Phân tích Tội cưỡng dâm

TỘI CƯỠNG DÂM ( ĐIỀU 113)

Cưỡng dâm là hành vi của một người dùng mọi thủ đoạn khiến người lệ thuộc mình hoặc người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với mình.

 

CÁC DẤU HIỆU CỦA TỘI PHẠM

 

  1. Về phía người phạm tội

Nếu ở tội hiếp dâm, người thực hành chỉ có thể là nam giới còn những người khác trong một vụ án có đồng phạm có thể là nữ giới, thì ở tội cưỡng dâm người thực hành có thể bao gồm cả nữ giới. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử người phạm tội là nữ giới rất ít gặp mà chủ yếu vẫn là nam giới.

Người phạm tội cưỡng dâm dùng rất nhiều thủ đoạn khác nhau như : lừa phỉnh, mua chuộc, dụ dỗ, đe doạ hoặc bằng tình cảm, bằng tiền bạc, có khi chỉ là một lời hứa… tức là người phạm tội  không từ một thủ đoạn nào miễn là thực hiện được ý đồ giao cấu với người bị hại hoặc lợi dụng người bị hại đang ở trong tình trạng quẫn bách để họ phải miễn cưỡng giao cấu với mình.

Đối với tội cưỡng dâm, hành vi giao cấu với nạn nhân không chỉ là dấu hiệu khách quan của cấu thành mà nó là dấu hiệu bắt buộc (dấu hiệu cần và đủ). Nếu các dấu hiệu khác đã thoả mãn nhưng chưa có việc giao cấu xảy ra, thì chưa cấu thành tội phạm. Vì vậy đối với tội cưỡng dâm, không có giai đoạn phạm tội chưa đạt. Ví dụ : Trần Công M là giáo viên Trường trung cấp kỹ thuật Y, M có ý định giao cấu với chị Vũ Thị H là học viên của trường, nhiều lần M tìm cách tán tỉnh chị H, nhưng chị H đều làm ngơ. Một lần, M gọi chị H vào phòng mình dụ dỗ mua chuộc, chị H vẫn không chịu, M liền hăm doạ : “Nếu không đồng ý trong kỳ thi tốt nghiệp sẽ bị đánh trượt”. Chị H rất lo lắng, nhiều lần định chiều theo ý M, nhưng chị lại đấu tranh được và quyết định tố cáo hành vi của M. Sau khi thẩm tra, thấy lời tố cáo của chị H là có căn cứ, nhưng vì M chưa giao cấu được với chị H, nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với M về tội cưỡng dâm mà chỉ đề nghị Nhà trường xử lý hành chính đối với M.

  1. Về phía người bị hại

Người bị hại trong vụ án cưỡng dâm cũng có thể là nam giới, nhưng chủ yếu là nữ giới. Dù là nam hay nữ, thì họ phải là người lệ thuộc vào người phạm tội, nếu không phải là người bị lệ thuộc thì cũng phải là người đang ở trong tình trạng quẫn bách.

Người bị lệ thuộc vào người phạm tội cũng giống như sự lệ thuộc trong các tội “Hành hạ người khác”, tội “Bức tử” bao gồm sự lệ thuộc về tinh thần cũng như lệ thuộc về mặt vật chất bắt nguồn từ nhiều quan hệ khác nhau như : cha với con, thầy với trò, thầy thuốc với bệnh nhân, cha cố với con chiên…

Người ở trong tình trạng quẫn bách là người tuy không có mối quan hệ lệ thuộc với người phạm tội, nhưng do nhiều nguyên nhân họ rơi vào trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu với ngươì phạm tội, người rơi vào trong tình trạng này không còn sáng suốt lựa chọn một xử sự bình thường như những người khác hoặc trong lúc bình thường khác.

