Vấn đề bảo đảm quyền con người trong Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi

Vấn đề bảo đảm quyền con người trong Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi

08/05/2014

Quyền con người là một nội dung lớn của thế giới ngày nay. Để thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, mỗi quốc gia cần phải thường xuyên chú trọng giáo dục, tuyên truyền, phổ biến và luật hóa quyền con người. Là thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người, Nhà nước Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các cam kết của mình; đồng thời chủ động hợp tác với các quốc gia và các tổ chức quốc tế trong nhiều hoạt động trên lĩnh vực quyền con người. Những năm qua, các hình thức phổ cập về quyền con người luôn luôn được đẩy mạnh. Bên cạnh việc giảng dạy môn học quyền con người trong nhà trường, nhiều cơ quan nhà nước, nhiều tổ chức thuộc hệ thống chính trị và cơ quan khoa học đã phối hợp với các tổ chức quốc tế và quốc gia mở các khóa học huấn luyện về quyền con người cho các đối tượng khác nhau. Do đó, nhận thức về quyền con người ngày càng được nâng cao. Trong lĩnh vực lập pháp, vấn đề quyền con người luôn luôn được quan tâm, chú trọng hàng đầu và được bảo đảm thực hiện bằng những quy định cụ thể của pháp luật.

Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đưa Chương “Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân” từ Chương V trong Hiến pháp năm 1992 về Chương II trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và đổi tên thành Chương “Quyền con người, quyền nghĩa vụ cơ bản công dân”. Việc thay đổi vị trí nói trên không đơn thuần là một sự dịch chuyển cơ học, một sự hoán vị về bố cục mà là một sự thay đổi về nhận thức. Qua đó để khẳng định rằng, quyền con người là quyền tự nhiên, Nhà nước phải thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm, bảo vệ quyền con người đúng như những công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện quan điểm đề cao nhân tố con người của Đảng và Nhà nước ta.

Quốc hội thông qua Hiến pháp 2013 đồng thời cũng thông qua Nghị quyết thi hành Hiến pháp. Căn cứ Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành kế hoạch thực hiện Hiến pháp và Chính phủ cũng ban hành kế hoạch để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với những danh mục dự án luật rất rõ ràng, quy định thời gian rất cụ thể cho quá trình tổ chức thực hiện sắp tới. Đặc biệt là xác định quyền con người, quyền công dân là một trong hai lĩnh vực được ưu tiên để Quốc hội quan tâm ban hành các luật. Theo dự kiến mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành, Chính phủ cũng căn cứ vào đó đã ban hành kế hoạch, có đến 28 đạo luật sắp tới đây cần được sửa đổi bổ sung, ban hành mới để cụ thể hóa trực tiếp những quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân[1]. Trong đó, Luật Hôn nhân và gia đình cũng là một trong những đạo luật liên quan đến quyền con người cần được sửa đổi, bổ sung và thông qua trong thời gian sớm nhất, góp phần thực hiện có hiệu quả những quyền cụ thể của con người.

1. Sự cần thiết của việc đảm bảo tốt hơn quyền con người trong Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình

Việc sửa đổi Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 được đặt ra trong bối cảnh quyền con người được tôn trọng và bảo vệ một cách cao nhất trong rất nhiều lĩnh vực ở các nước trên thế giới. Do đó, thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn quyền con người là yêu cầu cấp thiết trong Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi (sau đây gọi tắt là Dự thảo). Điều đó xuất phát từ những lý do sau đây:

Thứ nhất, Luật Hôn nhân và gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, nó không chỉ là tuyên ngôn về chính trị – pháp lý, mà còn góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền con người, quyền công dân. Những quyền cơ bản của con người được cụ thể hóa trong lĩnh vực pháp luật hôn nhân và gia đình là quyền được bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt đối xử; quyền không bị xâm phạm về đời sống riêng tư, gia đình; quyền kết hôn và lập gia đình không phụ thuộc vào lý do dân tộc, quốc tịch hay tôn giáo; nam, nữ bình quyền khi kết hôn, trong đời sống vợ chồng và khi ly hôn; quyền về sở hữu tài sản của cá nhân, của vợ chông và của gia đình; quyền không bị tước đoạt tài sản; quyền làm cha, làm mẹ, làm con…

Thứ hai, Việt Nam đang từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện quyền con người, đặc biệt ngày 28/11/2013 Quốc hội vừa thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) trong đó đặc biệt đề cao quyền con người. Do vậy, pháp luật điều chỉnh các quan hệ về hôn nhân và gia đình cũng cần thay đổi cho phù hợp với Hiến pháp – đạo luật cơ bản nhất của nhà nước ta.

