Thẩm quyền của Tòa án Việt Nam khi trọng tài nước ngoài giải quyết tranh chấp tại Việt Nam
Trong thời gian gần đây, bên cạnh những tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài Việt Nam (như của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam gọi tắt tiếng Anh là VIAC) tại Việt Nam, đã xuất hiện những tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nước ngoài (tức thành lập theo pháp luật nước ngoài (1) tại Việt Nam.
Ví dụ, Hợp đồng mua bán số 84-346.2 được ký kết giữa Conares Metal Supply L.t.d và Công ty cơ khí kết cấu thép xây dựng có thỏa thuận tranh chấp “sẽ được giải quyết chung thẩm theo quy tắc Trọng tài của Phòng Thương mại quốc tế (sau đây gọi tắt là ICC), nơi giải quyết Trọng tài là Hà Nội”. Thực tế các bên có tranh chấp về hợp đồng và phía nước ngoài đã khởi kiện ra Trọng tài của ICC với nơi giải quyết tranh chấp là tại Hà Nội (Việt Nam). Tương tự trong vụ việc sau đây (mà chúng ta sẽ sử dụng để minh họa cho bài viết): theo thỏa thuận của Hợp đồng ký ngày 11/1/2005 và Điều khoản tham chiếu do Hội đồng trọng tài của ICC lập đã được các bên ký ngày 02/9/2011 thì các bên đã chọn Luật áp dụng là Luật Việt Nam, tố tụng trọng tài được tiến hành phù hợp với Luật Trọng tài Việt Nam và địa điểm giải quyết tranh chấp là TP. Hồ Chí Minh. Cũng như trong vụ việc trước, ở đây Trọng tài giải quyết tranh chấp là Trọng tài của ICC và địa điểm giải quyết tranh chấp là tại Việt Nam.
Khi vụ việc được giải quyết bằng Trọng tài Việt Nam tại Việt Nam thì hiển nhiên Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với nhiều vấn đề từ khi vụ việc được thụ ký (như áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, xác định thẩm quyền của Trọng tài, triệu tập nhân chứng…) đến sau khi có phán quyết trọng tài (như xem xét hủy phán quyết trọng). Khi tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền như đối với Trọng tài Việt Nam đã nêu trên không? Thông qua vụ việc thứ hai nêu trên, chúng ta thấy Tòa án Việt Nam có thẩm quyền và qua đây, chúng ta sẽ làm rõ phạm vi thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
1. Ghi nhận thẩm quyền của Tòa án Việt Nam
1.1. Tòa án chấp nhận thẩm quyền
Đối với Trọng tài nước ngoài, hiện có hai quan điểm về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam. Quan điểm thứ nhất cho rằng, Tòa án Việt Nam chỉ có thẩm quyền đối với Trọng tài Việt Nam, không có thẩm quyền đối với Trọng tài nước ngoài (vì được thành lập theo pháp luật nước ngoài). Quan điểm ngược lại cho rằng, Tòa án Việt Nam không chỉ có thẩm quyền đối với Trọng tài Việt Nam mà cả với Trọng tài nước ngoài khi địa điểm giải quyết tranh chấp tại Việt Nam.
Trong vụ việc nêu trên, Trọng tài giải quyết tranh chấp được thành lập là Trọng tài ICC nhưng địa điểm giải quyết tranh chấp là tại Việt Nam. Ở đây, Hội đồng trọng tài của ICC đã cho rằng, Hội đồng trọng tài có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Công ty OB và UBND Thành phố H. Tuy nhiên, quyết định theo đó Hội đồng trọng tài ICC chấp nhận thẩm quyền được ban hành tại TP. Hồ Chí Minh đã bị khiếu nại tại Tòa án Việt Nam, cụ thể là tại Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh. Trên cơ sở một số quy định của Luật Trọng tài thương mại của Việt Nam (đang có hiệu lực), Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định “Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh có thẩm quyền xem xét quyết định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài” (2).
Như vậy, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định Tòa án có thẩm quyền để xem xét lại Quyết định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài nước ngoài. Điều đó cũng có nghĩa là, theo Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền xem xét quyết định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài cho dù đây là Trọng tài nước ngoài khi địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là tại Việt Nam.
1.2. Cơ sở pháp lý ghi nhận thẩm quyền
Trên cơ sở nào Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam?
