Công ty không hoạt động đã lâu cần làm gì để lấy lại?

Câu hỏi của khách hàng: Công ty không hoạt động đã lâu cần làm gì để lấy lại?

Mọi người ơi, cho em hỏi với ạ.

Sếp em có một công ty thành lập năm 2010, nhưng 2014 sau khi báo cáo tài chính xong thì công ty không hoạt động nữa. Cũng không làm thủ tục tạm dừng, và vẫn nợ thuế. Có ghi “giám đốc bỏ trốn”. Trong trường hợp này, nếu muốn lấy lại công ty đó. Có nên lấy lại không? Và phải làm những thủ tục gì ạ? Tìm thông tin công ty thì vẫn ghi là: đang hoạt động.


Luật sư Tư vấn Luật Doanh nghiệp – Gọi 1900.0191

Dựa trên thông tin được cung cấp và căn cứ vào các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, các cam kết, thỏa thuận quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ Việt Nam.

1./ Thời điểm tư vấn: 23/01/2019

2./ Cơ sở Pháp Luật điều chỉnh vấn đề Tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp

  • Luật Doanh nghiệp năm 2005;
  • Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

3./ Luật sư trả lời Công ty không hoạt động đã lâu cần làm gì để lấy lại?

Tạm ngừng kinh doanh là một trong những giải pháp doanh nghiệp lựa chọn khi hoạt động kinh doanh gặp khó khăn, cần thời gian để tìm ra phương án giải quyết, cũng như huy động vốn. Pháp luật quy định doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh, tuy nhiên, để đảm bảo thị trường kinh doanh ổn định, hạn chế việc doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh dài hạn, khó kiểm soát, pháp luật quy định doanh nghiệp phải thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Căn cứ khoản 1 Điều 156 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về tạm ngừng kinh doanh như sau:

“1. Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất mười lăm ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh”.

Theo đó, công ty bạn đã ngừng kinh doanh từ năm 2014 mà không thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế là vi phạm quy định của pháp luật về tạm ngừng kinh doanh. Hơn nữa, khoản 3 Điều này cũng quy định: “Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chủ nợ, khách hàng và người lao động có thoả thuận khác”. Do đó, việc công ty bạn vẫn nợ thuế trong quá trình tạm ngừng kinh doanh cũng là một hành vi vi phạm.

Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp năm 2005 thì với việc ngừng hoạt động kinh doanh một năm liên tục mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh, công ty của bạn sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh.

Theo điểm d khoản 1 Điều 157 Luật Doanh nghiệp năm 2005, trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì doanh nghiệp bị giải thể và phải làm thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện lại có sự khác biệt so với quy định của pháp luật, mở rộng hơn về mặt thời hạn. Cụ thể, thông thường sau 02 năm kể từ khi doanh nghiệp tạm ngừng hoạt đồng kinh doanh, cơ quan thuế sẽ khóa mã số thuế của doanh nghiệp. Mã số thuế được sử dụng trong các hoạt động, giao dịch của doanh nghiệp. Không có mã số thuê, doanh nghiệp không thể thực hiện mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, hay các hoạt động giao dịch khác.

Sau khi bị khóa mã số thuế, trong thời hạn 01 năm kể từ ngày khóa mã số thuế mà doanh nghiệp không làm thủ tục xin lấy lại mã số thuế, thì cơ quan thuế sẽ gửi thông báo đến Sở kế hoạch – đầu tư để ra quyết định xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh. Các cổ đông sang lập, chủ sở hữu công ty sẽ bị liệt vào danh sách hạn chế xuất cảnh,… cho đến khi hoàn thành hết các nghĩa vụ tài chính còn nợ với Nhà nước trước và trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.

Hành vi ngừng hoạt động kinh doanh mà không thông báo còn bị xử phạt hành chính. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định số 155/2013/NĐ-CP quy định như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không thông báo bằng văn bản trong thời hạn quy định về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh theo quy định của pháp luật; …”

Theo đó, hành vi tạm ngừng hoạt động kinh doanh mà không thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế theo thời hạn quy định có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Đối với trường hợp của bạn, công ty đã không hoạt động từ năm 2014 cho đến nay đã được khoảng 5 năm. Theo thủ tục nêu trên thì đến nay công ty này có thể đã bị xóa tên khỏi sổ đăng ký kinh doanh và không còn được thực hiện hoạt động kinh doanh nữa. Bạn kiểm tra trên web ghi là “đang hoạt động” thì cần kiểm tra lại tính chính xác của trang web này. Khi công ty đã bị xóa tên khỏi sổ đăng ký kinh doanh thì không thể lấy lại được, mà phải thực hiện đăng ký kinh doanh mới. Kể cả trường hợp công ty còn hoạt động hay đã bị xóa tên thì nghĩa vụ tài chính còn nợ với Nhà nước vẫn phải được thực hiện đầy đủ.

Với những tư vấn trên, Công ty Luật LVN mong rằng đã có thể giải đáp được nhu cầu của quý khách, nếu quý khách vẫn còn chưa rõ hoặc có thông tin mới với trường hợp này, quý khách có thể liên hệ Bộ phận Tư vấn pháp luật Miễn phí số: 1900.0191 để được Luật sư hỗ trợ ngay lập tức.


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191