Dù là người bị lệ thuộc vào người phạm tội hay người ở trong tình trạng quẫn bách thì việc họ giao cấu với người phạm tội là do miễn cưỡng. Sự miễn cưỡng của người bị hại là ý thức chủ quan của họ, nên trong nhiều trường hợp việc xác định nó không phải bao giờ cũng dễ dàng. Có người lúc giao cấu họ không hề miễn cưỡng nhưng sau đó vì một lý do nào đó họ lại tố cáo rằng mình phải miễn cưỡng giao cấu hoặc ngược lại, lúc giao cấu họ đã miễn cưỡng nhưng sau đó họ lại khai là không có sự miễn cưỡng. Vì vậy, để xác định người bị hại có miễn cưỡng giao cấu với người phạm tội hay không cần phải căn cứ vào các tình tiết khách quan của vụ án mà đặc biệt là mối quan hệ lệ thuộc giữa người bị hại với ngươì phạm tội, hoàn cảnh lúc xảy ra việc giao cấu. Ví dụ : Hoàng Thị Kim O vay của Trần Công T 200.000.000đ  để làm vốn đi buôn, nhưng lại bị Phạm Thị L  lừa nên không có khả năng trả nợ cho T; nhiều lần T đến đòi nợ, chị O phải khất lần. Khi biết chị O không có khả năng trả nợ cho mình, T gạ chị O cho y giao cấu thì sẽ cho chị O kéo dài thời gian trả nợ mà không tính lãi. Trước hoàn cảnh quẫn bách này, sau nhiều lần suy nghĩ chị O đã phải miễn cưỡng để cho T giao cấu với mình.

CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

 

  1. Cưỡng dâm một người mà nạn nhân là người đã thành niên (khoản 1 Điều 113)

Đây là trường hợp phạm tội cưỡng dâm thông thường không có các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Người đã thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên, nếu người phạm tội cưỡng dâm những người này thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 1 Điều 113 Bộ luật hình sự có khung hình phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

Theo quy định tại Điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự, thì người có hành vi cưỡng dâm chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu như người bị hại có yêu cầu khởi tố, nếu đã khởi tố rồi mà trước ngày mở phiên toà, họ lại rút yêu cầu khởi tố thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp Viện kiểm sát, hoặc Toà án xét thấy cần thiết vẫn tiến hành tố tụng.

  1. Nhiều người cưỡng dâm một người ( điểm a khoản 2 Điều 113)

Nhiều người cưỡng dâm một người là trường hợp có nhiều người (từ hai người trở lên) dùng thủ đoạn khiến một người lệ thuộc vào những người này hoặc đang trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu.

Trường hợp nhiều người cưỡng dâm một người trên thực tế rất ít xảy ra, vì một người có quan hệ lệ thuộc vào nhiều người và nhiều người này giao cấu với một người bị lệ thuộc vào mình ít khi xảy ra trong thực tiễn, nhưng trường hợp một người cưỡng dâm nhiều người, trong thực tiễn lại xảy ra nhiều và tình tiết “cưỡng dâm nhiều người” được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 ( điều luật chưa được sửa đổi bổ sung vào ngày 10-5-1997), nhưng sau khi điều luật này được sửa đổi thì tình tiết “cưỡng dâm nhiều người” không được quy định nữa mà thay vào đó là tình tiết “phạm tội nhiều lần”. Tuy nhiên “cưỡng dâm nhiều lần” với  “cưỡng dâm nhiều người” không hoàn toàn giống nhau. Ví dụ : Một giám đốc Công ty doạ chuyển công tác hoặc buộc thôi việc để giao cấu với nhiều phụ nữ là nhân viên dưới quyền mình, khi vụ án bị phát hiện vị giám đốc này đã cưỡng dâm tất cả 12 phụ nữ trong Công ty của y nhưng mỗi lần chỉ giao cấu với một người, còn trường hợp “cưỡng dâm nhiều lần” người phạm tội  có thể chỉ cưỡng dâm đối với một người nhưng xảy ra từ hai lần trở lên. Tính chất nguy hiểm của hành vi “cưỡng dâm nhiều người” xét về mọi mặt bao giờ cũng nghiệm trọng hơn trường hợp cưỡng dâm một người mà nhiều lần. Nếu cho rằng trường hợp cưỡng dâm nhiều người cũng nguy hiểm như trường hợp cưỡng dâm nhiều lần đối với một người là không thoả đáng. Chính vì vậy, Bộ luật hình sự năm 1999 tình tiết “cưỡng dâm nhiều người” lại được quy định là tình tiét định khung hình phạt ( điểm c khoản 2 Điều 113)