Về thẩm quyền của Tòa án đối với việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, khoản 1 và 3 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định “yêu cầu liên quan đến việc Trọng tài thương mại Việt Nam giải quyết các vụ tranh chấp theo quy định của pháp luật về Trọng tài thương mại; yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam quyết định kinh doanh, thương mại của Trọng tài nước ngoài” là “những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án”. Nếu chỉ căn cứ vào quy định vừa nêu, chúng ta không có cơ sở để lý giải thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với hoạt động tố tụng Trọng tài nước ngoài vì hai điều khoản này chỉ nói đến việc “giải quyết các vụ tranh chấp” của “Trọng tài thương mại Việt Nam”, đối với quyết định “của Trọng tài nước ngoài”, điều khoản trên chỉ đề cập đến “yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam”, tức là khi hoạt động tố tụng trọng tài đã kết thúc.
Thực ra, Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự về yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án còn một điều khoản nữa ghi nhận thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với các vấn đề không được nêu trong hai điều khoản trên. Đó là khoản 4, theo đó “các yêu cầu khác về kinh doanh, thương mại mà pháp luật có quy định” cũng “thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án”. Quy định này cho phép ghi nhận thẩm quyền của Tòa án không trên cơ sở các quy định cụ thể của Bộ luật Tố tụng dân sự mà trên cơ sở quy định trong văn bản khác (3). Vậy Luật Trọng tài thương mại hiện hành của chúng ta có quy định ghi nhận thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam không?
Trong Quyết định số 625/2012/QĐST-KDTM ngày 14/5/2012 nêu trên, Tòa án đã viện dẫn “điểm c khoản 2 Điều 7 (4)” và “khoản 3 Điều 7 (5) Luật Trọng tài thương mại” nhưng hai điều khoản này không rõ về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
Thực ra, hai điều khoản vừa nêu chỉ cho biết Tòa án cụ thể nào trong hệ thống Tòa án của Việt Nam có thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng trọng tài mà không cho biết Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam hay không. Nói cách khác, khi Tòa án Việt Nam có thẩm quyền, hai điều khoản trên cho biết Tòa án cấp và nơi cụ thể nào (Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…?) có thẩm quyền trong khi đó chúng ta đang xem xét là Tòa án Việt Nam có thẩm quyền hay không đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Chính vì lẽ đó, mà ngày 11/07/2012, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản số 899/TATP-TKT với nội dung giải thích quyết định nêu trên. Ở văn bản này, để khẳng định thẩm quyền của Tòa án đối với việc xem xét lại Quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã viện dẫn thêm Điều 1 Luật Trọng tài thương mại, theo đó “Luật này quy định về…; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài” để khẳng định “như vậy, có thể thấy rõ rằng, Luật Trọng tài thương mại quy định thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài là thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động trọng tài mà không có sự phân biệt Trọng tài trong nước hay nước ngoài”.
Với trình bày trên, chúng ta thấy, Tòa án đã căn cứ vào Điều 1 Luật Trọng tài thương mại hiện hành để cho rằng, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối “hoạt động trọng tài nước ngoài tại Việt Nam”.
1.3. Đối chiếu so sánh với pháp luật nước ngoài
Nghiên cứu so sánh cho thấy, hướng thừa nhận thẩm quyền như trên không xa lạ. Không hiếm hệ thống pháp luật ghi nhận thẩm quyền của Tòa án nước mình đối với hoạt động trọng tài trên lãnh thổ nước mình cho dù đó là hoạt động của Trọng tài nước ngoài (6).
Tây Ban Nha có Luật Trọng tài năm 2003 được sửa đổi, bổ sung năm 2011. Trong Luật này có nhiều quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động của Trọng tài (như chỉ định hay thay đổi Trọng tài viên, trợ giúp trọng tài trong việc thu thập chứng cứ, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời) và Điều 1 Luật Trọng tài Tây Ban Nha quy định: “Luật này áp dụng cho trọng tài có địa điểm trên lãnh thổ Tây Ban Nha dù là trọng tài quốc nội hay quốc tế” (7). Quy định này cho phép Tòa án Tây Ban Nha can thiệp đối với hoạt động trọng tài diễn ra tại Tây Ban Nha. Tương tự như vậy theo pháp luật của Áo: Áo sửa đổi pháp luật trọng tài vào năm 2006 và theo Luật năm 2006, Tòa án Áo có thẩm quyền chỉ định hay thay đổi trọng tài viên, trợ giúp trọng tài, giải quyết hủy phán quyết trọng tài… và phạm vi áp dụng Luật này là đối với Trọng tài (quốc nội hay quốc tế) có địa điểm tại Áo (7). Ở Tunisi, “sự can thiệp của Tòa án không thể giới hạn ở trợ giúp Trọng tài; đương nhiên một sự kiểm soát trước Tòa án Tunisi tồn tại khi trọng tài diễn ra ở Tunisi”. Ở đây, Tòa án Tunisi có cả thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài “khi trọng tài diễn ra trên lãnh thổ Tunisi hay khi quy định về trọng tài của Tunisi được các bên hoặc Hội đồng trọng tài lựa chọn” (địa điểm trọng tài tại Tunisi chỉ là một tiêu chí ghi nhận thẩm quyền của Tòa án Tunisi đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài) (9).