Thứ ba, nước ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường, bên cạnh những ưu điểm, thì xuất hiện những thách thức mới (như: Gia đình và xã hội bị chi phối bởi sự phân hóa giàu – nghèo, địa vị xã hội, nghề nghiệp…) cần phải giải quyết góp phần bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân.

Thứ tư, Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành mặc dù đã điều chỉnh có hiệu quả nhiều quan hệ về hôn nhân và gia đình phát sinh trong thực tiễn, nhưng vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Một số quy định liên quan đến thực hiện quyền con người, đặc biệt là về bình đẳng giới còn mang tính hình thức, không thực chất và không khả thi; một số vấn đề hôn nhân và gia đình chưa được luật quy định cụ thể hoặc không quy định dẫn tới người dân khó tiếp cận hoặc không được bảo vệ quyền của mình một cách kịp thời, khó khăn trong việc lựa chọn những ứng xử tốt nhất cho mình về hôn nhân và gia đình (cụ thể như trong vấn đề giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn; cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính; vấn đề mang thai hộ; ly thân; chế độ tài sản theo thỏa thuận…).

Thứ năm, quyền con người là quyền tự nhiên, do đó Nhà nước cần phải thừa nhận, tôn trọng và cam kết bảo đảm, bảo vệ quyền đó đúng như những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên (như Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945, Tuyên ngôn Thế giới về nhân quyền 1948, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1966, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa 1966, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước về quyền trẻ em…)

2. Quyền con người trong nội dung của Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi

Đảm bảo quyền con người trong Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi nhằm tạo cơ hội cho các chủ thể trong quan hệ hôn nhân và gia đình được tiếp cận và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của mình, góp phần loại bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu cản trở việc thực hiện quyền con người về hôn nhân và gia đình; phù hợp với các quy định của Hiến pháp mới trong việc tôn trọng, bảo vệ quyền con người; đồng bộ với các luật hiện hành khác có liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình, đặc biệt là Bộ luật Dân sự năm 2005; ngoài ra, còn đảm bảo sự tương thích giữa pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi kế thừa những điểm tích cực của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, đồng thời bổ sung nhiều điểm mới, tiến bộ, phản ánh nhận thức đầy đủ hơn về quyền con người, thể hiện cụ thể ở những nội dung sau:

Về những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân, Dự thảo đã kế thừa quy định của Luật Hôn nhân và gia đình các năm 1959, 1986, 2000, theo đó, hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng; hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, các tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ; vợ chồng có trách nhiệm thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Cha, mẹ, con và các thành viên khác trong gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau. Kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam về hôn nhân và gia đình. Nhà nước và xã hội không thừa nhận mọi sự phân biệt đối xử đối với các con.Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật thực hiện các quyền về hôn nhân và gia đình; giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ.

Về áp dụng tập quán trong hôn nhân,Điều 6 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về vấn đề này mang tính nguyên tắc là những phong tục, tập quán thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình thì được tôn trọng và phát huy. Còn Dự thảo sửa đổi thành những quy định có tính chất thực tiễn, mang tính chất căn cứ, điều kiện pháp lý cụ thể hơn, theo đó tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc mà không trái với những nguyên tắc, không vi phạm các điều cấm của Luật Hôn nhân và gia đình, trong đó có vấn đề quyền con người, thì được áp dụng trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định nhưng các bên đã tự nguyện thực hiện quyền, nghĩa vụ về hôn nhân và gia đình theo tập quán.

Về kết hôn, sửa đổi tuổi kết hôn theo hướng nam, nữ đủ 18 tuổi trở lên. Quy định độ tuổi kết hôn của cả nam lẫn nữ từ đủ 18 tuổi trở lên là để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của Luật hôn nhân và gia đình với quy định của Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự trong công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự. Theo pháp luật dân sự hiện hành, cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên là người đã thành niên và có quyền tham gia tất cả các quan hệ dân sự và tố tụng dân sự, trừ khi họ ở tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Ngoài ra, ở độ tuổi này, cá nhân cũng có thể được pháp luật ghi nhận là có năng lực pháp lý để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong các quan hệ xã hội khác ngoài lĩnh vực dân sự; việc quy định độ tuổi kết hôn cũng cần phải có sự đồng bộ, thống nhất với các cam kết quốc tế của Việt Nam về trẻ em và bình đẳng giới. Theo Điều 16.2 Công ước về chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) mà Việt Nam là thành viên thì “việc hứa hôn và kết hôn của trẻ em phải bị coi là không có hiệu lực và tất cả các hành động cần thiết kể cả lập pháp phải được tiến hành nhằm quy định tuổi tối thiểu có thể kết hôn và bắt buộc phải đăng ký kết hôn trong hồ sơ chính thức”.

