phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động.
Mà theo thông tin bạn cung cấp thì gia đình bạn còn 3 người nữa (cha, mẹ cùng em của bạn). Căn cứ Điều 187 Bộ luật lao động:
“Điều 187.Tuổi nghỉ hưu
1.Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. …”
Theo đó, trong trường hợp của bạn, bố của bạn mặc dù chưa đến tuổi nghỉ hưu nhưng lại bị gãy xương đòn, không còn khả năng lao động. Mẹ của bạn thì đã 56 tuổi, đã hết tuổi lao động. Nên có thể tính hai người này là đối tượng không còn khả năng lao động.
Tuy nhiên, em của bạn lại nằm trong độ tuổi lao động, nên không thể coi là không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động. Mặc dù vậy, em của bạn lại đang đi học cao đẳng, không tham gia lao động, tức là không có thu nhập nên bạn vẫn có thể xin được giấy xác nhận của UBND xã về việc bạn là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động (cha, mẹ của bạn).
Sau khi có giấy xác nhận trên, bạn làm thủ tục xin tạm hoãn gọi nhập ngũ theo quy định để được xem xét tạm hoãn gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật.
Căn cứ Khoản 1 Điều 42 Luật nghĩa vụ quân sự thì chủ thể có thẩm quyền quyết định việc tạm hoãn gọi nhập ngũ trong trường hợp của bạn là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, bạn cần xin xác nhận về việc bạn là lao động duy nhất của gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng người không còn khả năng lao động của UBND xã và làm thủ tục xin tạm hoãn gọi nhập ngũ theo quy định của pháp luật để được tạm hoãn gọi nhập ngũ tới khi hết lý do được tạm hoãn trên.
Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.