Pháp mới sửa đổi pháp luật trọng tài vào năm 2011 và đã mở rộng trường hợp Tòa án (thẩm phán) Pháp có thẩm quyền can thiệp đối với hoạt động tố tụng trọng tài theo hướng địa điểm trọng tài tại Pháp chỉ là một trong các tiêu chí ghi nhận thẩm quyền của Tòa án Pháp. Theo Điều 1505 Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp, Tòa án Pháp có thẩm quyền trong 4 trường hợp sau: Thứ nhất, khi nơi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là Pháp; thứ hai, khi các bên thỏa thuận áp dụng pháp luật tố tụng trọng tài của Pháp; thứ ba, khi các bên thỏa thuận Tòa án Pháp có thẩm quyền đối với bất đồng trong quá trình tố tụng; thứ tư, khi có khả năng không có Tòa án nước nào thừa nhận thẩm quyền (điều đó có nghĩa là Tòa án Pháp có thẩm quyền ngay cả đối với hoạt động trọng tài không diễn ra tại Pháp, tức được ấn định ở nước ngoài (10). Ngoài ra, theo Điều 1518 Bộ luật Tố tụng dân sự Pháp, Tòa án Pháp có thẩm quyền xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài được tuyên tại Pháp(11).
1.4. Nhận xét bổ sung
Như vậy, đối với trường hợp tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, trên cơ sở Điều 1 Luật Trọng tài thương mại hiện hành, Tòa án đã cho rằng, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Hướng ghi nhận thẩm quyền như trên chưa được thể hiển rõ trong văn bản hiện hành của chúng ta (12) nhưng theo chúng tôi, cần được ghi nhận và phát triển đối với vụ việc tương tự (có thể coi là viên gạch đầu tiên trong việc hình thành một án lệ trong lĩnh vực trọng tài(13)): hoạt động tố tụng của Trọng tài trên lãnh thổ Việt Nam cần chịu sự chi phối, tác động (trợ giúp, giám sát) của Tòa án Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam. Hướng ghi nhận như trên không xa lạ trên thế giới; nhiều nước đã theo hướng Tòa án của họ có thẩm quyền trợ giúp cũng như giám sát hoạt động tố tụng trọng tài trên lãnh thổ nước họ và không phân biệt trọng tài liên quan là trọng tài trong nước hay trọng tài nước ngoài.
Vấn đề tiếp theo mà chúng ta cần quan tâm là Tòa án có thẩm quyền đối với những hoạt động cụ thể nào của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
2. Phạm vi thẩm quyền của Tòa án Việt Nam
2.1. Xem xét thẩm quyền của Hội đồng trọng tài
Trong quá trình tố tụng trọng tài, chúng ta thường gặp trường hợp một bên phủ nhận thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Đối với hoàn cảnh này, pháp luật hiện nay theo hướng Hội đồng trọng tài tự giải quyết bất đồng giữa các bên về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (14).
Khi Hội đồng trọng tài ra quyết định về thẩm quyền của mình (có thẩm quyền hay không có thẩm quyền), một bên có quyền yêu cầu Tòa án can thiệp để xem xét lại vấn đề thẩm quyền của Hội đồng trọng tài không? Ở Pháp, Tòa án không can thiệp vào chủ đề này và chỉ tập trung giám sát kết quả của hoạt động trọng tài (tức tập trung vào xem xét sau khi có phán quyết trọng tài) (15). Pháp luật của chúng ta theo hướng rất khác. Cụ thể, theo khoản 1 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại, “trong trường hợp không đồng ý với quyết định của Hội đồng trọng tài quy định tại Điều 43 của Luật này (Xem xét thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài), trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định của Hội đồng trọng tài, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu Toà án có thẩm quyền xem xét lại quyết định của Hội đồng trọng tài”.
