Bà nội tôi có 1 mảnh đất 512m2, bà có 6 người con, tất cả 4 người con trai lớn đều được bà xin hợp tác xã cấp đất cho khi lập gia đình (thời nhà nước vẫn cấp đất). Người con gái thì đi lấy chồng và nhà chồng cũng được cấp đất ở. Bố tôi là con trai út, vì còn 1 mình bà nên bố tôi ở lại tại mảnh đất của bà và phụng dưỡng bà cho tới khi bà mất và thờ cúng bà sau tang ma. Bây giờ bố tôi muốn được sang tên sổ đỏ mang tên bố tôi nhưng xảy ra tranh chấp với bác gái. Khi đó mọi người đã ký biên bản 4 người con trai nhường quyền cho bố tôi, không tranh chấp, chỉ có bố tôi và bác gái giải quyết với nhau (chưa có công chứng). Cho tôi hỏi, nếu tòa phân xử thì bố tôi sẽ có thể được bao nhiêu phần mảnh đất đó? Biên bản anh em ký tên hôm họp gia đình đó có được pháp luật công nhận khi tòa phân xử không? Xin được cảm ơn.
Gửi bởi: Trần Xuân
Trả lời có tính chất tham khảo
Bạn thân mến, trước hết tôi xin khẳng định việc các chú bạn và bác gái bạn đã được cấp đất không có ảnh hưởng gì tới quyền được hưởng di sản thừa kế do ông bà nội bạn để lại.
Do thông tin bạn cung cấp không rõ bà nội bạn mất năm nào, nếu thời hiệu về thừa kế chưa hết (từ thời điểm bà nội bạn mất đến nay chưa hết 10 năm) thì bác bạn có thể khởi kiện về chia thừa kế, nếu đã hết thì bác bạn không còn quyền khởi kiện chia thừa kế nhưng có thể khởi kiện chia tài sản chung. Cụ thể:
Theo quy định tại điểm 2.4 điều 2 mục I Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì trường hợp hết thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế nêu trên nhưng nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại Nghị quyết thì di sản đó sẽ trở thành tài sản chung của các đồng thừa kế, cụ thể như sau: Trường hợp trong thời hạn mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế nếu các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế hoặc sau khi kết thúc thời hạn mười năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Khi có tranh chấp và yêu cầu Toà án giải quyết thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết…
Như vậy, do bà nội bạn mất đi không để lại di chúc và việc cho bố bạn mảnh đất đó không có hợp đồng tặng cho nên việc tặng cho không có giá trị pháp lý. Bởi theo quy định tại Điều 467 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu theo quy định của pháp luật bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu.
Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Như vậy, khi bác gái bạn khởi kiện ra Toà, nếu xét thấy đã hết thời hiệu khởi kiện chia thừa kế thì toà án sẽ áp dụng quy định trên để chia tài sản chung, căn cứ theo công sức đóng góp để chia, trường hợp không có căn cứ để tính được công sức đóng góp toà án sẽ chia đều mỗi người con được một phần bằng nhau.
Trường hợp chưa hết thời hiệu nêu trên, bác bạn khởi kiện ra tòa, thì sẽ được chi thừa kế theo pháp luật. Cụ thể:
Do bà nội của bạn chết không để lại di chúc thì những người thừa kế theo pháp luật được quyền hưởng di sản thừa kế của bà bạn.
Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo hàng thừa kế và thứ tự sau đây:
Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Nguyên tắc của việc chia thừa kế theo pháp luật:
– Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
– Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Theo quy định trên, những người được quyền hưởng di sản thừa kế của bà bạn gồm có: bố bạn, 4 bác trai và bác gái, những người khác theo hàng thừa kế thứ nhất nêu trên (nếu có).
Tôi giả sử ở đây hàng thừa kế thứ nhất chỉ có 6 người con, thì mảnh đất sẽ được chia thành 6 phần, mỗi người con được một phần (nếu các chú nhường quyền cho bố bạn thì bố bạn sẽ được 5 phần) còn bác gái bạn được 1 phần.
Biên bản đó cần phải được công chứng hoặc chứng thực thì mới có giá trị pháp luật, trong đó cũng cần ghi rõ là phần thừa kế của mỗi người con trai khác đều cho bố bạn (ghi rõ họ tên), tránh trường hợp không ghi rõ tòa án sẽ coi như 4 người kia từ chối nhận thừa kế và mảnh đất sẽ được chia đôi cho bố bạn và bác gái. Bố bạn và các bác trai có thể cân nhắc không thỏa thuận trước khi tòa phân xử mà chỉ ủy quyền cho bố bạn tham gia tố tụng, sau khi có kết quả tòa phân xử cho 6 người thì mới cho bố bạn để tránh việc nhầm lẫn đáng tiếc giữa từ chối hưởng quyền thừa kế với tặng cho tài sản thừa kế.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục Trợ giúp pháp lý
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.