Thời hiệu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính
04/03/2014
Thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã chứng minh rằng việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính là hiệu quả và thiết thực, đó không chỉ là những biện pháp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại hay khắc phục hậu quả, mà còn là hình thức nhằm đảm bảo trật tự quản lý hành chính nhà nước. Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc Hội thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012, thay thế Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính đã quy định bổ sung thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả, quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn về nguyên tắc áp dụng, thẩm quyền ra quyết định và thời hạn thi hành biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, Luật không có điều khoản nào quy định cụ thể về thời hiệu áp dụng biện pháp này, do vậy trong quá trình thực thi có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến sự không thống nhất. Cụ thể, có ý kiến cho rằng thời hiệu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính là thời hiệu xử lý vi phạm hành chính được quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Quan điểm này căn cứ vào giải thích từ ngữ tại Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính, khoản 2 Điều này giải thích như sau: “Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính”.Theo quy định này thì biện pháp khắc phục hậu quả được hiểu là một hình thức xử phạt vi phạm hành chính ngoài các hình thức xử phạt quy định tại Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại khoản 1 Điều 6 Luật này được áp dụng cả đối với biện pháp khắc phục hậu quả. Theo đó, thời hiệu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với vi phạm hành chính thông thường là 01 năm. Đối với các trường hợp vi phạm hành chính về kế toán; thủ tục thuế; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, hải sản; quản lý rừng, lâm sản; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi là 02 năm. Ngoài ra, vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế như: trốn thuế, gian lận thuế, nộp chậm tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế thì áp dụng thời hiệu theo quy định của pháp luật về thuế.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng mặc dù Luật Xử lý vi phạm hành chính không có điều khoản quy định cụ thể về thời hiệu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả nhưng việc áp dụng biện pháp này được hiểu là vô thời hạn. Quan điểm này căn cứ vào khoản 2 Điều 65 như sau:. “Đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này, người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng có thể ra quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này”.Điểm c Điều 65 quy định những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bao gồm “Hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 6 hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt quy định tại khoản 3 Điều 63 hoặc khoản 1 Điều 66 của Luật này’. Căn cứ vào những quy định này có thể hiểu rằng, một hành vi vi phạm hành chính nếu hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính hoặc hết thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ không bị ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng người có thẩm quyền vẫn có thể ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Do việc ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không bị giới hạn bởi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính và thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nên được hiểu là vô thời hạn, có nghĩa rằng người có thẩm quyền có thể ra quyết định áp dụng biện pháp này bất cứ thời điểm nào kể từ thời điểm chấm dứt hoặc phát hiện hành vi vi phạm.
Tác giả cho rằng cách hiểu của ý kiến thứ hai là hợp lý hơn với thực tiễn và ý nghĩa của việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong xử lý vi phạm hành chính đó là nhằm hạn chế và khắc phục những hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra. Do vậy, mặc dù trong những trường hợp không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng do hành vi vi phạm hành chính đã để lại hậu quả nhất định cho xã hội, vì vậy tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm đối với hậu quả do hành vi vi phạm của mình gây ra. Tuy nhiên, để có sự thống nhất về thời hiệu áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, đảm bảo người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp này đúng thời điểm, mục đích để phát huy hiệu quả của nó, cũng như hạn chế sự tùy tiện trong quá trình xử lý vi phạm hành chính, pháp luật cần phải có quy định, giải thích rõ ràng hơn về vấn đề này.
Trần Thị Túy
Tham khảo thêm:
- Vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự hiện nay
- Một số vấn đề về chủ thể tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
- Trao đổi về vấn đề xử lý vật chứng, tài sản trong thi hành án dân sự
- Tham gia hoạt động tố tụng của trợ giúp viên pháp lý
- Người không quốc tịch – Thực trạng và giải pháp
- Quyền trẻ em trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
- Từ những quy định pháp luật về mang thai hộ – Quan niệm thế nào về huyết thống và mẹ
- “Kiềng ba chân” – Một giải pháp hữu hiệu trong giải quyết tình trạng chậm thời gian cấp phiếu lý lịch tư pháp
- Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 – Cơ sở pháp lý bảo vệ tài nguyên, môi trường và phát triển bền vững biển, đảo Việt Nam
Để được tư vấn hướng dẫn trực tiếp cho tất cả các vướng mắc, đưa ra lời khuyên pháp lý an toàn nhất, quý khách vui lòng liên hệ Luật sư - Tư vấn pháp luật qua điện thoại 24/7 (Miễn phí) số: 1900.0191 để gặp Luật sư, Chuyên viên tư vấn pháp luật.