Điều đó có nghĩa là, trong hoạt động tố tụng trọng tài, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền xem xét lại Quyết định của Hội đồng trọng tài về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài. Quy định trên hiển nhiên được áp dụng cho Trọng tài Việt Nam và, theo quyết định nêu trên của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh, cũng được áp dụng cho Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Ở đây, trên cơ sở “Điều 43 và Điều 44 Luật Trọng tài thương mại”, Tòa án quyết định “Hội đồng trọng tài Quốc tế ICC không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa Công ty OB và UBND Thành phố H” (việc Tòa án xác định Hội đồng trọng tài của ICC không có thẩm quyền cho thấy Tòa án có thẩm quyền xem xét thẩm quyền của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam).
2.2. Đối với các vấn đề khác của tố tụng trọng tài
Với hướng giải quyết trên, quyết định cho thấy Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải các bất đồng trong quá trình tố tụng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài cho dù đó là Trọng tài nước ngoài khi địa điểm trọng tài ở Việt Nam.
Trong quá trình tố tụng trọng tài, pháp luật hiện hành còn có quy định ghi nhận thẩm quyền của Tòa án đối với nhiều vấn đề khác như triệu tập người làm chứng (16), áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (17). Đối với trọng tài vụ việc, Tòa án còn có thẩm quyền chỉ định hay thay đổi Trọng tài viên(18).
Quy định trên đương nhiên được áp dụng đối với Trọng tài Việt Nam. Trong quyết định của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh nêu trên, các vấn đề trên không được đề cập đến và, theo chúng tôi, các quy định trên cũng được áp dụng đối với Trọng tài nước ngoài khi địa điểm giải quyết tranh chấp là tại Việt Nam. Về nguyên tắc, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài Việt Nam tại Việt Nam trong những trường hợp nào thì cũng có thẩm quyền trong những trường hợp tương ứng đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam.
2.3. Đối với phán quyết trọng tài
Trọng tài nước ngoài có thể ra phán quyết đối với vụ việc được giải quyết tại Việt Nam (phán quyết trọng tài là một quyết định trọng tài nhưng không phải quyết định trọng tài nào cũng là phán quyết trọng tài. Quyết định cuối cùng của Hội đồng trọng tài về nội dung tranh chấp là phán quyết trọng tài (19) còn quyết định trong quá trình tố tụng chỉ là một quyết định trọng tài thông thường trong quá trình giải quyết tranh chấp (20) với cơ chế điều chỉnh rất khác so với phán quyết trọng tài (21)). Đối với vụ việc mà chúng ta đang nghiên cứu, chúng tôi chưa thấy có phán quyết trọng tài về nội dung tranh chấp nhưng, đối với vụ việc liên quan đến Conares Metal Supply Ltd. nêu trên, Trọng tài của ICC đã ra phán quyết và câu hỏi được đặt ra là Tòa án Việt Nam có thẩm quyền gì đối với phán quyết loại này?
Đối với phán quyết trọng tài (tức quyết định cuối cùng về nội dung tranh chấp), pháp luật hiện hành của chúng ta có hai cơ chế điều chỉnh rất khác nhau. Đối với quyết định (phán quyết) của Trọng tài nước ngoài, chúng ta có quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự và Công ước New York năm 1958 về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam (22)(lúc này Tòa án có thẩm quyền công nhận hay không công nhận phán quyết trọng tài) còn, đối với phán quyết trọng tài trong Luật Trọng tài thương mại, chúng ta có quy định về thi hành phán quyết trọng tài(23) mà không có thủ tục công nhận và cho thi hành nhưng phán quyết trọng tài có thể bị yêu cầu hủy tại Tòa án (lúc này Tòa án có thẩm quyền để quyết định hủy hay không hủy phán quyết trọng tài) (24). Đối với phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam mà chúng ta đang nghiên cứu, chúng ta áp dụng cơ chế nào trong hai cơ chế trên?
