Phân biệt công chứng và chứng thực theo Luật Công chứng 2006

Theo Luật công chứng ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2007, chúng ta có thể phân biệt bởi hai điểm chính sau đây:

Thứ nhất, về khái niệm

Công chứng là chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Chứng thực là việc căn cứ vào bản chính để chứng thực bản sao là đúng với bản chính hoặc chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản của người yêu cầu chứng thực.

Qua khái niệm trên, cho chúng ta thấy rõ công chứng được thực hiện đối với hợp đồng, giao dịch và người chứng nhận phải đảm bảo nội dung, phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp. Còn chứng thực chỉ thực hiện đối với bản sao, đối với chữ ký trong các giấy tờ của người yêu cầu và người chứng nhận không đề cập đến nội dung.

Thứ hai, về thẩm quyền

Đối với công chứng:

Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng (bao gồm: Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng) có thẩm quyền công chứng các hợp đồng, giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở; công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản là bất động sản; công chứng hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Đối với chứng thực:

Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện (bao gồm: huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh) có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài.

Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã (bao gồm: xã, phường, thị trấn) có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Như vậy, công chứng hợp đồng, giao dịch do cơ quan bổ trợ tư pháp (cụ thể là: Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng) thực hiện. Còn chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký do cơ quan hành chính Nhà nước (cụ thể là: UBND cấp xã, Phòng Tư pháp cấp huyện) thực hiện. Thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký không phụ thuộc vào nơi cư trú của người yêu cầu chứng thực.

 

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191