  1. Cưỡng dâm nhiều lần ( điểm b khoản 2 Điều 113)

Cũng như trường hợp phạm tội nhiều lần đối với các tội phạm khác, phạm tội cưỡng dâm nhiều lần là trường hợp một người đã thực hiện hành vi cưỡng dâm nhiều lần và mỗi lần cưỡng dâm đều có đủ yếu tố cấu thành tội “cưỡng dâm”, nhưng tất cả các lần phạm tội đó đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Phạm tội cưỡng dâm nhiều lần là tất cả những lần cưỡng dâm chỉ đối với một người. Tình tiết phạm tội này, điểm b khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định là “phạm tội nhiều lần“, nay điểm b khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định là “cưỡng dâm nhiều lần” nhưng bản chất không có gì thay đổi, việc quy định như vậy chỉ rõ hơn mà thôi.

  1. Cưỡng dâm nhiều người ( điểm c khoản 2 Điều 113 )

Cưỡng dâm nhiều người là hành vi của một người dùng mọi thủ đoạn khiến nhiều người lệ thuộc mình hoặc nhiều người đang ở trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu. Như trên đã phân tích, tình tiết phạm tội này mới được “tái lập” nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn xét xử, đồng thời thể hiện được tính chính xác trong công tác lập pháp của Nhà nước ta. Khi áp dụng tình tiết phạm tộ này cần chú ý:

Nếu có nhiều người bị cưỡng dâm, trong đó có người bị cưỡng dâm nhiều lần, thì người phạm tội bị truy cứu theo khoản 2 Điều 113 với hai tình tiết “cưỡng dâm nhiều lần” và “cưỡng dâm nhiều người” và hình phạt đối với người phạm tội phải nặng hơn trường hợp cưỡng dâm chỉ có một tình tiết “cưỡng dâm nhiều lần” hoặc “cưỡng dâm nhiều người”  quy định khoản 2 Điều 113.

  1. Cưỡng dâm có tính chất loạn luận ( điểm d khoản 2 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp hiếp dâm có tính chất loạn luân như đối với tội hiếp dâm đã giới thiệu ở trên, nạn nhân bị cưỡng dâm là người cùng dòng máu trực hệ với người phạm tội (như cha mẹ với con, ông bà với cháu); giữa anh chị em cùng cha mẹ hoặc anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha.

Pháp luật coi trường hợp cưỡng dâm có tính chất loạn luân nghiêm trọng hơn trường hợp cưỡng dâm thông thường là nhằm bảo vệ thuần phong mỹ tục của gia đình, giữ gìn đạo đức xã hội.

  1. Cưỡng dâm làm nạn nhân có thai (điểm đ khoản 3 Điều 113 )

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp làm nạn nhân có thai như các trường hợp hiếp dâm làm nạn nhân có thai, tức là việc nạn nhân có thai là hậu quả trực tiếp do hành vi cưỡng dâm của người phạm tội gây ra, nếu cái thai đó lại không phải kết quả của hành vi cưỡng dâm của người phạm tội thì không thuộc trường hợp quy định này, do đó các cơ quan tiến hành tố tụng cần xác định nạn nhân có thai chính là do cưỡng dâm mà có thì người phạm tội mới bị coi là cưỡng dâm là nạn nhân có thai. Trong thực tế không ít trường hợp tuy có hành vi cưỡng dâm, nhưng nạn nhân có thai lại không phải do bị cưỡng dâm mà có mà do việc quan hệ tình dục với ngươì khác rồi nhân việc phát hiện có hành vi cưỡng dâm nên nạn nhân đã khai là có thai với người phạm tội cưỡng dâm. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng không chỉ căn cứ vào lời khai của nạn nhân mà phải đánh giá toàn diện khách quan các tình tiết của vụ án để xác định nạn nhân có thai là do bị cưỡng dâm hay do quan hệ tình dục với người khác mà có.