Theo khoản 12 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại: “Phán quyết của trọng tài nước ngoài là phán quyết do Trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn”. Quy định này tương thích với khoản 2 Điều 342 Bộ luật Tố tụng dân sự về quyết định trọng tài nước ngoài (25). Với quy định như vừa nêu, có nhiều khả năng quyết định (phán quyết) của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam phải theo thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam như trường hợp liên quan đến Conares Metal Supply Ltd. nêu trên (ở vụ việc này, phán quyết của Trọng tài ICC đã theo thủ tục công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam) (26).
2.4. Giá trị của phán quyết Trọng tài nước ngoài
Trong vụ việc mà chúng ta đang nghiên cứu, Tòa án đã ra quyết định theo hướng Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết. Trong thực tiễn những năm gần đây, loại quyết định theo hướng Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp không hiếm đối với Trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam (tức Trọng tài Việt Nam).
Khi Tòa án ra quyết định theo hướng Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền, chúng tôi chưa gặp trường hợp nào Hội đồng trọng tài (Việt Nam) tiếp tục giải quyết (27). Điều này cho thấy, quyết định của Tòa án đã được Trọng tài Việt Nam tôn trọng trong thực tế. Tuy nhiên, sự tôn trọng đối với quyết định của Tòa án về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài không luôn tồn tại đối với Trọng tài nước ngoài. Thực tế có thể xảy ra trường hợp Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam không chấp nhận quyết định của Tòa án Việt Nam về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài và tiếp tục giải quyết tranh chấp, ban hành phán quyết về nội dung của tranh chấp. Trong vụ việc đang được nghiên cứu, Tòa án đã theo hướng Hội đồng trọng tài của ICC không có thẩm quyền nhưng có nhiều khả năng Hội đồng trọng tài vẫn tiếp tục giải quyết và ra phán quyết của mình. Trong trường hợp này, phán quyết của Trọng tài không có giá trị pháp lý ở Việt Nam, không được thi hành tại Việt Nam.
Tuy nhiên, phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được chấp nhận ở Việt Nam không có nghĩa là không thể được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài. Ở một số nước như Pháp, phán quyết của Trọng tài nước ngoài vẫn có thể được công nhận và cho thi hành mặc dù bị hủy theo pháp luật của nước nơi phán quyết được tuyên (28). Do đó, phía nước ngoài vẫn có thể đưa phán quyết của Trọng tài ra nước ngoài thi hành nếu phía Việt Nam có tài sản ở nước ngoài; phán quyết Trọng tài không có giá trị đối với phía Việt Nam ở Việt Nam nhưng vẫn có thể ràng buộc họ ở nước ngoài nếu pháp luật nước ngoài cho phép công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài bị hủy ở nước mà tranh chấp được giải quyết. Đây là điều mà phía Việt Nam cần lưu ý, nhất là khi họ có tài sản (cố định hay lưu động như xe, tầu, máy bay) ở nước ngoài và không nên ngộ nhận rằng phán quyết trọng tài bị hủy ở Việt Nam sẽ không được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài (29).
3. Kết luận
Vấn đề Tòa án Việt Nam có thẩm quyền can thiệp vào hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài ở Việt Nam đã được đặt ra trong quá trình xây dựng Luật Trọng tài thương mại và hiện nay vẫn có quan điểm trái chiều nhau.
Trong vụ việc được nghiên cứu, Tòa án đã ra Quyết định về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài nước ngoài và là quyết định đầu tiên mà chúng tôi biết liên quan đến thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Trước sự chưa rõ ràng của văn bản và trước những quan điểm trái chiều nhau về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, Quyết định này đáng được lưu tâm và không thiếu yếu tố thuyết phục. Về phạm vi thẩm quyền, Tòa án có thẩm quyền trong những trường hợp nào đối với Trọng tài Việt Nam tại Việt Nam thì cũng có thẩm quyền trong trường hợp tương ứng đối với Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Đối với phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta theo cơ chế công nhận và cho thi hành quyết định trọng tài nước ngoài tại Việt Nam (không theo cơ chế hủy phán quyết trọng tài như đối với Trọng tài Việt Nam).