Quy định việc giải quyết quan hệ tài sản trong trường hợp nam, nữ sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn phải đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con, theo đó, quan hệ tài sản được giải quyết theo nguyên tắc dựa trên sự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận thì giải quyết theo pháp luật dân sự, có ưu tiên bảo vệ phụ nữ, trẻ em, người thực hiện các công việc gia đình; công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập. Ngoài ra, Dự thảo còn được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Không quy định về cấm kết hôn đối với người mất năng lực hành vi dân sự (mà chuyển thành một điều kiện kết hôn và có sửa đổi bổ sung); Dự thảo sửa đổi quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính thành “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”, đồng thời quy định cụ thể nguyên tắc giải quyết quan hệ chung sống như vợ chồng giữa họ; quy định cụ thể đường lối giải quyết đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật.

Về quan hệ giữa vợ và chồng, bổ sung vợ chồng có nghĩa vụ cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình; có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và các lý do chính đáng khác. Dự thảo quy định nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng “thỏa thuận” chứ không phải “lựa chọn” như Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000. Ngoài ra, Dự thảo quán triệt quan điểm vợ chồng có quyền định đoạt về tài sản của mình, nguyên tắc được đề ra đó là vợ chồng có quyền lựa chọn chế độ tài sản theo luật định hoặc theo thỏa thuận và chỉ trong trường hợp vợ chồng không có thỏa thuận về xác lập chế độ tài sản hoặc thỏa thuận đó bị Tòa án tuyên bố vô hiệu thì chế độ tài sản theo luật định mới được áp dụng. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 chỉ dự liệu một chế độ tài sản áp dụng chung cho tất cả các cặp vợ chồng (chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định). Theo đó, mọi tài sản do mỗi bên vợ, chồng có được trong thời kỳ hôn nhân (trừ những tài sản mà mỗi bên được tặng cho riêng, được thừa kế riêng là tài sản riêng) đều thuộc sở hữu chung của vợ chồng; vợ và chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, định đoạt tài sản chung; đối với một số giao dịch liên quan đến tài sản chung, việc một bên vợ, chồng thực hiện phải có sự đồng ý của của người kia. Như vậy, theo Luật hôn nhân và gia đình thì vợ chồng không có quyền thỏa thuận để xác lập một chế độ tài sản trong hôn nhân khác với chế độ tài sản theo luật định này. Có thể nói rằng, chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định phù hợp với quan niệm và tình trạng kinh tế trong phần lớn các gia đình ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc áp đặt một chế độ tài sản trong hôn nhân cho tất cả các cặp vợ chồng là cứng nhắc, không đáp ứng được nhu cầu của một số cặp vợ chồng muốn thực hiện một chế độ tài sản phù hợp với tình trạng kinh tế của họ và gia đình, đồng thời không đảm bảo quyền tự định đoạt của người có tài sản được quy định trong Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Về nguyên tắc, mỗi cá nhân có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của mình theo ý chí của mình, miễn sao không xâm phạm lợi ích của người khác, không trái với đạo đức xã hội. Mặt khác, việc chỉ áp dụng một chế độ tài sản theo luật định cho tất cả các trường hợp không đáp ứng được nhu cầu của một số cặp vợ chồng. Thực tế, có những trường hợp mà hai người kết hôn muốn tất cả tài sản mà mỗi bên có trước khi kết hôn cũng như trong thời kỳ hôn nhân đều là tài sản chung của vợ chồng; ngược lại, có những trường hợp mà người kết hôn có nhiều tài sản riêng có nguồn gốc từ gia đình mình, có con riêng hoặc vì lý do kinh doanh riêng, nên muốn thực hiện một chế độ tách riêng tài sản và thỏa thuận với nhau về việc đóng góp cho đời sống chung của gia đình. Chính vì vậy, để đáp ứng đòi hỏi của việc thực hiện các quan hệ tài sản của vợ chồng hiện nay, chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận cần được thừa nhận, song song với chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định. Xác lập chế độ tài sản theo thỏa thuận hay không là quyền của vợ chồng, mà không phải là quy định bắt buộc. Nếu không có thỏa thuận về vấn đề này, chế độ tài sản theo luật định sẽ đương nhiên được áp dụng.Cũng cần nói thêm rằng, trong Báo cáo tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình, rất nhiều Bộ, ngành và địa phương đã có ý kiến cho rằng việc lập thỏa thuận về tài sản trước hôn nhân là cần thiết, là cách ứng xử công bằng và tiến bộ. Đó là cơ sở để bảo vệ tài sản riêng của từng cá nhân, và điều đó sẽ cho phép vợ chồng có kế hoạch dự trù tài sản riêng hay tài sản chung trong hôn nhân, giúp giảm thiểu xung đột và tiết kiệm được án phí tranh tụng trong trường hợp ly hôn… Thêm vào đó, việc lập hôn ước có thểcủng cố vững chắc quan hệ vợ chồng, bởi nếu hiểu rõ ràng ý kiến của nhau về tiền bạc, tài sản sẽ giúp cuộc hôn nhân lâu bền hơn. Bên cạnh đó, việc thỏa thuận tài sản trước khi kết hôn còn bảo đảm cho một cam kết hôn nhân thực sự chứ không vì hôn nhân vụ lợi[2]. Nó làm giảm tranh chấp khi ly hôn[3].

