Tôi tên Thạch Kim Luông, hộ khẩu thường trú tại khóm 5, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu kè, tỉnh Trà Vinh. Em út của tôi được mẹ ruột lập giấy tờ thủ tục cho một diện tích đất và đã được Uỷ ban nhân dân huyện Cầu Kè xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đến ngày 15 tháng 12 năm 2009, em tôi – Thạch Vĩnh San cùng tôi trực tiếp đến văn phòng Uỷ ban nhân dân thị trấn Cầu Kè, em tôi lập tờ uỷ quyền giao cho tôi được toàn quyền thừa hưởng và định đoạt tài sản của em tôi. Chị em tôi đồng ký tên vào giấy uỷ quyền và sổ đăng ký của tư pháp Thị trấn Cầu Kè. Có sự xác nhận chứng kiến, ký tên của đại diện Uỷ ban nhân dân Thị trấn Cầu kè. Qua một thời gian sau em tôi bệnh và mất. Các giấy tờ liên quan tôi hiện có là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, biên lai thu thuế nhà đất, đơn xác nhận độc thân của em tôi và giấy uỷ quyền. Nay tôi muốn đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất này thì cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Mong nhận được tư vấn của Qúy cơ quan! Chân thành cảm ơn!
Gửi bởi: Thạch Kim Luông
Trả lời có tính chất tham khảo
Để trả lời câu hỏi của bạn, chúng tôi đã xem xét, nghiên cứu những quy định pháp luật hiện hành có liên quan như sau
Điều 581 Bộ luật Dân sự 2005: “Hợp đồng uỷ quyền là sự thỏa thuận giữa các bên theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Điều 589 Bộ luật Dân sự 2005: “Các trường hợp chấm dứt hợp đồng ủy quyền:
– Hợp đồng uỷ quyền hết hạn;
– Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
– Bên ủy quyền, bên được ủy quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 588 của Bộ luật này;
– Bên uỷ quyền hoặc bên được uỷ quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết”.
Đối chiếu với trường hợp của bạn thì hợp đồng ủy quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt diện tích đất của em bạn sẽ bị chấm dứt theo quy định tại Điều 589 Bộ luật Dân sự 2005 đã được nêu ở bên trên khi em bạn chết. Diện tích đất đó sẽ được để thừa kế cho người thừa kế của em bạn.
Tuy nhiên, trong trường hợp của bạn nêu thì em bạn khi chết vẫn độc thân và bạn cũng không đề cập đến việc em bạn có để lại di chúc hay không? Như vậy, để trả lời cho câu hỏi là bạn có được đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên hay không thì phải căn cứ vào việc bạn thuộc trường hợp nào trong hai trường hợp sau đây:
Trường hợp thứ nhất, em bạn để lại di chúc (di chúc hợp pháp) mà trong di chúc em bạn để lại toàn bộ hoặc một phần diện tích đất đó cho bạn thì sau khi nhận di sản, bạn có thể tiến hành làm các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích mà bạn được hưởng.
Trường hợp thứ hai, em bạn không để lại di chúc, khi đó, tài sản của em bạn sẽ được chia theo pháp luật. Vì bạn thuộc hàng thừa kế thứ hai (theo điểm b khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005) nên bạn chỉ có thể được hưởng thừa kế nếu như không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 676 Bộ luật Dân sự 2005 thì hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Các văn bản liên quan:
Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự
Trả lời bởi: Chuyên viên pháp lý – Cục Trợ giúp pháp lý
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.