Kinh nghiệm cho thấy, Tòa án nơi Trọng tài giải quyết tranh chấp có thẩm quyền trợ giúp và giám sát Trọng tài là điều bình thường. Tuy nhiên, nội dung can thiệp của Tòa án vào hoạt động tố tụng của Trọng tài có thể ảnh hưởng đến uy tín của hệ thống pháp luật của Tòa án và uy tín của hệ thống pháp luật của chúng ta không phụ thuộc nhiều vào vấn đề Tòa án của chúng ta có thẩm quyền hay không đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài, mà vào vấn đề thẩm quyền đó được sử dụng như thế nào trong thực tế. Chúng tôi ủng hộ việc ghi nhận thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài ở Việt Nam và hy vọng, khi có thẩm quyền, Tòa án của chúng ta đưa ra được những phán quyết thấu tình, đạt lý (30). Lưu ý rằng, nếu chúng ta ứng xử quá bất lợi cho Trọng tài nước ngoại tại Việt Nam, thì sẽ dẫn đến tình trạng các vụ việc liên quan đến phía Việt Nam sẽ không được giải quyết tại Việt Nam, mà sẽ được giải quyết ở nước ngoài (như ở Paris, Hồng Kông, Singapore) và lúc đó phía Việt Nam gánh chịu nhiều bất lợi.
(1). Theo khoản 11 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại, “Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam”.
(2). Trong Quyết định số 625/2012/QĐST-KDTM ngày 14/5/2012 của Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
(3). Trong thực tế việc khai thác quy định trong văn bản khác Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định thẩm quyền của Tòa án là khá phổ biến. Ví dụ, liên quan đến một mảnh đất bà Hương chuyển nhượng quyền sử dụng cho chị Tho và chị Tho yêu cầu bà Hương cùng chồng (ông Thiện) thực hiện thủ tục sang tên, trong Quyết định số 168/2012/DS-GĐT ngày 28/3/2012 Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao đã xét rằng, “do vợ chồng bà Hương, ông Thiện phải thi hành một bản án khác có liên quan đến diện tích đất nêu trên của chị Tho nên Thi hành án dân sự huyện Nhơn Trạch có thông báo bằng văn bản cho chị Tho có quyền khởi kiện tại Tòa án. Như đã phân tích, thực tế không có tranh chấp về quyền sử dụng đất mà chị Tho chỉ yêu cầu được xác định 166m2 đất thuộc quyền sử dụng của chị. Lẽ ra, trong trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm hướng dẫn chị Tho viết lại đơn khởi kiện và Tòa án căn cứ vào khoản 6, Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 “các yêu cầu khác về dân sự mà pháp luật có quy định” để thụ lý việc dân sự và xác định quan hệ là “yêu cầu xác định quyền sử dụng tài sản”. Các yêu cầu khác về dân sự mà pháp luật quy định trong trường hợp cụ thể này được quy định tại Điều 41 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 (nay là Điều 74 Luật Thi hành án dân sự năm 2008). Do đó, việc giải quyết yêu cầu của chị Tho thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân huyện Nhơn trạch”.
(4). “Đối với yêu cầu giải quyết khiếu nại quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài thì Tòa án có thẩm quyền là Tòa án nơi Hội đồng trọng tài ra quyết định;”.
(5). “Tòa án có thẩm quyền đối với hoạt động trọng tài quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.
(6). Theo một số chuyên gia về trọng tài, “rất nhiều hệ thống pháp luật, trực tiếp hay gián tiếp, theo hướng những quy định tố tụng của họ đương nhiên áp dụng cho trọng tài có địa điểm trên lãnh thổ nước mình, không cần phải phân biệt đó là trọng tài quốc nội hay quốc tế”: Ph. Fouchard, E. Gaillard và B. Goldman, Traité de l’arbitrage commercial international, Nxb. Litec 1996, phần số 92.
(7). Về pháp luật trọng tài Tây Ban Nha, xem La nouvelle loi espagnole sur l’arbitrage: Gazette du Palais, 04/12/2004 n° 339, tr. 5; Carmen NÚÑEZ-LAGOS, Réflexions autour de la réforme de la Loi Espagnole d’Arbitrage: Cahiers de l’arbitrage, 01/01/2012, n° 1, tr. 235.
(8). Xem Christoph LIEBSCHER và Florian HAUGENEDER, Autriche: le nouveau droit de l’arbitrage: Gazette du Palais, 22 avril 2006 n° 112, tr. 14.
(9). Lotfi CHEDLY, L’arbitrage international en droit tunisien.- Quatorze ans après le Code: Journal du droit international (Clunet) n° 2, Avril 2008, doctr. 4, phần số 64.
(10). Thomas CLAY, Le siège de l’arbitrage international entre «ordem» et « progresso»: Gazette du Palais, 02/7/2008 n° 184, tr. 20, phần số 18.