Ngoài ra, Dự thảo còn quy định các nguyên tắc chung về chế độ tài sản của vợ chồng, vợ chồng có quyền thỏa thuận về thời điểm xác lập, có hiệu lực; hình thức, nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản trong hôn nhân… một bên vợ, chồng có quyền thực hiện các giao dịch hợp pháp nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình, có quyền mở tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán nhân danh cá nhân mình mà không cần sự đồng ý của người kia. Trong trường hợp một bên vợ, chồng đang chiếm hữu một bất động sản không có đăng ký quyền sở hữu mà xác lập giao dịch với người thứ ba ngay tình, thì bên vợ, chồng đó được coi là có quyền thực hiện giao dịch.

Quan hệ giữa cha mẹ và con, sửa đổi, bổ sung quy định về: Nguyên tắc bảo hộ quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con; quyền có tài sản riêng của con; nghĩa vụ của con đã thành niên khi sống cùng cha mẹ; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ trong quản lý tài sản riêng của con. Để cụ thể hóa nguyên tắc Nhà nước và xã hội không thừa nhận sự phân biệt đối xử về giới và mọi sự phân biệt đối xử khác giữa các con trong gia đình, đồng thời cũng để có nguyên tắc chung trong bảo hộ quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con, dự thảo Luật quy định con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có những quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình; giữa con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi có các quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con được quy định ở Luật hôn nhân và gia đình, Luật Nuôi con nuôi, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan; thỏa thuận của cha mẹ về nhân thân và tài sản không được vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự, con không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, Dự thảo bổ sung quy định về xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Theo đó, con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm được sinh ra. Trong trường hợp việc mang thai hộ không tuân thủ quy định về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì người mang thai hộ là mẹ của con được sinh ra. Các bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có quyền được tôn trọng, bảo vệ về bí mật đời tư, các quyền riêng tư khác, danh dự, nhân phẩm, uy tín.

Về ly hôn,để tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án giải quyết trường hợp người bị tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ hành vi đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ, dự thảo Luật đưa ra quy định cho phép cha, mẹ, người thân thích khác của người này có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn để bảo vệ quyền lợi cho họ.

Ngoài ra, để bảo vệ tốt hơn quyền của người vợ sinh con, dự thảo mở rộng hơn quy định của Luật hiện hành về hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng, theo đó, người chồng chỉ có quyền yêu cầu ly hôn sau khi vợ đã sinh con được mười hai tháng.

Dự thảo bổ sung quy định về ly hôn theo yêu cầu của vợ hoặc chồng. Để khắc phục những bất cập, khó khăn trong thực tiễn xét xử, dự thảo quy định cụ thể về căn cứ ly hôn, trong đó lỗi của vợ, chồng được tính đến (vợ, chồng vi phạm thường xuyên, nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng; vợ, chồng vi phạm nghĩa vụ sống chung; bạo lực gia đình và các căn cứ khác làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được).

