Hỏi về 1 trường hợp chuyển nhầm tiền trong ngân hàng

Hỏi về 1 trường hợp chuyển nhầm tiền trong ngân hàng


A đã đăng ký mở tài khoản tại ngân hàng, A nạp tiền vào tài khoản của chính họ đồng thời đăng ký dịch vụ SMS banking tại ngân hàng. Số điện thoại A điền trong bản đăng ký đúng là số của họ, nhưng nhân viên ngân hàng nhập sai thành số của người khác là B. Một tuần sau A ra ngân hàng rút tiền thì mới phát hiện ra sự nhầm lẫn này và số tiền trong tài khoản của A đã bị mất đi 1 khoản tiền (khoảng hơn 20 triệu). Sau đó ngân hàng kiểm tra lịch sử giao dịch thấy số điện thoại nhầm kia đã dùng lệnh chuyển khoản qua SMS sang tài khoản của C là chồng (vợ) của B rồi rút tiền ra. Bên ngân hàng đã liên lạc với B là chủ của số điện thoại mà ngân hàng đã nhầm với số của chính chủ (A) để làm việc. Tình tiết ở đây là khi làm việc với B, ngân hàng nói là B đã phạm pháp vì họ chỉ nhầm sang số của người B thôi còn tài khoản thì không phải của B mà là của A nên việc B nhắn tin chuyển tiền sang tài khoản khác rồi rút tiền là hành vi ăn cắp tiền của A. B thì giải thích với ngân hàng là họ đã bị mất điện thoại từ trước đó và không hề biết ai là người đã nhắn tin chuyển tiền, B chỉ công nhận là trong tài khoản của chồng (vợ) của họ (là C) có tiền chuyển về và đã rút tiền rồi tiêu rồi thôi. Và trả lại 5 triệu cho ngân hàng còn số tiền còn lại sẽ trả dần hàng tháng.

Trong câu chuyện trên tôi muốn hỏi:

– A có được bồi thường lại số tiền bị mất kia không? Ai là người phải bồi thường? Ngân hàng hay B?

– Ngân hàng nói B đã ăn cắp tiền từ tài khoản của A có đúng không? B có phải chịu trách nhiệm hình sự gì trong chuyện này không?

– C trong việc này có liên quan gì không? Có phải chịu trách nhiệm như B không? Xin mọi người giải đáp giúp tôi.

Gửi bởi: Nguyen Quyet Thang

Trả lời có tính chất tham khảo

Về trường hợp bạn hỏi chúng tôi xin trả lời như sau:

1/ A có được bồi thường hay không? Và ai là người có trách nhiệm bồi thường? B có ăn cắp tiền từ tài khoản của A không?

Căn cứ theo khoản 1, điều 304, Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao cho người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.

Như vậy trong trường hợp này giữa A và Ngân hàng đã phát sinh một hợp đồng, trong đó Ngân hàng có nghĩa vụ chuyển tiền vào tài khoản của A, nhưng Ngân hàng đã chuyển tiền nhầm sang tài khoản cuả B gây thiệt hại tài sản chi A. Chính vì vậy, A sẽ được bồi thường phần tài sản bị thất thoát và trách nhiệm bồi thường thuộc về Ngân hàng. B là người được lợi về tài sản không có căn cứ, không được coi là ăn cắp tiền từ tài khoản của A.

2/ B có chịu trách nhiệm hình sự gì không?

Khi B được lợi về tài sản không có căn cứ thì theo khoản 1 điều 599, Bộ luật Dân sự 2005 quy định thì phải hoàn trả cho người chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như vậy, nếu trường hợp B nói mất điện thoại và không biết việc chuyển tiền sang tài khoản C là đúng thì B chỉ phải trả lại tiền cho Ngân hàng và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu B cố ý chiếm giữ trái phép tài sản thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 141, Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009: “Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”.

3/ C trong việc này có phải chịu trách nhiệm không?

Vấn đề chịu trách nhiệm của C sẽ được chia làm hai trường hợp:

– Trường hợp C biết B chiếm giữ tài sản trái phép mà còn cố ý rút tiền ra sau khi tiền được chuyển vào tài khoản của C sẽ bị truy cứu trách nhiệm về tội đồng phạm.

– Trường hợp C không biết việc B chiếm giữ tài sản trái phép nêu trên và đã trả lại số tiền cho ngân hàng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

CÔNG TY LUẬT TNHH ĐẠI VIỆT

Địa chỉ: Số 335 Kim Mã – Ba Đình – Hà Nội

Điện thoại: 04.3747 8888 – Email: info@luatdaiviet.vn

Các văn bản liên quan:

Bộ luật 33/2005/QH11 Dân sự

Bộ luật 15/1999/QH10 Hình sự

Trả lời bởi: Z


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191