(11). Về pháp luật trọng tài Pháp sau khi sửa đổi năm 2011, xem Thomas CLAY, L’appui du juge à l’arbitrage: Cahiers de l’arbitrage, 01/4/2011 n° 2, tr. 331; Sylvain BOLLÉE, Le droit français de l’arbitrage international après le décret n° 2011-48 du 13 janvier 2011: Revue critique de droit international privé 2011, tr. 553.
(12). Theo Điều 1 Luật Trọng tài thương mại, Luật này quy định về “tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam” và, trong phần sau, Luật Trọng tài chỉ có quy định về “điều kiện và hình thức” hoạt động của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam” (Điều 73 và tiếp theo). Ở đây, Luật có quy định rõ về hoạt động của Tổ chức trọng tài nước ngoài như văn phòng đại diện, chi nhánh cũng như quyền và nghĩa vụ của Tổ chức trọng tài nước ngoài tại Việt Nam nhưng không nói rõ về “hoạt động giải quyết vụ việc” của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam. Nói cách khác, Luật Trọng tài thương mại hiện hành chưa thực sự minh thị về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với hoạt động tố tụng của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam và Tòa án thừa nhận thẩm quyền can thiệp của mình là do hiểu “thông thoáng” các quy định tại Điều 1.
(13). Nghị quyết 48-NQ/TW ban hành ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống phát luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, nêu rõ: “Nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật”. Thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW, UBTVQH Khóa XI đã ban hành Kế hoạch số 900/UBTVUQH11 ngày 21/3/2007, trong đó đề ra nhiệm vụ “nghiên cứu và phát triển việc tổng hợp án lệ” trong giai đoạn từ 2007 đến 2012.
(14). Theo khoản 1 Điều 43 Luật Trọng tài thương mại Việt Nam, “trước khi xem xét nội dung vụ tranh chấp, Hội đồng trọng tài phải xem xét hiệu lực của thỏa thuận trọng tài; thỏa thuận trọng tài có thể thực hiện được hay không và xem xét thẩm quyền của mình. Trong trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì Hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này. Trường hợp không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc xác định rõ thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được thì Hội đồng trọng tài quyết định đình chỉ việc giải quyết và thông báo ngay cho các bên biết”.
(15). Emmanuel GAILLARD và Pierre DE LAPASSE, Commentaire analytique du décret du 13janvier 2011 portant réforme du droit français de l’arbitrage: Cahiers de l’arbitrage, 01/4/2011 n° 2, tr. 263, phần số 99.
(16). Về chủ đề này, xem Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về Trọng tài thương mại, Nxb. CTQG 2011, phần số 181 và 182.
(17). Về chủ đề này, xem Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, sđd, phần số 227 và tiếp theo.
(18). Về chủ đề này, xem Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, sđd, phần số 107 và tiếp theo.
(19). Theo khoản 10 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại, “Phán quyết trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp và chấm dứt tố tụng trọng tài”.
(20). Theo khoản 9 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại, “Quyết định trọng tài là quyết định của Hội đồng trọng tài trong quá trình giải quyết tranh chấp”.
(21). Đối với quyết định của Hội đồng trọng tài về thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, Tòa án có thẩm quyền xem xét lại như trong vụ việc đang được bình luận và chỉ có một thẩm phán duy nhất xem xét (khoản 4 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại). Ngược lại, nếu là phán quyết trọng tài, Tòa án có thẩm quyền để hủy nhưng với một Hội đồng gồm 03 thẩm phán (khoản 2 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại) và ”phiên họp được tiến hành với sự có mặt của các bên tranh chấp, luật sư của các bên, nếu có, Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp” (khoản 3 Điều 71 Luật Trọng tài thương mại). Trong văn bản Giải thích Quyết định mà chúng ta đang bình luận (xem phần số 4), Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh sự khác nhau giữa quyết định trọng tài và phán quyết trọng tài khi xét rằng, trong trường hợp các bên cho rằng, Tòa án cần phải tiến hành lập Hội đồng xét đơn và mở phiên họp để xét xử, các bên cần cung cấp bằng chứng cho Tòa chứng minh rằng, Quyết định sơ bộ của Hội đồng trọng tài ICC là một phán quyết trọng tài mà không phải là quyết định trọng tài. Nếu có đủ cơ sở để chứng minh như vậy, Tòa án sẽ tiến hành thành lập Hội đồng xét đơn và mở phiên họp để OB được tham gia quá trình xét đơn để bảo vệ quyền lợi của mình.