  1. Cưỡng dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% ( điểm e khoản 2 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp hiếp dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân quy định tại điểm h khoản 2 Điều 111, điểm c khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự, do đó khi xác định trường hợp phạm tội này, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải trưng cầu giám định pháp y để xác định hậu quả do hành vi cưỡng dâm gây tổn hại sức của nạn nhân có tỷ lệ thương tật là bao nhiêu phần trăm (%). Tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% của nạn nhân là tỏn hại sức khoẻ của một người, vì vậy nếu trường hợp người phạm tội cưỡng dâm nhiều người, trong đó mỗi người bị tổn hại sức khoẻ dưới 31% mà tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người trên 31%, thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu theo điểm b khoản 3 Điều 113 với tình tiết “cưỡng dâm nhiều người” mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 113.

  1. Người phạm tội là người tái phạm nguy hiểm ( điểm g khoản 2 Điều 113)

Cũng tương tự như trường hợp tái phạm nguy hiểm khác, người phạm tội cưỡng dâm được coi là tái phạm nguy hiểm nếu đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cưỡng dâm theo khoản 2 và khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội cưỡng dâm.

Nếu người phạm tội cưỡng dâm chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật hình sự thì không coi là tái phạm nguy hiểm, vì khoản 1 Điều 113 Bộ luật hình sự là tội  nghiêm trọng.

Người phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Nhiều người cưỡng dâm một người; cưỡng dâm nhiều lần; cưỡng dâm nhiều người; có tính chất loạn luân ; làm nạn nhân có thai ; gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 31% đén 60%; tái phạm nguy hiểm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 113 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ ba năm đến mười năm tù. So với khoản 3 Điều 112a Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 2 Điều 112 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

  1. Cưỡng dâm gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên ( điểm a khoản 3 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự, cũng như các trường hợp phạm tội gây tổn hại cho sức khoẻ của nạn nhân, chỉ khác nhau ở mức tỷ lệ thương tật. Cưỡng dâm mà gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên là gây tổn hại rất nặng cho sức khoe của nạn nhân. So với khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985, thì tình tiết này là tình tiết mới, vì khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định trường hợp cưỡng dâm gây tổn hại rất nặng cho sức khoẻ của nạn nhân, vì vậy tình tiết phạm tội này chỉ áp dụng đối với hành vi cưỡng dâm xảy ra từ 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 trở đi.

  1. Biết mình nhiễm HIV mà vẫn phạm tội (điểm b khoản 3 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm b khoản 3 Điều 111 và điểm e khoản 3 Điều 112 quy định về tội hiếp dâm và hiếp dâm trẻ em, chỉ khác nhau ở chỗ, người phạm tội trong trường hợp này là phạm tội cưỡng dâm chứ không phải hiếp dâm.

  1. Cưỡng dâm làm nạn nhân chết

Cưỡng dâm làm nạn nhân chết là trường hợp do cưỡng dâm đã gây ra hậu quả nạn nhân bị chết, tức là cái chết của nạn nhân là hậu quả của hành vi cưỡng dâm, nếu nạn nhân chết lại do hành vi khác của người phạm tội thì không thuộc trường hợp này mà tuỳ trường hợp cụ thể mà người phạm tội cưỡng dâm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự hoặc tội vô ý làm chết người theo Điều 98 Bộ luật hình sự.

Cưỡng dâm làm nạn nhân chết thông thường xảy ra trong trường hợp do cương dâm nên làm nạn nhân có thai, rồi do phá thai nên dẫn đến nạn nhân bị chết, khó có trường hợp nạn nhân bị chết do trực tiếp hành vi cưỡng dâm gây ra, nếu có thì cũng chỉ đối với trường hợp cưỡng dâm trẻ em nhưng trường hợp phạm tội cưỡng dâm trẻ em đã được quy định thành một tội độc lập theo Điều 113 Bộ luật hình sự.

