Đang tiến hành thủ tục nhận chuyển nhượng đất qua ủy quyền thì chủ sử dụng đất có khiếu nại

Đang tiến hành thủ tục nhận chuyển nhượng đất qua ủy quyền thì chủ sử dụng đất có khiếu nại

Tôi vừa mua một mảnh đấtthông qua hợp đồng ủy quyền. Chủ thửa đất đó ủy quyền cho chị gái tôi. Chị gái tôi chuyển nhượng mảnh đất cho tôi. Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng tại phòng công chứng. Khi đến làm thủ tục nộp thuế và lấy sổ thì nhân viên tại phòng tài nguyên môi trường thông báo rằng trường hợp của tôi có xảy ra tranh chấp: chủ mảnh đất có đơn khiếu nại nên không làm thủ tục cấp sổ cho tôi. Trong trường hợp này tôi phải làm gì? Liệu tôi có bị mất mảnh đất không?

Gửi bởi: Trịnh Thị Thu Hà

Trả lời có tính chất tham khảo

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Việc chị bạn lập hợp đồng công chứng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bạn, về pháp lý chỉ là thực hiện công việc được ủy quyền. Chủ sử dụng của thửa đất đó vẫn là người có quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng chuyển nhượng mà bạn ký.

Khi chủ sử dụng đất có khiếu nại liên quan đến tài sản, hợp đồng đó thì trước hết, bạn nên tìm hiểu xem nội dung khiếu nại cụ thể là gì. Vì bạn chưa có được thông tin cụ thể về việc khiếu nại nêu trên nên chúng tôi cũng chưa tư vấn được cho bạn hướng giải quyết cụ thể. Và việc bạn có giữ được mảnh đất hay không thì cũng cần phải có những thông tin cụ thể, chi tiết hơn. Liên quan đến vấn đề này thì bạn phải bảo đảm chắc chắn về tính hợp pháp của hợp đồng ủy quyền cũng như hợp đồng chuyển nhượng. Dưới dây là một số quy định liên quan để bạn có thể tham khảo thêm:

* Trước hết, về điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự (Điều 122 Bộ luật Dân sự):

– Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

– Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

– Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.

Hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch trong trường hợp pháp luật có quy định.

* Giao dịch dân sự có thể bị tuyên vô hiệu trong các trường hợp sau:

– Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội (Điều 128 BLDS):

Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo (Điều 129 BLDS):

Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện (Điều 130 BLDS):

Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn (Điều 131 BLDS):

Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu.

Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 BLDS.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa (Điều 132 BLDS):

Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình (Điều 133 BLDS):

Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

– Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức (Điều 134 BLDS):

Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

* Khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng thông qua ủy quyền, thì bạn còn phải lưu ý hợp đồng ủy quyền giữa chủ sử dụng đất và chị gái bạn có còn hiệu lực không.

Hợp đồng ủy quyền chấm dứt trong các trường hợp sau đây (Điều 589 BLDS):

+ Hợp đồng ủy quyền hết hạn;

+ Công việc được ủy quyền đã hoàn thành;

+ Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Ðiều 588 BLDS;

+ Bên ủy quyền hoặc bên được ủy quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết.

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Trả lời bởi: CTV3


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191