(22). Theo khoản 4 Điều 343 Bộ luật Tố tụng dân sự, “quyết định của Trọng tài nước ngoài chỉ được thi hành tại Việt Nam sau khi được Toà án Việt Nam công nhận và cho thi hành”.
(23). Theo khoản 1 Điều 66 Luật Trọng tài thương mại, “hết thời hạn thi hành phán quyết trọng tài mà bên phải thi hành phán quyết không tự nguyện thi hành và cũng không yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài theo quy định tại Điều 69 của Luật này, bên được thi hành phán quyết trọng tài có quyền làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thi hành phán quyết trọng tài”. Với quy định này, nếu không có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài, phán quyết trọng tài được thi hành ở Việt Nam như bản án của Tòa án mà không cần phải qua thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam.
(24). Về những điểm khác nhau đối với hai loại phán quyết (quyết định) này, xem Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, sđd, phần số 329 và tiếp theo.
(25). “Quyết định của Trọng tài nước ngoài là quyết định được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam của Trọng tài nước ngoài do các bên thoả thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại, lao động”
(26). Về vụ việc này, xem Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, Tuyển tập bản án, quyết định của Tòa án Việt Nam về trọng tài thương mại, Nxb. Lao động 2010, quyết định số 44 và 45.
(27). Theo khoản 6 Điều 44 Luật Trọng tài thương mại, “trong trường hợp Toà án quyết định vụ tranh chấp không thuộc thẩm quyền của Hội đồng trọng tài, không có thỏa thuận trọng tài, thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được, Hội đồng trọng tài ra quyết định đình chỉ giải quyết tranh chấp”.
(28). Về chủ đề này, xem Đỗ Văn Đại và Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về…, sđd, phần số 397; Rodrigo BORDACHAR URRUTIA, Conférence de l’ICC YAF sur la reconnaissance et exécution des sentences arbitrales annulées au siège de l’arbitrage, Santiago du Chili, 28mars 2012: Cahiers de l’arbitrage, 01/4/2012 n° 2, tr. 468.
(29). Hiện nay còn khá nhiều luật gia Việt Nam cho rằng phán quyết trọng tài đã bị hủy ở Việt Nam sẽ không có giá trị ở nước ngoài (tại Hội thảo tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2009 về hủy quyết định trọng tài, rất nhiều luật gia đã phản đối việc chúng tôi cho rằng phán quyết trọng tài bị hủy ở Việt Nam vẫn có thể được công nhận và cho thi hành ở nước ngoài nếu pháp luật nước ngoài cho phép điều này).
(30). Trong thực tế, đối với cùng một vụ việc, đã xảy ra trường hợp Tòa án nước này cho rằng Trọng tài có thẩm quyền nhưng Tòa án nước khác theo hướng Trọng tài không có thẩm quyền do không có thỏa thuận trọng tài (xem Gilles CUNIBERTI, Divergence d’appréciation entre juges français et anglais du contrôle sur l’existence d’une convention d’arbitrage: Cahiers de l’arbitrage, 01/4/2011 n° 2, tr. 433). Điều này phần nào cho thấy có nhiều vấn đề mà hướng giải quyết không phụ thuộc vào việc người được yêu cầu giải quyết có quyền hay không có quyền quyết định mà phụ thuộc vào ý chí chủ quan của người quyết định.
PGS.TS. Đỗ Văn Đại
Tham khảo thêm:
- Đẩy mạnh công tác trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Lý luận và thực trạng quản lý nhà nước đối với đội ngũ giảng viên Học viện Cán bộ thành phố Hồ Chí Minh
- Vướng mắc khi áp dụng quy định về tập sự hành nghề công chứng
- Giải pháp để tránh rủi ro khi việc kết hôn với người nước ngoài gia tăng
- Đôi điều về năng lực và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên
- Hướng dẫn nghiệp vụ công tác tư pháp
- Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý xã Thạch Bình – Cầu nối giữa pháp luật với nhân dân
- Thừa phát lại Bình Định – Kết quả và những khó khăn cần tháo gỡ
- Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh Nghệ An
- Một số vướng mắt về áp dụng biện pháp cưỡng chế Thi hành án dân sự
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.