  1. Cưỡng dâm làm nạn nhân tự sát

Người bị cưỡng dâm cũng có trường hợp vì nhiều lý do khác nhau nên đã tự sát. Tuy nhiên, khi xác định do bị cưỡng dâm mà nạn nhân tự sát thì người phạm tội mới bị coi là làm nạn nhân tự sát. Thực tiễn xét sử, có những trường hợp nạn nhân tự sát là do những lý do trực tiếp khác chứ không phải do bị cưỡng dâm, bị chồng con, gia đình ruồng bỏ, khinh bỉ, ngược đãi, thậm chí có những hành vi hành hạ xúc phạm đến nhân phẩm của nạn nhân làm cho nạn nhân chán đời tự sát, nhưng nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc gia đình nạn nhân ruồng bỏ là do bị cưỡng dâm thì người phạm tội cưỡng dâm vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về  trường hợp làm nạn nhân tự sát. Nếu nạn nhân tự sát, nhưng nguyên nhân dẫn đến nạn nhân tự sát không liên quan gì đến hành vi cưỡng dâm của người phạm tội thì không thuộc trường hợp cưỡng dâm làm nạn nhân tự sát. Ví dụ : Chị H là sinh viên trường đại học bị Đoàn Văn Ph cưỡng dâm trong lúc chị H đang yêu anh Đinh Thế A, biết chị H bị cưỡng dâm nhưng anh A vẫn yêu chị H và quyết tâm lấy chị H làm vợ. Ngay từ khi chị H và A yêu nhau, gia đình chị H đã phản đối muốn gả H cho một người giầu có. Sau khi tốt nghiệp, bố mẹ chị H bắt chị H về để gả cho người mà gia đình đã hứa, chị H đã viết một lá thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử.

Người phạm tội cưỡng dâm làm nạn nhân tự sát, không nhất thiết nạn nhân phải chết mà chỉ cần nạn nhân có hành vi tự sát là người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự.

Cưỡng dâm thuộc các trường hợp gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên; biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội; làm nạn nhân chết hoặc tự sát thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ bảy năm đến mười tám năm tù. So với khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1985 thì khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, nên những hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 3 Điều 113 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

  1. Cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đén dưới 18 tuổi ( khoản 4 Điều 113)

Trường hợp phạm tội này được tách từ tội cưỡng dâm người chưa thành niên quy định tại Điều 113a Bộ luật hình sự năm 1985, còn tội cưỡng dâm người chưa thành niên quy định tại Điều 112a được đỏi thành tội cưỡng dâm trẻ em.

Cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đén dưới 18 tuổi được xác định bởi tuổi thật của nạn nhân mà không phụ thuộc vào nhận thức của người phạm tội, căn cứ dể xác định tuổi của nạn nhân là giấy khai sinh, trường hợp không có giấy khai sinh thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ và các tài liệu có liên quan đến tuổi của nạn nhân để xác định tuổi thật của nạn nhân. trường hợp đã làm hết cách mà không xác định được tuổi thật của nạn nhân, thì áp dụng phương pháp có lợi cho người phạm tội như đã giới thiệu ở tội hiếp dâm trẻ em quy định tại Điều 112 Bộ luật hình sự.

 Cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đén dưới 18 tuổi, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 4 Điều 113 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù.

Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 113, thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử phạt theo khung hình phạt của khoản 2 hoặc khoản 3 của Điều 113 Bộ luật hình sự. Đây là quy định có tính chất chỉ dẫn. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng khi đã xác định người phạm tội Cưỡng dâm người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đén dưới 18 tuổi, thì phải áp dụng khoản 4 Điều 113 Bộ luật hình sự và nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 của điều 113 thì phải xác định đó là trường hợp phạm tội quay định tại điểm nào của khoản nào để áp dụng hình phạt của khoản nào đối với người phạm tội.

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội cưỡng dâm theo quy định tại Điều 113 còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm quy định tại khoản 5 Điều 113 Bộ luật hình sự.

Tham khảo thêm:


TỔNG ĐÀI LUẬT SƯ 1900 0191 - GIẢI ĐÁP PHÁP LUẬT TRỰC TUYẾN MIỄN PHÍ MỌI LÚC MỌI NƠI
Trong mọi trường hợp do tính cập nhật của văn bản biểu mẫu pháp luật và sự khác nhau của từng tình huống, việc tự áp dụng sẽ dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Công ty luật LVN

1900.0191