Về ly thân, đây là chế định mới được bổ sung mà Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không quy định. Ly thân là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng hoặc vì nhiều lý do khác nhau mà nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn ly thân như là giải pháp để giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ hôn nhân giữa họ với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng của người dân trong việc lựa chọn cách ứng xử phù hợp nhất với điều kiện, hoàn cảnh của gia đình và của bản thân. Pháp luật không thể né tránh thực tiễn và nhu cầu này của người dân, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em. Trong thực tiễn đời sống xã hội, khi cần ly thân, người dân có thể có nguyện vọng lựa chọn giải quyết ly thân theo hai phương thức: ly thân thực tế hoặc ly thân pháp lý, nếu thấy việc ly thân pháp lý mang lại lợi ích cho mình thì họ mong muốn có sự công nhận của Nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định về ly thân cho nên nguyện vọng chính đáng trên không thực hiện được. Việc Luật Hôn nhân và gia đình công nhận, thực hiện quyền yêu cầu của người dân về ly thân thực chất là cụ thể hóa quy định của Luật hiện hành về trách nhiệm của Nhà nước có chính sách, biện pháp tạo điều kiện để người dân xác lập hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, trong đó có quyền tự nguyện giải quyết mâu thuẫn trong đời sống hôn nhân của mình. Mặt khác, tạo cơ sở pháp lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết yêu cầu của người dân về ly thân, qua đó, vừa bảo đảm được quyền, lợi ích hợp pháp của người dân vừa góp phần ổn định các quan hệ gia đình và các quan hệ xã hội khác có liên quan. Thực tế, Tòa án nhân dân tối cao đã có kết luận tại Hội nghị tổng kết ngành Tòa án nhân dân năm 1995, theo đó, trong trường hợp có yêu cầu giải quyết ly thân thì Tòa án không thụ lý để giải quyết yêu cầu ly thân do Luật Hôn nhân và gia đình chưa có quy định[4]. Việc công nhận quyền yêu cầu ly thân của vợ, chồng trong trường hợp này góp phần công khai, minh bạch về tình trạng hôn nhân. Qua đó, giúp ổn định các quan hệ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, chồng, con, các thành viên khác trong gia đình và những người khác (người thứ ba ngay tình) trong xã hội[5]. Theo đó, Dự thảo quy định về giải quyết yêu cầu ly thân của vợ chồng theo hướng vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu ly thân; hiệu lực của ly thân; chấm dứt ly thân; giải quyết yêu cầu ly hôn trong thời gian vợ chồng ly thân…

Qua những phân tích trên đây có thể thấy rằng, Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi đã cụ thể hóa được những quyền cơ bản của con người, hy vọng rằng khi đi vào cuộc sống, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi sẽ phát huy được vài trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền con người, quyền công dân.

Bùi Huyền

Tài liệu tham khảo

1. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000;

2. Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi;

3. Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.



[1] http://baodientu.chinhphu.vn/Hoat-dong-Bo-nganh/Uu-tien-ban-hanh-cac-luat-ve-quyen-con-nguoi/194238.vgp

[2] Bản thuyết minh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

[3] Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các UBND thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, các UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Tây Ninh, Hà Nam, Yên Bái, Quảng Bình, Đăk Nông, Kiên Giang…

[4]Tại Hội nghị Tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1995, Tòa án nhân dân tối cao đã có kết luận: “Luật hôn nhân và gia đìnhkhông quy định Tòa án thụ lý và giải quyết yêu cầu ly thân, nhưng Điều 18 Luật hôn nhân và gia đìnhquy định, khi hôn nhân tồn tại, nếu một hoặc các bên yêu cầu và có lý do chính đáng thì có thể chia tài sản chung vợ chồng. Trong trường hợp này thông thường quan hệ vợ chồng đã rạn nứt, các đương sự thực tế đã ly thân. Khi chia tài sản nếu họ đặt vấn đề Tòa án xác nhận tình trạng ly thân thì Tòa án có thể xác nhận. Nếu các đương sự chỉ đơn thuần xin ly thân thì Tòa án giải thích cho họ tự định đoạt mà không thụ lý giải quyết cho ly thân hay không”.

[5] Bản thuyết minh Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191